Để đạt mục tiêu thu hút 39-40 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài trong năm nay, phải trông chờ vào đột phá ở những tháng cuối năm. (Nguồn: VNE) |
Xuất hiện dấu hiệu giảm tốc
Thu hút đầu tư nước ngoài vẫn là một điểm sáng của nền kinh tế. Khi Chính phủ báo cáo Quốc hội và khi các đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế - xã hội, điều này đã thêm một lần nữa được khẳng định. “Xuất nhập khẩu và đầu tư trực tiếp nước ngoài đã trở thành điểm sáng nổi bật, phản ánh niềm tin của các nhà đầu tư quốc tế đối với môi trường đầu tư của Việt Nam”, đại biểu Bế Minh Đức (Cao Bằng) nói.
Thậm chí, không chỉ về số lượng, mà về chất lượng, sự xuất hiện của các dự án đầu tư lớn trong các lĩnh vực bán dẫn, năng lượng (sản xuất pin, tế bào quang điện, thanh silic), sản xuất linh kiện, sản phẩm điện tử, sản phẩm nhiều giá trị gia tăng… cũng là điều được các đại biểu Quốc hội đánh giá cao.
“Dự báo, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2024 sẽ ở mức kỷ lục, trên 800 tỷ USD. Điều này cho thấy sự phục hồi sản xuất trong nước và cầu tiêu dùng của các thị trường, trong đó xuất khẩu khu vực đầu tư nước ngoài đạt tỷ trọng cao.
Như vậy là các doanh nghiệp của khu vực này đang làm ăn rất tốt trên cơ sở các cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước, thể hiện qua việc nhiều tập đoàn lớn đến nghiên cứu và cam kết đầu tư trong các lĩnh vực điện tử, chip bán dẫn, năng lượng xanh, năng lượng tái tạo”, đại biểu Trình Lam Sinh (An Giang) nhận định.
Đây là một thực tế. Tuy vậy, các báo cáo thống kê về tình hình thu hút đầu tư nước ngoài gần đây cho thấy, đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đang có dấu hiệu giảm tốc. Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, 10 tháng năm 2024, vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đạt gần 27,26 tỷ USD, trong đó vốn đăng ký mới đạt gần 12,23 tỷ USD; vốn đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần đạt hơn 3,68 tỷ USD; vốn điều chỉnh đạt gần 8,35 tỷ USD.
Có thể thấy, dù vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam vẫn trong xu hướng tích cực, nhưng có dấu hiệu tăng chậm lại. 10 tháng năm 2024, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam chỉ còn tăng 1,9%, giảm 9,7 điểm phần trăm so với mức tăng của 9 tháng. Đặc biệt, vốn đầu tư mới sau một thời gian tăng khá mạnh đã giảm 2,5%; ngay cả số dự án đăng ký mới cũng chỉ còn tăng nhẹ 1,4% so với cùng kỳ năm trước.
Đây là điều rất đáng chú ý. Và nguyên nhân được Cục Đầu tư nước ngoài chỉ ra là do các dự án đầu tư mới trong tháng 10/2024 có quy mô nhỏ, chỉ có số ít dự án có vốn đầu tư từ trên 100 triệu USD đến hơn 300 triệu USD. Trong khi đó, tháng 10/2023 có 3 dự án có vốn đầu tư lớn từ trên 500 triệu USD đến 1,5 tỷ USD.
Dù mới là những dấu hiệu ban đầu, song dấu hiệu giảm tốc trong thu hút đầu tư nước ngoài đã xuất hiện. Sự thiếu vắng các dự án quy lớn cũng là điều đáng chú ý. Rất có thể, những điều này sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu thu hút đầu tư nước ngoài trong năm nay.
Chính phủ khi báo cáo Quốc hội đã cho biết, dự kiến, năm nay, thu hút đầu tư nước ngoài sẽ đạt con số tương đương năm ngoái, tức là khoảng 39-40 tỷ USD. Tuy nhiên, sau 10 tháng, con số mới đạt gần 27,26 tỷ USD, còn cách mục tiêu hơn 10 tỷ USD. Để “lấp đầy” khoảng cách này, đòi hỏi sự nỗ lực không nhỏ.
Chờ đột phá
Dù vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam bắt đầu có dấu hiệu giảm tốc, nhưng cơ hội và kỳ vọng phía trước vẫn còn rất lớn, nhất là khi một số dự án đầu tư quy mô lớn, như dự án của Samsung đang chờ được cấp chứng nhận đăng ký đầu tư. Đồng thời, các cơ hội để thu hút đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao, trong đó có ngành bán dẫn đang được mở ra.
Phát biểu tại lễ khai mạc Triển lãm ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam 2024 vào hôm qua (7/11), ông KC Ang, Chủ tịch Hội đồng tư vấn Khu vực Đông Nam Á của SEMI, Chủ tịch khu vực châu Á Global Foundries một lần nữa khẳng định: “Việt Nam có nhiều cơ hội để đóng góp vào chuỗi cung ứng ngành bán dẫn”.
Đáp lời, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển ngành công nghiệp bán dẫn nhấn mạnh quyết tâm của Việt Nam trong thu hút đầu tư và phát triển công nghiệp bán dẫn nói riêng, công nghiệp công nghệ cao nói chung.
Theo Bộ trưởng, để thúc đẩy thu hút đầu tư trong lĩnh vực này, Việt Nam đã và đang xây dựng môi trường kinh doanh hấp dẫn với nhiều ưu đãi cho doanh nghiệp công nghệ cao, trong đó có việc áp dụng thủ tục đầu tư đặc biệt. Các chính sách này dự kiến được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ tám.
Cùng với đó, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Chính phủ sẽ ban hành Nghị định về việc thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ Hỗ trợ đầu tư để hỗ trợ trực tiếp cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực này về đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, đầu tư tạo tài sản cố định, sản xuất sản phẩm công nghệ cao…, qua đó góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên bản đồ công nghiệp bán dẫn toàn cầu.
Hiện nay, nhiều nhà đầu tư cũng chờ đợi việc Việt Nam thông qua các chính sách này để có thể ra các quyết định đầu tư mới. Khi chính sách được ban hành và cần thiết được ban hành trong năm 2024, sẽ có thêm các dự án quy mô lớn được đổ vào Việt Nam.
Khi thảo luận tại Quốc hội, các đại biểu cũng nhấn mạnh việc cần thiết cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đào tạo nhân lực chất lượng cao, cũng như chuẩn bị sẵn sàng các yếu tố về đất đai, năng lượng… cho các dự án quy mô lớn. “Cần đẩy mạnh cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính và các quy định kinh doanh”, đại biểu Nguyễn Thành Nam (Phú Thọ) nói.
Ông Nguyễn Thành Nam ví dụ về việc triển khai 2 dự án trọng điểm về xây dựng kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp huyện Hạ Hòa và huyện Tam Nông tại Phú Thọ. Dù theo quy định, tổng thời gian giải quyết thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư không quá 3 tháng, riêng việc lấy ý kiến các cơ quan nhà nước liên quan đến nội dung thẩm định không quá 15 ngày, nhưng đã 4-5 năm nay, thủ tục đầu tư của 2 dự án này chưa được xử lý dứt điểm.
“Nhà đầu tư vẫn mòn mỏi chờ đợi dẫn đến mất cơ hội đầu tư, đành tâm tư rằng, đường xa nghĩ nỗi sau này mà kinh”, đại biểu Nguyễn Thành Nam nói.
Để tạo bứt phá trong thu hút đầu tư, đặc biệt là các lĩnh vực công nghệ cao, trong đó có bán dẫn, AI, đây rõ ràng là điều cần được nhanh chóng cải thiện.