Chưa bao giờ tính tương tác, kết nối, lưu trữ, chia sẻ, các dịch vụ và khối lượng thông tin phát triển nhanh chóng như hiện nay. Các ứng dụng như e-mail, nhắn tin trực tuyến, Google, YouTube, Facebook, Wikipedia, blog... đã là phần không thể thiếu trong hoạt động hàng ngày của con người hiện đại.
Liệu trước đây, ai có thể hình dung được rằng, chỉ cần một cú nhắp chuột, mình không chỉ được xem một bộ phim ưa thích mà còn có thể chia sẻ đoạn phim với những người khác ngay trên Internet?
“LO” mà không... lo
Nhớ lại hơn 40 năm trước, ngày 29/10/1969, mạng Internet lần đầu tiên trong lịch sử loài người đã kết nối thành công từ hai điểm ở nước Mỹ (Đại học California Los Angeles và Viện Nghiên cứu Stanford) cách nhau 400 dặm.
Lần đầu tiên trên hệ thống dữ liệu khoa học ở màn hình máy tính của Viện nghiên cứu Stanford xuất hiện lệnh “LOGIN” (truy nhập mạng), còn ở đầu Los Angeles, mỗi lần gõ một chữ thì lại điện thoại hỏi đối phương có nhận được không? Kỹ sư Charley Kline gõ chữ “L” trên bàn phím, đầu Stanford đã nhận được. Anh ta lại gõ tiếp chữ “O”. Đầu Stanford lại nhận được. Tuy nhiên đến chữ “G” thì máy tính phía Stanford bị hỏng. Vậy là “LO” đã trở thành thông điệp đầu tiên phát đi trên mạng Internet.
Tuy chỉ có các ký tự “LO” được chuyển đi thành công, nhưng sự truyền phát tương tác này đã đủ mở ra một cuộc cách mạng công nghệ mới, đặt nền tảng cho Internet cách mạng hóa quan hệ tương tác giữa con người trên hành tinh.
Theo thống kê của http://www.internetworldstats.com, từ 400 triệu người sử dụng Internet năm 2000, đến nay con số này đã lên đến 1,7 tỉ người, chiếm khoảng 25% dân số thế giới. Theo Dự báo Thị trường số của hãng nghiên cứu IDC, con số này sẽ tăng lên 1,9 tỉ người, tức khoảng 1/3 dân số thế giới sẽ “ăn ngủ cùng Internet” vào năm 2012. Thậm chí, nhóm tìm kiếm Bing của Microsoft còn cho biết Google đã định danh hơn 1.000 tỉ địa chỉ web riêng biệt. Điều này có nghĩa rằng số lượng địa chỉ web trên đầu người vào khoảng 150. Có thể tính vui là nếu một người duyệt tất cả website đang tồn tại, mỗi website một phút thì người đó phải mất 31.000 năm không ngủ.
Mọi thứ đều có ở Internet
Thực tế, Internet gần như đáp ứng được tất cả nhu cầu về thông tin, giải trí của mọi người vì nó phát triển dựa trên đặc tính thiên bẩm của con người là nhu cầu giao tiếp xã hội và chia sẻ thông tin. Báo chí, truyền hình đều đã được Internet hóa. Mọi thông tin cần biết đều có thể được tìm thấy qua các công cụ tìm kiếm bằng cú nhắp chuột.
Với Internet, cùng một lúc, con người có thể trao đổi với đồng nghiệp trên mạng Skype, trả lời thư điện tử trên mạng Yahoo, tìm kiếm thông tin trên Google, thậm chí hẹn hò người yêu trên mạng trực tuyến ngay trong văn phòng của mình. Internet và mạng toàn cầu đã làm được nhiều điều để hợp nhất thế giới, tạo ra những cộng đồng cùng sở thích, cùng mối quan tâm. Các fan của nghệ sĩ, dù họ là nhiếp ảnh gia, chính trị gia hay là sinh viên vẫn kết nối hàng ngày dù họ ở bất kỳ đâu trên trái đất. Họ có thể liên hệ qua thư, điện thoại, nhưng Internet làm mối quan hệ này khăng khít hơn đến từng phút giây và với chi phí rất rẻ. Chính sự mở rộng trong việc trao đổi thông tin ấy đã làm xuất hiện thuật ngữ “công dân toàn cầu”.
Một minh chứng điển hình là sự kiện Michael Jackson ra đi hồi cuối tháng 6/2009 - Internet chính là nơi truyền tải nhanh nhất, nhiều nhất các thông tin liên quan đến cái chết của ông. Người hâm mộ ở khắp nơi nhận được thông tin gần như đồng thời với nước Mỹ, họ cùng chia sẻ với nhau các bài hát bất hủ trên YouTube và các mạng xã hội…
Ngày nay bạn cũng có thể ngồi trước bàn phím để lướt web, chơi game, đặt vé cho chuyến bay, rút tiền ở ngân hàng và thậm chí có thể yêu cầu một ca chẩn đoán bệnh hiểm nghèo từ các bác sỹ, giáo sư có uy tín trên thế giới. Kéo theo đó là các xu hướng làm việc ở nhà, học tập, mua hàng trên mạng, và thậm chí cả chiến tranh… trên mạng. Theo khảo sát của IDC, một nửa số người dùng Internet hiện đang mua sắm trên mạng. Tới năm 2012, hơn 1 tỉ khách hàng trực tuyến sẽ trao đổi lượng hàng hoá trị giá 1.200 tỉ USD.
Internet thực sự đã gắn kết chặt chẽ với cuộc sống và công việc của con người, giúp họ làm việc, giải trí, và giao tiếp xã hội mọi lúc mọi nơi. Xu thế này sẽ tăng dần cùng với số người dùng điện thoại tăng mạnh và mạng Internet thực sự phổ cập. Tuy nhiên, song hành với những thuận lợi, Internet cũng vấp phải vấn đề về virus, thư rác, khả năng thông tin cá nhân bị kiểm soát và lợi dụng ngày càng nhiều...
Dù gì chăng nữa, Internet vẫn là cách tiếp cận và chia sẻ thông tin hiệu quả nhất và hiện cũng là nơi “bành trướng” của các loại hình truyền thông. Không thể nói trước được điều gì cho tương lai, song nếu so sánh với những đột phá công nghệ mang tầm lịch sử khác như con người bước chân lên mặt trăng, thụ tinh trong ống nghiệm…, thì Internet là một sản phẩm thay đổi mọi thứ và sẽ tiếp tục đi vào những trang tiếp theo của lịch sử nhân loại.
- Bảng thống kê của IWS đã xếp hạng 5 quốc gia có số người dùng Internet nhiều nhất thế giới: Trung Quốc (338 triệu người, 25,3% dân số), Mỹ (227,636 triệu, 74% dân số), Nhật Bản (94 triệu, 73,8% dân số), Ấn độ (81 triệu, 7% dân số) và Brazil (67,510 triệu, 34% dân số). - Ở Việt Nam, Internet chính thức được khai trương khoảng 12 năm, hiện có hơn 21,5 triệu người sử dụng Internet, chiếm 24,3% dân số, xếp thứ 6 ở châu Á và thứ 18 trên toàn thế giới. |