Tuy nhiên, câu chuyện về SGK vẫn chưa kết thúc, bởi còn một bộ sách “đặc biệt” mà NXB Giáo Dục đang chờ duyệt để in và phát hành đuổi theo SGK: 3 quyển sách đính chính những sai sót trong SGK!
Vừa chạy vừa xếp hàng
Nhiều năm qua,năm nào giới chuyên môn và công luận cũng lên tiếng về những khiếm khuyết của chương trình (CT) và SGK, loại sách mà về nguyên tắc không có quyền sai sót về kiến thức, thậm chí, cả những sai sót thuần túy kỹ thuật cũng khó được “thông cảm”. Điều đáng ngạc nhiên là không hiểu vì sao, đến nay tình trạng đó vẫn không được khắc phục.
Về lý thuyết, quy trình biên soạn SGK rất chặt chẽ. Đầu tiên Bộ GD-ĐT thành lập hội đồng biên soạn CT. Sau khi CT được duyệt, theo từng bộ môn, cấp, lớp. Bộ sẽ chỉ định một đội ngũ các nhà khoa học, các nhà giáo có uy tín tham gia biên soạn SGK. Sách viết xong, bản thảo được gửi về cho Bộ GD-ĐT. Sau đó, Bộ tổ chức một Hội đồng thẩm định (HĐTĐ) bao gồm các nhà khoa học, các giáo sư đầu ngành và một số giáo viên (GV) ở các trường góp ý, sửa chữa lần thứ nhất.
Sửa xong, sách sẽ được in với một số lượng hạn chế để trưng cầu ý kiến ở phạm vi rộng hơn. Những ý kiến đóng góp từ khắp nơi được tập hợp và chuyển cho các tác giả tham khảo, tiếp tục sửa chữa, hoàn thiện. Sau khi bản thảo cuối cùng được hoàn tất, HĐTĐ xem xét một lần nữa trước khi thông qua và chuyển cho NXB GD để in và phát hành.
Với một quy trình chặt chẽ như thế, với một đội ngũ đông đảo tập hợp toàn tinh hoa của ngành, ấy vậy mà phải cần đến ba quyển sách để đính chính những sai sót trong SGK thì quả là chuyện… xưa nay hiếm! Vì sao lại ra nông nỗi ấy?
Những cuốn SGK được bày bán sau một quá trình biên soạn và in ấn theo quy trình chặt chẽ, vậy mà vẫn có sai sót |
Theo PGS-TS Hoàng Dũng (ĐHSP TP.HCM), một trong những người tham gia biên soạn SGK, thì nguyên nhân sâu xa của tình trạng đó bắt nguồn từ khâu tổ chức biên soạn CT. Việc triển khai gần như cùng lúc ba hội đồng biên soạn CT cho ba cấp học đã làm phát sinh những khiếm khuyết về tính hệ thống. Khi việc biên soạn SGK gần hoàn tất, Bộ mới thành lập thêm một hội đồng để xem xét, xác định lại một CT… chuẩn. Vì vậy, những sai sót, dù đã được sửa chữa đôi chút nhưng cũng chỉ là vá víu.
Ngày 30/8, trả lời phỏng vấn của báo Lao Động, GS-TSKH Nguyễn xuân Hãn (ĐHQG Hà Nội) đã ví von một cách hình ảnh: một ngôi nhà 12 tầng (tương ứng với 12 lớp phổ thông), chỉ cần một nhóm thợ giỏi làm đồng bộ là đủ. Ta lại đem cắt khúc làm nhiều phần và thuê hàng trăm nhóm thợ khác nhau, làm theo kiểu “vừa chạy vừa xếp hàng”, lại không có người tổng chỉ huy về học thuật nên sai sót là điều khó tránh khỏi.
Ông Hãn khẳng định: “Dù có ba cuốn sách đính chính cũng không giải quyết được vấn đề” vì “kiến thức trình bày trong SGK không liền mạch, thiếu logic, ngôn ngữ trình bày xa cuộc sống, khó học và khó dạy”.
Ai chịu trách nhiệm?
Tất nhiên, trách nhiệm trước hết thuộc về tác giả. Nhưng nói cho công bằng thì trách nhiệm không hoàn toàn thuộc về tác giả. Bởi trên nguyên tắc, chỉ sau khi HĐTĐ thông qua, sách mới được chuyển đến NXB để tiến hành các công đoạn cuối. Vì vậy, HĐTĐ của Bộ không thể thoái thác trách nhiệm trong vấn đề này. Nhưng HĐTĐ cụ thể là những ai? Phần lớn GV không biết và HS thì lại càng mù tịt. Vì chẳng mấy người biết họ là ai nên họ cứ ung dung “sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi”.
Ở nhiều nước, ngay cả trong luận án tiến sĩ, ngoài tên của nghiên cứu sinh và người hướng dẫn còn ghi rõ tên của từng thành viên trong hội đồng chấm luận án. Đó là sự minh bạch về cơ chế trách nhiệm. Thiết nghĩ, nếu tên của từng thành viên trong HĐTĐ được ghi rõ trong SGK thì chắc chắn Hội đồng sẽ phải cẩn trọng hơn rất nhiều khi xem xét và thông qua bản thảo cuối cùng.
Tuy nhiên, xét cho cùng, người chịu trách nhiệm cao nhất chính là Bộ GD-ĐT. Theo GS-TSKH Nguyễn Xuân Hãn thì những bất cập này đã được giới khoa học cảnh báo từ lâu, nhưng cơ quan có trách nhiệm vẫn bỏ qua. Không phải ngẫu nhiên mà trong kết luận thanh tra NXB Giáo Dục hồi tháng 4/2007, Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị Thủ tướng xem xét xóa độc quyền xuất bản SGK.
Trả lời phỏng vấn báo Tuổi Trẻ ngày 1/9, ông Nguyễn Anh Dũng, Phó viện trưởng Viện Khoa học giáo dục cho biết, những lỗi trong SGK cần phải đính chính bao gồm: “những thuật ngữ khoa học trình bày trong một số cuốn SGK còn khó, trừu tượng, chưa chuẩn xác”, “cách trình bày ở một số cuốn SGK rườm rà, chưa tường minh”, “rải rác một số cuốn còn sai kiến thức. Một số cuốn nội dung, yêu cầu đối với HS quá cao”. Đó là chưa kể còn những bất cập “khó điều chỉnh ngay được” vì “sẽ gây đảo lộn CT”.
Với những lỗi như vậy mà lại giao cho HS “tự sửa chữa vào cuốn SGK của mình dưới sự hướng dẫn của GV bộ môn” như khẳng định của ông Lê Quán Tần, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học Bộ GD-ĐT (vì sách đính chính chỉ in với một số lượng hạn chế) thì liệu có “an toàn”? HS sẽ nghĩ gì khi hằng ngày phải vật lộn với những cuốn SGK bị bôi xóa lem nhem.
Một bộ sách phải đính chính nhiều chỗ đích thị là “hàng” kém phẩm chất. Điều đó bất cứ ai hoạt động trong ngành xuất bản cũng biết. Nếu không phải là SGK, chắc chắn phải giảm giá theo quy luật của thị trường, thậm chí phải bán đổ bán tháo với giá phế liệu: nhưng vì là SGK nên dù kém phẩm chất, nó vẫn nghiễm nhiên được bán với giá cao hơn nhiều so với giá trị thực (giá thành kế hoạch cao hơn chi phí thực tế 25,478 tỷ đồng/năm-kết luận thanh tra tháng 4/2007) mà người tiêu dùng không có quyền từ chối!
Nghịch lý đó chỉ có thể tồn tại trong cơ chế độc quyền.
Theo Phụ Nữ