(Ảnh minh họa) |
Thương mại điện tử - quá hấp dẫn!
Trong thời đại bùng nổ thông tin, khi internet ngày càng không thể thiếu trong đời sống con người; giá thuê nhân công, thuê mặt bằng ngày càng đắt đỏ, thì thương mại điện tử đang trở thành sự lựa chọn tối ưu của nhiều doanh nghiệp, trong đó có các hãng kinh doanh hàng xa xỉ.
Sau khi khảo sát hơn 16.000 người dùng trong thời gian 12 tháng, IBM nhận định rằng người tiêu dùng hiện đại không dễ dàng tin vào những lời quảng cáo từ nhà sản xuất. Họ biết hoài nghi và họ thích sử dụng cái đầu, cũng như ngón tay của mình để xác thực thông tin.
Họ đặc biệt quan tâm đến ảnh hưởng của sản phẩm/dịch vụ định mua đối với cộng đồng, môi trường và những người dùng khác. Tuy nhiên theo nghiên cứu của Luxury Institute, một công ty nghiên cứu có trụ sở ở New York, gần như tất cả những người giàu ở Mỹ (98%) đều từng dùng internet để mua hàng hóa và dịch vụ, có hơn phân nửa mua thường xuyên. Lần lượt, các nhãn hàng cao cấp như Hermes, bắt đầu phát triển bán hàng online.
Khi không mua sắm trên mạng, người giàu vẫn có cách giữ gìn sự riêng tư của mình bằng cách mua tại nhà. Giao hàng tận nơi trở thành điều bắt buộc đối với các công ty bán lẻ cao cấp, 204 tỷ USD là toàn bộ thu nhập của thương mại điện tử trong năm 2008, vượt kế hoặc 17% so với năm 2007.
Theo Forrest Research, các sản phẩm thời trang cao cấp cũng đã chiếm khoảng 1 tỷ USD doanh thu bán hàng trên mạng. Hoàn toàn không nghi ngờ rằng xu hướng bán hàng online đang trở nên ngày càng quan trọng đối với các nhãn hiệu cao cấp hàng đầu khi mà người tiêu dùng sử dụng các sản phẩm và dịch vụ cao cấp này qua việc mua sắm online sẵn sàng chi ra nhiều như khi họ "shopping" trong các cửa hiệu.
Cân đong bằng công nghệ
Theo một điều tra được Unity Marketing phối hợp với Google thực hiện vào tháng 6 năm ngoái tại Mỹ, 72% người được hỏi trả lời rằng internet có ảnh hưởng rất lớn đến việc mua sắm hàng luxury của họ trong thời gian gần đây, thông qua blog, quảng cáo trực tuyến hoặc các bài viết trên mạng.
Các nhà bán lẻ xa xỉ phẩm qua mạng đã rất biết tận dụng điều này. Ví dụ như với Saks, một công ty nổi tiếng về kinh doanh thời trang luxury tại Mỹ: Doanh số sản phẩm bán ra tại các cửa hàng của hãng này tính riêng trong tháng 8/2008 đạt 200,5 triệu USD, giảm 6,1% so với cùng ký năm trước nhưng doanh số bán qua mạng Saksfith Avenue.com lại tăng mạnh.
Saks rất tin tưởng vào khả năng phát triển thị trường online đầy tiềm năng không chỉ trong nước mà cả quốc tế. Ở châu Âu, Pháp là nước đi đầu trong phát triển thương mại điện tử. Theo số liệu thống kê tại Pháp, đã có hơn 15.000 người dân nước này chi mỗi năm 25% thu nhập cho các hoạt động thương mại điện tử. Lượng người mua sắm trên mạng đang tăng nhanh gấp 3 lần và hiện chiếm hơn 50% tổng số người sử dụng internet ở Pháp, đặc biệt là phụ nữ.
Loại hàng hóa được giao dịch qua mạng nhiều nhất là dịch vụ du lịch, sản phẩm văn hóa, sản phẩm công nghệ cao và hàng may mặc. Theo Liên hiệp các doanh nghiệp bán hàng từ xa (FEVAD), mua sắm online phát triển nhanh bởi giá cả rẻ hơn, người tiêu dùng có thể đặt hàng 24/24 tiếng đồng hồ và có nhiều sự lựa chọn, nhất là đối với những người ở tỉnh xa. Quan trọng nhất là người mua sẽ không phải chịu sức ép của người bán hàng. eBay là một công ty chuyên về thương mại điện tử và đấu giá hàng đầu thế giới, trung bình mỗi tháng trên trạng mạng của hãng này có tới hơn hai triệu lượt người truy cập, tìm kiếm hàng hóa. Trên đó, người ta có thể tìm kiếm mọi thứ, từ máy bay, xe ô tô, hàng tiêu dùng xa xỉ cho đến các cổ vật...
Châu Á - thị trường tiềm năng
Khái niệm "bán lẻ qua mạng" ngày càng phổ biến tại châu Á do cơ sở hạ tầng viễn thông đã được cải tiến đáng kể. Các hình thức thanh toán - một trở ngại quan trọng trong thương mại điện tử - cũng đã trở nên an toàn, bảo mật hơn. Những nhân tố này khiến người tiêu dùng bớt rụt rè và trở nên "mặn mà" với thế giới mua sắm rộng lớn của mạng internet. Giới phân tích dự đoán, doanh thu từ bán hàng qua mạng có thể tăng trung bình tới 20% mỗi năm.
Tại một số thị trường đặc biệt như Nhật, tốc độ tăng trưởng hàng năm có thể lên tới 40%. Mặc dù suy thoái kinh tế toàn cầu đã ảnh hưởng đến cả hai kênh bán hàng truyền thống lẫn online, song giới phân tích tin rằng triển vọng của thương mại điện tử vẫn rất đáng khích lệ.
Tình hình tài chính càng khó khăn thì người tiêu dùng càng săn lùng những chương trình khuyến mãi hấp dẫn trên mạng. Mà so với các cửa hàng bán lẻ trên phố, các website có điều kiện để giảm giá, khuyến mãi mạnh tay hơn nhiều. Riêng việc không phải bỏ tiền ra thuê địa điểm hàng tháng đã giúp họ tiết kiệm được một khoản lớn. Người dùng châu Á lên mạng để mua tất cả mọi thứ, từ hoa tươi cho đến đồ nội thất đắt tiền, từ vé máy bay cho tới iPod.
Theo thống kê, Amazon.com và eBay là hai website đông khách bậc nhất tại châu Á. Riêng ở Trung Quốc, trang web Alibaba.com mới là sự lựa chọn số một. Trên eBay Ấn Độ (trang web thu hút tới hơn 2 triệu người dùng đăng ký), "những mặt hàng được mua nhiều nhất trong năm 2008 bao gồm đá quý, điện thoại di động, máy nghe nhạc MP3, thời trang nữ, tem và tiền xu" - đại diện hãng cho biết.
Trước đây, người ta chỉ mua những món đồ rẻ tiền, vừa phải. Nhưng giờ đây, họ không ngần ngại mua cả những mặt hàng xa xỉ, cao cấp. Điều này chứng tỏ niềm tin nơi mua sắm online đang ngày càng được củng cố. Hãng nghiên cứu thị trường Euromonitor International dự đoán, doanh thu bán lẻ qua mạng Internet tại châu Á - Thái Bình Dương sẽ đạt, thậm chí vượt qua mốc 71 tỷ USD vào năm 2012. Tuy nhiên, châu Á vẫn thua xa Mỹ, nơi số tiền mà người dân chi cho thương mại điện tử trong năm 2009 dự kiến sẽ đạt 156 tỷ USD. Tại quốc gia bị suy thoái nặng nề nhất, công việc làm ăn của những hãng bán lẻ như Best Buy hay Macy"s vẫn tiếp tục tăng trưởng.
Theo Thế Giới Mốt