Tehran từ chối tiến hành cuộc gặp không chính thức với Mỹ và các nước châu Âu khác để thảo luận về cách thức khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran 2015. (Nguồn: Getty Images) |
Truyền thông Iran dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Saeed Khatibzadeh cho biết: "Dựa trên những hành động và tuyên bố gần đây của Mỹ và ba cường quốc châu Âu, Iran không cho rằng hiện tại là thời điểm phù hợp để tổ chức cuộc gặp không chính thức với các nước này, theo đề xuất của Đại diện cấp cao phụ trách chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU)".
Tehran đồng thời nhấn mạnh, Mỹ phải dỡ bỏ tất cả các lệnh trừng phạt đơn phương của mình nhằm vào nước Cộng hòa Hồi giáo này.
Trong một phản ứng, Mỹ cùng ngày đã bày tỏ thất vọng trước việc Iran loại bỏ ý tưởng tiến hành cuộc họp không chính thức với Mỹ và các cường quốc châu Âu.
Tuy nhiên, một người phát ngôn Nhà Trắng khẳng định, Washington vẫn "sẵn sàng trở lại tham gia hoạt động ngoại giao có ý nghĩa nhằm mục đích đưa các bên cùng trở lại tuân thủ các cam kết trong JCPOA (thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015 hay còn gọi là Kế hoạch Hành động chung toàn diện)
Theo đó, Mỹ sẽ tham vấn với các bên tham gia khác trong thỏa thuận với Iran, gồm Anh, Trung Quốc, Pháp, Đức và Nga, để tìm biện pháp tốt nhất thúc đẩy vấn đề này.
Cũng trong ngày 28/2, truyền thông Iran dẫn lời người đứng đầu Tổ chức Năng lượng Nguyên tử Iran (AEOI) Ali Akbar Salehi cảnh báo, Tehran sẽ đáp trả thích đáng trong trường hợp ban lãnh đạo Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) ra nghị quyết nhằm vào việc Iran đình chỉ thực hiện Nghị định thư Bổ sung liên quan tới hoạt động thanh sát các cơ sở hạt nhân.
Động thái của người đứng đầu AEOI được đưa ra 1 ngày trước khi ban lãnh đạo IAEA dự kiến tiến hành một phiên họp trong ngày 1/3 để thảo luận về vấn đề hạt nhân Iran.
Trước đó, Iran đã tạm dừng thực thi Nghị định thư Bổ sung của Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT). Iran cũng chính thức bắt đầu hạn chế các cuộc thanh sát của IAEA với các cơ sở hạt nhân của nước này.
Đây là những bước đi nhằm đáp trả các biện pháp trừng phạt mà Mỹ đã tái áp đặt với Iran sau khi rút khỏi JCPOA vào năm 2018.
Trong diễn biến liên quan, trước cuộc họp của IAEA, Đại diện thường trực của Nga Mikhail Ulyanov đã kêu gọi ban lãnh đạo IAEA theo đuổi cách tiếp cận "có trách nhiệm", bởi điều này sẽ đóng vai trò tiên quyết đối với những diễn biến có liên quan tới chương trình hạt nhân Iran và triển vọng khôi phục thỏa thuận hạt nhân năm 2015.