Back to E-magazine
e magazine
07:45 | 31/08/2022
Thông tin đối ngoại - hành trình từ biết, hiểu đến tin yêu

07:45 | 31/08/2022

Với ông Lê Hải Bình, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo công tác Thông tin đối ngoại Trung ương, làm công tác thông tin đối ngoại là hành trình đi trước một bước để thế giới biết thêm, hiểu rõ và tin tưởng, ủng hộ chúng ta.
Thông tin đối ngoại - hành trình từ biết, hiểu đến tin yêu
Thông tin đối ngoại - hành trình từ biết, hiểu đến tin yêu

Xin ông cho biết vị trí, vai trò của công tác thông tin đối ngoại trong tổng thể công tác đối ngoại hiện nay?

Ngành ngoại giao và những người làm công tác đối ngoại vẫn luôn tự hào về việc nền ngoại giao Việt Nam hiện đại được Bác Hồ kính yêu sáng lập và rèn luyện. Nhìn lại những năm tháng bôn ba tìm đường cứu nước của Bác, chúng ta có thể nói những hoạt động cách mạng đầu tiên Bác làm chính là công tác thông tin đối ngoại.

Đó chính là khi Bác Hồ đưa ra Bản yêu sách của người dân An Nam tại Hội nghị Versailles, khi Bác làm báo Người cùng khổ (Le Paria) và hoạt động trong các hội ở Pháp để nói lên tiếng nói của người dân An Nam nhằm đòi quyền mà người dân xứng đáng được hưởng.

Từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời cho đến khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập, Bác Hồ là người trực tiếp đề ra đường lối đối ngoại, cũng là người trực tiếp thực thi chính sách đối ngoại. Trong đó, hoạt động thông tin đối ngoại luôn được Bác chú trọng.

Nếu như trong giai đoạn 1930-1945 là thời kỳ nỗ lực truyền bá chủ nghĩa Mác Lê-nin, tình hình thế giới về Việt Nam và phản ánh hình ảnh đất nước ra bên ngoài thì trong những ngày đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ, Bác cũng là người trực tiếp nỗ lực trả lời phỏng vấn báo chí quốc tế, tìm mọi cách để thông tin cho thế giới biết về nguyện vọng của nhân dân Việt Nam, đó là mong muốn độc lập, tự do và sự thật là đã trở thành một nước độc lập.

Trong suốt thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Bác không ngừng chỉ đạo và trực tiếp làm thông tin đối ngoại để nhân loại tiến bộ biết về cuộc kháng chiến chính nghĩa của dân tộc Việt Nam; thông tin đến cho những kẻ xâm lược và những đối tượng khác nhau, đồng thời nỗ lực chỉ đạo để đưa những thông tin về phong trào cách mạng thế giới đến với Việt Nam để nhân dân phấn khởi, bộ đội ta vui mừng về sự ủng hộ của Liên Xô và các nước XHCN, của cộng đồng quốc tế đối với cuộc kháng chiến của chúng ta. Từ đó, chúng ta có niềm tin vững vàng rằng đất nước ta có sự ủng hộ to lớn của nhân loại tiến bộ.

Tiếp nối những nền tảng và di sản quý giá mà Bác Hồ tạo dựng, vun đắp, trong công cuộc đổi mới, công tác đối ngoại vẫn luôn chú trọng đến mảng thông tin đối ngoại.

Nhờ làm tốt công tác thông tin đối ngoại, khẩu hiệu Việt Nam mong muốn là bạn, là đối tác, đối tác tin cậy, thành viên có trách nhiệm đã gây ấn tượng mạnh, đi vào tâm tưởng, suy nghĩ của cộng đồng quốc tế, giúp bạn bè quốc tế biết được, hiểu được và xóa đi định kiến về chúng ta.

Trong bối cảnh hiện nay, công tác thông tin đối ngoại vừa tiếp nối truyền thống Bác Hồ để lại, vừa phát huy những thành tựu, kết quả tích cực trong thời kỳ đổi mới. Đồng chí Võ Văn Thưởng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư từng nhấn mạnh rằng công tác tuyên giáo là một trong những công tác trọng yếu của Đảng, đóng vai trò đi trước - mở đường, đi cùng phát triển, đi sau tổng kết đối với tiến trình cách mạng của Đảng và dân tộc. Tôi cho rằng công tác thông tin đối ngoại cũng có những nét tương đồng. Đó là phải đi trước một bước, để cung cấp thông tin, tạo sự hiểu biết và tạo lòng tin; đồng hành triển khai và đi sau tổng kết.

Trong công tác đối ngoại chúng ta thường nói các vế hợp tác và đấu tranh, hòa bình và xung đột thì trong vế hòa bình và hợp tác, công tác thông tin đối ngoại đóng vai trò gia tăng hiểu biết, tăng cường hữu nghị, hợp tác; trong vế xung đột và đấu tranh thì góp phần để hiểu biết nhau hơn, để tháo gỡ những khúc mắc, chưa hiểu nhau.

Tôi cho rằng trong thời gian tới, với mục tiêu chiến lược mà Đảng ta đề ra hướng đến 2030 và 2045, công tác thông tin đối ngoại đóng vai trò quan trọng, góp phần vào việc kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại.

Thông tin đối ngoại - hành trình từ biết, hiểu đến tin yêu
Thông tin đối ngoại - hành trình từ biết, hiểu đến tin yêu

Lực lượng làm công tác thông tin đối ngoại cả trong và ngoài nước ngày càng đa dạng. Đánh giá của ông về vai trò bổ trợ cho nhau của các lực lượng làm công tác thông tin đối ngoại và vai trò của Bộ Ngoại giao trong công tác này?

Nếu chúng ta hình dung công tác thông tin đối ngoại là một mặt trận thì trên mặt trận đó có nhiều lực lượng khác nhau. Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, tuy cơ đồ đất nước có những bước phát triển mạnh mẽ nhưng nguồn lực của chúng ta chưa thực sự dồi dào. Chính vì vậy, càng phải tăng cường phối hợp đồng bộ giữa các lực lượng để phát huy tối đa sức mạnh của chúng ta.

Thông tin đối ngoại - hành trình từ biết, hiểu đến tin yêu

Lực lượng làm công tác thông tin đối ngoại có lực lượng bên trong và bên ngoài, lực lượng ở cấp trung ương đến địa phương, lực lượng từ các bộ, ban, ngành nếu phân mảng theo lĩnh vực.

Chúng ta đang tích cực, chủ động triển khai hội nhập toàn diện, theo đó là đối ngoại toàn diện và vì vậy, công tác thông tin đối ngoại cũng phải toàn diện.

Chúng ta có truyền thống thế trận nhân dân. Trong công cuộc hội nhập quốc tế toàn diện hiện nay, mỗi người dân Việt Nam đều có khả năng tiếp xúc với bên ngoài và mang hình ảnh đất nước ra ngoài. Nói nôm na thì mỗi người dân cũng có thể là một vị đại sứ. Ví dụ, người ta có thể nhìn một nhóm người Việt Nam ở nước ngoài hành xử như thế nào để đánh giá văn hóa Việt Nam, trình độ văn minh Việt Nam.

Tuy nhiên, trong một mặt trận toàn diện thì luôn có lực lượng chủ lực, chủ công và tôi cho rằng những người làm công tác đối ngoại, đặc biệt là những người làm công tác ngoại giao, là chủ lực của chủ lực, chủ công của chủ công. Bởi lẽ có ba yếu tố:

Thứ nhất, cán bộ đối ngoại được trang bị vũ khí đặc chủng. Những nhà ngoại giao là những người nắm chắc nhất đường lối, hiểu rõ nhất chính sách đối ngoại của từng quốc gia. Vậy rõ ràng họ mang trong mình vũ khí tốt nhất.

Thứ hai, họ là những người đi đầu trên trận tuyến vì họ hoạt động trong lĩnh vực đối ngoại. Cả trong nước và ngoài nước thì họ đều trên tuyến đầu nên họ có điều kiện để thực hiện nhiệm vụ của mình một cách thường xuyên, liên tục.

Thứ ba, họ cũng là những người có thể chuyển tải tốt nhất những điều tai nghe mắt thấy trên thế giới về với nhân dân ta một cách khách quan nhất, đúng thực tiễn nhất.

Trên thực tế thì có nhiều sự kiện diễn ra trên thế giới mà lực lượng báo chí truyền thông của chúng ta chưa có điều kiện tiếp cận. Các hãng truyền thông quốc tế thì luôn phản ánh thực tiễn qua lăng kính của họ. Những lúc đó thì các nhà ngoại giao là những người phản ánh tốt nhất thông tin để nhân dân trong nước biết được chuyện gì thực sự xảy ra trên thế giới, tránh bị lực lượng truyền thông khác nhau trên thế giới chuyển tải đến một bức tranh đầy thiên kiến, thiếu khách quan.

Thông tin đối ngoại - hành trình từ biết, hiểu đến tin yêu
Hoạt động quảng bá hình ảnh Việt Nam ở nước ngoài.

Trong các đối tượng của thông tin đối ngoại, đâu là đối tượng ưu tiên trong giai đoạn hiện nay?

Đối tượng của thông tin đối ngoại rất rộng, có thể nói hầu hết tất cả. Nếu nói về bên ngoài thì cả thế giới. Nếu nói về bên trong thì là tất cả nhân dân ta.

Khi nói đến đối tượng của công tác thông tin đối ngoại, người ta hay nghĩ đến cộng đồng quốc tế. Trong cộng đồng quốc tế thì có chính giới, tài giới, doanh giới, trí thức, nhà khoa học, nhân dân…

Đối với tôi, càng vươn ra ngoài bên ngoài bao nhiêu, thì đối tượng cần hướng tới nhất lại là nhân dân Việt Nam, bao gồm nhân dân trong nước và cộng đồng ta ở nước ngoài. Lý do là:

Thứ nhất, trong bối cảnh thế giới hết sức phức tạp, quan hệ đối ngoại diễn biến rất linh hoạt, uyển chuyển, các thế lực thù địch lại không ngừng ra sức xuyên tạc, chống phá thì việc tạo đồng thuận xã hội để người dân hiểu được đường lối của Đảng, ủng hộ đường lối đối ngoại của Đảng có ý nghĩa quan trọng hàng đầu. Cho nên công tác thông tin đối ngoại phải hướng đến mục tiêu để người dân Việt Nam hiểu được, đồng thuận và ủng hộ đường lối đối ngoại của Đảng và chính sách của Nhà nước.

Thứ hai, trong bối cảnh cách mạng công nghệ 4.0, sự nở rộ của các loại hình truyền thông mới thì thông tin đến với người dân từ nhiều nguồn và nhiều chiều khác nhau. Từ đó nảy sinh những cách đánh giá, suy nghĩ khác nhau về những kiện diễn ra trên thế giới. Vì vậy, chúng ta cũng cần chuyển tải một bức tranh khách quan, tổng thể để cho nhân dân hiểu đúng bản chất của các sự việc diễn ra.

Xét cả hai chiều kích đó, thì đối tượng người dân Việt Nam rất quan trọng, thiết yếu. Sau đó là các đối tượng khác nhau của cộng đồng quốc tế.

Thông tin đối ngoại - hành trình từ biết, hiểu đến tin yêu
Ảnh giữa: Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trao giải Đặc biệt cho nhóm tác giả có Sáng kiến ý tưởng, sản phẩm có giá trị thông tin đối ngoại tại Lễ trao Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần VII tối 28/11/2021, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức. Ảnh trái-phải: Đoàn tùy viên báo chí - phóng viên báo chí nước ngoài thăm và tìm hiểu các địa phương: Phú Thọ (tháng 10/2020), Thành phố Hồ Chí Minh (tháng 12/2021). Chương trình do Vụ Thông tin Báo chí, Bộ Ngoại giao phối hợp với các Sở Ngoại vụ tổ chức.

Thông tin đối ngoại - hành trình từ biết, hiểu đến tin yêu

Ông từng nói: “Chỉ khi người ta hiểu được mình, thì người ta mới ủng hộ mình, hoặc ít nhất là không chống mình”. Làm như thế nào để người ta hiểu mình?

Câu này thực ra tôi học Bác Hồ. Đại để Bác nói tuyên truyền nhằm làm cho những người yêu quý ta thì yêu quý hơn nữa, ghét ta thì không ghét nữa và nếu không thể thay đổi được họ thì ít nhất họ bớt hung bạo đi. Câu chuyện cốt lõi là làm sao để người ta hiểu.

Rõ ràng là phải cung cấp thông tin, trong đó chú ý đến việc chúng ta nói cả trăm nghìn lần không bằng người nước ngoài nói về ta. Nghĩa là chúng ta cung cấp thông tin cho các hãng truyền thông nước ngoài, các nhà báo, học giả nói về chúng ta thì sức thuyết phục cao hơn.

Thứ nữa, không gì bằng mắt thấy tai nghe. Chúng ta hoàn toàn tự tin, tự hào về cơ đồ, tiềm lực, uy tín và vị thế của đất nước, sẵn sàng đón những nhà báo, phóng viên, học giả, những người mong muốn biết về Việt Nam vào Việt Nam để tìm hiểu.

Chúng ta tự hào và tự tin về cơ đồ, về con đường chúng ta đi, tự tin đạt được những mục tiêu đặt ra. Trên cơ sở đó, những thông tin chúng ta đưa ra luôn rõ ràng, minh bạch, trực diện và sẵn sàng đấu tranh, sẵn sàng cầu thị.

Chẳng hạn, trong công tác phòng chống dịch Covid-19, chúng ta luôn minh bạch từ những ngày đầu, góp phần tăng thêm sức thuyết phục đối với bạn bè quốc tế. Chúng ta không tự phong cho mình. Chính truyền thông và các chuyên gia nước ngoài cho rằng Việt Nam là hình mẫu chống dịch, cả trong giai đoạn đầu lẫn trong giai đoạn tiến hành chiến dịch tiêm vaccine thần tốc.

Tôi cho rằng đó là kết quả của nhiều yếu tố nhưng quan trọng đó là kết quả của việc chúng ta đã hành động và đạt những kết quả trên thực tế. Chúng ta đã cung cấp thông tin minh bạch, rõ ràng, kịp thời. Đấy cũng là cách để người ta biết, hiểu và tin chúng ta.

Để người ta “hiểu mình hơn”, rõ ràng vai trò làm công tác thông tin đối ngoại của các Cơ quan Đại diện Việt Nam ở nước ngoài rất quan trọng. Đánh giá của ông về Đề án “Nâng cao hiệu quả công tác Thông tin đối ngoại của các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đến năm 2030" vừa được Chính phủ phê duyệt?

Tôi cho rằng trong bối cảnh chúng ta đang triển khai Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII, nỗ lực thực hiện các mục tiêu chiến lược 2030 và 2045 khi tình hình thế giới có những diễn biến hết sức phức tạp, thậm chí chưa có tiền lệ thì việc tăng cường công tác thông tin đối ngoại rất quan trọng.

Như đã đề cập, chúng ta phát triển công tác thông tin đối ngoại toàn diện nhưng phải có chủ lực, chủ công. Trong ngành Ngoại giao thì các cơ quan đại diện ở vị trí hết sức quan trọng.

Thứ nhất, đó là nơi có thể lan tỏa nhanh nhất thông tin về đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng ta cũng như hình ảnh quốc gia, thông tin về tiềm năng phát triển của đất nước ta đối với cộng đồng sở tại, các tổ chức quốc tế.

Thứ hai, ở chiều hướng ngược lại, các cơ quan đại diện cũng là người nắm bắt, hiểu sâu nhất, rõ nét nhất để chuyển tải về nước những thông tin mà Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, Nhân dân cần.

Trong bối cảnh hiện nay, chiến tranh thông tin diễn biến rất phức tạp, luồng thông tin đến từ các hãng thông tin quốc tế chưa chắc đã là nguồn thông tin mang tính khách quan thì nguồn thông tin từ các cơ quan đại diện cung cấp về cho “Nhà” rất quý giá.

Tôi cho rằng Đề án được phê duyệt rất đúng lúc, xác định rõ vai trò, vị thế của các cơ quan đại diện cũng như các cơ chế để cơ quan đại diện xác định tốt nhất vị thế và vai trò của mình trong công tác thông tin đối ngoại.

Trong gần 100 Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, có những địa bàn chú trọng làm công tác ngoại giao chính trị, có địa bàn thiên về ngoại giao kinh tế, có địa bàn chuyên về công tác lãnh sự và công tác người Việt Nam ở nước ngoài.

Tuy nhiên, tôi cho rằng tuyệt đại đa số địa bàn đều phù hợp để triển khai mạnh mẽ công tác thông tin đối ngoại. Đó là suy nghĩ có phần chủ quan nhưng theo tôi, chúng ta cần phải tăng cường nhận thức về vai trò và ý nghĩa của việc triển khai công tác thông tin đối ngoại ở Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài. Địa bàn nào cũng cần phải làm công tác thông tin đối ngoại. Có thể có địa bàn làm nhiều về chính trị, có địa bàn làm nhiều về kinh tế, có địa bàn ít có điều kiện làm nhiều nhiệm vụ. Song địa bàn nào cũng có thể và cần phải dành tâm sức để làm công tác thông tin đối ngoại.

Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại do Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Chỉ đạo Công tác thông tin đối ngoại tổ chức đang ngày càng tạo được ấn tượng và những điểm nhấn, cũng là cách tiếp cận độc đáo với truyền thông nước ngoài?

Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại đang bước sang năm thứ 8 và ngày càng khẳng định được vai trò, vị thế của mình trong hệ thống các giải quốc gia. Chương trình thu hút sự tham gia ngày càng nhiều các nhà báo, phóng viên, chuyên gia, học giả và cả người dân nước ngoài. Đây là hướng đi rất đúng bởi rõ ràng là các bạn quốc tế nói về ta tốt hơn là ta tự nói về mình. Chính vì vậy trong những năm qua, giải hướng tới động viên sự tham gia tích cực hơn của các cá nhân nước ngoài.

Để có nhiều hơn nữa các sản phẩm truyền thông của người nước ngoài về Việt Nam, phụ thuộc vào hai yếu tố chủ yếu:

Đất nước ta càng phát triển, uy tín vị thế càng cao, người nước ngoài càng biết đến thì họ càng quan tâm tìm hiểu và có các sản phẩm truyền thông phản ánh tốt về chúng ta.

Nhân tố thứ hai hết sức quan trọng là chúng ta chủ động cung cấp thông tin và động viên họ có các tác phẩm báo in, báo hình, báo nói, sách... về Việt Nam.

Theo đó, tôi cho rằng vai trò của Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài rất quan trọng trong việc phổ biến về Giải thưởng đến những người làm truyền thông nước ngoài, vận động họ gửi tác phẩm tham gia. Thử hình dung gần 100 Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, vào mỗi kỳ phát động Giải thưởng, đặt mục tiêu khiêm tốn là mỗi cơ quan vận động được một tập thể, cá nhân tham gia Giải thưởng là đã có thể tạo ra hiệu ứng lan tỏa rất tốt.

Thông tin đối ngoại - hành trình từ biết, hiểu đến tin yêu
Thông tin đối ngoại - hành trình từ biết, hiểu đến tin yêu

Theo ông, đâu là điểm nhấn, điểm khác biệt trong công tác thông tin đối ngoại của Việt Nam?

Trước hết phải khẳng định rằng thuật ngữ thông tin đối ngoại là một khái niệm đặc thù của Việt Nam. Thông thường khi nói về thông tin đối ngoại, người ta chỉ hướng ra bên ngoài và trong phạm trù nào đó, thông tin đối ngoại được hiểu là công tác quảng bá đất nước, hay còn gọi là “ngoại giao công chúng”.

Khái niệm thông tin đối ngoại của chúng ta rất sâu sắc, nhiều tầng, nhiều lớp. Kết luận 16 của Bộ Chính trị năm 2012 định nghĩa thông tin đối ngoại là một bộ phận của công tác tư tưởng và công tác đối ngoại. Chính vì vậy, đối tượng hướng đến của công tác thông tin đối ngoại là rộng khắp, là công tác tư tưởng thì trước hết là đảng viên, cán bộ, nhân dân và kiều bào ta ở nước ngoài rồi mới đến các đối tượng khác. Như thế, đối tượng thông tin đối ngoại đã mang tính đặc thù.

Thông tin đối ngoại - hành trình từ biết, hiểu đến tin yêu

Bên cạnh đó, ngoài nội dung nhằm làm rõ đường lối chủ trương, quan điểm của chúng ta về các vấn đề quốc tế, quảng bá hình ảnh đất nước thì còn có câu chuyện mang đến bức tranh chân thực, tinh hoa nhân loại về trong nước. Đồng thời, còn có công tác đấu tranh chống các luận điệu xuyên tạc, sai lệch của các đối tượng thù địch hoặc các thông tin chưa đúng về Việt Nam. Như vậy nội dung cũng đặc thù.

Cách thức chúng ta làm cũng có tính đặc thù. Đảng ta xác định công tác tư tưởng cần có cách tiếp cận toàn diện, toàn diện từ lực lượng, bao hàm hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương, từ trong ra ngoài, các ngành các cấp.

Nhiều nước trên thế giới cũng có bộ phận làm truyền thông quốc tế, với ngân sách nhất định với nhiều cách làm khác nhau. Chẳng hạn họ làm văn hóa đối ngoại, công nghiệp văn hóa...

Có thể thấy, ưu thế của chúng ta trong công tác thông tin đối ngoại là sự huy động cả hệ thống chính trị, sự tham gia của người dân, lực lượng rất đa dạng. Trong bối cảnh nguồn lực còn chưa mạnh, việc huy động tối đa lực lượng như vậy giúp chúng ta có thêm sức mạnh, tăng thêm hiệu ứng thông tin.

Đồng thời, chúng ta cũng xác định lực lượng chủ công, lực lượng chủ lực, xác định được những trọng tâm, trọng điểm, thời điểm để giúp đầu tư nguồn lực đúng chỗ.

Có một ưu thế vô giá, đó là chúng ta được kế thừa truyền thống, kinh nghiệm và kỹ năng về thông tin đối ngoại mà Bác Hồ và các vị tiền bối đã để lại. Chúng ta được thừa hưởng những uy tín mà suốt trong những năm kháng chiến Đảng ta đã lãnh đạo nhân dân ta cùng các lực lượng xây dựng nên mặt trận ủng hộ Việt Nam vững chắc. Nhưng cần phải lưu ý là những người ủng hộ Việt Nam trong kháng chiến nay đã già, thậm chí đã không còn nữa. Ví dụ như chúng ta rất buồn khi được tin đồng chí Raymond Dien qua đời.

Với những kết quả đáng khích lệ đạt được trong hơn 35 năm đổi mới, nhất là những thành tựu trong các nhiệm kỳ gần đây, trong chống dịch Covid-19, trong phát triển kinh tế, chúng ta có nền tảng vững chắc để phát huy, phát triển công tác thông tin đối ngoại tốt hơn nữa.

Khái quát lại, chúng ta có những đặc thù về xác định lực lượng, đối tượng, phương thức, nền tảng thực hiện công tác thông tin đối ngoại.

Thông tin đối ngoại - hành trình từ biết, hiểu đến tin yêu
Ảnh trái: Phóng viên báo chí nước ngoài tác nghiệp tại Hợp tác xã Lanh trắng Cán Tỷ, Hà Giang, tháng 12/2020. Ảnh phải: Ủy viên Dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng Lê Hải Bình trao đổi tại tọa đàm “Tuổi trẻ Ngoại giao: Nỗ lực học tập lý tưởng cách mạng, rèn luyện bản lĩnh chính trị, phát huy truyền thống của Ngành” do Vụ Tổ chức Cán bộ, Trung tâm Bồi dưỡng, Đào tạo Cán bộ Đối ngoại (FOSET), Học viện Ngoại giao và Đoàn Thanh niên Bộ tổ chức ngày 19/8.

Vậy rèn luyện bản lĩnh chính trị tư tưởng nên là điểm nhấn trong việc đào tạo lực lượng trẻ làm công tác thông tin đối ngoại?

Trong bối cảnh tình hình thế giới vừa phức tạp và phát triển nhanh như hiện nay, cạnh tranh nước lớn gia tăng, kèm theo đó là đấu tranh về tư tưởng, rồi việc các thế lực thù địch ra sức chống phá, vấn đề đào tạo lực lượng trẻ làm công tác thông tin đối ngoại rất cần nhấn mạnh vào rèn luyện bản lĩnh chính trị và tư tưởng.

Điều cốt lõi nhất là bản lĩnh chính trị, bởi vì Đảng ta đã xác định công tác thông tin đối ngoại là một bộ phận của công tác tư tưởng.

Cái thứ hai chính là kỹ năng. Truyền thông giờ càng hiện đại, tính chất thông tin ngày càng nhanh thì kỹ năng truyền thông càng phải thông thạo.

Tôi cho rằng có nhiều thứ phải đào tạo nhưng có thể khẳng định bản lĩnh chính trị và tư tưởng vững chắc là tiền đề để chúng ta có thể ứng xử trước mọi thách thức. Trong đó, cần nhận thức sâu sắc rằng tu dưỡng đạo đức, rèn luyện bản lĩnh chính trị là một quá trình không ngừng nghỉ từ trong nhà trường, tiếp tục được rèn giũa, nâng cao trong công việc.

Thông tin đối ngoại - hành trình từ biết, hiểu đến tin yêu

Từng có thời gian dài công tác ở Bộ Ngoại giao, đánh giá của ông về vị thế của ngành Ngoại giao trong bối cảnh hiện nay?

Thông tin đối ngoại - hành trình từ biết, hiểu đến tin yêu

Đảng ta đã xác định hội nhập quốc tế là chủ trương lớn thì rõ ràng công tác đối ngoại và ngành ngoại giao được đặt ở một ví trí hết sức quan trọng.

Khi bước vào giai đoạn mới, Đảng ta hướng tới mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, chúng ta đều nhận thức được đây là một chặng đường đầy tự hào nhưng cũng hết sức gian nan.

Gian nan bởi vì mục tiêu chúng ta đặt ra lớn, thời cơ nhiều nhưng thách thức cũng không nhỏ. Trong hai năm đầu tiên của nhiệm kỳ Đại hội lần thứ XIII của Đảng thì thách thức đặt ra quá lớn, không lường trước được.

Khi nhìn toàn bộ bối cảnh, hoàn cảnh đó thì chúng ta xác định là càng khó khăn và mục tiêu càng cao thì lịch sử cách mạng Việt Nam càng phải huy động sức mạnh đại đoàn kết dân tộc và sự kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại.

Trong bối cảnh hiện tại, ngành đối ngoại, ngoại giao càng nhận thức sâu sắc vai trò của mình trong việc đảm bảo môi trường hòa bình, ổn định, càng thấy vai trò của mình trong việc góp phần kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại.

Với tất cả nhận thức như vậy, càng cảm thấy tự hào về ngành, càng thấy tự tin về truyền thống bề dày thành tích của ngành đạt được, càng cảm thấy trách nhiệm nâng cao hơn nữa sự phối hợp, hợp tác để công tác đối ngoại, cũng như ngành ngoại giao, với sự hỗ trợ của các ngành các cấp, có thể tiếp tục vươn lên, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó trong giai đoạn mới, một giai đoạn mà tính chất của nó đặt ngành ngoại giao, ngành đối ngoại trên tuyến đầu xung trận.

Xin cảm ơn ông!

Thông tin đối ngoại - hành trình từ biết, hiểu đến tin yêu
Thực hiện: Hồ Vân | Đồ họa: Hồng Nga | Nguồn ảnh: Báo Thế giới & Việt Nam, TTXVN, tuyengiao.vn...

Đọc thêm

Hội chợ ASEAN và những người bạn tại Hoa Kỳ

Hội chợ ASEAN và những người bạn tại Hoa Kỳ

Hội chợ giúp giới thiệu, quảng bá văn hoá đặc sắc của các nước ASEAN và những người bạn tới công chúng Mỹ.
Tích lũy đủ 'chất và lượng', cùng nhau hướng tới tầng nấc mới trong quan hệ Việt Nam-Malaysia

Tích lũy đủ 'chất và lượng', cùng nhau hướng tới tầng nấc mới trong quan hệ Việt Nam-Malaysia

Nhân dịp Tổng Bí thư Tô Lâm và Phu nhân thăm chính thức Malaysia từ ngày 21-23/11, Đại sứ Việt Nam tại Malaysia Đinh Ngọc Linh chia sẻ với Báo Thế giới và Việt Nam về tầm quan trọng của chuyến thăm và kỳ vọng về một tầm cao mới của quan hệ song phương được thúc đẩy trong khuôn khổ chuyến công tác.
Hơn 50 sinh viên Việt Nam đón nhận cơ hội học tập tại xứ sở chuột túi Australia

Hơn 50 sinh viên Việt Nam đón nhận cơ hội học tập tại xứ sở chuột túi Australia

Theo Đại sứ quán Australia tại Việt Nam, 52 sinh viên Việt Nam chuẩn bị lên đường sang học tập tại các trường đại học của Australia theo chương trình Học bổng chính phủ nước này.
Đại sứ Hà Hoàng Hải trình Thư ủy nhiệm lên Tổng thống Lithuania

Đại sứ Hà Hoàng Hải trình Thư ủy nhiệm lên Tổng thống Lithuania

Đại sứ Hà Hoàng Hải khẳng định, Việt Nam luôn mong muốn thúc đẩy quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt với Cộng hòa Lithuania.
Trao đổi cấp cao trực tiếp có vai trò quan trọng dẫn dắt và định hướng quan hệ Việt Nam-Campuchia

Trao đổi cấp cao trực tiếp có vai trò quan trọng dẫn dắt và định hướng quan hệ Việt Nam-Campuchia

Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn luôn coi trọng việc tăng cường, củng cố mối quan hệ đoàn kết hữu nghị hợp tác giữa các nước láng giềng, trong đó có Vương quốc Campuchia; cũng như thể hiện trách nhiệm và phát huy vai trò của Việt Nam là thành viên tích cực trong cộng đồng quốc tế.
Tổng Bí thư Tô Lâm thăm Malaysia: Sẻ chia khát vọng và tầm nhìn tới tương lai

Tổng Bí thư Tô Lâm thăm Malaysia: Sẻ chia khát vọng và tầm nhìn tới tương lai

Chuyến thăm Malaysia của Tổng Bí thư Tô Lâm theo lời mời của Thủ tướng Dato Seri Anwar Ibrahim phản ánh cam kết của cả hai nước trong việc củng cố mối quan hệ song phương.