📞

Thực phẩm sạch: Bao giờ mới yên tâm?

07:30 | 03/08/2009
Việc Công ty Cổ phần thực phẩm Việt Nam (Vinafood) có trụ sở chính tại tỉnh Bình Dương bị phát hiện đã “phù phép” để tăng hạn sử dụng cho hàng trăm tấn thực phẩm nhập khẩu đã quá hạn sử dụng đã khiến người tiêu dùng hết sức bất an. Đến khi nào người tiêu dùng mới được giải thoát khỏi guồng quay ma quái của thực phẩm không an toàn này ?

Từ sự lựa chọn bất đắc dĩ...Trong thời buổi thực phẩm được sản xuất không theo sự quản lý nào, chẳng theo tiêu chuẩn nào - thực phẩm không an toàn chẳng khác nào con quái vật, chặt đầu này, mọc đầu khác. Ra chợ xanh, chợ cóc… mua thực phẩm về nhà là sự lựa chọn “cực chẳng đã” của các bà nội trợ. Bản thân người viết bài này đã từng chứng kiến một nhân viên kiểm dịch kiểm tra và đóng dấu an toàn cho sản phẩm gia cầm mổ sẵn ngoài chợ. Anh này dùng tay trần nhấc từng con gà, vịt đã được vặt sạch lông và mổ bỏ nội tạng lên, ngó nghiêng một hồi rồi cầm con dấu đóng “xoạch” một cái lên sản phẩm. Vậy là sản phẩm chả biết có an toàn hay không này nghiễm nhiên mang trên mình cái dấu chứng nhận hình chữ nhật màu tim tím. Ai dám cả gan nói đó là sản phẩm gia cầm không an toàn? Nhưng cũng chẳng ai dám tin rằng có thể kiểm dịch gia cầm bằng mắt thường cả!Vẫn biết là mua rau quả, thịt cá ở các cửa hàng thực phẩm an toàn và các siêu thị… thì sẽ yên tâm hơn nhiều so với hàng chợ, nhưng hàng chợ cũng có những “ưu điểm” không thể phủ nhận của nó… Hàng chợ tiện hơn, tươi sống hơn và đặc biệt là rẻ hơn là những lý do khiến nhiều bà nội trợ “ví mỏng” không thể chối từ, mặc dù biết rõ những đồ mình mua về, trông tươi đấy, ngon đấy, nhưng chỉ là khuất mắt trông coi. Người dân thu nhập thấp đành phải bán rẻ sức khỏe và thậm chí là tính mạng của bản thân và gia đình, chỉ vì họ không còn sự lựa chọn nào khác....đến hàng siêu thị quá đátVới những người dân có thu nhập cao hơn, sự lựa chọn của họ chính là việc cuối tuần đến siêu thị chất đầy một xe thực phẩm cho nhu cầu của cả gia đình trong 1 tuần. Thực phẩm mua ở siêu thị có nguồn gốc đàng hoàng, người tiêu dùng có thể dễ dàng tìm đến tận cơ sở sản xuất, chế biến để mục sở thị - nếu muốn. Nếu như câu chuyện chỉ dừng lại ở đây thì bài toán thực phẩm an toàn đã tìm ra được lời giải. Thế nhưng, thực tế lại không đơn giản như thế. Nhiều loại rau quả “hàng chợ” vẫn “lách rào” để chui vào các siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch… hòng tăng lợi nhuận lên gấp 2-3 lần so với việc nằm lăn lóc trên các sạp hàng ngoài chợ. Không thể phủ nhận những tiện ích của hệ thống các siêu thị trong đời sống người dân hiện nay, song với cách bán hàng thỉnh thoảng lại “có vấn đề” về chất lượng vẫn diễn ra. Rất nhiều trường hợp khách hàng khiếu kiện các siêu thị khi họ mua phải thực phẩm ôi thiu, kém chất lượng… trong khi hạn sử dụng vẫn còn. Nhưng rồi, mọi việc đâu lại vào đó, các siêu thị, cửa hàng chỉ bị phạt hành chính vài trăm đến vài triệu đồng - con số quá nhỏ so với việc họ tiêu thụ được những sản phẩm mà đáng ra phải đem tiêu hủy. “Úm-ba-la... hóa ra hàng mới!”Khi những mặt hàng sản xuất trong nước không chiếm được 100% niềm tin của người tiêu dùng thì hàng nhập sẽ lên ngôi, đó là lẽ đương nhiên. Thực phẩm sạch đã đắt đỏ, thực phẩm sạch nhập khẩu lại càng đắt đỏ hơn. Tâm lý người Việt Nam vẫn ưa chuộng đồ đắt tiền bởi suy luận, hàng càng đắt tiền thì chất lượng càng cao. Nhưng, một số doanh nghiệp làm ăn bất chính đã lợi dụng tâm lý này để kiếm lời, bất chấp sự an toàn và sức khỏe của người tiêu dùng. Những câu chuyện về thực phẩm quá đát được doanh nghiệp “phù phép” như Vinafood vừa qua không phải cá biệt. Cũng chưa biết là các mặt hàng này được nhập khẩu khi đã hết hạn sử dụng hay về đến Việt Nam mới bị tồn ứ, dẫn đến quá hạn, nhưng hành vi dán nhãn mới đè lên hạn sử dụng cũ nhằm kiếm lời trên tính mạng, sức khỏe khách hàng là không thể chấp nhận được. Nếu nhìn lại vấn đề thực phẩm an toàn và chỉ đơn cử một mắt xích của nó là vấn đề “hạn sử dụng” cũng khiến người tiêu dùng đau đầu, hoang mang như lạc vào ma trận – trong đó, họ chẳng biết tin vào cái gì để chắc chắn rằng những sản phẩm trên bàn ăn của gia đình mình không có bóng dáng của “sát thủ”. Những thương hiệu thực sự khiến người tiêu dùng có thể đặt niềm tin vào thực phẩm sạch vẫn mãi là câu hỏi lớn chưa tìm được lời đáp !Vân Thanh