📞

Thỏa thuận UAE-Israel: Thủ tướng Netanyahu chỉ 'trì hoãn sáp nhập Bờ Tây', ông Trump đã nắm được tấm vé vàng?

Thế Việt 11:37 | 14/08/2020
TGVN. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu hoan nghênh thỏa thuận do Mỹ làm trung gian nhằm bình thường hóa quan hệ giữa nhà nước Do Thái với Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE).
Thủ tướng Israel Netanyahu tuyên bố chỉ 'trì hoãn sáp nhập Bờ Tây'. (Nguồn: Flash90)

Ngày 13/8, ba nước Mỹ, Israel và UAE thông báo thỏa thuận hòa bình do Mỹ làm trung gian, được biết với tên gọi "Hiệp ước Abraham", sẽ hướng tới việc Israel và UAE bình thường hóa hoàn toàn quan hệ và thiết lập quan hệ ngoại giao. Ngoài ra, Israel sẽ đình chỉ kế hoạch sáp nhập các vùng lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng.

Phát biểu họp báo được phát trên truyền hình, ông Netanyahu nói: "Hôm nay, một thời kỳ mới mở ra trong quan hệ giữa Israel và thế giới Arab".

Tuy nhiên, Thủ tướng Netanyahu cho biết, ông chỉ nhất trí hoãn kế hoạch sáp nhập khu Bờ Tây bị chiếm đóng như một phần thỏa thuận bình thường hóa với UAE, song kế hoạch này vẫn để ngỏ và khẳng định, ông sẽ "không bao giờ từ bỏ quyền với đất đai của chúng tôi".

Cùng ngày, Tổng thống Israel Reuven Rivlin đã gọi thỏa thuận giữa Israel và UAE là một cột mốc lịch sử quan trọng và bày tỏ hy vọng, thỏa thuận này sẽ dẫn tới một sự tin tưởng lớn hơn và hòa bình tại khu vực.

Các chuyên gia nhận định, thỏa thuận hòa bình lịch sử do Mỹ làm trung gian này dường như là thắng lợi riêng của Tổng thống Mỹ Donald Trump về chính sách đối ngoại trước thềm cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11, song các vấn đề trong nước như đại dịch Covid-19, những rào cản kinh tế và xã hội vẫn còn phổ biến.

Giáo sư Lịch sử Trung Đông thuộc Đại học California, Los Angeles (UCLA), ông James Gelvin đánh giá: "Thỏa thuận có thể được coi là chiến thắng của Tổng thống Trump về chính sách đối ngoại, song việc Israel sáp nhập các khu định cư sẽ có nhiều ý nghĩa đối với những người sùng đạo ủng hộ ông Trump. Ngoài ra, không ai quan tâm tới vấn đề này: cuộc bầu cử lần này sẽ được quyết định dựa trên cách xử lý của ông Trump trước dịch Covid-19, những tin tức kinh tế tồi tệ và các vấn đề công lý xã hội".

Giáo sư Eyal Zisser, Hiệu phó Đại học Tel Aviv cũng có chung quan điểm như trên. Khi được hỏi liệu thỏa thuận UAE-Israel có tác động tích cực tới cơ hội tái đắc cử của Tổng thống Trump hay không, ông Zisser không cho rằng, công chúng Mỹ sẽ quan tâm tới vấn đề đối ngoại.

Trong khi đó, về tầm quan trọng của thỏa thuận trong việc bình thường hóa quan hệ giữa nhà nước Do Thái và thế giới Arab, Giáo sư Gelvin lưu ý, một mức độ hợp tác nhất định đã tồn tại từ lâu trước Hiệp ước Abraham, bao gồm các văn phòng thương mại của Israel tại Oman và Qatar cũng như văn phòng năng lượng tái tạo ở UAE.

Theo ông, "thỏa thuận này cho thấy xung đột Israel-Palestine ngày càng trở nên không liên quan ở một khu vực bị chia cắt giữa 2 phe là Saudi Arabia cùng đồng minh với Iran. Liên minh với Saudi Arabia là trung tâm (bao gồm cả UAE) đã tìm thấy một đồng minh tự nhiên là Israel, khi mà nước này cũng đối đầu với Iran. Kẻ thù của kẻ thù là bạn".

Ông Zisser cho rằng, có thể thỏa thuận UAE-Israel được đánh giá là quan trọng do phần lớn được coi là thành tựu lịch sử. Trên thực tế, tới nay hai nước đã hợp tác được một thời gian. Về bề ngoài, đây là một thay đổi lớn.

(theo AFP, Sputnik)