📞

Thử làm “người nhện” với leo núi trong nhà

10:12 | 29/03/2015
Thoăn thoắt leo lên những bức tường dựng đứng, bay người để với lấy một điểm cao hay treo mình trên vách ngang với mặt đất... đó là những hình ảnh mà người ta thường thấy khi đến với CLB Vietclimb.
Leo núi không chỉ dành cho nam giới.

Chàng Việt kiều dựng núi

Dù đã khá phổ biến trên thế giới nhưng leo núi trong nhà vẫn còn là khái niệm rất mới mẻ tại Việt Nam. Tại Thủ đô Hà Nội, CLB Vietclimb là nơi đầu tiên đưa các bạn trẻ đến gần hơn với bộ môn thể thao mạo hiểm nhưng đầy thú vị này.

Người sáng lập Vietclimb là anh Jean Verl. Chàng trai Việt kiều Pháp này vốn là một vận động viên leo núi chuyên nghiệp. Năm 2006, anh trở về quê mẹ và thành lập một CLB để tập hợp những người có cùng niềm đam mê chinh phục các dãy núi. Ban đầu, Jean và các bạn tập luyện trong một căn phòng nhỏ trên tầng thượng. Sau năm năm, Vietclimb đã phát triển và trở thành một trung tâm leo núi trong nhà dành cho tất cả những ai muốn thử sức với bộ môn này.

Trong trung tâm có diện tích gần 300m2 của Vietclimb, người chơi sẽ bị cuốn hút với các vách núi được dựng từ những tấm ván gỗ lớn với nhiều địa hình khác nhau: khi dựng đứng, khi gồ ghề, khi cheo leo hay thậm chí là nằm song song với mặt đất. Phòng tập cũng được chia làm hai khu vực dành cho người lớn và trẻ em.

Đến với Vietclimb, người chơi chỉ cần ăn mặc thoải mái nhất có thể. Tất cả dụng cụ hỗ trợ khi leo núi như giày, thắt lưng, dây thừng, móc an toàn, phấn thể thao... đều sẽ được Vietclimb cung cấp. Tuy nhiên, nếu đã "phải lòng" bộ môn này, đa số người chơi sẽ tự sắm cho mình một đôi giày leo núi sao cho vừa vặn và thoải mái nhất.

Kiểu leo núi chủ yếu ở CLB này là bouldering - leo địa hình không quá cao, không sử dụng dây bảo hiểm trong quá trình chơi. Vì thế, khá nhiều người đã tỏ ra e ngại khi mới đến với Vietclimb. Tuy nhiên, với một lớp đệm mút dày 50cm ở dưới sàn, người chơi có thể yên tâm nếu lỡ có tuột tay trong khi đang chinh phục các "đỉnh núi".

Trước khi bắt đầu trải nghiệm, những người mới làm quen với bộ môn này sẽ được các hướng dẫn viên của CLB cho khởi động, hướng dẫn các quy định về an toàn cũng như các kỹ thuật leo núi cơ bản nhất. Thậm chí, họ còn được dạy cách xoay người khi ngã sao cho êm ái và thoải mái nhất.

Sức hấp dẫn của mạo hiểm

Những tưởng việc chinh phục các đỉnh núi nhân tạo là rất đơn giản khi mà những mấu leo được gắn chi chít với đủ màu sắc trên bức tường. Tuy nhiên, nếu chơi theo đúng luật thì môn thể thao này lại trở nên khó vô cùng.

Tại Vietclimb, độ khó của mỗi đường leo được CLB sắp xếp tuân theo quy định quốc tế. Mỗi trình độ sẽ được phân biệt bằng các màu sắc của mấu bám: màu vàng dành cho người mới bắt đầu, màu cam cho những người đã quen, màu xanh lá cây, xanh nước biển, đỏ và đen. Để kết thúc mỗi đường leo, người chơi sẽ phải bám tay vào mấu cuối cùng phía trên đỉnh của bức tường trong vòng ba giây. Sau khoảng hai tháng, toàn bộ các đường leo của CLB sẽ được thay đổi lộ trình để người chơi có thêm hứng thú trong việc luyện tập và thử sức.

Chị Nguyễn Bảo Ngọc, quản lý của CLB Vietclimb cho biết: "Những người mới làm quen với bộ môn này sẽ rất nản chí. Có những đường leo mà người chơi phải mất cả tháng trời mới có thể chinh phục. Không chỉ đòi hỏi phải vận dụng các bộ phận, người chơi còn phải tính toán xem mình sẽ "giải" đường leo ấy như thế nào để lên tới đích".

Vì vậy, leo núi trong nhà không chỉ đem lại sức mạnh, sự dẻo dai mà còn giúp người chơi rèn luyện tính kiên trì, bền bỉ và nâng cao kỹ năng giải quyết vấn đề.

Năm 2014, Vietclimb đã phối hợp với Tổng cục Thể dục Thể thao (Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) tổ chức giải leo núi trong nhà toàn quốc quy tụ 50 vận động viên ở cả trong và ngoài nước. Mục đích của giải đấu này không chỉ nhằm quảng bá bộ môn leo núi đến với tất cả công chúng mà còn hướng tới việc tìm ra các vận động viên xuất sắc, hình thành đội tuyển quốc gia cho các giải đấu quốc tế trong tương lai.

Hoàng Quân