📞

Thời trang và... thời sự: Câu chuyện không bao giờ cũ

10:32 | 05/04/2021
Thời trang từ lâu đã được xem như công cụ để biểu đạt về một cá nhân, văn hóa đại chúng. Thời trang còn có quan hệ mật thiết với... thời sự.

Thời trang và... thời sự càng lúc càng gắn bó mật thiết

Thời trang thể hiện cá tính, gu thẩm mỹ, thậm chí là quan điểm.

Trong bối cảnh hiện tại, khi mạng xã hội là điều không thể thiếu trong cuộc sống mỗi người, những bức ảnh có sức mạnh lớn hơn ngôn từ.

Phong cách thời trang của các chính khách, các nhân vật nổi tiếng, các ngôi sao... vốn luôn được quan tâm, giờ đây, người ta càng tin rằng mỗi sự lựa chọn thời trang đều chứa đựng thông điệp.

Thời trang thể hiện cá tính, gu thẩm mỹ, thậm chí là quan điểm. Có những khi, sự lựa chọn thời trang của một nhóm người còn phản ánh những làn sóng trong xã hội.

Tại nhiều lễ trao giải điện ảnh hồi đầu năm 2018 tại Mỹ, người ta chứng kiến các nữ nghệ sĩ mặc đồ đen xuất hiện trên thảm đỏ, đó là khi họ cùng bày tỏ sự đoàn kết chống lại nạn quấy rối tình dục diễn ra âm thầm và nhức nhối trong nền công nghiệp giải trí Mỹ.

Thực tế, các phong trào thúc đẩy bình đẳng giới hay chống nạn phân biệt chủng tộc, đều được phản ánh trong thời trang.

Lúc này, thời trang trở thành một thứ ngôn ngữ không lời giúp biểu đạt quan điểm của cá nhân, của cộng đồng.

Giờ đây, chọn cái gì để mặc không chỉ đơn giản là câu chuyện của phong cách thời trang, của gu thẩm mỹ, bởi thứ bạn lựa chọn mặc lên người sẽ nói lên... bạn là ai.

Thời trang phản ánh văn hóa đại chúng

Thời trang là một sự phản ánh sinh động và thú vị của văn hóa đại chúng.

Thời trang là một sự phản ánh sinh động và thú vị của văn hóa đại chúng, của những xu hướng trong xã hội. Quần áo không chỉ đơn giản là thứ để ta mặc lên người cho đẹp, mà còn ngầm phản ánh vị trí, vai trò, đẳng cấp, thiên hướng... của mỗi người.

Mỗi ngày, khi chúng ta lựa chọn những món phục trang để mặc, chính là chúng ta lựa chọn hình ảnh mà mình muốn thế giới xung quanh nhìn nhận.

Hiện tại, khi thế giới đang trong một giai đoạn khó khăn, khủng hoảng vì dịch bệnh, không ngạc nhiên khi nhiều người đang tính toán lại những thông điệp mà họ muốn đưa ra qua cách lựa chọn thời trang của mình. Thời trang đã luôn là một hình thức biểu đạt của mỗi người, mỗi cộng đồng trước thực tế đời sống - xã hội.

Hiện tại, trước những vấn đề về môi trường, về sự bất bình đẳng giới, về nạn phân biệt chủng tộc..., các nhà mốt, nhà thiết kế đều có phản ánh trên sàn diễn thời trang.

Thời trang chứa đựng những thông điệp của thời đại và đặc biệt, luôn phản ánh những gì mà phụ nữ đang trải qua.

Nhà thiết kế thời trang danh tiếng người Pháp - Coco Chanel (1883 - 1971) từng nhận xét về mối quan hệ giữa thời trang và cuộc sống: "Thời trang không phải là điều chỉ tồn tại trong trang phục mà thôi, thời trang còn là những cảm nhận về thế giới quanh ta.

Thời trang là ngọn gió mang theo những thị hiếu mới, bạn có thể cảm nhận được nó. Thời trang nằm trên bầu trời, trên đường phố. Thời trang nằm trong ý tưởng, trong phong cách sống, trong những gì đang diễn ra của cuộc sống".

Chưa bao giờ thời trang của những nhân vật nữ giới nổi tiếng được quan tâm nhiều như hiện nay, bởi đằng sau mỗi lựa chọn trang phục, người ta đều cho rằng có ẩn chứa những thông điệp. Những bài báo phân tích thông điệp thời trang của các đệ nhất phu nhân, các thành viên hoàng gia xuất hiện trên rất nhiều tờ tin tức và thu hút sự quan tâm lớn.

Hiện tại, thời trang đang đứng trước những sự đổi thay lớn, dịch bệnh vừa diễn ra khiến nhiều người nhận thấy họ cần chi tiêu tiết kiệm hơn.

Sử dụng phong cách thời trang để biểu đạt suy nghĩ, xúc cảm đã trở thành một điều quen thuộc trong đời sống hiện nay. Trong thời đại của mạng xã hội, một hình ảnh có thể tạo nên sức ảnh hưởng lớn hơn ngôn từ.

Hiện tại, thời trang đang đứng trước những sự đổi thay lớn, dịch bệnh vừa diễn ra khiến nhiều người nhận thấy họ cần chi tiêu tiết kiệm hơn trước sự bấp bênh của cuộc sống.

Nhiều người tiêu dùng thông thái dần từ chối việc chạy theo mốt, họ không mua sắm đồ mới thường xuyên nữa, thay vào đó, họ sử dụng một món đồ lâu dài hơn, để góp phần bảo vệ môi trường, tránh tạo ra quá nhiều rác thải, bao gồm cả rác thải thời trang, và cũng là một cách để thích ứng với cuộc sống đang trong giai đoạn khó khăn.

Nhiều người cũng quan tâm hơn tới việc một nhãn hiệu có quan tâm bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất hay không, có bảo đảm quyền lợi cho người lao động không, có phải một thương hiệu có tôn chỉ, mục đích đẹp đẽ trong hoạt động kinh doanh không...

Thời trang là sự kết hợp giữa kinh doanh và đạo đức

Trước những người tiêu dùng ngày càng thông thái, với những tiêu chí - chuẩn mực ngày càng khắt khe, các nhãn hàng đều phải quan tâm tới việc tạo dựng hình ảnh đẹp trong mắt khách hàng thông qua các chiến lược sáng tạo.

Tương lai của thời trang chính là sự kết hợp giữa kinh doanh và đạo đức.

Ngày càng có nhiều thương hiệu thời trang lựa chọn phát triển bền vững, theo đuổi quy trình sản xuất thân thiện môi trường, quan tâm tới quyền lợi người lao động, tích cực tham gia các hoạt động vì cộng đồng...

Có như vậy, các nhãn hàng mới hy vọng được khách hàng trung thành ủng hộ. Nếu một thương hiệu gây dựng được thiện cảm, giữ được tín nhiệm, thể hiện được trách nhiệm đối với xã hội, khách hàng sẽ ủng hộ cho sự phát triển lâu dài của thương hiệu đó.

Tương lai của thời trang chính là sự kết hợp giữa kinh doanh và đạo đức. Đó chính là hướng đi của một thương hiệu thành công. Đối với những khách hàng ngày càng thông thái hiện nay, đồ đẹp là chưa đủ, thương hiệu còn phải "có đạo đức", "có phẩm chất".

Cách lựa chọn thời trang của mỗi người cũng là một cách để đưa ra bình luận đối với những vấn đề thời sự trong xã hội.

Chưa bao giờ các tin tức thời trang phản ánh dòng thời sự, kể về thời đại mà chúng ta đang sống một cách chân thực đến thế. Lựa chọn mặc gì, của thương hiệu nào, để thể hiện được cách nghĩ, cách sống của mình đã trở thành một xu hướng của người tiêu dùng hiện nay.

(theo Dân trí)