Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ Anurag Srivastava nói: "Biển Đông là một phần của tài nguyên chung của toàn cầu và Ấn Độ luôn quan tâm tới việc duy trì hòa bình và ổn định tại khu vực này". (Nguồn: PTI) |
Đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 có thể gây ra sự gián đoạn lớn nhất trong các phương trình cân bằng địa chính trị của thế giới kể từ khi Chiến tranh Lạnh giữa Mỹ và Liên Xô kết thúc. Tất cả các cường quốc lớn đang tái định hình chiến lược khu vực và quốc tế của họ, và New Delhi không phải là một ngoại lệ. Trong vài thập kỷ vừa qua, Ấn Độ đã phát triển thành một cường quốc quân sự và kinh tế hùng mạnh, đồng thời quan tâm tới việc bảo đảm an ninh.
Sự thay đổi lớn nhất đang xảy ra trong chính sách ngoại giao và quân sự của Ấn Độ là về vấn đề Biển Đông, trong bối cảnh Ấn Độ bắt đầu tìm cách bảo vệ lợi ích của mình tại tuyến đường biển chiến lược này và đang cân nhắc những lựa chọn về việc đặt chân tới đây. Như một phần trong sự thay đổi chiến lược này, Ấn Độ đang xích lại gần Mỹ hơn, ngoài việc tìm cách thu hút sự ủng hộ của Việt Nam và Philippines - hai quốc gia Đông Nam Á đang phản đối những động thái gây hấn của Trung Quốc tại khu vực.
Tại sao Biển Đông lại quan trọng?
Biển Đông là tuyến đường biển quốc tế - nói chính xác là tài nguyên chung của toàn cầu, cho dù Trung Quốc có lớn tiếng ra sao khi tuyên bố chủ quyền đối với gần như toàn bộ vùng biển này bằng lý thuyết "Đường 9 đoạn". Đây là trung tâm của Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương - một khu vực mà New Delhi có ảnh hưởng và là trọng tâm chính của chính sách đối ngoại của Ấn Độ.
Hằng năm, lượng hàng hóa thương mại trị giá 5.300 tỷ USD được vận chuyển qua Biển Đông và khối lượng hàng hóa khổng lồ này đang có nguy cơ bị đe dọa. Trên thực tế, 1/3 số lượng hàng hóa thương mại toàn cầu vận chuyển bằng đường biển đều đi qua Biển Đông.
Những lợi ích thương mại
Trong quan điểm của New Delhi, tự do hàng hải ở Biển Đông rất quan trọng bởi 55% hàng hóa thương mại của Ấn Độ đều được vận chuyển qua tuyến đường biển này. Do đó, không quốc gia nào - nếu không muốn nói là tất cả - chấp nhận một Trung Quốc luôn thù địch kiểm soát tuyến đường biển chiến lược này. Bất kể sự thay đổi nguyên trạng nào sẽ trực tiếp gây tổn hại và thậm chí là phá hủy các tuyến đường thương mại của Ấn Độ.
Gần đây, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ (MEA) Anurag Srivastava đã nói: "Biển Đông là một phần của tài nguyên chung của toàn cầu và Ấn Độ luôn quan tâm tới việc duy trì hòa bình và ổn định tại khu vực này. Chúng tôi kiên quyết ủng hộ quyền tự do hàng hải, tự do hàng không và hoạt động thương mại hợp pháp không bị ngăn trở trong những vùng biển quốc tế, phù hợp với luật quốc tế".
"Bóng ma" Ladakh trên Biển Đông
Cuộc đối đầu mới đây giữa Ấn Độ và Trung Quốc ở vùng Đông Ladakh đã gửi tới New Delhi một thông điệp - Ấn Độ không thể tin tưởng Trung Quốc. Thực tế là một Ấn Độ dân chủ đang trỗi dậy là "cơn ác mộng" đối với một Trung Quốc độc đoán. Bắc Kinh mong muốn một trật tự thế giới, cán cân quyền lực khu vực mà trong đó Trung Quốc nắm quyền kiểm soát.
Ấn Độ không có lý do gì tin rằng Bắc Kinh sẽ bảo vệ những lợi ích thương mại của Ấn Độ nếu Trung Quốc nắm quyền kiểm soát toàn bộ Biển Đông.
Bấp chất hội nghị thượng đỉnh Vũ Hán, hội nghị thượng đỉnh Mamallapuram và chuyến thăm thành phố Ahmedabad của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, New Delhi và Bắc Kinh vẫn là những đối thủ cạnh tranh nhau gay gắt và có các tranh chấp biên giới kéo dài.
Tâm lý này sẽ ngày càng tăng lên trong bối cảnh Ấn Độ đang muốn đẩy nhanh quá trình các công ty nước ngoài rút khỏi Trung Quốc.
Các thỏa thuận hậu cần và Bộ Tứ
Cách tiếp cận lớn hơn của New Delhi đối với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương - trong đó có Biển Đông - là hợp tác gần gũi hơn với các đối tác trong Bộ Tứ - gồm Australia, Nhật Bản và Mỹ, bên cạnh các đối tác khác như Hàn Quốc.
Trong thời gian gần đây, sự hợp tác gần gũi này đã dẫn tới các thỏa thuận hậu cần với Mỹ, Australia, Singapore và Hàn Quốc. Trên thực tế, Ấn Độ cũng tìm cách ký kết thỏa thuận ủng hộ hậu cần với Nhật Bản. Với những thỏa thuận này, Ấn Độ sẽ tạo ra một nền tảng vững chắc để có thể bao vây và tiến vào Biển Đông từ nhiều phía.
Sự hung hăng của Trung Quốc trong tranh chấp biên giới ở Ladakh và tranh cãi của nước này với Mỹ và Australia đã khiến Bộ Tứ xích lại gần nhau hơn bao giờ hết. Và hiện nay, các đối tác trong Bộ Tứ đang khuyến khích New Delhi đóng vai trò lớn hơn trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Hải quân Ấn Độ, một lực lượng hùng mạnh, được mong đợi sẽ bảo vệ các lợi ích và các tuyến đường thương mại của Ấn Độ như một phần trong một chiến lược an ninh hàng hải rộng lớn hơn.
Chẳng có lý do gì mà Ấn Độ lại không muốn tiến hành các hoạt động tự do hàng hải ở Biển Đông, giống như Mỹ thỉnh thoảng vẫn làm. Thậm chí Australia cũng đang thực hiện các hoạt động tương tự. Cuối cùng, toàn bộ Bộ Tứ có thể tiến vào vùng biển chiến lược này và thực hiện các cuộc tập trận hải quân chung cũng như điều máy bay bay tuần tra tại khu vực.
Tàu hải quân Ấn Độ, Mỹ, Nhật Bản và Philippines tiến hành tập trận ở Biển Đông tháng 5/2019. (Nguồn: Reuters) |
Hợp tác với ASEAN
10 nước trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã bắt đầu đứng lên chống lại các động thái gây hấn và bắt nạt của Trung Quốc ở các vùng biển chiến lược này.
Một trong những kẽ hở trong hàng rào bảo vệ của Ấn Độ đó là khu vực ảnh hưởng truyền thống của nước này chỉ giới hạn ở phía Tây Bắc, gần tới Eo biển Malacca nằm ở nơi giao nhau giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, do đó rất quan trọng đối với chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của New Delhi.
Phía Đông của eo biển chiến lược này vẫn là một điểm mù đối với Ấn Độ, và chính phủ của ông Narendra Modi không thể tiếp cận khu vực này trừ phi New Delhi bắt đầu hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng với các chủ thể trong khu vực. Đây là tuyến đường duy nhất mà từ đó tàu chiến của Hải quân Ấn Độ có thể tiến vào Biển Đông.
Và New Delhi đã tiến tới ủng hộ các cường quốc của khu vực mà không gây ra nhiều ồn ào. Trong bối cảnh Trung Quốc đang có những hành động hăm dọa ở Biển Đông, người phát ngôn MEA Anurag Srivastava phát biểu: "Ấn Độ cũng tin rằng bất kỳ mâu thuẫn nào cũng có thể giải quyết một cách hòa bình bằng việc tôn trọng các quy trình pháp lý và ngoại giao, và không cần viện tới việc đe dọa sử dụng vũ lực".
Từ đó có thể thấy MEA đã đứng về phía các chủ thể của khu vực đang bị Trung Quốc bắt nạt, và New Delhi cũng đã có tương tác với họ. Gần đây, Thủ tướng Modi có cuộc điện đàm với Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte. Theo Văn phòng Thủ tướng Modi, "hai nhà lãnh đạo đã cùng bày tỏ sự hài lòng đối với tiến triển đạt được trong những năm gần đây trong mọi khía cạnh của quan hệ song phương, trong đó có hợp tác quốc phòng. Thủ tướng nhấn mạnh rằng Ấn Độ coi Philippines là một đối tác quan trọng trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương".
Việc Ấn Độ khẳng định quan hệ đối tác trong "khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương" với một quốc gia có liên quan ở Biển Đông tất nhiên có ý nghĩa rằng Ấn Độ muốn đóng một vai trò lớn hơn trong vùng biển này.
Trong khi đó, báo Eurasian Times đã đưa tin rằng Hà Nội - vốn đang giữ ghế chủ tịch luân phiên của ASEAN - đã được khích lệ từ sự ủng hộ của Ấn Độ, Mỹ và Australia. Việt Nam mới đây đã lên tiếng chống lại lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc ở Biển Đông, giúp Ấn Độ xích lại gần hơn với các quốc gia có liên quan tại Biển Đông bởi đánh bắt cá là nguồn sống quan trọng và là vấn đề an ninh lương thực đối với các quốc gia đang đối mặt với sự thù địch của Bắc Kinh.
Và Ấn Độ đang bắt đầu xây dựng một chiến lược hàng hải gần gũi hơn với Indonesia, tập trung vào tầm nhìn chung về một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do, rộng mở, minh bạch, hòa bình và dựa trên luật pháp. New Delhi cũng đang phát triển một cảng nước sâu đầu tiên ở Indonesia, giúp Ấn Độ kiểm soát Eo biển Malacca và các eo biển khác của Indonesia.
Các thỏa thuận hậu cầu với các quốc gia cùng chung quan điểm như Mỹ và Australia, cùng với hợp tác quốc phòng và hàng hải sâu rộng với Việt Nam, Indonesia và Philippines cho thấy Ấn Độ đang cân nhắc những lựa chọn của mình ở Biển Đông.