📞

Thoái vốn Nhà nước tại 10 doanh nghiệp lớn: Bước đi “hợp thời”

15:48 | 19/10/2015
Việc mới đây Chính phủ quyết định cho phép SCIC thoái vốn toàn bộ tại 10 doanh nghiệp lớn trong đó có những tên tuổi lớn như Vinamilk, FPT… làm dấy lên sự quan tâm của dư luận.
Vietnam Airlines đang thay đổi mạnh mẽ sau cổ phần hóa. (Nguồn: VNA)

Theo Đề án tái cơ cấu Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), có đến 376 doanh nghiệp nằm trong diện phải thoái vốn đến năm 2015. Chương trình thoái vốn này của Chính phủ nằm trong kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm và năm nay đã là năm cuối trong lộ trình đó. Tuy nhiên, việc mới đây Chính phủ quyết định cho phép SCIC thoái vốn toàn bộ tại 10 doanh nghiệp lớn trong đó có những cái tên như Vinamilk, FPT… khiến thị trường và các nhà đầu tư coi đây như một sự kiện lớn của nền kinh tế.

Theo đó, Chính phủ vừa yêu cầu SCIC chọn thời điểm thích hợp để báo cáo Thủ tướng, quyết định thoái toàn bộ vốn Nhà nước tại một số doanh nghiệp lớn. Theo phương án được phê duyệt, SCIC sẽ thoái hết vốn khỏi 10 doanh nghiệp gồm: Tổng Công ty cổ phần Bảo Minh (Nhà nước nắm 50,7% vốn); Công ty CP sữa Việt Nam Vinamilk (45,1%); Công ty CP FPT (6%); Công ty CP Viễn thông FPT (50,2%); Công ty CP Nhựa Bình Minh (38,4%); Công ty CP Nhựa Thiếu niên Tiền phong (37,1%); Công ty CP Xuất nhập khẩu Sa Giang (49,9%)...

Theo các chuyên gia, với việc thoái vốn nhà nước ở các công ty có lợi nhuận lớn, hoạt động kinh doanh hiệu quả mà SCIC từng có ý định nắm giữ lâu dài cho thấy quyết tâm thúc đẩy lộ trình thoái vốn doanh nghiệp nhà nước của Chính phủ. Đây cũng là bước đi lớn nhằm thực hiện các cam kết hội nhập kinh tế.

Trước đó, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đã cơ bản nhất trí với đề nghị bán bớt cổ phần vốn Nhà nước tại một số doanh nghiệp để thu về khoảng 30.000 tỷ đồng bổ sung chi đầu tư phát triển, tập trung cho một số công trình hạ tầng quan trọng có sức lan tỏa lớn.

Thoái vốn đồng nghĩa với việc chuyển giao cho tư nhân nắm giữ các doanh nghiệp nói trên và tư nhân là khu vực được đánh giá cao hơn về hiệu quả sử dụng vốn so với khu vực Nhà nước. Thoái vốn sẽ góp phần phân bổ lại nguồn lực thực tế và cũng giúp đạt được nhanh hơn mục tiêu tái cơ cấu nền kinh tế.

Những công bố khả quan về kết quả sản xuất kinh doanh của Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) là minh chứng mới nhất về tính hiệu quả của việc chuyển giao tài sản của Nhà nước cho khu vực tư nhân. Vietnam Airlines đang thay đổi mạnh mẽ sau cổ phần hóa. Lãi trước thuế của tổng công ty này trong 9 tháng đầu năm 2015 đạt hơn 1.300 tỉ đồng, trong khi trong cả năm 2014, lợi nhuận trước thuế mà doanh nghiệp này đạt được chỉ khoảng 171 tỉ đồng (trước cổ phần hóa). Như vậy, cổ phần hóa đang mang lại những lợi ích to lớn cho Vietnam Airlines, dù quy mô cổ phần mà nhà đầu tư bên ngoài sở hữu mới ở mức khiêm tốn.

Theo đánh giá của Vietnam Airlines, kết quả tích cực này là do Công ty đã tiến hành tái cấu trúc, hợp lý hóa quy trình sản xuất, thoái vốn khỏi các lĩnh vực kinh doanh ngoài ngành. Doanh nghiệp này cũng đang rà soát để giảm số lượng nhân viên xuống còn 6.500 người vào năm sau, từ mức hơn 11.000 trong năm 2014.

Hiện nay, thời điểm mà SCIC sẽ tiến hành thoái vốn đang được thị trường và giới đầu tư đang rất quan tâm. Theo Văn bản số 1767 phê duyệt đề án tái cơ cấu SCIC, do Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh ký ngày 8/10/2015 ghi rõ: Thời điểm bán vốn tại 10 doanh nghiệp này do SCIC chủ động quyết định đảm bảo lợi ích cao nhất.

Theo lãnh đạo SCIC, đến thời điểm này Tổng công ty chưa khẳng định phương án thoái vốn cụ thể. Theo quy định, SCIC phải rà soát toàn bộ. Đối với những doanh nghiệp lớn như Vinamilk, FPT, khi cần thoái vốn theo định hướng chiến lược và ở thời điểm đạt được lợi ích cao nhất thì SCIC sẽ quyết định thực hiện thoái vốn. Việc thoái vốn này sẽ có kế hoạch cụ thể và đảm bảo không làm ảnh hưởng tới hoạt động của doanh nghiệp, không làm ảnh hưởng tới việc làm người lao động, cũng như không gây biến động trên thị trường.

An Sinh