Hà Nội, ngày 28 tháng 1 năm 2021
Thưa các anh chị cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Italy và các Đại sứ quán Việt Nam tại các nước châu Âu,
Khi viết những dòng này, trong tôi vẫn ngập tràn cảm xúc. Với ai đó có thể chỉ là một câu chuyện bình thường, nhưng với chúng tôi, những người cả đời gắn bó với công tác sinh viên, lưu học sinh, việc làm của những người làm công tác ngoại giao ở nước ngoài có ý nghĩa lớn lao, củng cố niềm tin vào tình người, vào sự lựa chọn của Đảng và Chính phủ, những con người đại diện cho Việt Nam bảo vệ công dân ở sở tại.
Thầy trò Trung tâm Ngôn ngữ Văn hóa Italia và Phát triển hợp tác ITACENTRO trong một hoạt động tại châu Âu. |
"Khi viết những dòng này, trong tôi vẫn ngập tràn cảm xúc. Với ai đó có thể chỉ là một câu chuyện bình thường, nhưng với chúng tôi, những người cả đời gắn bó với công tác sinh viên, lưu học sinh, việc làm của những người làm công tác ngoại giao ở nước ngoài có ý nghĩa lớn lao, củng cố niềm tin vào tình người, vào sự lựa chọn của Đảng và Chính phủ, những con người đại diện cho Việt Nam bảo vệ công dân ở sở tại". |
Mọi việc đối với tôi như chỉ mới ngày hôm qua, dù sự việc chỉ diễn ra trong hơn một phút. Sinh viên của chúng tôi học ở Venice (Italy) bị ốm rất nặng, đã phải vào bệnh viện cấp cứu hai lần và muốn trở về quê hương.
Rất khó, vì số lượng chỗ về nước trong những ngày dịch bệnh diễn ra căng thẳng quá hạn hẹp và chỉ được đăng ký trong một thời gian giới hạn. Tôi nhắn tin cho một cán bộ phụ trách Lãnh sự của Đại sứ quán Việt Nam tại Italy, người mà tôi đã có dịp tiếp xúc để giải quyết công việc trước đây và có làm quen sơ sơ. Tôi trân trọng bạn ấy, dù còn rất trẻ nhưng luôn đặt công việc và đồng bào lên trước bản thân.
Bạn ấy đang họp không thể nói chuyện bằng điện thoại, nhưng vẫn giữ liên lạc qua tin nhắn để biết tôi đang cần gì. Tôi trình bày hoàn cảnh của em sinh viên qua vài dòng tin rất ngắn, mà tôi nghĩ không đủ để truyền tải tính nghiêm trọng của tình thế.
Câu trả lời tôi nhận được là… khó lắm.
Tôi đã thất vọng và vô cùng lo lắng, vì sinh viên của tôi không chỉ có vấn đề thể chất. Vẫn tiếp tục nhắn tin... Chưa đầy nửa phút sau: “Em giải quyết xong rồi ạ”. Không một lời đề cập sự khó khăn để có được quyết định này, không màu mè hay kiểu cách, chỉ có sự chuyên nghiệp, nhanh nhẹn và đẫm tình người trong dòng tin nhắn kiệm lời. Dù đang họp nhưng mọi thông tin đã được kiểm tra trong tích tắc, công việc được giải quyết cũng trong một phút ngắn ngủi ấy.
“Thế chồng em bao giờ mới về được? - Dạ, nhường cho những người khó khăn hơn ạ. Chuyến tháng Hai ạ”. Vẫn ngắn gọn, vẫn khiêm nhường nhưng toát lên sự hy sinh tự nguyện mà bạn ấy cho là đương nhiên phải thế. Vâng, chồng bạn ấy cũng khó khăn trong việc trở về Việt Nam để thực hiện nghĩa vụ của một công chức, của một người con có bố mẹ lớn tuổi, nhưng đồng bào vẫn được ưu tiên.
Việc liên quan đến em sinh viên của chúng tôi vẫn chưa dừng ở đó. Bạn ấy đã hết hạn thẻ tạm trú, giấy hẹn gia hạn đến tháng Tư mới được lăn tay. Về luật không được quá cảnh ở các sân bay các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU). Lại thêm một vấn đề rất khó. Nhưng không, “Chị ơi, Đại sứ quán sẽ có công hàm đi kèm, chị đừng lo nữa nhé”. Thông tin đến vào thứ Bảy, lại vẫn từ bộ phận Lãnh sự. Nghĩa là ở Rome những ngày này, Đại sứ quán vẫn làm việc không có ngày nghỉ, nghĩa là mọi công dân Việt Nam luôn được trợ giúp bất kể ngày đêm.
Hiểu tính nghiêm trọng của tình huống, dòng tin ngắn ngủi đó như cất đi gánh nặng trong tôi. Và mới đây thôi (ngày 27/1), trường hợp một em sinh viên khác của chúng tôi đã may mắn được Đại sứ quán Việt Nam tại Đức kịp thời hỗ trợ, để vừa kịp chuyến bay về nước giữa đại dịch Covid-19.
Thời gian này, khi dịch bệnh đang hoành hành khắp châu Âu, cũng là lúc các cán bộ ngoại giao đang hối hả với công tác bảo hộ công dân với bao tình cảnh éo le khác nhau. Nhưng không một cuộc gọi nào bị từ chối. Là những người hiểu tính nghiêm trọng của các tình huống, nên mỗi tin nhắn của các cán bộ lãnh sự, chúng tôi đều vô cùng trân trọng.
Nhớ lại hơn mười năm trước, một sinh viên của chúng tôi gặp nạn và mất tại Italy. Chúng tôi đã vô cùng lúng túng, nhưng cũng đã rất may mắn khi được các cán bộ Đại sứ quán hỗ trợ hết sức về thủ tục để đưa được tro cốt em sinh viên về với gia đình. Họ cứ thầm lặng như thế, không nhận gì dù một lời cảm ơn.
Tháng 3/2020, sinh viên hoảng loạn đặt vé về trên những chuyến bay thương mại cuối cùng. Quy định thay đổi từng giờ. Có mấy nhóm sinh viên khoảng hơn 20 em vất vả đi từ miền Nam Italy đến Rome để bay về trên chuyến TG. Đúng lúc "check in" thì có quy định không được lên máy bay nếu không có giấy chứng nhận sức khỏe.
Một cú điện thoại về sứ quán. Nữ Đại sứ Nguyễn Thị Bích Huệ đã cử ngay người ra sân bay. Luật là luật, quy định là quy định, nhưng sự có mặt của đại diện Đại sứ quán và 100 Euro “tặng các em mua tạm chút gì ăn cho đỡ đói lòng” đã có ý nghĩa vô cùng lớn, thậm chí trấn an tinh thần các em.
Sau này, chúng tôi được biết, 100 Euro đó các em đã không dùng mà mang về khu cách ly tặng lại các chú bộ đội để mua nhu yếu phẩm. Giá trị của những cử chỉ, hành động đó hơn bất kỳ lời giáo huấn nào, hơn bất kỳ những bài truyền thông nào… Nghĩa cử tốt được lan truyền dưới những hình thức khác nhau, mà người ta không cần nói bằng lời.
Là những người làm nghề dạy học, chúng tôi xin gửi lời cảm ơn trân trọng đến các cán bộ ngoại giao làm việc tại Đại sứ quán Việt Nam tại Rome và tại các nước châu Âu, vì những hành động đầy tính nhân văn và hơn nữa là giá trị của những hành động đó. Họ gieo niềm tin cho sinh viên của chúng tôi, dạy các em trân trọng những người như họ và làm theo họ để truyền niềm tin cho người khác. Và cho chúng tôi sự vững tin tiếp tục công việc của mình.
Ở Hà Nội, những ngày này không khí Tết Cổ truyền đã tràn ngập phố phường, ai ai cũng hối hả công việc cuối năm và mua sắm Tết, còn ở phương xa, Sứ quán Việt Nam không hề có Tết. Các cán bộ ngoại giao vẫn không ngừng nỗ lực từng giờ từng phút để đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho đồng bào, dù chính mình cũng đang ở trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn gây ra bởi đại dịch Covid. Từ tận trái tim mình, chúng tôi kính chúc tất cả các cán bộ ngoại giao luôn mạnh khỏe để tiếp tục cống hiến cho công tác bảo hộ công dân, hỗ trợ đồng bào phương xa vượt qua những tháng ngày khó khăn này.
Hẹn được gặp các bạn!
Kính thư,
Thay mặt tập thể cán bộ, giảng viên Trung tâm Ngôn ngữ Văn hóa Italia và Phát triển hợp tác ITACENTRO - Trường Đại học Hà Nội
Đặng Thị Phương Thảo