Thỏa thuận ngũ cốc là một bước tiến tích cực đối với an ninh lương thực thế giới. (Nguồn: AP) |
Các sản phẩm lúa mì, lúa mạch, ngô và dầu hướng dương của Nga và Ukraine là những hàng hóa quan trọng với nhiều quốc gia tại châu Á, châu Phi và Trung Đông. Hàng triệu người dân ở những khu vực này sống dựa vào nguồn thức ăn chính là bánh mì.
Xung đột Nga-Ukraine khiến giá cả thực phẩm và năng lượng tăng cao, hàng triệu người rơi vào cảnh nghèo đói.
Trong bối cảnh đó, hai thỏa thuận được Nga và Ukraine ký kết hồi tháng 7, với sự trung gian của Liên hợp quốc và Thổ Nhĩ Kỳ đã cho phép Kyiv nối lại hoạt động xuất khẩu ngũ cốc qua biển Đen và đảm bảo lương thực và phân bón của Moscow không chịu các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Theo các nhà quan sát, thỏa thuận này giúp đảm bảo hoạt động xuất khẩu lúa mì vốn có vai trò quan trọng với nền kinh tế Nga nói riêng và với chuỗi cung ứng toàn cầu nói chung.
Moscow là nước xuất khẩu lúa mì lớn nhất thế giới và năm nay nước này cũng có vụ mùa bội thu nhất từ trước đến nay.
Trong thỏa thuận, Nga đã yêu cầu Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) thông báo rộng rãi về việc không áp các biện pháp trừng phạt nhằm vào ngành thực phẩm và phân bón của nước này.
Tuy nhiên, ngành nông nghiệp Nga vẫn gặp những khó khăn về nguồn cung thiết bị nông nghiệp do chịu ảnh hưởng gián tiếp từ các lệnh trừng phạt. Moscow cảnh báo, hoạt động xuất khẩu có thể chịu ảnh hưởng.
Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres cam kết sẽ hối thúc các nước phương Tây dỡ bỏ những hạn chế liên quan.