📞

Thỏa thuận Mỹ - Nhật không như kỳ vọng, ngành nông nghiệp Mỹ đang tìm lối thoát?

Linh Chi 20:30 | 02/10/2019
TGVN. Thỏa thuận thương mại Mỹ - Nhật khó có thể bù đắp thiệt hại mà ngành nông nghiệp Mỹ phải gánh chịu do thương chiến với Trung Quốc.  
Người nông dân trồng đậu nành trên một cánh đồng ở Springfield, Nebraska (Mỹ). (Nguồn: AP)

Chiến lược “chắp vá”

Thỏa thuận thương mại Mỹ - Nhật được ký kết vào tuần trước được xem như một phần của chiến lược giúp nông dân Mỹ bù đắp số lượng hàng xuất khẩu bị mất sang thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, đây chỉ là một chiến lược “chắp vá” bởi bất chấp những nỗ lực đó, Trung Quốc đang chứng tỏ rằng, đây là một thị trường gần như không thể thay thế.

Cụ thể, doanh số xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp của Mỹ sang Trung Quốc trong năm 2019 giảm 7,7 tỷ USD. Trong khi đó, thỏa thuận thương mại với Nhật Bản có thể thúc đẩy xuất khẩu nông nghiệp dưới 3 tỷ USD. Đây là mức chênh lệch khá lớn và thỏa thuận Mỹ - Nhật khó có thể bù đắp số lượng hàng xuất khẩu thiếu hụt này như mong muốn của Tổng thống Trump.

Xuất khẩu nông nghiệp Mỹ trong năm 2019 giảm gần 7% so với năm 2018. Con số này như một đòn giáng vào niềm tin của nông dân nước này trong giai đoạn khó khăn nhất của ngành nông nghiệp, kể từ cuộc khủng hoảng nông nghiệp năm 1980.

Hiện tại, nông dân Mỹ đang nhận được các khoản cứu trợ từ Chính phủ để giúp giảm bớt tổn thất từ ​​cuộc chiến thương mại, nhưng họ đang mất dần kiên nhẫn khi các sản phẩm của mình tiếp tục bị tồn đọng trong kho. Nhiều người cũng mất dần hy vọng trong việc thúc đẩy Tổng thống Trump ký kết một thỏa thuận với Trung Quốc.

Một số ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi các chiến thuật thương mại cứng rắn của Tổng thống Trump, chẳng hạn như người trồng đậu nành nói rằng, họ không thấy được lợi ích từ thỏa thuận với Nhật Bản. Xuất khẩu đậu nành tính đến tháng Bảy vừa qua đã giảm 5,5 tỷ USD so với năm 2018, mất gần 30%. Hiện tại, nông dân Mỹ đang trồng đậu nành ít hơn 10% so với năm 2018.

Ken Morrison, một chuyên gia về thị trường nông nghiệp nhận định, nếu Tổng thống Trump thực sự tin rằng thỏa thuận Mỹ - Nhật có thể bù đắp được khoảng trống từ thị trường Trung Quốc, thì đó chỉ là sự tưởng tượng.

Đối với thịt lợn, Hội đồng sản xuất thịt lợn quốc gia ước tính, tranh chấp thương mại với Trung Quốc đang khiến ngành công nghiệp này tiêu tốn hơn 1 tỷ USD mỗi năm. Năm 2017, Liên hợp quốc dự kiến, Trung Quốc sẽ chiếm 29% mức tăng tiêu thụ thịt toàn cầu tính đến năm 2026, nhiều hơn Bắc Mỹ, phần lớn châu Âu, Australia, Chile, Nhật Bản, Hàn Quốc và các quốc gia khác cộng lại.

Nick Giordano, Phó Chủ tịch của Hiệp hội Thương mại National Pork Producers Council nhận thấy, Trung Quốc có nhiều tiềm năng hơn bất kỳ thị trường xuất khẩu thịt lợn mở rộng nào, đặc biệt là khi dịch tả lợn châu Phi đang "bùng nổ" ở nước này khiến cho nhu cầu về việc nhập khẩu thịt lợn tăng mạnh. "Không thể tìm kiếm được một thị trường thay thế Trung Quốc", ông Nick Giordano khẳng định.

Một số chuyên gia am hiểu về thương mại tiết lộ, thỏa thuận thương mại với Liên minh châu Âu (EU) là một mục tiêu khác của chính quyền Tổng thống Trump. Tuy nhiên, họ cũng chỉ ra mặt trái rằng, thỏa thuận tiềm năng với châu Âu hay thỏa thuận vừa được ký kết với Nhật Bản vẫn không đủ để bù đắp cho những tổn thất nặng nề đối với nông dân Mỹ trong thời gian dài.

Nỗ lực mở cửa thị trường nông nghiệp

Các quan chức ngành nông nghiệp Mỹ cho rằng, cuộc chiến thương mại đang tạo cơ hội để nông dân Mỹ giảm bớt sự phụ thuộc vào việc kinh doanh, buôn bán nông sản với thị trường Trung Quốc. Bên cạnh đó, họ đang “chạy đua” để tìm kiếm thị trường nhập khẩu nông nghiệp, đặc biệt là ở các khu vực có dân số đông hoặc tăng trưởng nhanh như Đông Nam Á.

Các quan chức thương mại Mỹ - Trung sẽ nối lại cuộc đàm phán cấp cao từ ngày 9-10/10, với nỗ lực đạt được thỏa thuận nhằm nối lại thị trường Trung Quốc cho nông dân Mỹ. Tuy nhiên, chính quyền Mỹ cũng đang “để mắt” đến các tuyến thương mại khác để đề phòng trường hợp hai nền kinh tế lớn nhất thế giới không đưa ra một thỏa thuận chung.

Bộ trưởng Nông nghiệp Mỹ (USDA) Sonny Perdue cho rằng, Mỹ đã trở nên quá phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, đặc biệt là về đậu nành. Các quốc gia có tiềm năng nhập khẩu nông nghiệp Mỹ ở thời điểm này là: Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia và Malaysia.

Quan chức thương mại USDA cũng đã có nhiều chuyến thăm đến một số quốc gia trong nỗ lực mở cửa với các thị trường mới. Điển hình như chuyến thăm Canada trong tháng Chín vừa qua và ba chuyến thăm khác được lên kế hoạch cho năm 2019. Theo đó, các chuyến thăm và làm việc này thường mang lại các thỏa thuận xuất khẩu hàng hóa giữa các công ty Mỹ và khách hàng nước ngoài.

Phó Chủ tịch của Hiệp hội Thương mại National Pork Producers Council Giordano cũng ca ngợi những nỗ lực của chính quyền Trump nhằm mở ra các thị trường nhỏ hơn trên khắp thế giới. Ông Giordano cho rằng, Thái Lan và Ecuador là hai thị trường mà ngành nông nghiệp Mỹ có thể tận dụng cơ hội để trao đổi thương mại.

(theo SCMP)