Theo thỏa thuận DCA, phía Mỹ có quyền tiếp cận và sử dụng các cơ sở của Czech với mục đích thăm viếng, huấn luyện, tiếp nhiên liệu máy bay, bảo dưỡng phương tiện, triển khai các lực lượng vũ trang... (Nguồn: Getty) |
Theo Văn phòng Tổng thống Czech ngày 1/8, Tổng thống Petr Pavel đã ký thông qua thoả thuận DCA với Mỹ, qua đó hoàn tất quá trình phê chuẩn văn kiện hợp tác được Praha đánh giá là góp phần đảm bảo an ninh của đất nước.
Trước đó, Hạ viện Czech bỏ phiếu thông qua DCA với Mỹ hôm 19/7 với số phiếu ủng hộ 115/144 và Thượng viện Czech thông qua ngày 13/7 với số phiếu ủng hộ 66/72. Hiện thoả thuận trên còn cần "gom" chữ ký của Thủ tướng Petr Fiala.
Czech là quốc gia thứ 24 trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và là nước cuối cùng ở sườn phía Đông của liên minh quân sự này ký DCA với Mỹ (ngày 23/5).
Bộ trưởng Quốc phòng Czech Jana Cernochova tuyên bố, DCA minh chứng cho mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước, góp phần tăng cường đảm bảo an ninh cho Praha. Thỏa thuận càng có ý nghĩa trong bối cảnh cuộc xung đột ở Ukraine chưa có hồi kết và châu Âu phải đối mặt nguy cơ chiến tranh cao nhất kể từ sau Thế chiến II.
Theo thỏa thuận, phía Mỹ có quyền tiếp cận và sử dụng các cơ sở của quốc gia Trung Âu với mục đích thăm viếng, huấn luyện, tiếp nhiên liệu máy bay, bảo dưỡng phương tiện, triển khai các lực lượng vũ trang… Thỏa thuận được đàm phán với thời hạn hiệu lực ban đầu là 10 năm.