📞

Thu hút đầu tư từ kiều bào, đóng góp vào xây dựng và phát triển đất nước

AN BÌNH 08:00 | 26/11/2020
TGVN. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho rằng việc thu hút kiều bào đóng góp vào xây dựng và phát triển đất nước là công tác hết sức quan trọng và có ý nghĩa trong bối cảnh chuyển đổi số và cuộc cách mạng 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ...

Nhân Hội nghị sơ kết năm năm thực hiện Chỉ thị số 45-CT/TW về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài(NVNONN) trong tình hình mới, Thứ trưởng có những đánh giá gì về những kết quả trong việc thu hút đầu tư của kiều bào về nước?

Tính đến tháng 10/2020, Việt kiều đã có 362 dự án đầu tư theo hình thức FDI tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký 1,6 tỷ USD từ 27 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó dẫn đầu về số dự án là từ Việt kiều Hoa Kỳ với 18 dự án, vốn đầu tư 105,8 triệu USD (chiếm 22,38% về số dự án và 6,6% về vốn đầu tư), tiếp theo là Pháp, Australia, Trung Quốc, Đức.

Phần lớn các dự án đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với 143 dự án, vốn đăng ký 725,14 triệu USD, chiếm 39,5% số dự án và 45,2% vốn đăng ký, tiếp theo là các ngành kinh doanh bất động sản, dịch vụ lưu trú, xây dựng….Việt kiều đã đầu tư vào 42/63 địa phương trong cả nước, trong đó dẫn đầu là Hà Nội với 79 dự án, vốn đăng ký 476,8 triệu USD (chiếm 21,8% số dự án và 29,7% vốn đăng ký), tiếp theo là các địa phương Long An, Bình Thuận, Hải Phòng, Đồng Nai,...

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông phát biểu tại một sự kiện do Bộ tổ chức.

Về mặt thuận lợi, tôi thấy rằng cộng đồng NVNONN ngày càng có tiềm lực mạnh về kinh tế, công nghệ, năng lực quản lý, có tiềm năng để đầu tư về nước. Thành công trong việc kiểm soát dịch Covid-19 của Việt Nam thời gian qua cũng góp phần làm gia tăng uy tín, sự an toàn của môi trường đầu tư Việt Nam, khuyến khích Việt kiều về nước sinh sống và đầu tư, kinh doanh.

Tuy nhiên, mặt còn hạn chế là công tác tuyên truyền, vận động và kết nối NVNONN tại các nước chưa hiệu quả cao do thiếu nguồn lực, trong khi nhiều Việt kiều còn chưa nắm rõ chủ trương, chính sách của Nhà nước.

Vậy còn vấn đề phát huy nguồn lực NVNONN từ xa thông qua Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam đã có những bước tiến triển gì, thưa ông?

Chính thức ra mắt từ tháng 8/2018 tại Chương trình Kết nối mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam do Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Ngoại giao, Bộ Giáo dục và Đào tạo đồng tổ chức, Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam đã tập hợp được hơn 100 chuyên gia, nhà khoa học tiêu biểu hoạt động trong lĩnh vực khoa học công nghệ ở nước ngoài và các nhà khoa học trong nước. Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư là đơn vị được giao nhiệm vụ vận hành, phát triển Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam, bao gồm các trí thức, nhà khoa học trẻ hiện đang làm việc, nghiên cứu cho các cơ quan, tổ chức, tập đoàn trong và ngoài nước.

Tính đến nay, Mạng lưới đã kết nối được hơn 300 thành viên ở 14 quốc gia để triển khai xây dựng các mạng lưới thành phần ở Đức, Australia, Nhật Bản. Cộng đồng trí thức người Việt Nam tại các nước về cơ bản rất quan tâm và mong muốn đóng góp cho các hoạt động đổi mới sáng tạo, có nhu cầu kết nối và có khả năng thúc đẩy những hợp tác hai chiều giữa Việt Nam và nước sở tại.

Nhìn chung các hoạt động của Mạng lưới được triển khai hướng đến các mục tiêu: quy tụ, tập hợp trí thức người Việt, kết nối các hoạt động về khoa học công nghệ; Thực hiện hỗ trợ, kết nối giữa tập đoàn, các quỹ đầu tư, các doanh nghiệp khởi nghiệp trong nước có nhu cầu phát triển hoạt động kinh doanh tại các nước và tại Việt Nam; thực hiện kết nối với các trường Đại học, viện nghiên cứu, các phòng thí nghiệm, các chuyên gia nước sở tại nơi có đại diện của Mạng lưới nhằm hợp tác đào tạo, cung cấp học bổng để hỗ trợ học sinh, sinh viên xuất sắc của Việt Nam sang học tập và nghiên cứu tại quốc gia đó, hướng tới mục tiêu xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, sẵn sàng tham gia vào các hoạt động đổi mới sáng tạo của đất nước.

Trong thời gian tới Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia sẽ có phương hướng gì nhằm phát triển Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam?

Trung tâm dự định triển khai xây dựng nền tảng kết nối thành viên Mạng lưới. Nền tảng sẽ tổng hợp thông tin, dữ liệu thành viên Mạng lưới, kết nối cung - cầu công nghệ, nghiên cứu khoa học và giải pháp đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp, viện trường, các tổ chức khác với giới trí thức, chuyên gia trong và ngoài nước.

Trung tâm tiếp tục thúc đẩy các hoạt động kết nối hệ sinh thái, trong đó có chương trình Vietnam Venture Summit - kết nối quỹ đầu tư với doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam, tổ chức các hoạt động đào tạo cho doanh nghiệp Việt Nam ứng phó với Covid-19, xây dựng các hoạt động hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp Việt Nam, tổ chức xây dựng nghiên cứu về hệ sinh thái đổi mới sáng tạo Việt Nam làm cơ sở đề xuất chính sách, chiến lược về đổi mới sáng tạo trong các ngành, lĩnh vực ưu tiên.

Ngoài ra, Trung tâm cũng sẽ tham gia hỗ trợ để thúc đẩy các hoạt động mà Mạng lưới đề xuất, đồng thời chủ động đề xuất các hoạt động nghiên cứu, thảo luận các vấn đề cụ thể để tháo gỡ vướng mắc cho các start-up…

Ông cho rằng đâu là những giải pháp để tăng cường đầu tư của Việt kiều và phát huy vai trò của kiều bào thông qua mạng lưới này?

Để làm tốt công tác này, trong thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị thực hiện một số giải pháp như tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý nhằm bảo hộ và tạo điều kiện cho doanh nhân, trí thức kiều bào về nước làm việc, đầu tư kinh doanh; khuyến khích việc hình thành các hiệp hội chuyên ngành, mở rộng hợp tác trong cộng đồng và với trong nước theo tinh thần “ích nước lợi nhà”.

Chúng ta cũng cần có chính sách thu hút các nguồn lực trong và ngoài nước để xây dựng Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam nhằm quy tụ, tập hợp trí thức, chuyên gia người Việt Nam ở nước ngoài, kết nối các hoạt động về khoa học công nghệ, các hoạt động đầu tư, kinh doanh, thương mại,...; cần lập danh mục các công việc NVNONN có thể đóng góp cho đất nước và công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng, cũng như xây dựng cơ sở dữ liệu và nền tảng số kết nối những NVNONN ưu tú. Đặc biệt, chúng ta cần nghiên cứu và triển khai cơ chế trả thù lao xứng đáng, cơ chế đặc thù trong bổ nhiệm, bố trí giao việc tương xứng với năng lực do trí thức ưu tú NVNONN đảm nhận.

(thực hiện)