📞

Thời trang và trang phục truyền thống: Hai câu chuyện khác nhau

13:00 | 12/02/2017
Khi truyền thông và mạng xã hội ồn ào chuyện áo dài váy đụp với cùng những bức ảnh na ná nhau chụp ba cô gái mặc áo vạt dài ngang gối với váy, nhiều ý kiến ngay lập tức lên tiếng gọi sự kết hợp này như “ca cao pha với mắm tôm”, và lo ngại rằng lối “cách tân” này sẽ làm hỏng hình ảnh áo dài dân tộc truyền thống của Việt Nam.

​Các cuộc tranh luận trên mạng xã hội thậm chí còn gay gắt hơn, coi đây là một trào lưu cách tân ngu xuẩn. Trái ngược với sức nóng của bộ trang phục này trên truyền thông, chỉ một tuần sau, ra đường gần như chả thấy một bóng hồng nào tung tăng trong kiểu áo váy này nữa.

Rồi người ta bắt đầu “tỉnh” ra: à nhỉ, cái bộ trang phục kia xuất xứ từ đâu, ai sáng tạo và sản xuất ra nó. Không có câu trả lời chính xác, nhưng những hình ảnh so sánh bắt đầu được đưa ra mổ xẻ và chê bai khi coi đó là trang phục lai căng có nguồn gốc ngoại lai, thậm chí cực đoan để kêu gọi tẩy chay nó. Tội nghiệp cho bộ váy áo chưa kịp có tên, đã bị dán nhãn nhầm là “áo dài” để bị chê bai đủ kiểu, nay lại bị tẩy chay vì xuất xứ nghi là ngoại lai.

Thực tế, lối kết hợp kiểu áo có tà trước và sau, cùng với váy, hoặc quần bó là trang phục có ở nhiều nước châu Á. Trung Quốc có, Ấn Độ cũng có… được cách tân từ những trang phục truyền thống sao cho thuận tiện và hợp thời. Áo dài của Việt Nam cũng vậy. Mấy năm gần đây, các bạn trẻ thường mặc áo dài vạt ngắn với quần vải thô dài, thậm chí quần bò (một sự kết hợp chả ăn nhập vào đâu!!!), nhưng người ta vẫn mặc, vì nó thuận tiện cho việc di chuyển. Thời trang là một xu hướng luôn thay đổi và sáng tạo, kế thừa, giao thoa và bắt chước. Việc sáng tạo, hay mặc một thứ trang phục nào đó trên người, không và chẳng ảnh hưởng đến ai.

Trang phục dân tộc là biểu tượng của mỗi quốc gia. Cũng như mọi nền văn hóa, trang phục truyền thống của mọi quốc gia đều cần được tôn trọng như nhau. Sự giao thoa và biến tấu của các bộ trang phục kết hợp từ nhiều quốc gia khác nhau, chỉ cho thấy một xu hướng cởi mở trong môi trường quốc tế hóa hiện nay. Đừng coi ai đó mặc nó mà trở thành “tội đồ”.

Mặc dù Việt Nam chưa có bất cứ một quy định nào về quốc phục, nhưng từ lâu áo dài đã trở thành một biểu tượng. Không phải ngẫu nhiên mà người Anh đã giữ nguyên tên gốc “Ao dài” khi đưa vào từ điển Oxford. Áo dài được người Anh định nghĩa là “một trang phục áo dài hai vạt trước và sau tới mắt cá chân, mặc cùng với quần dài”. Áo dài, vì vậy, là sự kết hợp tinh tế của vẻ mềm mại thướt tha của bộ trang phục với nét thanh thoát của phụ nữ, làm nên vẻ đẹp riêng cho phụ nữ Việt Nam ở mọi lứa tuổi.

Thời trang là xu hướng, nhưng truyền thống là cái luôn được gìn giữ và nâng niu. Các bạn trẻ có thể mặc “áo dài váy đụp” để dạo phố ngày Xuân, nhưng chắc chắn không có cô gái nào mặc trang phục này cho ngày đại lễ của đời họ (tiệc cưới). Thay vào đó, vẫn phải là những bộ Áo dài viết hoa đúng như tiêu chuẩn truyền thống của nó. Vì thế, thời trang và trang phục truyền thống  là hai câu chuyện khác nhau. Đừng dán nhãn nhầm những cái na ná cho Áo dài, chỉ tốn thời gian vô ích.