📞

Thỏa thuận hạt nhân Iran có lợi cho châu Á

07:40 | 17/07/2015
Thỏa thuận lịch sử đạt được giữa Iran và các thành viên nhóm P5+1 hôm 14/7 vừa qua là một sự trao đổi. Trong đó, Iran hạn chế hoạt động hạt nhân của mình, đổi lại, các nước P5+1 phải nới lỏng lệnh trừng phạt quốc tế đối với Tehran. Không chỉ mở ra kỷ nguyên mới giữa các bên tham gia đàm phán, Thỏa thuận này còn có ý nghĩa đối với phần còn lại của thế giới.
Những bến cảng dầu tại Chabahar, Đông Nam Iran (Nguồn: Reuters)

Một số người bảo thủ của Mỹ cho rằng, Thỏa thuận sẽ khuyến khích Iran và những nước như Bắc Triều Tiên táo bạo hơn trong hoạt động hạt nhân. Do vậy, họ đã gay gắt phản đối Thỏa thuận. Quốc hội Mỹ có 60 ngày để xem xét thông qua Thỏa thuận này, mặc dù Tổng thống Obama tuyên bố, ông sẽ phủ quyết bất cứ nỗ lực nào nhằm ngăn chặn việc thực hiện Thỏa thuận.

Cho tới nay, những phân tích xung quanh tác động rộng hơn của Thỏa thuận chủ yếu tập trung vào các mối quan hệ của Tehran với phương Tây. Tuy nhiên, việc nới lỏng cấm vận với Iran cũng sẽ đem lại những lợi ích đáng kể cho châu Á.

Trung Quốc sẽ thực hiện việc đẩy mạnh những lợi ích phát triển tại Iran. Ấn Độ và Nhật Bản chắc chắn cũng sẽ khởi động những kế hoạch nhằm gặt hái chiến lợi phẩm từ mảnh đất Trung Đông tiềm năng này. Tựu chung lại, các nền kinh tế của châu Á sẽ hưởng lợi từ việc đầu tư vào Iran cũng như việc sản xuất hydrocarbon của nước này.

Thêm vào đó, việc giảm các biện pháp trừng phạt đối với Iran cho phép nước này xuất khẩu nhiều dầu và khí đốt hơn. Nguồn tài nguyên này vô cùng quan quan trọng đối với châu Á, khu vực tiêu thụ dầu mỏ lớn nhất thế giới. Tổng nhu cầu dầu mỏ của Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ và Hàn Quốc chiếm tới 1/5 nhu cầu dầu mỏ của thế giới. Mặc dù suy thoái kinh tế, Trung Quốc vẫn là nước tiêu thụ dầu mỏ lớn thứ hai thế giới sau Mỹ. Hơn nữa, khi Trung Quốc cố gắng cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính thì nhu cầu về khí gas tự nhiên của nước này lại càng tăng cao.

Hằng Phạm (theo The Nikkei Asian Review)