Back to E-magazine
e magazine
12:03 | 10/02/2020
Thứ trưởng Lê Hoài Trung: Tham gia HĐBA, mục tiêu lớn của Việt Nam không thay đổi

12:03 | 10/02/2020

TGVN. Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung đã có bài trả lời phỏng vấn dành riêng cho Báo Thế giới & Việt Nam nhân dịp Việt Nam hoàn thành thành công trọng trách Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc tháng 1/2020.

thu truong le hoai trung tham gia hdba muc tieu lon cua viet nam khong thay doi

Ngày 31/1 vừa qua, Việt Nam đã kết thúc nhiệm kỳ Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc trong tháng 1 với những đóng góp ấn tượng thông qua nhiều phiên họp và thảo luận. Cho đến lúc này, có thể thấy Việt Nam đã hoàn thành trách nhiệm trọn vẹn tại cơ quan quan trọng hàng đầu của Liên hợp quốc, giữ trọng trách chính trong việc duy trì hòa bình và an ninh quốc tế.

Tháng 1/2020:

Tháng khởi đầu

của những thành công

Đây là lần thứ 2 sau hơn 10 năm, Việt Nam trở thành ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ). Bối cảnh quốc tế của năm 2020 đã khác nhiều so với giai đoạn 2008-2009. Thứ trưởng đánh giá như thế nào về môi trường hòa bình, an ninh quốc tế hiện nay và những mục tiêu, phương châm và ưu tiên của Việt Nam trong nhiệm kỳ này có gì thay đổi?

Trước khi đề cập bối cảnh, có lẽ cần nhấn mạnh rằng, HĐBA LHQ giữ một vị trí đặc biệt trong đời sống quốc tế. LHQ là tổ chức đa phương toàn cầu lớn nhất thế giới với 193 thành viên, trong đó HĐBA là cơ quan được giao trách nhiệm hàng đầu trong vấn đề duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, cũng là cơ quan duy nhất có thể ra những quyết định, trong đó có những quyết định mang tính cưỡng chế, nhằm đảm bảo việc gìn giữ hòa bình, an ninh quốc tế và chống xâm lược.

Về bối cảnh quốc tế, xu hướng chung của đời sống chính trị quốc tế vẫn là hòa bình, hợp tác và phát triển. Nếu so với thời điểm 2008-2009 khi Việt Nam lần đầu tiên đảm nhận cương vị ủy viên không thường trực, những vấn đề khó của 10 năm trước vẫn còn đó, ví dụ như vấn đề hạt nhân Iran, điểm nóng trên Bán đảo Triều Tiên hay mâu thuẫn ở khu vực Nam Á; trong khi đó, giai đoạn hiện nay đã xuất hiện những thách thức mới. Đó là những tầng nấc mới trong cạnh tranh ảnh hưởng cũng như sự phức tạp trong quan hệ giữa những nước lớn, trong đó có cả những nước là ủy viên thường trực của HĐBA LHQ.

Ngoài ra, thách thức an ninh phi truyền thống mới trở nên phức tạp hơn, trong đó có những vấn đề liên quan đến chống khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia; xu hướng gia tăng chính trị cường quyền, hành động đơn phương, tạo ra thách thức đối với vai trò của LHQ, chủ nghĩa đa phương và luật pháp quốc tế, cũng như đối với hòa bình, ổn định tại các khu vực.

Mục tiêu lớn trong việc tham gia HĐBA của Việt Nam không thay đổi, đó là bảo vệ lợi ích thiết thân của chúng ta, đồng thời góp phần thúc đẩy hợp tác quốc tế, tạo dựng môi trường quốc tế hòa bình, ổn định, tạo điều kiện thuận lợi cho đất nước phát triển. Nếu chúng ta làm tốt, tính đến lợi ích của các nước liên quan một cách công bằng, phù hợp thì quan hệ song phương và quan hệ với những đối tác khác cũng được phát triển, làm sâu sắc thêm, giúp gia tăng vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Như lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói, “giữ gìn hòa bình thế giới chính là giữ gìn lợi ích của nước ta”, môi trường hòa bình, ổn định chính là điều kiện thuận lợi cho chúng ta phát triển.

Trong bối cảnh mới, với vị thế mới của đất nước, Việt Nam tiếp tục triển khai chủ trương “Chủ động tham gia và phát huy vai trò tại các cơ chế đa phương, đặc biệt là ASEAN và LHQ” của đường lối đối ngoại Đại hội Đảng lần thứ XII và phấn đấu đóng vai trò cầu nối, hòa giải tại các diễn đàn đa phương theo tinh thần Chỉ thị 25 của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030.

thu truong le hoai trung tham gia hdba muc tieu lon cua viet nam khong thay doi
Thứ trưởng Lê Hoài Trung bỏ phiếu tại trụ sở Liên hợp quốc ngày 7/6/2019.

Trên tinh thần “Đối tác vì Hòa bình bền vững”, Việt Nam xác định cụ thể các ưu tiên, phương châm tham gia HĐBA trong nhiệm kỳ 2020-2021 gồm:

(i) Đề cao chủ nghĩa đa phương, nâng cao vai trò và hiệu quả của HĐBA trong duy trì hòa bình và an ninh quốc tế; thúc đẩy đối thoại, giảm căng thẳng, tìm kiếm giải pháp cho các xung đột, điểm nóng, phù hợp với luật pháp quốc tế và Hiến chương LHQ;

(ii) Phát huy sự hợp tác, phối hợp và bổ trợ lẫn nhau giữa HĐBA và các tổ chức khu vực, tiểu khu vực, trong đó có ASEAN, trong việc duy trì hoà bình và ổn định ở khu vực và thế giới;

(iii) Thúc đẩy các nỗ lực tái thiết hậu xung đột, nhất là khắc phục hậu quả bom mìn, góp phần tạo môi trường an toàn, phục vụ phát triển kinh tế, xã hội bền vững, hỗ trợ nạn nhân;

(iv) Trên tinh thần nhân đạo và truyền thống tương thân tương ái của dân tộc, chúng ta cũng sẽ thúc đẩy các vấn đề bảo vệ thường dân, nhân đạo, bảo vệ cơ sở hạ tầng thiết yếu, bảo vệ trẻ em, bảo vệ và tăng cường vai trò của phụ nữ trong xung đột… nhằm thúc đẩy hòa bình và phát triển bền vững.

thu truong le hoai trung tham gia hdba muc tieu lon cua viet nam khong thay doi
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh chủ trì phiên thảo luận mở của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Chúng ta vừa đảm nhiệm thành công vị trí Chủ tịch HĐBA LHQ tháng 1/2020, xin Thứ trưởng đánh giá về những kết quả, lợi ích chính mà Việt Nam đã đạt được trên cương vị Chủ tịch HĐBA tháng 1/2020?

Như Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh cũng như báo chí đã nhấn mạnh, trong bối cảnh tình hình quốc tế đang diễn biến phức tạp, việc chọn chủ đề tăng cường tuân thủ Hiến chương LHQ cho cuộc thảo luận mở cấp Bộ trưởng của HĐBA đã được các nước đánh giá rất cao với số lượng những nước tham gia thảo luận đạt kỷ lục (106 nước), kéo dài 3 ngày liền, trong đó có 1 ngày trọn vẹn. Sáng kiến này đã góp phần khẳng định vị trí của Hiến chương LHQ, khẳng định những nguyên tắc cơ bản trong đó có vấn đề giải quyết hòa bình những tranh chấp, duy trì hòa bình an ninh quốc tế trong bối cảnh hiện nay. Bên cạnh đó, sáng kiến thứ hai của Việt Nam về việc tổ chức họp mở thông tin về ASEAN đã giúp đề cao vai trò của ASEAN và quan hệ ASEAN – LHQ trong duy trì hòa bình và an ninh khu vực và quốc tế, thể hiện sự gắn kết chặt chẽ giữa hai cương vị ủy viên không thường trực HĐBA LHQ 2020-2021 và Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam.

Về quan hệ song phương, trong những buổi tham vấn song phương cũng như những cuộc họp, chuyến thăm của Lãnh đạo cấp cao, Việt Nam đã trao đổi những vấn đề mà các nước quan tâm về HĐBA và mong muốn Việt Nam phát huy vai trò của mình, qua đó tạo đòn bẩy thúc đẩy phát triển quan hệ song phương nói chung.

Hai sự kiện với nhiều

"lần đầu tiên"

Thứ trưởng vừa nhắc đến ưu tiên tăng cường chủ nghĩa đa phương, tuân thủ luật pháp quốc tế, vậy xin ông làm rõ hơn mối liên hệ giữa ưu tiên này và Phiên thảo luận mở cấp Bộ trưởng với chủ đề “Kỷ niệm 75 năm thành lập LHQ: Tăng cường tuân thủ Hiến chương LHQ để duy trì hòa bình và an ninh quốc tế” do Việt Nam tổ chức vào ngày 9/1 tại Trụ sở LHQ. Ông đánh giá như thế nào về kết quả của Phiên thảo luận này?

Chủ nghĩa đa phương và những hoạt động đa phương đã xuất hiện từ lâu, từ khi đời sống quốc tế có từ hai đến ba đối tác trở lên và đặc biệt khi hình thành các quốc gia dân tộc. Trước khi LHQ ra đời, Hội Quốc Liên đã được hình thành sau Chiến tranh Thế giới thứ I. Hội Quốc Liên hay LHQ ra đời đều đáp ứng một nhu cầu chung, đó là nhằm ngăn chặn Chiến tranh Thế giới xảy ra thêm một lần nữa.

Hiến chương là cơ sở pháp lý cho sự tồn tại và hoạt động của LHQ, xác lập các mục đích, tôn chỉ của Tổ chức, trong đó có các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, các quy định, điều khoản rõ ràng, tiến bộ trong luật pháp quốc tế, đó là cấm chiến tranh xâm lược, giải quyết những tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không được sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế mà chỉ sử dụng trong 2 trường hợp: tự vệ hoặc theo quyết định của HĐBA.

Vì vậy, trong bối cảnh thế giới hiện nay, việc Việt Nam chọn chủ đề này cho một cuộc thảo luận mở của HĐBA là rất quan trọng, được nhiều nước thành viên quan tâm và ủng hộ. Tại phiên họp, HĐBA cũng đã nhất trí thông qua Tuyên bố Chủ tịch khẳng định giá trị bền vững của Hiến chương trong duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, phát triển luật pháp quốc tế và điều chỉnh quan hệ giữa các quốc gia cũng như cam kết của HĐBA đối với Hiến chương; nhấn mạnh tất cả các nước, các cơ quan LHQ, các tổ chức khu vực… cần hành động phù hợp với Hiến chương LHQ; đưa các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương thành định hướng trong hoạch định và thực hiện chiến lược, chính sách. Tuyên bố không chỉ có ý nghĩa lịch sử là Tuyên bố đầu tiên của HĐBA đề cập riêng về Hiến chương LHQ, mà còn khẳng định cam kết chính trị thống nhất của LHQ và HĐBA, các quốc gia thành viên và cộng đồng quốc tế nói chung. Từ đó, giúp khẳng định tăng cường vai trò của LHQ và Hiến chương LHQ trong vấn đề duy trì hòa bình an ninh quốc tế sẽ giúp tăng cường chủ nghĩa đa phương.

thu truong le hoai trung tham gia hdba muc tieu lon cua viet nam khong thay doi
Đại sứ Đặng Đình Quý chụp ảnh cùng toàn thể cán bộ, nhân viên Phái đoàn Đại diện thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc và các cơ quan Việt Nam khác tại New York, Mỹ. (Nguồn: Liên hợp quốc)

Sự kiện thứ hai mà Việt Nam chủ trì tổ chức là cuộc họp về chủ đề “Hợp tác giữa LHQ và các tổ chức khu vực và tiểu khu vực trong duy trì hòa bình và an ninh quốc tế: Vai trò của ASEAN”. Xin ông chia sẻ ý tưởng tổ chức cuộc họp được hình thành như thế nào và ý nghĩa của sự kiện đối với Việt Nam và ASEAN?

Hiến chương LHQ đã dành trọn Chương VIII để nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác giữa LHQ và các tổ chức khu vực, tiểu khu vực trong các lĩnh vực, bao gồm duy trì hòa bình và an ninh quốc tế. Tuy nhiên, từ nghiên cứu và kinh nghiệm tham gia HĐBA, có thể thấy quan hệ hợp tác, tương tác giữa HĐBA và các tổ chức khu vực còn ở những mức độ khác nhau, hiện mới chủ yếu tập trung vào các tổ chức như Liên minh châu Phi, Liên minh châu Âu, Liên đoàn các nước Arab...

Điểm lại lịch sử ra đời và phát triển của ASEAN, có thể khẳng định ASEAN có những đóng góp quan trọng trong củng cố môi trường hòa bình, ổn định tại khu vực, đã hình thành bộ máy, thể chế, nhất là việc khởi xướng, chủ trì và dẫn dắt các diễn đàn thúc đẩy đối thoại, hợp tác, xây dựng lòng tin ở khu vực (như Thượng đỉnh Đông Á - EAS, Diễn đàn Khu vực ASEAN - ARF, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng - ADMM+); đã có quan hệ hợp tác rộng trong nhiều lĩnh vực, đem lại kết quả thiết thực; tích lũy được nhiều kinh nghiệm hợp tác trong hơn 50 năm qua. Việt Nam nói riêng và những nước thành viên ASEAN nói chung đều mong muốn ASEAN sẽ có được vai trò trung tâm trong đời sống chính trị quốc tế.

Từ tình hình đó và với vai trò đồng thời là Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam đã có ý tưởng tổ chức cuộc họp về chủ đề “Hợp tác giữa LHQ và các tổ chức khu vực và tiểu khu vực trong duy trì hòa bình và an ninh quốc tế: Vai trò của ASEAN”. Đề xuất này đã nhận được sự hưởng ứng của các nước HĐBA, được sự đồng thuận ủng hộ của các nước ASEAN. Bên cạnh đó, các nước cũng đánh giá rất cao về sáng kiến này và kỳ vọng ASEAN đóng góp nhiều hơn nữa trong việc duy trì hòa bình an ninh quốc tế cũng như cho công việc của LHQ.

Cuộc họp ngày 30/1 vừa qua, với sự tham gia của hai diễn giả chính là Tổng Thư ký LHQ và Tổng Thư ký ASEAN, đã giúp thông tin đến các nước, khẳng định những đóng góp quan trọng, vị trí và vai trò trung tâm của ASEAN trong việc duy trì hòa bình và an ninh khu vực; tạo cơ hội để ASEAN lần đầu tiên chia sẻ tại HĐBA các định hướng, nỗ lực và thực tiễn khu vực trong ngăn ngừa xung đột, xử lý các vấn đề khu vực và xây dựng cộng đồng – những nhiệm vụ mà ASEAN đã thực hiện tốt, giúp khu vực tránh được các cuộc xung đột trong nhiều năm qua; đồng thời tiếp tục khẳng định vai trò và cam kết thống nhất của ASEAN trong giải quyết các vấn đề hòa bình và an ninh khu vực.

Trọng trách lớn,

kỳ vọng lớn

Thưa Thứ trưởng, trong tháng 1/2020, Việt Nam đã chứng kiến nhiều cuộc xung đột khu vực ở châu Phi, Trung Đông tiếp tục diễn biến phức tạp. Vậy Việt Nam đã đóng góp vai trò như thế nào trong việc xử lý những vấn đề này tại HĐBA thời gian qua?

Nhìn lại có thể thấy là HĐBA đã có một tháng làm việc bận rộn và hiệu quả, mặc dù là tháng đầu năm trùng với dịp nghỉ Tết Dương lịch chung của LHQ cũng như các dịp nghỉ lễ của các nước. Trong tháng 1/2020, Chương trình làm việc của HĐBA có gần 30 cuộc họp chính thức và tham vấn kín, xem xét 12 vấn đề. Chiếm khối lượng công việc lớn nhất vẫn là các vấn đề của khu vực châu Phi, Trung Đông, với việc HĐBA tổ chức thảo luận mở định kỳ về Tiến trình hòa bình Trung Đông, xem xét tình hình tại Mali, Libya, hoạt động của các phái bộ LHQ tại Tây Phi và Lebanon…, thông qua 3 nghị quyết về gia hạn hoạt động cứu trợ nhân đạo xuyên biên giới tại Syria, gia hạn hoạt động của Phái bộ LHQ tại Yemen, và gia hạn các biện pháp cấm vận vũ khí tại Cộng hòa Trung Phi.

Việt Nam đã đóng góp cho việc xử lý những vấn đề này thông qua vai trò Chủ tịch một cách khách quan, minh bạch, chủ trì quá trình tham vấn một cách khéo léo, linh hoạt nhằm tháo gỡ bất đồng, xây dựng đồng thuận giữa các nước cũng như với tư cách một nước thành viên tích cực, chủ động và trách nhiệm. Trước hết, Việt Nam đã theo dõi rất sát sao tình hình và khi có những diễn biến mới xảy ra, chúng ta phải tham vấn với các nước liên quan qua rất nhiều kênh, tại Hà Nội nếu các nước đó có Đại sứ quán, các Đại sứ quán Việt Nam tại các nước đó và tại Phái đoàn của Việt Nam tại LHQ để nắm tình hình, quan điểm các bên. Việt Nam cũng tham vấn khi đối tác đưa ra văn kiện định hướng về các vấn đề, việc có tổ chức họp để nghe thông tin, trao đổi về vấn đề đó hay không, lựa chọn hình thức họp và thành phần được mời ngoài các nước HĐBA…

Trên cơ sở tham vấn đó và đường lối nguyên tắc của Việt Nam về giải quyết các vấn đề xung đột khu vực, ngăn ngừa chiến tranh, quan hệ với các đối tác, chúng ta đưa ra được các giải pháp, kiến nghị với đối tác. Đến nay, đóng góp của Việt Nam nói chung được các nước đánh giá rất tích cực, trách nhiệm và thiết thực.

thu truong le hoai trung tham gia hdba muc tieu lon cua viet nam khong thay doi
Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn Đại diện thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc.

Xin Thứ trưởng cho biết đánh giá về vai trò, hoạt động của HĐBA thời gian tới khi mà tình hình thế giới và khu vực dự báo sẽ biến động rất nhanh chóng, phức tạp? Việt Nam cần quan tâm đảm bảo những định hướng, nguyên tắc nào để tiếp tục nâng cao vị thế, đóng góp một cách tích cực, hiệu quả, thực chất vào công việc của HĐBA?

Có thể thấy rằng đây là cơ chế đa phương toàn cầu về duy trì hòa bình, an ninh quốc tế có vai trò chưa thể thay thế, luôn được các nước, trong đó có các nước lớn, coi trọng. Do đó, trong bối cảnh tình hình hòa bình, an ninh thế giới và khu vực dự kiến sẽ biến động nhanh chóng, phức tạp, bất thường trong thời gian tới, HĐBA sẽ phải gánh vác nhiều nhiệm vụ quan trọng, phức tạp hơn. Một mặt, tuy HĐBA có thể gặp khó khăn, thậm chí bế tắc trên một số vấn đề mà các nước, đặc biệt là các ủy viên thường trực, có mâu thuẫn lợi ích sâu sắc, song mặt khác, HĐBA sẽ vẫn là cơ chế hiệu quả trong việc đề ra các biện pháp, giải pháp cho nhiều vấn đề hòa bình, an ninh chung, cũng như các vấn đề khu vực cụ thể.

Bên cạnh đó, với vai trò, nỗ lực và xu hướng hợp tác ngày càng tăng giữa các nước ủy viên không thường trực, trong đó có Việt Nam, chúng ta hoàn toàn có đủ điều kiện để kỳ vọng vào nhiều đóng góp, giải pháp hơn nữa từ các nước ủy viên không thường trực cho công việc HĐBA trong thời gian tới.

Việt Nam có rất nhiều điều kiện thuận lợi khi thực hiện nhiệm vụ này, bởi việc 192 quốc gia thành viên LHQ bỏ phiếu ủng hộ Việt Nam – con số gần như tuyệt đối, cho thấy các nước đánh giá cao khả năng đóng góp và đường lối của Việt Nam, cho rằng đóng góp đó rất phù hợp với quan điểm chung của cộng đồng quốc tế nói chung và của từng nước nói riêng.

Thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, là thành viên tích cực, có trách nhiệm, chủ động đóng góp giải quyết các vấn đề hòa bình và an ninh quốc tế. Một yếu tố rất quan trọng nữa là việc Việt Nam đề cao những nguyên tắc của luật pháp quốc tế như vấn đề tôn trọng độc lập, chủ quyền quốc gia; giải quyết hòa bình các tranh chấp; không đe dọa vũ lực hoặc sử dụng vũ lực, không can thiệp vào công việc nội bộ các nước.

Thông điệp của Việt Nam khi tham gia HĐBA là “Đối tác vì hòa bình, bền vững”. Do đó, Việt Nam sẽ tăng cường quan hệ với các đối tác đối tác, tham vấn với các nước để giải quyết vấn đề, trong đó có việc lắng nghe ý kiến của các bên liên quan, ý kiến của các quốc gia trực tiếp chịu tác động, thúc đẩy các nội hàm quan trọng về ngăn ngừa xung đột, kiến tạo hoà bình, tái thiết hậu xung đột, tăng cường chủ nghĩa đa phương. Những nguyên tắc làm việc nêu trên cũng rất phù hợp với mong muốn và những vấn đề đặt ra của cộng đồng quốc tế, mặc dù vẫn còn có những thách thức không nhỏ trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ này.

thu truong le hoai trung tham gia hdba muc tieu lon cua viet nam khong thay doi

(thực hiện)

Đọc thêm

Cảnh sát biển Việt Nam và Ấn Độ diễn tập tìm kiếm cứu nạn và xử lý các sự cố

Cảnh sát biển Việt Nam và Ấn Độ diễn tập tìm kiếm cứu nạn và xử lý các sự cố

Cảnh sát biển Việt Nam và Lực lượng Bảo vệ bờ biển Ấn Độ đã tổ chức diễn tập tìm kiếm cứu nạn và xử lý sự cố ở ngoài khơi bờ biển Kochi trong khuôn khổ chuyến thăm, giao lưu và trao đổi kinh nghiệm
Thống đốc tỉnh Niigata, Nhật Bản nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ

Thống đốc tỉnh Niigata, Nhật Bản nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ

Thống đốc tỉnh Niigata (Nhật Bản) Hanazumi Hideyo được trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì đã có nhiều đóng góp cho việc phát triển quan hệ hợp tác hữu nghị Việt Nam-Nhật Bản.
Đoàn kiểm tra của Ban Bí thư làm việc với Ban cán sự đảng Bộ Ngoại giao về thực hiện Kết luận 21 của Ban Chấp hành Trung ương

Đoàn kiểm tra của Ban Bí thư làm việc với Ban cán sự đảng Bộ Ngoại giao về thực hiện Kết luận 21 của Ban Chấp hành Trung ương

Sáng nay 21/12, tại Trụ sở Bộ Ngoại giao, Đoàn kiểm tra số 1477 của Ban Bí thư do đồng chí Lê Minh Hưng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương làm Trưởng đoàn đã làm việc với Ban cán sự đảng Bộ Ngoại giao về kết quả lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, tổ chức thực hiện Kết luận số 21 của Ban Chấp hành Trung ương.
Những trận đánh lịch sử trong ký ức Tướng Quân đội nhân dân Việt Nam (kỳ I): Từ các câu 'thần chú' khớp lệnh đến lời dặn cầm quân khắc cốt ghi tâm

Những trận đánh lịch sử trong ký ức Tướng Quân đội nhân dân Việt Nam (kỳ I): Từ các câu 'thần chú' khớp lệnh đến lời dặn cầm quân khắc cốt ghi tâm

Vị Tướng Quân đội nhân dân Việt Nam - Thượng tướng, Viện sĩ, Nguyễn Huy Hiệu, Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng nhớ như in những trận đánh lịch sử đã từng tham gia suốt 60 năm 'cuộc đời binh nghiệp'.
Dòng chữ trên Quân kỳ của Quân đội Nhân dân Việt Nam

Dòng chữ trên Quân kỳ của Quân đội Nhân dân Việt Nam

80 năm qua, Quân kỳ của Quân đội Nhân dân Việt Nam luôn dẫn đầu, đưa dân tộc Việt Nam trải qua những sấm sét của lịch sử và bão táp của thời đại, vượt qua thác ghềnh, đấu tranh để giành lại độc lập tự do cho Tổ quốc.
Biểu dương con đoàn viên Bộ Ngoại giao chinh phục các kỳ thi quốc gia và quốc tế

Biểu dương con đoàn viên Bộ Ngoại giao chinh phục các kỳ thi quốc gia và quốc tế

Sáng nay 21/12, Công đoàn Bộ Ngoại giao tổ chức Lễ trao thưởng cho con đoàn viên đạt thành tích cao trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia và quốc tế.