Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Hai năm dịch Covid-19 căng thẳng, chuỗi cung ứng bị đứt gãy vẫn chưa thể hoàn toàn phục hồi, thế nhưng, có thể thấy dòng chảy thông tin vẫn liền mạch và sáng tạo. Theo bà, công tác thông tin đối ngoại đã và đang thích ứng như thế nào thời gian qua?
Có thể thấy, đại dịch Covid-19 đã làm xáo trộn, thậm chí ngưng trệ nhiều hoạt động trong xã hội, tuy vậy, dòng chảy thông tin chưa bao giờ bị ngắt quãng. Các kênh thông tin dưới các hình thức khác nhau vẫn được cập nhật thông suốt. Càng giãn cách, càng khó khăn bởi dịch bệnh thì dòng chảy thông tin càng trở nên quan trọng và thiết yếu.
Công tác thông tin đối ngoại không đứng ngoài bối cảnh chung đó. Trong năm qua, nguồn thông tin từ Việt Nam ra nước ngoài gặp nhiều thách thức và cả hạn chế do gần hai năm nay không có thêm một phóng viên nước ngoài nào vào Việt Nam tác nghiệp trực tiếp. Bên cạnh đó, đại dịch Covid-19 cũng ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động của các cơ quan báo chí nói chung và các cơ quan báo chí đối ngoại nói riêng.
Trước những khó khăn như vậy, những người làm thông tin đối ngoại luôn nỗ lực đưa ra những sáng kiến, ý tưởng sáng tạo để thích ứng linh hoạt và chủ động ứng phó với tình hình, phát huy hiệu quả, góp phần vào thành tựu chung của đối ngoại cũng như công tác tuyên truyền quảng bá đất nước.
Thứ nhất chính là quá trình chuyển đổi số diễn ra nhanh, mạnh mẽ, phát huy được vai trò và hiệu quả cao. Các cơ quan báo chí có thể giảm, thậm chí ngừng xuất bản bản in nhưng thông tin trên báo điện tử chưa khi nào được cập nhật liên tục, nhanh và đầy đủ như vậy.
Hình thức truyền tải thông tin đối ngoại được chuyển đổi phần nhiều từ trực tiếp sang trực tuyến hoặc kết hợp cả trực tiếp và trực tuyến. Trong năm qua, họp báo của Bộ Ngoại giao thường xuyên diễn ra theo hình thức trực tuyến; trong tổng số 22 cuộc họp báo, có tới 16 cuộc được tổ chức theo hình thức này. Đối với các buổi thông tin về các vấn đề đối ngoại, báo cáo viên thay vì đến trực tiếp địa phương hay hội nghị thì có thể tham gia trực tuyến hoặc kết hợp trực tuyến và trực tiếp. Hình thức này ngày càng phát huy tác dụng và có sức lan tỏa mạnh mẽ hơn, bởi lẽ, điểm cầu của báo cáo viên không chỉ tiếp cận được với các tỉnh, thành phố mà đã tiếp cận được với cả cấp huyện, xã. Như vậy, qua sự chủ động, linh hoạt, công tác thông tin đối ngoại vẫn được triển khai hết sức hiệu quả.
Thứ hai, trong năm 2021, chúng tôi tiếp tục một hướng đi vốn đã được triển khai trong năm 2020, là tranh thủ phóng viên nước ngoài ở Việt Nam, tổ chức khoảng 100 lượt đưa các đoàn tùy viên báo chí của các cơ quan đại diện, phóng viên báo chí nước ngoài thường trú tới nhiều địa phương. Đặc biệt, ngay đầu tháng 12 vừa qua, khi tình hình dịch Covid-19 tại TP. Hồ Chí Minh được kiểm soát, Bộ Ngoại giao và UBND TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức cho đoàn tùy viên báo chí của các cơ quan đại diện ngoại giao, phóng viên báo chí nước ngoài thường trú ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đi tìm hiểu thực tế bốn ngày để chứng kiến tận mắt Thành phố từng là tâm dịch của cả nước đang “hồi sinh” như thế nào, dần dần lấy lại được đà phục hồi và phát triển. Chuyến đi đã tạo ra được hiệu ứng tích cực, có nhiều bài viết về sự đổi thay của TP. Hồ Chí Minh sau “cơn bão” Covid-19, qua đó quảng bá hình ảnh của Thành phố, góp phần giữ chân và thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài.
“Trăm nghe không bằng một thấy”, việc chúng ta tạo điều kiện cho tùy viên báo chí, phóng viên nước ngoài đi thực tế đưa tin về Việt Nam là hướng đi hiệu quả nhất để bên ngoài thấy được những nỗ lực chống dịch của Việt Nam. Bên cạnh đó, cách Việt Nam ứng xử với các cán bộ ngoại giao, báo chí nước ngoài hay công dân nước ngoài trong bối cảnh đại dịch cũng đã lan tỏa thông điệp về một Việt Nam nhân ái. Cán bộ ngoại giao, phóng viên nước ngoài là những đối tượng được tiêm chủng vaccine Covid-19 sớm nhất, người nước ngoài bị kẹt ở Việt Nam được tạo điều kiện trở về nước an toàn, công dân nước ngoài mắc bệnh được quan tâm hỗ trợ và tận tình cứu chữa nếu không may mắc bệnh…
Các phóng viên báo chí tác nghiệp tại Trung tâm Báo chí phục vụ Đại hội XIII của Đảng. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Có những “chiến dịch” thông tin đối ngoại nào khó quên nhất với bà?
Một điểm sáng và cũng là thành tựu của Bộ Ngoại giao trong công tác thông tin đối ngoại trong năm qua có thể kể tới là công tác tuyên truyền Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Đây là sự kiện chính trị rất quan trọng đối với đất nước và về mặt đối ngoại thu hút sự quan tâm của dư luận quốc tế, kiều bào ta ở nước ngoài về đường hướng, chính sách và con đường phát triển của Việt Nam trong thời gian tới.
Bộ Ngoại giao là một trong những thành viên chủ chốt của Tiểu ban tuyên truyền Đại hội, đã chủ động lên các phương án liên quan tới công tác thông tin cho báo chí nước ngoài trong bối cảnh tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Ngoài phương án phóng viên từ nước ngoài vào tham dự trực tiếp và đưa tin Đại hội, chúng ta đã kiến nghị hình thức đưa tin trực tuyến.
Hình thức này hoàn toàn mới mẻ, chưa bao giờ được áp dụng tại Việt Nam. Được sự nhất trí của Ban Bí thư, Bộ Ngoại giao đã phối hợp với các thành viên của Tiểu ban tuyên truyền trong đó có Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Đối ngoại Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông hiện thực hóa sáng kiến này, đem đến thành công vượt cả mong đợi.
Một “trung tâm báo chí online” đã được thiết lập, mọi thông tin, hình ảnh cũng như sự kiện diễn ra tại trung tâm báo chí trực tiếp đều được cung cấp để các phóng viên tham dự online tiếp cận đầy đủ, kể cả các buổi thông tin báo chí hàng ngày và họp báo về kết quả Đại hội do đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì.
Có 95 phóng viên từ 80 cơ quan báo chí trên khắp năm châu lục, kể cả châu Phi đã tham dự đưa tin kỳ Đại hội. Số lượng phóng viên tham dự đưa tin kỳ Đại hội có thể không được nhiều như khi tổ chức theo hình thức truyền thống nhưng chưa bao giờ chiến dịch thông tin đối ngoại của ta có sự tham gia của đầy đủ phóng viên từ tất cả các châu lục với số lượng cơ quan báo chí lớn như vậy! Với thành công này, Bộ Ngoại giao đã được nhận giải thưởng thông tin đối ngoại 2020 về ý tưởng.
Cùng với công tác chuyên môn, công tác tổ chức để đảm bảo an toàn cho hàng trăm phóng viên và trợ lý báo chí các Văn phòng thường trú nước ngoài trước dịch bệnh khi chưa được tiêm chủng vaccine cũng là một thách thức đặt ra. Triệt để tuân thủ 5K và xét nghiệm thường xuyên là yêu cầu bắt buộc đối với tất cả phóng viên trong và ngoài nước. Khi kết thúc kỳ Đại hội, không có một trường hợp nào bị nhiễm Covid-19, tất cả đều được bảo đảm an toàn tuyệt đối.
Trong những tháng cuối năm, các hoạt động ngoại giao theo hình thức truyền thống đã được khởi động với nhiều hoạt động trao đổi đoàn. Công tác bảo đảm phòng chống dịch đã trở thành một phần không thể thiếu của mỗi chuyến đi, ở bất kỳ hoạt động đối ngoại nào. Chúng tôi giờ đã không còn nhớ mình đã thực hiện bao nhiêu lần xét nghiệm Covid-19.
Có những hoạt động ngày nào cũng phải tự làm xét nghiệm như ở Hội nghị COP26, chuyến đi nào về cũng phải cách ly tập trung hoặc tự cách ly tại nhà.
Cũng do những yêu cầu phòng chống dịch của các nước, sự tiếp cận của phóng viên vào các sự kiện đối ngoại cũng gặp nhiều hạn chế, thậm chí có sự kiện phóng viên không được vào; đòi hỏi phải có sự xử lý linh hoạt, phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng giữa các đơn vị liên quan như lễ tân, phiên dịch và các vụ chính trị, vụ khu vực.
Có thể nói để có được những hình ảnh, thông tin nhanh, chính xác trên truyền thông là công sức của cả một tập thể, có sự tham gia trực tiếp của cả Lãnh đạo Bộ, là sự ăn ý giữa cán bộ Bộ Ngoại giao với phóng viên báo chí có khi đến từng phút.
“Hiện đại” được xem là một hướng đi của ngoại giao Việt Nam trong việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Tính “hiện đại” với thông tin đối ngoại được hiểu và phát triển trong thực tiễn như thế nào, thưa bà?
Tôi cho rằng, trong đối ngoại và thông tin đối ngoại, hiện đại phải đi kèm với chuyên nghiệp và tiên phong thì mới đạt được hiệu quả cao nhất.
Tiên phong là đi trước với tầm nhìn rộng, với những sáng kiến, dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm.
Chuyên nghiệp là cách làm, các kỹ năng cứng như chuyên môn, ngoại ngữ, công nghệ… và đặc biệt là các kỹ năng mềm như tạo dựng quan hệ, quản lý thời gian, làm việc nhóm…
Với thông tin đối ngoại, chúng ta cần đoán biết những xu thế truyền thông toàn cầu với một tư duy mở, tiếp cận rộng hơn chứ không chỉ một chiều, trong đó cần nhất là lồng ghép những thông điệp của mình. |
Hiện đại không chỉ nói về khía cạnh công nghệ, hạ tầng kỹ thuật; tính hiện đại còn phải được thể hiện ngay cả trong cách tiếp cận tư duy và hành động, nắm bắt kịp thời các xu thế của khu vực, thế giới.
Với thông tin đối ngoại, chúng ta cần đoán biết những xu thế truyền thông toàn cầu với một tư duy mở, tiếp cận rộng hơn chứ không chỉ một chiều, trong đó cần nhất là lồng ghép những thông điệp của mình. Về hình thức, ngoài những loại hình truyền thông truyền thống không thể thiếu được như truyền hình, báo in, tạp chí, chúng ta cần thay đổi hình thức đa dạng như báo điện tử longform, megastory… để kể những câu chuyện truyền thông; tận dụng mạng xã hội, biết và vận dụng “luật chơi” của mạng xã hội để không bị lạm dụng…
Một điều đặc biệt quan trọng, yếu tố quyết định tính hiện đại, chuyên nghiệp và tiên phong chính là ở con người, nguồn lực. Con người cần được đào tạo, trau dồi, thích nghi với tình hình mới để trở nên tiên phong, hiện đại và chuyên nghiệp.
| 2021 - Năm ghi dấu nhiều thành tựu nổi bật trong hoạt động đối ngoại về quyền con người của Việt Nam Trong năm 2021, hoạt động đối ngoại về quyền con người của Việt Nam đạt nhiều thành tựu, dấu ấn nổi bật, thể hiện qua ... |
| Tăng cường và phát huy mạnh mẽ vai trò thông tin đối ngoại trên báo chí truyền thông Ngày 8/1, Hội thảo khoa học trực tuyến 'Công tác quản lý thông tin đối ngoại trên báo chí truyền thông' đã diễn ra với ... |