Thủ tướng Shinzo Abe. (Nguồn: AP) |
Đó là khẳng định của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tại cuộc họp báo nhân dịp tưởng nhớ 5 năm sau thảm họa động đất tại Fukushima, ngày 10/3.
Sau thảm họa động đất năm 2011, toàn bộ các lò phản ứng hạt nhân ở Fukushima, Nhật Bản bị đóng cửa, nhưng hiện nay Thủ tướng Shinzo Abe đang thúc đẩy quá trình mở lại các lò phản ứng này.
“Một đất nước nghèo tài nguyên như chúng tôi không thể làm gì nếu thiếu năng lượng hạt nhân. Nó không chỉ giúp ổn định về nguồn năng lượng mà còn giúp tạo ra lợi ích kinh tế cũng như giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu”, ông Abe nói.
Nội các của Thủ tướng Shinzo Abe cũng xác định mục tiêu duy trì năng lượng hạt nhân để cung cấp 22% tổng nguồn năng lượng quốc gia vào năm 2030. Khoảng 30 đến 33 lò phản ứng trên tổng số 43 lò phản ứng của nước này sẽ được tái thiết lập để hỗ trợ thực hiện mục tiêu trên.
Ông Abe khẳng định, chính phủ Nhật sẽ “không thay đổi chính sách”, đó là khi các lò phản ứng đạt các tiêu chuẩn an toàn mới thì có thể được tái hoạt động. Theo Thủ tướng, yếu tố an toàn sẽ được đặt lên hàng đầu, “và điều quan trọng hơn bao giờ hết là khôi phục lại niềm tin từ công chúng”.
Vào ngày 11/3/2011, một trận động đất mạnh 9.0 độ Richter đã càn quét bờ biển phía Đông Bắc của Nhật bản khiến gần 18.500 người chết và mất tích. Thảm họa sóng thần này đã khiến lõi các lò phản ứng bị nóng chảy tràn ra khu vực xung quanh nhà máy điện Fukushima, gây nguy hiểm cho người dân. Đây được coi là thảm họa hạt nhân tồi tệ nhất kể từ sau thảm họa Chernobyl năm 1986 ở Ukraine.
Đã 5 năm kể từ khi thảm họa Fukushima diễn ra nhưng nỗi lo về các nhà máy hạt nhân vẫn “canh cánh” đối với Chính phủ Nhật. Nước này đã phải chi hơn 100 tỉ USD cho công tác sơ tán và làm sạch khu vực xảy ra thảm họa. “Tuy nhiên, người dân vẫn phải sống trong các ngôi nhà tạm và rất nhiều người sống xa nhà muốn trở về quê hương của họ”, ông Yukio Edano, Tổng Thư ký Nội các Nhật trả lời phỏng vấn Japan Times.