70 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024):

Thủ đô Hà Nội - niềm tự hào và động lực phát triển của đất nước

Yến Nguyệt
Baoquocte.vn. Việc giữ gìn cốt cách văn hóa truyền thống, đồng thời hòa nhập với dòng chảy hiện đại là điều hết sức quan trọng, nhất là với thế hệ trẻ - những người sẽ kế thừa và xây dựng tương lai của Thủ đô.
Theo dõi Baoquocte.vn trên
Hà Nội
ĐBQH. Bùi Hoài Sơn khẳng định, ngày nay, Hà Nội không chỉ là một Thủ đô với bề dày lịch sử và văn hóa, mà còn đang vươn mình mạnh mẽ, trở thành trung tâm chính trị, kinh tế và văn hóa hàng đầu của cả nước. (Ảnh: QH)

Nhân Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10), Báo Thế giới và Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ĐBQH Bùi Hoài Sơn (Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội) về việc phát huy giá trị thanh lịch, văn minh của Thủ đô Hà Nội...

Vẻ đẹp của Thủ đô nghìn năm văn hiến

Ông có thể chia sẻ góc nhìn của mình về những giá trị thanh lịch, văn minh của người Hà Nội ngày nay? Những giá trị này đang đối mặt với những thách thức gì, đặc biệt trong bối cảnh đô thị hóa nhanh và hội nhập quốc tế?

Kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô không chỉ gợi nhắc về những trang sử hào hùng, mà còn khơi dậy trong mỗi chúng ta những giá trị thanh lịch, văn minh đã làm nên "hồn cốt" của người Tràng An bao đời. Hình ảnh người Hà Nội lịch lãm trong cách nói, tinh tế trong cách ứng xử vẫn luôn in đậm trong lòng mỗi người, như một biểu tượng của sự thanh cao, nếp sống tao nhã. Đó là những giá trị đã được vun đắp qua thời gian, truyền từ đời này sang đời khác, làm nên vẻ đẹp của Thủ đô nghìn năm văn hiến.

Nhưng khi Hà Nội bước vào dòng chảy mạnh mẽ của đô thị hóa và hội nhập quốc tế, những giá trị ấy đang phải đối mặt với không ít thách thức. Sự phát triển kinh tế, những tòa nhà chọc trời, đường phố chật chội, ồn ào và những bước đi nhanh của cuộc sống hiện đại đôi khi đã làm phai nhạt đi nét trầm mặc, dung dị của phố phường xưa cũ. Hà Nội đổi thay từng ngày, nhưng đâu đó, ta chợt giật mình nhận ra, có những điều không thể để mất, đó chính là cốt cách thanh lịch, nếp văn minh đã làm nên vẻ đẹp tâm hồn của người Hà Nội.

Nhìn dòng người hối hả trên phố, ta không khỏi băn khoăn: Những giá trị truyền thống ấy liệu có bị lãng quên giữa dòng chảy xiết của thời gian? Đô thị hóa cùng sự giao thoa văn hóa mang đến cho Hà Nội nhiều cơ hội, nhưng cũng kèm theo những thách thức lớn. Những áp lực của cuộc sống hiện đại đôi khi khiến người ta quên đi sự kiên nhẫn, sự nhẹ nhàng trong lời nói, hay cái cúi chào thân thuộc. Những không gian công cộng ngày càng thu hẹp, thành phố ngày càng đông đúc hơn, dường như, có lúc, chính chúng ta cũng cảm thấy xa lạ với chính nơi mình đã gắn bó.

Nhưng tôi tin, trong lòng mỗi người dân Hà Nội, những giá trị ấy vẫn luôn còn đó – chỉ cần ta biết giữ gìn, nuôi dưỡng và lan tỏa. Thanh lịch không phải là điều gì xa vời, mà là những điều giản dị từ trong nếp nhà, trong cách cha mẹ dạy con cái, trong sự chia sẻ và yêu thương giữa những người hàng xóm. Để rồi, giữa những ồn ào của cuộc sống hiện đại, chúng ta vẫn có thể thấy một nụ cười hiền hòa trên con phố nhỏ, một cử chỉ nhã nhặn trên tàu điện đông đúc, hay những câu chào hỏi thân tình mỗi sớm mai.

Hà Nội
Người dân hào hứng lưu giữ khoảnh khắc cùng biểu tượng kỷ niệm tại Vườn hoa Lý Thái Tổ, đây là không gian truyền tải giá trị văn hóa lịch sử và di sản đô thị Hà Nội. (Ảnh: Bạch Dương)

Không chỉ kế thừa những di sản quý báu, Hà Nội đang vươn mình mạnh mẽ, trở thành trung tâm chính trị, văn hóa, kinh tế quan trọng của đất nước, đóng góp vào sự phát triển thịnh vượng của dân tộc. Những giải pháp cụ thể để phát huy và gìn giữ giá trị thanh lịch, văn minh của người Hà Nội, đặc biệt là đối với thế hệ trẻ thế nào, thưa ông?

Ngày nay, Hà Nội không chỉ là một Thủ đô với bề dày lịch sử và văn hóa, mà còn đang vươn mình mạnh mẽ, trở thành trung tâm chính trị, kinh tế và văn hóa hàng đầu của cả nước. Trong hành trình ấy, những giá trị thanh lịch, văn minh của người Hà Nội – di sản quý báu được gìn giữ qua nhiều thế hệ cần được phát huy và gìn giữ, đặc biệt là trong bối cảnh hội nhập sâu rộng và sự thay đổi nhanh chóng của xã hội. Vì thế, tôi cho rằng, việc giữ gìn cốt cách văn hóa truyền thống, đồng thời hòa nhập với dòng chảy hiện đại hết sức quan trọng, nhất là với thế hệ trẻ - những người sẽ kế thừa và xây dựng tương lai của Thủ đô.

Để những giá trị thanh lịch, văn minh của người Hà Nội không chỉ được giữ gìn mà còn lan tỏa mạnh mẽ, chúng ta cần có những giải pháp cụ thể, hiệu quả và lâu dài. Trước hết, giáo dục và gia đình đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành nhân cách và ý thức văn hóa của thế hệ trẻ. Cần khơi dậy trong các em lòng tự hào về truyền thống lịch sử, văn hóa của dân tộc, giúp các em hiểu rằng những giá trị thanh lịch, văn minh không chỉ là những quy chuẩn xã hội, mà còn là biểu tượng của lòng tự trọng và tình yêu quê hương. Các chương trình giáo dục tại trường học nên lồng ghép những bài học về ứng xử, giao tiếp văn minh, tôn trọng lẫn nhau, kết hợp với việc tổ chức các hoạt động ngoại khóa, tham quan di tích lịch sử, văn hóa của Hà Nội để khơi dậy niềm tự hào và ý thức gìn giữ giá trị truyền thống.

Bên cạnh đó, gia đình – nơi mỗi cá nhân được hình thành về nhân cách từ những ngày đầu đời cũng cần đóng vai trò tích cực trong việc truyền dạy và gìn giữ những giá trị thanh lịch. Cha mẹ không chỉ là người thầy, mà còn là tấm gương về cách sống, cách cư xử, để con trẻ học hỏi từ những điều giản dị trong cuộc sống hàng ngày. Việc xây dựng một môi trường gia đình đầm ấm, nơi các thành viên luôn tôn trọng và yêu thương nhau, sẽ giúp thế hệ trẻ hình thành một nhận thức vững vàng về giá trị văn hóa của mình.

Ngoài ra, sự phối hợp giữa chính quyền và các tổ chức xã hội trong việc phát động và duy trì các phong trào, chiến dịch nâng cao nhận thức về văn minh đô thị, ứng xử nơi công cộng, bảo vệ môi trường cũng là yếu tố không thể thiếu. Triển khai các nghị quyết, chương trình hành động của Thành ủy, UBND Thành phố về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh cần được đẩy mạnh, đi kèm với việc khuyến khích các hành vi đẹp, ứng xử lịch thiệp. Từ đó tạo ra một môi trường sống văn minh, thân thiện cho cả người dân và du khách.

"Nếu chúng ta biết khai thác giá trị văn hóa truyền thống đúng cách, đồng thời tận dụng được sức sáng tạo, năng động của con người Hà Nội trong thời đại mới, thành phố sẽ không chỉ là một trung tâm kinh tế lớn, mà còn là biểu tượng của sự hài hòa giữa quá khứ và tương lai, giữa văn hóa và sự phát triển. Điều này không chỉ giúp Hà Nội thăng hoa trên bản đồ thế giới mà còn mang lại một đời sống phong phú, ý nghĩa hơn cho từng người dân nơi đây. Hà Nội mãi mãi là mảnh đất của văn hóa và con người, nơi mà sự thanh lịch, văn minh không hề đối lập với sự phát triển kinh tế, mà còn là động lực, là cảm hứng để thành phố không ngừng tiến xa hơn", ĐBQH. Bùi Hoài Sơn.

Đối với thế hệ trẻ, tôi nghĩ, việc tận dụng sức mạnh của truyền thông và công nghệ là một giải pháp hết sức hiệu quả. Các mạng xã hội, ứng dụng trực tuyến có thể trở thành kênh truyền thông mạnh mẽ, lan tỏa những câu chuyện đẹp về văn hóa ứng xử, tinh thần yêu thương, đoàn kết của người Hà Nội. Những video ngắn, bài viết về cách hành xử văn minh trên đường phố, trong quán cà phê hay những cử chỉ nhỏ nhặt nhưng đầy ý nghĩa có thể dễ dàng chạm đến trái tim của giới trẻ, tạo cảm hứng cho họ noi theo.

Bên cạnh đó, chúng ta cần tiếp tục gìn giữ và phát huy các không gian văn hóa truyền thống, như các phố cổ, làng nghề, di tích lịch sử, nơi chứa đựng những giá trị văn hóa cốt lõi của Hà Nội. Đây không chỉ là những địa điểm du lịch, mà còn là nơi giúp thế hệ trẻ hiểu sâu sắc hơn về văn hóa của cha ông, từ đó nâng cao ý thức bảo tồn và phát triển những giá trị ấy trong bối cảnh hiện đại.

Hà Nội hôm nay đang chuyển mình mạnh mẽ, nhưng những giá trị thanh lịch, văn minh đã tạo nên "hồn cốt" của mảnh đất này sẽ mãi là nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững. Việc phát huy và gìn giữ những giá trị ấy không chỉ là nhiệm vụ của riêng thế hệ đi trước, mà còn là trách nhiệm và niềm tự hào của mỗi người trẻ. Chỉ khi những giá trị ấy được gìn giữ trong từng lời nói, hành động, chúng ta mới có thể tiếp nối di sản ấy, để Hà Nội mãi là Thủ đô của văn hiến, của sự thanh lịch, văn minh trong mắt bạn bè quốc tế.

Hà Nội
Hà Nội - nơi giao thoa giữa những giá trị văn hóa truyền thống sâu sắc và sự năng động, sáng tạo của con người hiện đại. (Ảnh: Ngô Minh Châu)

Nơi giao thoa giữa văn hóa truyền thống và hiện đại

Con người Hà Nội ngày càng năng động, sáng tạo, tư duy nhạy bén hơn nhưng vẫn giữ được những phẩm chất, giá trị cốt lõi của nền văn hóa Thăng Long ngàn năm tuổi. Ông nghĩ gì về mối quan hệ giữa việc phát huy giá trị văn hóa truyền thống và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Hà Nội?

Hà Nội là một thành phố đặc biệt, nơi giao thoa giữa những giá trị văn hóa truyền thống sâu sắc và sự năng động, sáng tạo của con người hiện đại. Những phẩm chất thanh lịch, văn minh, tôn trọng và nghĩa tình của người Hà Nội đã được hun đúc qua hàng nghìn năm lịch sử của mảnh đất Thăng Long. Đó không chỉ là di sản cha ông để lại, mà còn là nền tảng vững chắc cho sự phát triển kinh tế - xã hội ngày nay.

Trong bối cảnh Hà Nội đang chuyển mình mạnh mẽ, không ít người lo ngại rằng, sự phát triển kinh tế, quá trình đô thị hóa và hội nhập quốc tế sẽ dần làm phai nhạt những giá trị văn hóa cốt lõi ấy. Nhưng con người Hà Nội đã chứng minh, chúng ta có thể hòa hợp một cách khéo léo giữa truyền thống và hiện đại. Chúng ta không chỉ biết nắm bắt thời cơ, sáng tạo để phát triển trong cuộc sống, mà còn biết gìn giữ, trân trọng những di sản tinh thần quý báu.

Khi nói về phát triển kinh tế - xã hội, tôi nghĩ rằng văn hóa không phải là một yếu tố đối lập với sự tăng trưởng, mà ngược lại, văn hóa chính là nền tảng, là hệ điều tiết cho sự phát triển bền vững. Những giá trị văn hóa truyền thống của Hà Nội như lòng hiếu khách, sự tôn trọng lẫn nhau, tinh thần hợp tác và tính cộng đồng chính là những yếu tố quan trọng để xây dựng một môi trường kinh doanh, hợp tác đầy văn minh và thịnh vượng.

Khi Hà Nội phát triển, không chỉ về mặt cơ sở hạ tầng, kinh tế mà còn về tầm vóc văn hóa, chúng ta càng cần biết cách kết hợp chặt chẽ giữa những giá trị truyền thống và những tiến bộ hiện đại. Người Hà Nội năng động, sáng tạo nhưng không vì thế mà mất đi cốt cách thanh lịch. Chính sự kết hợp hài hòa này đã và đang tạo nên một Hà Nội khác biệt, nơi mà phát triển kinh tế và gìn giữ văn hóa không chỉ cùng tồn tại mà còn hỗ trợ lẫn nhau.

Phát biểu nhân dịp tới thăm, chúc Tết Đảng bộ, Chính quyền, Quân và dân Thủ đô Hà Nội năm 2022, cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nói: “Hà Nội không phải chỉ là một thành phố mà là Thành phố vì hòa bình, Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người, Thủ đô nghìn năm văn hiến và anh hùng, hào hoa thanh lịch, nơi lắng hồn núi sông ngàn năm…”.

Văn hóa chính là yếu tố giúp Hà Nội trở thành một thành phố đáng sống, nơi con người không chỉ phát triển về mặt vật chất, mà còn về tinh thần. Những khu phố cổ, những lễ hội truyền thống, những phong cách ứng xử đầy thanh lịch – tất cả đã và đang góp phần làm nên hình ảnh một Thủ đô văn minh, năng động nhưng đậm đà bản sắc. Đây chính là điểm mạnh, là "thương hiệu" mà Hà Nội cần tiếp tục phát huy trong quá trình hội nhập toàn cầu.

Nếu chúng ta biết khai thác giá trị văn hóa truyền thống đúng cách, đồng thời tận dụng được sức sáng tạo, năng động của con người Hà Nội trong thời đại mới, thành phố sẽ không chỉ là một trung tâm kinh tế lớn, mà còn là biểu tượng của sự hài hòa giữa quá khứ và tương lai, giữa văn hóa và sự phát triển. Điều này không chỉ giúp Hà Nội thăng hoa trên bản đồ thế giới mà còn mang lại một đời sống phong phú, ý nghĩa hơn cho từng người dân nơi đây. Hà Nội mãi mãi là mảnh đất của văn hóa và con người, nơi mà sự thanh lịch, văn minh không hề đối lập với sự phát triển kinh tế, mà còn là động lực, là cảm hứng để thành phố không ngừng tiến xa hơn.

Hà Nội
Không khí quanh Hồ Hoàn Kiếm rộn ràng với các pano, áp phích, giúp điểm thêm nét đẹp thủ đô và nhắc nhở thế hệ trẻ trân trọng nền hòa bình mà cha ông đã hy sinh để giành được. (Ảnh: Bạch Dương)

Truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ

Để xây dựng một cộng đồng văn minh, theo ông, vai trò của mỗi cá nhân, tổ chức xã hội và chính quyền địa phương là gì? Ông có thông điệp nào muốn gửi đến người dân Hà Nội để cùng chung tay gìn giữ và phát huy những giá trị tốt đẹp này?

Để xây dựng một cộng đồng văn minh, mỗi cá nhân, tổ chức xã hội và chính quyền địa phương đều giữ vai trò quan trọng. Mỗi người dân, từ những hành động nhỏ nhất như giữ gìn vệ sinh nơi công cộng, cư xử văn minh, tôn trọng lẫn nhau đến việc tích cực tham gia vào các hoạt động cộng đồng, đều đóng góp vào việc xây dựng một môi trường sống tốt đẹp hơn. Chính chúng ta, những người đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội là những người định hình và nuôi dưỡng những giá trị văn hóa của Thủ đô.

Tổ chức xã hội có vai trò quan trọng trong việc lan tỏa những giá trị này, thông qua các chương trình giáo dục, hoạt động cộng đồng, các chiến dịch truyền thông nâng cao nhận thức về văn hóa. Đó là cách chúng ta truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ – những người sẽ tiếp tục giữ gìn và phát huy những giá trị tốt đẹp của Hà Nội. Những câu chuyện về lịch sử, văn hóa, tinh thần cộng đồng cần được kể lại một cách sinh động và ý nghĩa để không chỉ gắn kết mọi người mà còn khơi dậy niềm tự hào và trách nhiệm của từng cá nhân.

Chính quyền địa phương cần đóng vai trò dẫn dắt và tạo điều kiện cho các hoạt động cộng đồng này. Chính quyền không chỉ quản lý mà còn phải đồng hành, lắng nghe tiếng nói của người dân và hỗ trợ các sáng kiến nhằm xây dựng cộng đồng văn minh. Các chính sách và quy định cần được triển khai hiệu quả, đồng thời phải đi kèm với việc khuyến khích sự tham gia của mọi người vào quá trình phát triển văn hóa địa phương. Điều này đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, tổ chức và người dân, để tạo nên sức mạnh cộng đồng, hướng tới một Hà Nội văn minh và hiện đại.

"Những giá trị văn hóa của Thăng Long - Hà Nội sẽ không chỉ được giữ gìn mà còn tiếp tục tỏa sáng trong thời đại mới, trở thành niềm tự hào và động lực phát triển cho đất nước".

Chúng ta đang sống trên mảnh đất ngàn năm văn hiến, nơi từng bước chân, từng góc phố đều chứa đựng những giá trị lịch sử, văn hóa vô giá. Mỗi người trong chúng ta đều là một phần của dòng chảy này, trách nhiệm của chúng ta là gìn giữ và phát huy những giá trị ấy. Hà Nội không chỉ là nơi ta sống, mà còn là ngôi nhà tinh thần, nơi mà mọi người đều có thể cùng nhau xây dựng một cộng đồng đầy tình yêu thương, tôn trọng và sáng tạo.

Nếu mỗi người đều ý thức được vai trò của mình trong việc xây dựng cộng đồng, thì Hà Nội không chỉ giữ vững được bản sắc văn hóa ngàn năm mà còn tiếp tục vươn cao hơn nữa, trở thành một biểu tượng của văn minh, hiện đại. Và Hà Nội sẽ trở thành một chỉ dấu mà mọi người đều tự hào, không chỉ về những thành tựu vật chất, mà còn về đời sống tinh thần phong phú, nhân văn.

Theo ông, truyền thông và nghệ thuật có thể đóng góp như thế nào vào việc nâng cao nhận thức về giá trị thanh lịch, văn minh của Thủ đô?

Theo tôi, truyền thông và nghệ thuật có vai trò vô cùng quan trọng trong việc nâng cao nhận thức về giá trị thanh lịch, văn minh của Thủ đô. Truyền thông không chỉ là cầu nối để lan tỏa thông tin mà còn có sức mạnh định hình nhận thức và cảm xúc của con người. Qua các chương trình truyền hình, báo chí, mạng xã hội, chúng ta có thể kể lại câu chuyện về văn hóa Hà Nội, về những phẩm chất tốt đẹp mà bao thế hệ đã gây dựng nên. Đó là những câu chuyện về sự thanh lịch, nhân ái, sự tôn trọng lẫn nhau trong cách cư xử hàng ngày, cũng như tinh thần sáng tạo và cởi mở trong thời kỳ hội nhập.

Trong khi đó, nghệ thuật lại mang trong mình một sức mạnh biểu đạt đặc biệt. Qua các tác phẩm văn học, điện ảnh, âm nhạc, hội họa, những giá trị thanh lịch và văn minh của người Hà Nội không chỉ được bảo tồn mà còn sống động hơn, gắn bó với đời sống hiện tại. Nghệ thuật không chỉ phản ánh hiện thực mà còn khơi gợi, dẫn dắt cảm xúc của người xem, người nghe. Những tác phẩm nghệ thuật chân thật và cảm xúc có thể làm lay động lòng người, truyền tải những thông điệp về sự lịch sự, tinh tế và văn hóa truyền thống của Thủ đô.

Hơn thế, truyền thông và nghệ thuật không chỉ dừng lại ở việc ca ngợi quá khứ, mà còn cần phản ánh những thách thức hiện đại, khuyến khích người dân hướng tới một lối sống văn minh, thanh lịch trong thời kỳ đô thị hóa và toàn cầu hóa. Các chương trình giáo dục về văn hóa qua truyền thông, các chiến dịch nghệ thuật cộng đồng đều là những cách thiết thực để chúng ta làm sống lại và lan tỏa các giá trị quý báu ấy trong cuộc sống hàng ngày. Khi truyền thông và nghệ thuật biết kết hợp, biết làm mới những giá trị cũ, Hà Nội sẽ mãi là một thành phố không chỉ đẹp về vẻ ngoài, mà còn sâu sắc, thanh lịch trong lòng người.

Tôi tin rằng, nếu chúng ta sử dụng sức mạnh của truyền thông và nghệ thuật một cách khéo léo, những giá trị văn hóa của Thăng Long - Hà Nội sẽ không chỉ được giữ gìn mà còn tiếp tục tỏa sáng trong thời đại mới, trở thành niềm tự hào và động lực phát triển cho cả cộng đồng và đất nước.

Xin cảm ơn ông!

Hà Nội: Tạo 'đòn bẩy' để du lịch ngoại thành phát triển

Hà Nội: Tạo 'đòn bẩy' để du lịch ngoại thành phát triển

Để du lịch ngoại thành thực sự là trọng điểm trong kế hoạch phát triển du lịch Hà Nội, các địa phương cần xây dựng ...

Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm Ngày Giải phóng Thủ đô

Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm Ngày Giải phóng Thủ đô

Chiều 3/10, UBND TP. Hà Nội tổ chức họp báo thông tin về tình hình kinh tế - xã hội quý III/2024, trong đó có ...

Tái hiện những bước phát triển mạnh mẽ của Thủ đô Hà Nội qua triển lãm

Tái hiện những bước phát triển mạnh mẽ của Thủ đô Hà Nội qua triển lãm

Triển lãm "Thành tựu kinh tế, văn hóa, xã hội của Thủ đô 70 năm xây dựng và phát triển" là bức tranh toàn diện, ...

Người phác thảo lịch sử Hà Nội thời cận đại

Người phác thảo lịch sử Hà Nội thời cận đại

Hà Nội thời cận đại – từ nhượng địa đến thành phố (1873-1945) là cuốn sách được ấp ủ và nghiên cứu trong một khoảng ...

Yến Nguyệt (thực hiện)

Bài viết cùng chủ đề

Hà Nội - Thành phố vì hòa bình

Xem nhiều

Đọc thêm

Tuyên bố chung về nâng cấp quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Malaysia

Tuyên bố chung về nâng cấp quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Malaysia

Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Malaysia của Tổng Bí thư Tô Lâm, hai bên đã nâng cấp quan hệ Việt Nam-Malaysia lên Đối tác chiến lược toàn diện.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn hội đàm với Chủ tịch Quốc hội Campuchia

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn hội đàm với Chủ tịch Quốc hội Campuchia

Hai Chủ tịch Quốc hội đã trao đổi thực chất, hiệu quả về các biện pháp thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước, hai Quốc hội trong thời ...
Lần thứ hai liên tiếp trúng cử thành viên UNCITRAL: Vị thế, uy tín của Việt Nam không ngừng được củng cố, nâng cao

Lần thứ hai liên tiếp trúng cử thành viên UNCITRAL: Vị thế, uy tín của Việt Nam không ngừng được củng cố, nâng cao

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn trả lời phỏng vấn nhân dịp Việt Nam trúng cử thành viên UNCITRAL nhiệm kỳ 2025-2031.
Việt Nam-Campuchia: Khánh thành công trình biểu tượng của tình đoàn kết, hữu nghị truyền thống giữa hai nước

Việt Nam-Campuchia: Khánh thành công trình biểu tượng của tình đoàn kết, hữu nghị truyền thống giữa hai nước

Tòa nhà hành chính Quốc hội Campuchia là công trình được Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam trao tặng Đảng, Nhà nước và nhân dân Campuchia.
Giá tiêu hôm nay 22/11/2024: Mất mốc quan trọng, hồ tiêu chịu sức ép khi dòng tiền vẫn đổ mạnh về kinh doanh cà phê và USD neo cao

Giá tiêu hôm nay 22/11/2024: Mất mốc quan trọng, hồ tiêu chịu sức ép khi dòng tiền vẫn đổ mạnh về kinh doanh cà phê và USD neo cao

Giá tiêu hôm nay 22/11/2024 tại thị trường trong nước quay đầu giảm nhẹ ở một số địa phương trọng điểm, giao dịch từ 138.000 – 139.500 đồng/kg.
Giá vàng hôm nay 22/11/2024: Giá vàng chưa dứt chuỗi tăng, mở cuộc săn hàng giá hời, không có lý do để điều chỉnh dự báo

Giá vàng hôm nay 22/11/2024: Giá vàng chưa dứt chuỗi tăng, mở cuộc săn hàng giá hời, không có lý do để điều chỉnh dự báo

Giá vàng hôm nay 22/11/2024: Giá vàng chưa dứt chuỗi tăng, mở cuộc săn hàng giá hời, không có lý do để điều chỉnh dự báo.
Trường Tiểu học Dịch Vọng A đón nhận Cờ thi đua của Chính phủ

Trường Tiểu học Dịch Vọng A đón nhận Cờ thi đua của Chính phủ

50 năm qua là hành trình tự hào và cũng là nền tảng vững chắc để Trường Tiểu học Dịch Vọng A tiếp tục vươn xa.
Bộ trưởng GD&ĐT: Không cấm dạy thêm nhưng cấm những hành vi vi phạm đạo đức nhà giáo

Bộ trưởng GD&ĐT: Không cấm dạy thêm nhưng cấm những hành vi vi phạm đạo đức nhà giáo

Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, chủ trương là không cấm dạy thêm nhưng cấm những hành vi vi phạm đạo đức của nhà giáo.
Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11): Tình yêu thương, sự trung thực, lòng thiện lương làm nên vẻ đẹp của người thầy

Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11): Tình yêu thương, sự trung thực, lòng thiện lương làm nên vẻ đẹp của người thầy

Người thầy phải chú trọng giáo dục học sinh về đạo đức, lối sống, sự bao dung và trách nhiệm xã hội.
Hơn 50 sinh viên Việt Nam đón nhận cơ hội học tập tại xứ sở chuột túi Australia

Hơn 50 sinh viên Việt Nam đón nhận cơ hội học tập tại xứ sở chuột túi Australia

52 sinh viên Việt Nam chuẩn bị lên đường sang học tập tại các trường đại học của Australia theo chương trình Học bổng chính phủ nước này.
Niềm tin – Giá trị cốt lõi làm nên kỳ tích trong giáo dục

Niềm tin – Giá trị cốt lõi làm nên kỳ tích trong giáo dục

Niềm tin vào thầy cô sẽ được chuyển hóa thành sức mạnh, mang lại hy vọng và quả ngọt cho sự nghiệp 'trồng người'.
Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình mở ra nhiều cơ hội cho nhà giáo

Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình mở ra nhiều cơ hội cho nhà giáo

Nhà giáo là nhân tố cốt lõi xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, tạo nên một thế hệ bản lĩnh, dám đối mặt với thách thức và sáng tạo.
Hướng tới tăng trưởng xanh, thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững

Hướng tới tăng trưởng xanh, thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững

Tăng cường hợp tác quốc tế về phổ biến kiến thức khoa học hướng tới tăng trưởng xanh
Rác thải nhựa tại các siêu thị: Mối nhức nhối ngày càng nghiêm trọng của Australia

Rác thải nhựa tại các siêu thị: Mối nhức nhối ngày càng nghiêm trọng của Australia

Số liệu của APCO cho thấy, Australia tạo ra nhiều rác thải nhựa bình quân đầu người hơn mọi quốc gia khác trên thế giới, ngoại trừ Singapore.
Tăng thuế thuốc lá: Chìa khóa bảo vệ sức khỏe người dân Việt Nam

Tăng thuế thuốc lá: Chìa khóa bảo vệ sức khỏe người dân Việt Nam

Ngày 21/11, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị tập huấn nâng cao năng lực truyền thông về phòng chống tác hại thuốc lá.
Bảng tiêu chuẩn sức khỏe của người lái xe theo các hạng giấy phép lái xe từ ngày 1/1/2025

Bảng tiêu chuẩn sức khỏe của người lái xe theo các hạng giấy phép lái xe từ ngày 1/1/2025

Dưới đây là bảng tiêu chuẩn sức khỏe của người lái xe theo các hạng giấy phép lái xe áp dụng từ ngày 1/1/2025.
Bão mạnh gây mất điện diện rộng, làm đổ cây, gián đoạn giao thông Bờ Tây nước Mỹ

Bão mạnh gây mất điện diện rộng, làm đổ cây, gián đoạn giao thông Bờ Tây nước Mỹ

Một cơn bão mạnh đổ bộ vào Bờ Tây nước Mỹ, khiến ít nhất 2 người thiệt mạng, gây mất điện trên diện rộng, làm gián đoạn giao thông nghiêm trọng.
Khi người trẻ lan toả nhận thức về bảo tồn rừng tại Việt Nam

Khi người trẻ lan toả nhận thức về bảo tồn rừng tại Việt Nam

Dự án Trạm Zừng Tâm khuyến khích nhiều bạn trẻ tìm hiểu và trực tiếp tham quan, trải nghiệm rừng già tại Vườn quốc gia Cúc Phương.
Tăng thuế thuốc lá: Chìa khóa bảo vệ sức khỏe người dân Việt Nam

Tăng thuế thuốc lá: Chìa khóa bảo vệ sức khỏe người dân Việt Nam

Ngày 21/11, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị tập huấn nâng cao năng lực truyền thông về phòng chống tác hại thuốc lá.
Ngày thế giới Vì trẻ sinh non 17/11: Nâng cao nhận thức về các vấn đề liên quan đến trẻ sinh non

Ngày thế giới Vì trẻ sinh non 17/11: Nâng cao nhận thức về các vấn đề liên quan đến trẻ sinh non

Ngày thế giới Vì trẻ sinh non năm nay có chủ đề là ‘Hãy cùng nhau lan tỏa thông điệp và hành động vì tương lai của các em'.
Nhật Bản: Nghiên cứu mới mở đường cho mục tiêu giảm nguy cơ mắc bệnh cho trẻ sơ sinh nhẹ cân

Nhật Bản: Nghiên cứu mới mở đường cho mục tiêu giảm nguy cơ mắc bệnh cho trẻ sơ sinh nhẹ cân

Theo các chuyên gia y tế Nhật Bản, tác động của việc trẻ sơ sinh bị thiếu cân cũng có thể ảnh hưởng đến tương lai của thế hệ sau này.
Hà Nội: Chi 1.000 tỷ đồng điều trị đái tháo đường cho người dân

Hà Nội: Chi 1.000 tỷ đồng điều trị đái tháo đường cho người dân

Ước tính, khoảng 500.000 người ở Hà Nội bị đái tháo đường và 1,5 triệu người mắc tiền đái tháo đường.
'Điểm mặt' những loại đồ uống mà người bị tiểu đường nên tránh xa

'Điểm mặt' những loại đồ uống mà người bị tiểu đường nên tránh xa

Có những loại đồ uống mà người bị tiểu đường nên hạn chế sử dụng như nước ngọt có ga, cà phê có đường.
Hình thành Trung tâm chăm sóc sức khỏe khu vực ASEAN ở TP. Hồ Chí Minh

Hình thành Trung tâm chăm sóc sức khỏe khu vực ASEAN ở TP. Hồ Chí Minh

UBND TP. Hồ Chí Minh vừa phê duyệt Đề án 'Phát triển hệ thống y tế TP. Hồ Chí Minh trở thành Trung tâm chăm sóc sức khỏe khu vực ASEAN'.
Phiên bản di động