Tại Hội thảo “Kết nối và phát huy nguồn lực NVNONN hỗ trợ cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam” vừa qua, Ủy ban Nhà nước về NVNONN (Bộ Ngoại giao) và Cục phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã ký kết Thỏa thuận hợp tác và phát động “Chương trình cố vấn khởi nghiệp” toàn cầu. Thứ trưởng đánh giá gì về ý nghĩa của sự kiện này, cũng như các chương trình mà hai bên sẽ thực hiện trong thời gian tới?
Có thể nói, ý nghĩa và mục đích lớn nhất của Hội thảo và Lễ ký kết Thỏa thuận hợp tác lần này là bước triển khai cụ thể của công tác ngoại giao phục vụ phát triển, với phương châm của Ủy ban Nhà nước về NVNONN là “đột phá, mở đường, song hành, hỗ trợ” kết nối trong nước với kiều bào để thực hiện mục tiêu huy động tổng hợp các nguồn lực cho phát triển đất nước.
Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về NVNONN phát biểu tại Hội thảo "Kết nối và phát huy nguồn lực NVNONN hỗ trợ cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam", ngày 16/7. (Ảnh: Trung Hiếu) |
Từ đây, chúng tôi sẽ phối hợp chặt chẽ với Cục phát triển thị trường va doanh nghiệp khoa học công nghệ cùng các đơn vị khác của Bộ Khoa học và Công nghệ thực hiện các mục tiêu cụ thể như: xây dựng cơ sở dữ liệu về NVNONN; xây dựng cơ chế giới thiệu, kết nối, thu hút chuyên gia người Việt Nam ở nước ngoài hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam; tổ chức các sự kiện quốc gia và quốc tế như Hội nghị, hội thảo, diễn đàn kết nối đầu tư, kết nối thị trường, xúc tiến chuyển giao công nghệ; tìm kiếm nguồn lực hỗ trợ, kết nối hoạt động của các địa phương với mạng lưới đại diện khoa học và công nghệ Việt Nam ở nước ngoài, Hiệp hội Chuyên gia công nghệ, doanh nhân, Câu lạc bộ Sinh viên Việt Nam đang nghiên cứu, học tập, làm việc tại nước ngoài.
Đồng thời, Bộ Ngoại giao và Bộ Khoa học và Công nghệ cũng tiếp tục phối hợp trong việc nghiên cứu, hoàn thiện chính sách về thu hút cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ là NVNONN và chuyên gia nước ngoài.
Nghị định số 27/2020/NĐ-CP của Chính phủ về Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 40/2014/NĐ-CP ngày 12/5/2014 của Chính phủ quy định việc sử dụng, trọng dụng cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ và Nghị định số 87/2014/NĐ-CP ngày 22/9/2014 của Chính phủ quy định về thu hút cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ là NVNONN và chuyên gia nước ngoài tham gia hoạt động khoa học và công nghệ tại Việt Nam đã được Chính phủ ban hành 1/3/2020, có hiệu lực từ 15/4/2020. Hiện nay, Bộ Ngoại giao đang phối hợp với đơn vị chủ trì là Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định này.
Theo Thứ trưởng, đâu là những hiệu quả tích cực từ các diễn đàn, hội thảo liên quan đến khởi nghiệp sáng tạo quốc gia mà Ủy ban Nhà nước về NVNONN đã tổ chức trong những năm gần đây?
Các hoạt động của Ủy ban Nhà nước về NVNONN đều được tổ chức trên cơ sở đánh giá thực chất về tình hình, định hướng phát triển trong nước, nhu cầu và khả năng của người Việt Nam ở trong và ngoài nước. Bởi vậy, các sự kiện như Diễn đàn “Kết nối các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo của người Việt tại Hoa Kỳ” hay Diễn đàn “Kết nối Startup Việt trong và ngoài nước”... nhận được sự quan tâm lớn của các cơ quan, chuyên gia, doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Các chương trình nêu trên không chỉ đảm bảo về nội dung mà còn có tính lan tỏa cao, giúp kiều bào hiểu hơn về tình hình trong nước, khơi dậy tình yêu đất nước và niềm tự hào dân tộc, qua đó tạo động lực thôi thúc những người con xa xứ đóng góp cho quê hương. Đồng thời, các sự kiện trên còn tạo môi trường để kiều bào thiết lập các mối quan hệ hợp tác, liên kết mới trong cộng đồng NVNONN, giữa kiều bào với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân hoạt động trong cùng lĩnh vực.
Sau mỗi hội nghị, hội thảo, diễn đàn, ý kiến đóng góp của kiều bào đều được chúng tôi ghi nhận, tổng hợp và chuyển tới các bộ, ngành chuyên trách và các địa phương có nhu cầu.
Thứ trưởng đánh giá thế nào về vai trò quan trọng của các chuyên gia NVNONN trong việc tư vấn, cố vấn và cung cấp dịch vụ nhằm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở Việt Nam?
Theo thống kê sơ bộ của Ủy ban Nhà nước về NVNONN, hiện có khoảng 50 hội trí thức và mạng lưới trí thức người Việt đã thành lập tại các nước, có hơn 500.000 chuyên gia, trí thức Việt Nam ở nước ngoài làm việc ở các viện nghiên cứu, trường đại học, công ty kỹ thuật và công nghệ cao tại các nước, cũng như tại nhiều tổ chức quốc tế trong hầu hết các ngành và lĩnh vực mũi nhọn.
Hơn nữa, nhiều bạn trẻ trong cộng đồng, là thế hệ người Việt thứ hai, thứ ba, các du học sinh Việt Nam, đã bước đầu thành đạt trong kinh doanh, thành công tại các trung tâm khởi nghiệp lớn của thế giới có thể cố vấn, hỗ trợ, thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong nước phát triển.
Thời gian qua, Ủy ban Nhà nước về NVNONN đã kết nối ra sao để có thể phát huy nguồn lực kiều bào cho phát triển đất nước?
Kể từ khi thành lập Ban Việt kiều Trung ương vào năm 1959 và nay là Ủy ban Nhà nước về NVNONN, chúng tôi luôn là mái nhà chung của cộng đồng NVNONN, là nơi để bà con gửi gắm tâm tư, nguyện vọng, đề xuất, kiến nghị tới với Đảng và Nhà nước, là cầu nối giữa người Việt trong và ngoài nước.
Trong thời gian qua, Ủy ban đã triển khai rất nhiều hoạt động kết nối với kiều bào ta ở khắp nơi trên thế giới nhằm củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, thực hiện nhiệm vụ thông tin văn hóa cả hai chiều đối với kiều bào ta ở nước ngoài và trong nước; hỗ trợ cho kiều bào ta ổn định cuộc sống, hội nhập ở sở tại và huy động, phát huy nguồn lực kiều bào hướng về đóng góp xây dựng quê hương đất nước.
Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hiện nay, chúng tôi đã nghiên cứu, đổi mới hình thức tổ chức các sự kiện thường niên như Xuân Quê hương, Trại hè, Trường Sa để thích nghi với tình hình mới, cũng như tăng cường tổ chức, tham gia các buổi làm việc trực tuyến, kết nối để kiều bào có thể đóng góp từ xa.
Vậy trong thời gian tới, việc kết nối với các chuyên gia, nhà khoa học, start up ở nước ngoài sẽ tiếp tục được thúc đẩy thế nào để có thể xây dựng được mạng lưới sâu rộng và hiệu quả như chúng ta kỳ vọng, thưa Thứ trưởng?
Bộ Ngoại giao sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Bộ, cơ quan trong nước để xây dựng các chương trình, kế hoạch, tạo các diễn đàn theo các lĩnh vực, ngành nghề phù hợp với định hướng phát triển trong nước và khả năng của kiều bào để quy tụ, huy động nguồn lực NVNONN phát triển.
Để phát huy hiệu quả nguồn lực NVNONN, Ủy ban Nhà nước về NVNONN sẽ phối hợp với các Bộ ngành triển khai việc xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên gia trí thức kiều bào, để thúc đẩy kết nối giữa các chuyên gia, nhà khoa học, start up trong và ngoài nước, cũng như đẩy mạnh nghiên cứu, hoàn thiện chính sách thu hút trí thức kiều bào có nguyện vọng trở về Việt Nam đầu tư, hoạt động khoa học công nghệ, chuyển giao tri thức.
Chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ hoạt động của các hội đoàn người Việt Nam ở nước ngoài, thu hút mạnh mẽ hơn nữa sự đóng góp của kiều bào đối với trong nước, phát huy vai trò cầu nối của kiều bào trong việc huy động mọi nguồn lực nhằm phục vụ công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, giúp quảng bá về đất nước, con người Việt Nam với bạn bè quốc tế và đóng góp cho Việt Nam trong quá trình phát triển và hội nhập quốc tế.
Ngoài ra, để tạo điều kiện, hỗ trợ các chuyên gia, trí thức NVNONN có thể đóng góp nhiều hơn cho các vấn đề phát triển đất nước, ngoài việc xây dựng chính sách thông thoáng và đảm bảo quyền lợi cho NVNONN, các cơ quan trong nước còn cần tiếp cận cởi mở hơn đối với những góp ý, kiên nhẫn lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng và đề xuất của bà con xa xứ.
Xin cảm ơn Thứ trưởng!
| Kết nối và phát huy nguồn lực người Việt Nam ở nước ngoài hỗ trợ cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Chiều ngày 16/7 tại Hà Nội diễn ra Hội thảo “Kết nối và phát huy nguồn lực người Việt Nam ở nước ngoài hỗ trợ ... |
| Đội ngũ trí thức người Việt Nam ở nước ngoài: Đồng hành cùng đất nước Họ là người Việt tiêu biểu dù sinh sống và làm việc ở nước ngoài nhưng luôn trăn trở với tâm nguyện đóng góp vào ... |