Đe dọa tăng trưởng thần kỳ
Châu Á được nhìn nhận như một điểm sáng trong bức tranh kinh tế toàn cầu, bởi vẫn duy trì được tăng trưởng cao trong những năm gần đây. Tuy nhiên, những quốc gia này đang cố gắng che giấu tình trạng mất công bằng xã hội đang ngày càng tăng cao. Trong 20 năm qua, khoảng cách giàu nghèo ở châu Á tăng cao đến mức chi tiêu của người giàu (chiếm 1% số hộ gia đình) bằng với 6% đến 8% tổng chi tiêu của toàn châu lục. Chênh lệch thu nhập ngày càng tăng ở Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia, những nước đóng góp nhiều nhất vào tăng trưởng kinh tế của châu Á.
Trong khi tầng lớp trung lưu đang tăng lên thì vẫn còn hơn 1,6 tỷ người châu Á phải sống với mức chi tiêu dưới 2USD/ngày. Hệ số Gini – chỉ tiêu thường được sử dụng làm thước đo chênh lệch giàu nghèo ở khu vực châu Á đã tăng từ 39% lên 46%. Nếu chỉ số này không tăng lên, 240 triệu người đã có thể thoát khỏi cảnh đói nghèo.
Điều đáng lo ngại hơn là tỷ lệ trẻ em sinh ra trong gia đình nghèo có nguy cơ tử vong ngay sau khi sinh cao gấp 10 lần so với tỷ lệ ở các gia đình giàu có. Tỷ lệ trẻ em học đến cấp hai ở các vùng nghèo nhất thấp hơn 5 lần so với nơi giàu có, và thậm chí tỷ lệ của bậc đại học còn thấp hơn 20 lần. Điều này ảnh hưởng đến cơ hội nghề nghiệp và khả năng kinh tế của họ trong tương lai.
Sự chênh lệch này đang đe dọa đến tăng trưởng kinh tế bền vững của châu Á. Một quốc gia mất cân bằng và bị chia rẽ sẽ không thể có được thịnh vượng. Mất cân bằng xã hội ngày càng gia tăng có thể dẫn đến bất ổn chính trị, chính phủ phải giải quyết những nhu cầu thiết yếu như nhiên liệu hay lương thực hơn là thúc đẩy tăng trưởng bền vững trong dài hạn.
Các tiến bộ về công nghệ, toàn cầu hóa và cải cách hướng đến kinh tế thị trường – những nhân tố chính giúp châu Á tăng trưởng mạnh mẽ càng khiến tình trạng phân hóa giàu nghèo sâu sắc hơn. Công nghệ và thị trường mở cửa có thể tăng năng suất lao động, giảm đói nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống và ươm mầm thịnh vượng. Công nghệ và thương mại, tài chính cùng với kinh tế thị trường khiến nhu cầu lao động có trình độ cao ngày càng tăng lên. Lương dành cho người tốt nghiệp đại học tăng cao hơn nhiều so với lương dành cho những người chỉ có trình độ cơ bản.
Các thành phố trung tâm được hưởng lợi quá nhiều từ sự tăng trưởng của châu Á. Một vài vùng, đặc biệt là các thành phố lớn và vùng duyên hải có khả năng nắm bắt cơ hội tốt hơn. Theo nghiên cứu của Ngân hàng phát triển châu Á (ADB), ở rất nhiều nước châu Á, vị trí địa lý đóng góp tới 30% đến 50% vào chênh lệch thu nhập.
Để giải quyết tình trạng này, các nhà hoạch định chính sách châu Á phải tìm kiếm mô hình tăng trưởng tạo ra việc làm nhiều hơn, thực hiện chính sách tài khóa rõ ràng hơn. Tăng chi tiêu công vào y tế và giáo dục là điều nhất thiết nhưng phải tránh được tình trạng thâm hụt ngân sách không bền vững.
Ba phương án hành động
Để đảm bảo cho sự phát triển bền vững của khu vực, đã tới lúc Chính phủ các quốc gia châu Á phải hành động và cam kết vì một tương lai tốt đẹp hơn, để những nhu yếu cơ bản nhất của người dân được đảm bảo, được tham gia vào nền kinh tế đất nước và hưởng lợi từ tiềm năng phát triển khổng lồ của khu vực.
Tờ Financial Times đề xuất ba phương án hành động nhằm giúp chính phủ các nước giải quyết vấn đề này.
Thứ nhất, các nước cần đầu tư nhiều hơn vào việc nâng cấp phúc lợi xã hội, cải thiện khả năng tiếp cận giáo dục và dịch vụ y tế của người dân. Khi người dân có trình độ cao hơn và sức khỏe tốt hơn thì sẽ có nhiều cơ hội tìm việc làm với mức lương cao hơn. Tuy nhiên, việc tiếp cận những dịch vụ như vậy còn rất không đồng đều tại nhiều nước châu Á. Đây là nguyên nhân chính dẫn tới mức chênh lệch thu nhập rất cao tại các quốc gia này.
Thứ hai, chính sách thuế cũng cần được điều chỉnh để giúp tăng quỹ và ngân sách cho chi tiêu công. Ngân sách của các nước châu Á vẫn còn khá nhỏ so với tiêu chuẩn toàn cầu. Chẳng hạn, chi tiêu công trong giáo dục ở mức trung bình là 5,3% giá trị sản xuất tại các nước phát triển và 5,5% tại Mỹ La tinh thì châu Á chỉ có 2,9%. Sự khác biệt còn lớn hơn nữa trong ngành y tế. Trong thập kỉ vừa qua, tại các nước châu Á đang phát triển, tỉ lệ giữa tiền thu thuế và tổng sản phẩm quốc dân vẫn ở mức trung bình là 18%, trong khi mức trung bình toàn cầu là 29%.
Để xử lý vấn đề này, chính phủ cần tìm thêm nhiều nguồn thu khác. Có 2 sự lựa chọn: tăng thuế thu nhập cá nhân hoặc tăng thuế giá trị gia tăng. Philippines là một ví dụ điển hình cho thấy sự thành công của công cuộc cải cách này. Chính phủ Philippines đã tăng thuế thuốc lá và thuế rượu trong năm 2013, nhờ đó thu nhập quốc doanh đã tăng lên 1,4 tỷ USD; 85% số tiền này đã được đầu tư vào cơ sở hạ tầng và dịch vụ y tế, giúp cải thiện đời sống của thêm 9,5 triệu người dân.
Thứ ba, các nhà làm chính sách cần đặt ra mục tiêu bình đẳng thu nhập ngay từ khi lên kế hoạch ngân sách. Chính phủ cần nhìn xa hơn vòng ngân sách hàng năm và cân bằng các nhu cầu cạnh tranh trong nguồn thu/chi công của họ. Các kế hoạch chi tiết sẽ cần thiết để tăng tiền quỹ cho chi tiêu công và đảm bảo không làm mất tính bền vững của nền tài chính.
Giải quyết vấn đề mất cân bằng giàu nghèo là một thách thức lâu dài. Vì vậy, lãnh đạo các nước sẽ cần lên kế hoạch và hành động ngay lúc này để xây dựng tương lai của khu vực.
Anh Nhi (theo Financial Times)