Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết, ông sẵn sàng bắt đầu một vòng đàm phán mới ngay lập tức. (Nguồn: Reuters) |
Trong những tuần lễ diễn ra lễ ký kết thỏa thuận thương mại giai đoạn 1, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết, ông sẵn sàng bắt đầu một vòng đàm phán mới ngay lập tức. Ông chủ Nhà Trắng nhấn mạnh, hiện tại, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang ở một "vị trí tuyệt vời" cho thỏa thuận giai đoạn 2. Tuy nhiên, ông không nói rõ khi nào các cuộc đàm phán này có thể bắt đầu.
Doanh nghiệp Mỹ đặt nhiều kỳ vọng
Ngày 16/1, một ngày sau khi Mỹ và Trung Quốc ký thỏa thuận thương mại giai đoạn 1, doanh nghiệp Mỹ đang thúc giục các cuộc đàm phán cho thỏa thuận giai đoạn 2 - một dấu hiệu thể hiện rằng, các doanh nghiệp này cần phải có một thỏa thuận toàn diện hơn.
Hầu hết các doanh nghiệp Mỹ thừa nhận rằng, thỏa thuận giai đoạn 1, diễn ra sau 18 tháng của cuộc chiến thuế quan, là bước đi đúng hướng. Song, họ cũng bày tỏ lo ngại rằng, phần lớn thuế quan sẽ được giữ nguyên cho đến khi đạt được giai đoạn tiếp theo của hiệp định thương mại.
Để đối phó với sự không chắc chắn, Phòng Thương mại Mỹ, đại diện cho 3 triệu công ty trên toàn ngành công nghiệp nước này đã thúc giục cả hai bên bắt đầu đàm phán thỏa thuận giai đoạn 2 “càng sớm càng tốt”.
Giám đốc điều hành Phòng Thương mại Mỹ Thomas Donohue cho biết, thỏa thuận giai đoạn 2 là cần thiết để giải quyết các mối quan tâm lớn trong các lĩnh vực trợ cấp, thương mại kỹ thuật số và các rào cản phi thuế quan đối với các nhà sản xuất và nhà cung cấp dịch vụ của Mỹ.
Các tập đoàn công nghiệp đại diện cho các công ty hàng tiêu dùng, năng lượng, dịch vụ và công nghệ Mỹ cho biết, họ đã sẵn sàng gặt hái những lợi ích từ cam kết của Trung Quốc trong thỏa thuận mua thêm 200 tỷ USD hàng hóa của Mỹ trong hai năm. Ngoài ra, họ cũng yêu cầu chính quyền Tổng thống Trump khởi động một vòng đàm phán thương mại mới.
Các nhà bán lẻ kêu gọi chính quyền nhanh chóng bắt đầu đàm phán thỏa thuận giai đoạn 2, bởi theo Phó Chủ tịch Hiệp hội các nhà lãnh đạo ngành bán lẻ Mỹ Blake Harden cho biết, các nhà bán lẻ muốn có một thỏa thuận toàn diện giúp đẩy lùi tất cả các mức thuế.
Giám đốc điều hành Viện Dầu khí Mỹ Mike Sommers thì nhấn mạnh: “Tôi mong muốn lãnh đạo hai nước trở lại bàn đàm phán cho đến khi thị trường thương mại năng lượng Mỹ-Trung được khôi phục hoàn toàn và tất cả các mức thuế còn lại được dỡ bỏ”.
Chủ tịch của Liên minh các ngành công nghiệp dịch vụ Mỹ Christine Bliss cũng kỳ vọng rằng, thỏa thuận giai đoạn 2 có thể giải quyết được nhiều vấn đề, đặc biệt là vấn đề trong một loạt các rào cản thương mại ảnh hưởng đến ngành dịch vụ Mỹ.
Theo Giám đốc điều hành tại Hội đồng Công nghiệp Công nghệ Thông tin Mỹ Jason Oxman, Chính quyền Tổng thống Trump đã đạt được thỏa thuận giai đoạn 1 vào thời điểm quan trọng.
Tuy nhiên, ông Oxman, người đã tham gia lễ ký kết thỏa thuận tại Nhà Trắng cho hay, ông hy vọng cả hai nước sẽ có những tiến triển tích cực để đi đến thỏa thuận cuối cùng để giải quyết các vấn đề còn tồn tại mà các công ty Mỹ phải đối mặt ở thị trường Trung Quốc. "Sự không chắc chắn của thị trường vẫn còn cho đến khi các mức thuế quan bị loại trừ vĩnh viễn", ông Oxman khẳng định.
Washington đã phát hành một phiên bản tiếng Anh của văn bản thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 ngay sau khi nó được ký kết tại Nhà Trắng. (Nguồn: Bloomberg) |
Thực tế khó khăn
Dường như, không phụ lòng doanh nghiệp Mỹ, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence thông báo, các cuộc thảo luận về thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung giai đoạn 2 đã bắt đầu chỉ sau vài giờ khi Bắc Kinh và Washington ký thỏa thuận thương mại giai đoạn 1.
Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Fox News, Phó Tổng thống Pence nêu rõ: "Chúng tôi đã bắt đầu thảo luận về thỏa thuận giai đoạn 2". Tuy nhiên, ông không cung cấp thêm thông tin chi tiết.
Đánh giá về tuyên bố trên, giới chuyên gia cho biết, sau khi các cuộc đàm phán sụp đổ vào tháng 4/2019, Mỹ - Trung sẽ gặp phải chặng đường khó khăn hơn khi bước sang giai đoạn đàm phán cho thỏa thuận giai đoạn 2.
Theo đó, ngay sau khi thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 được ký kết, cả hai quốc gia đều muốn quay lại câu chuyện theo ý mình. Washington đã phát hành một phiên bản tiếng Anh của văn bản thỏa thuận này ngay sau khi nó được ký kết tại Nhà Trắng. Trong khi đó, Bắc Kinh lại kiểm soát chặt chẽ thỏa thuận này, các phương tiện truyền thông nhà nước đều im lặng và phiên bản tiếng Trung của thỏa thuận chỉ xuất hiện trên trang web của Bộ Tài chính Trung Quốc 8 giờ sau lễ ký kết.
Bên cạnh đó, Mỹ - Trung cũng đưa ra những dấu hiệu khác nhau về thỏa thuận giai đoạn 2. Cụ thể, ông chủ Nhà Trắng nói rằng, các cuộc đàm phán sẽ bắt đầu ngay lập tức. Trong khi đó, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc, nhà đàm phán chính của Bắc Kinh lại cho rằng, Bắc Kinh ít quan tâm đến điều này bởi theo ông, đó là một lựa chọn khôn ngoan để khởi động một giai đoạn đàm phán mới.
Theo thỏa thuận được ký ngày 15/1, Mỹ đã hủy bỏ một mức thuế được lên kế hoạch cho tháng 12 đối với hàng tiêu dùng của Trung Quốc và sẽ giảm một nửa mức thuế 15% đối với các sản phẩm trị giá 110 tỷ USD kể từ ngày 14/2.
Cũng giống như điều mà doanh nghiệp Mỹ đang lo lắng ở trên, giới doanh nghiệp nhấn mạnh rằng, các rào cản thuế quan vẫn còn đó. Theo nghiên cứu của Viện nghiên cứu Kinh tế Quốc tế Peterson, thuế quan trung bình của Mỹ đối với các sản phẩm Trung Quốc sẽ là 19% sau khi thỏa thuận thương mại chính thức được thực hiện, nhiều gấp 6,3 lần so với mức thuế 3% trước khi Mỹ “châm ngòi” cuộc chiến thương mại.
Theo nhận định về các thỏa thuận trong tương lai của giới chuyên gia, Mỹ có thể "đơn phương hồi sinh thuế quan" nếu họ cho rằng, Trung Quốc không thực hiện đúng các cam kết.
Theo GS. Yiwei Wang tại Đại học Renmin (Trung Quốc), giai đoạn 2 sẽ khó khăn hơn bởi nó liên quan đến cải cách cơ cấu và hệ thống chính trị - xã hội của Trung Quốc. Giai đoạn 1 rất dễ tiếp cận vì nó chỉ xoay quanh các vấn đề về thương mại.
Theo ông Yiwei Wang, đối với Trung Quốc, lệnh “ngừng bắn” với Mỹ có thể dẫn đến các cuộc giao tranh ở một nơi nào đó. Ông Yiwei Wang nhận thấy, khi Trung Quốc chuyển sang nhập khẩu hàng hóa Mỹ thì quốc gia này có thể sẽ phải hủy nhập khẩu hàng hóa của một số đối tác thương mại khác.
Cũng không mấy lạc quan, chuyên gia kinh tế tại Công ty Công nghệ tài chính JD Finance (Trung Quốc) Shen Jianguang nhận định: "Diễn biến thay đổi liên tục của kinh tế và thương mại giữa hai nước kể từ năm ngoái cho thấy, chúng ta vẫn nên cảnh giác với khả năng xảy ra xung đột thương mại trong tương lai. Nhiều dấu hiệu cho thấy, triển vọng về giai đoạn 2 rất mong manh và Mỹ - Trung cần thêm thời gian để đi đến thỏa thuận này”.