Giáo hoàng Francis. (Nguồn: CNA) |
Tháng 9/2023, Giáo hoàng Francis đã có thư gửi Giáo hội Công giáo Việt Nam nhân dịp công nhận Thỏa thuận về Quy chế cho Đại diện thường trú của Tòa thánh và Văn phòng Đại diện thường trú của Tòa thánh tại Việt Nam.
Bức thư gửi gắm nhiều thông điệp quan trọng không chỉ với Giáo hội Công giáo Việt Nam mà còn có ý nghĩa sâu sắc với quan hệ Việt Nam-Vatican.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng đánh giá, thư của Giáo hoàng Francis được coi như một dấu mốc lịch sử quan trọng, bước ngoặt trong quan hệ hợp tác hữu nghị Việt Nam- Vatican; mang thông điệp, ý nghĩa to lớn đối với Giáo hội Công giáo Việt Nam, động viên chức sắc, tu sĩ, giáo dân Công giáo Việt Nam tiếp tục đường hướng đồng hành cùng dân tộc, đóng góp cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam.
Sống phúc âm giữa lòng dân tộc
Hiện nay, Công giáo Việt Nam có mặt ở 63/63 tỉnh, thành phố, với 3 giáo tỉnh, 27 giáo phận, khoảng trên 3.000 giáo xứ, trên 7,2 triệu tín đồ. Công giáo Việt Nam là một bộ phận quan trọng không thể tách rời của dân tộc Việt Nam, đang cùng các tôn giáo khác và cộng đồng không tôn giáo xây dựng, phát triển đất nước. Đây là cộng đồng được Đảng, Nhà nước quan tâm cả về đời sống kinh tế, xã hội và đảm bảo quyền tự do tôn giáo.
Trong thư, Giáo hoàng Francis đặc biệt nhấn mạnh: "Anh chị em là con cái của Hội thánh và đồng thời là công dân Việt Nam".
Giáo hoàng Francis nhắc nhở chức sắc và giáo dân Công giáo Việt Nam thực hiện lời giáo huấn của Cố Giáo hoàng Benedict XVI đối với các Giám mục Việt Nam (năm 2009) “người giáo dân tốt đồng thời là người công dân tốt”, qua đó các tín hữu Công giáo phải đồng hành cùng dân tộc, có trách nhiệm với sự phát triển của đất nước.
Theo Giáo hoàng Francis, các tín hữu Công giáo, hoặc qua việc xây dựng Hội Thánh bằng cách cộng tác vào sinh hoạt mục vụ với tinh thần đồng trách nhiệm, hoặc một cách đặc biệt, đem tinh thần phúc âm vào các thực tại trần thế, họ sẽ thể hiện căn tính của mình là người Kitô hữu tốt và là công dân tốt.
Trong viễn cảnh này, khi thực hiện được những điều kiện thuận lợi cho việc thực hành tôn giáo cách tự do, các tín hữu Công giáo sẽ có thể tăng cường đối thoại và mang lại niềm hy vọng cho đất nước.
Các nữ tu Công giáo tham gia hỗ trợ đăng ký tiêm vaccine Covid-19 tại Bệnh viện quận 11, TP. Hồ Chí Minh, tháng 11/2021. (Nguồn: Ban Tôn giáo Chính phủ) |
Thời gian qua, với đường hướng hoạt động “Sống phúc âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng bào”, chức sắc, chức việc, tín đồ Công giáo đã đồng hành cùng chính quyền các cấp, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, lao động sản xuất tại địa phương, góp phần vào sự phát triển, ổn định kinh tế xã hội, của đất nước, nổi bật là công tác bảo trợ xã hội, từ thiện nhân đạo, y tế, giáo dục.
Đáng chú ý, Công đoàn Công giáo Việt Nam đã có những đóng góp tích cực và ý nghĩa cho đất nước, đặc biệt trong đại dịch Covid-19.
Đức Giám mục Giuse Đỗ Mạnh Hùng, Tổng Thư ký Hội đồng Giám mục Việt Nam cho biết, trong giai đoạn đại dịch Covid-19, các tín hữu Công giáo của 27 giáo phận trong cả nước đã chia sẻ lương thực cho người dân trong lúc giãn cách xã hội, đặc biệt các linh mục tu sĩ tình nguyện (riêng ở TP. Hồ Chí Minh có hơn 1.000 tu sĩ) nhiệt tình quảng đại vào tâm dịch để phục vụ bệnh nhân trong lúc nguy tử.
Theo thống kê của Ban Dân vận Trung ương, trong công tác phòng chống dịch Covid-19, đã có trên 20.000 y bác sĩ cùng hàng trăm nghìn cán bộ, chiến sĩ công an, quân đội chi viện cho miền Nam chống dịch; trong đó, có khoảng 2.000 linh mục, tu sĩ, chức sắc, chức việc.
Không chỉ trong bối cảnh đại dịch, thời gian qua, các nữ tu Công giáo đã có những đóng góp đáng kể trong công cuộc giáo dục trẻ em mầm non. Cụ thể là, duy trì lớp mẫu giáo miễn phí, tổ chức lớp học tình thương cho trẻ em nghèo, xóa mù chữ, và mở các cơ sở dạy nghề cho giới trẻ.
Đồng thời, các nữ tu cũng tham gia chăm sóc sức khỏe miễn phí cho trẻ em và phụ nữ, mở các phòng khám từ thiện, và hỗ trợ xây dựng các cơ sở y tế cộng đồng. Qua những hoạt động này, các nữ tu Công giáo góp phần giảm bớt tệ nạn xã hội và nâng cao chất lượng cuộc sống của cộng đồng.
Những nỗ lực "sống phúc âm giữa lòng dân tộc" này đã được Giáo hoàng Francis đánh giá cao trong thư: "Hội thánh tại Việt Nam đã chứng tỏ mình là men trong xã hội, bằng cách đồng hành với sự phát triển của xã hội và đóng góp vào sự phát triển ấy với tư cách là những tín hữu có trách nhiệm và đáng tin".
Thứ trưởng Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng và Thứ trưởng Ngoại giao Tòa thánh Vatican, Đức ông Miroslaw Wachowski đồng chủ trì Cuộc họp thường niên Vòng XI Nhóm công tác hỗn hợp Việt Nam-Vatican ngày 17/5 tại Hà Nội. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Giai đoạn mới cho quan hệ Việt Nam-Vatican
Năm ngoái, đồng bào Công giáo cả nước đón nhận niềm vui lớn lao khi quan hệ Việt Nam-Vatican nâng cấp từ Đặc phái viên không thường trú lên Đại diện Thường trú, Tòa thánh mở Văn phòng Đại diện thường trú tại Việt Nam, Lãnh đạo Nhà nước đã gửi Thư mời Đức Giáo hoàng Francis sang thăm Việt Nam. Đây là dấu mốc lịch sử quan trọng trong quan hệ ngoại giao của Vatican và Việt Nam.
Việc thiết lập Đại diện thường trú của Tòa thánh tại Việt Nam đã tạo ra những thuận lợi trong công tác đối ngoại của Việt Nam và sứ mệnh phục vụ đức tin tôn giáo cho các tín hữu của Giáo hội Công giáo Rome. Nhờ có Đại diện thường trú mà bất kỳ các vấn đề nảy sinh liên quan đến Công giáo sẽ được nhanh chóng trao đổi trực tiếp thông qua Đại diện thường trú.
Các hoạt động, chương trình ngoại giao, sẽ được chính thức thực hiện ở cấp độ Nhà nước giữa Vatican và Việt Nam. Mặt khác, Đại diện thường trú sẽ có điều kiện thuận lợi thực hiện nhiệm vụ và trách nhiệm của Tòa thánh giao đối với các hoạt động tôn giáo của Giáo hội Công giáo Việt Nam.
Trong thư, Giáo hoàng Francis khẳng định: "Dựa trên sự tin tưởng lẫn nhau được xây dựng từng bước trong nhiều năm qua, và được củng cố bằng các chuyến thăm thường niên của phái đoàn Toà thánh cũng như các cuộc họp của Nhóm làm việc chung giữa Việt Nam và Toà thánh, cả hai bên đã có thể cùng nhau tiến tới và sẽ còn tiến nữa, nhờ nhìn nhận những điểm tương đồng và tôn trọng những khác biệt.
Hơn thế nữa, hai bên đã có thể đồng hành, lắng nghe nhau và hiểu nhau. Dù mỗi bên có sự khác biệt về lịch sử và kinh nghiệm sống, điều đó không thể ngăn cản cùng nhau đi tìm con đường tốt nhất để phục vụ thiện ích của dân tộc Việt Nam và Hội thánh".
Điều này có ý nghĩa quan trọng để ngăn chặn, dẹp bỏ những luận điệu xuyên tạc của các thế lực xấu lợi dụng tôn giáo để chống phá Đảng và Nhà nước, bởi lẽ chính sự công nhận của Giáo hoàng Francis đã trở thành minh chứng rõ nhất cho tinh thần tự do tôn giáo và thiện chí hòa hợp dân tộc của người Việt Nam.
Những bước phát triển tích cực của quan hệ Việt Nam-Vatican đã tái khẳng định chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn, là đối tác tin cậy của các nước trên thế giới của Việt Nam.
Qua đó, Việt Nam cũng thể hiện chủ trương, chính sách nhất quán tôn trọng tự do tín ngưỡng tôn giáo; quan tâm, tạo điều kiện cho các nhu cầu tôn giáo chính đáng của đồng bào các tôn giáo, trong đó có đồng bào Công giáo.
Với những ý nghĩa, giá trị thiết thực đó, hy vọng rằng tinh thần và thông điệp gửi gắm trong thư của Giáo hoàng Francis sẽ được lan tỏa, là nguồn động viên đồng bào Công giáo tích cực tham gia phong trào thi đua yêu nước, xây dựng nông thôn mới tại địa phương; phát huy nguồn lực của Công giáo trong việc xây dựng và phát triển đất nước.
Hội thảo thư của Giáo hoàng Francis gửi Giáo hội Công giáo Việt Nam do Ban Tôn giáo Chính phủ, Bộ Nội vụ tổ chức ngày 23/7 tại Hà Nội. (Nguồn: TTXVN) |