Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Tổng thống Mỹ Donald Trump tham dự sự kiện "Howdy, Modi!" tại thành phố Houston, Texas ngày 22/9. (Nguồn: Reuters) |
Trước khi Thủ tướng Narendra Modi thực hiện chuyến công du đến Mỹ, đã có nhiều ý kiến bình luận thuận nghịch trái chiều. Người ủng hộ ông Modi đánh giá đây sẽ là “thắng lợi lớn” cho cả Ấn Độ và bản thân ông Modi. Không ít ý kiến khác lại cho rằng chuyến thăm sẽ không đạt được kết quả thực chất. Tuy nhiên, công bằng mà nhìn nhận cũng thấy ông Modi, trong suốt chuyến thăm, đã giành được “thế thượng phong”, qua đó phá bỏ "ấn tượng chung" về đặc thù ngoại giao phòng thủ trong chính sách được cho là truyền thống của của Ấn Độ và, xa hơn nữa, đã bày tỏ khát vọng của người dân Ấn Độ về vị thế của quốc gia - lục địa này trên chính trường quốc tế.
Thành quả của chuyến công du kéo dài 1 tuần trên đất Mỹ có thể được đánh giá trên bốn phương diện.
Trước tiên, khi xung khắc thương mại với Mỹ bùng phát kể từ tháng 6/2018, một nhiệm vụ hàng đầu của chuyến thăm là xoa dịu căng thẳng với Mỹ. Tổng thống Mỹ Donald Trump trước đó từng “nhắm mục tiêu” vào thương mại với Ấn Độ trong một thời gian khá dài, Thủ tướng Modi lần này mang tới Mỹ thông điệp: New Delhi sẵn sàng làm việc thực chất với Washington trên tinh thần sòng phẳng, tức là "cho và nhận".
Trên phương diện này, một trong những điểm sáng của chuyến thăm là những trao đổi giữa giới chức Ấn Độ và Bộ trưởng Thương mại Piyush Gidel với các đối tác Mỹ trong nỗ lực “cài đặt lại” quan hệ thương mại. Thêm vào đó, ông Modi đã giúp thành toàn ước muốn “làm một người bạn tuyệt vời của Ấn Độ và người Mỹ gốc Ấn Độ” của Tổng thống Trump tại cuộc mít tinh với quy mô 50.000 tại thành phố Houston ngày 22/9. Đây được coi là hành động "giúp người, lợi mình" của ông Modi, khi ông chủ Nhà Trắng cần đến sự ủng hộ của người Mỹ gốc Ấn cho vận động tranh cử 2020, còn bản thân vị Thủ tướng thứ 15 của Ấn Độ cũng đạt được sự đồng thuận của cả cộng đồng Ấn Độ trong và ngoài nước về hồ sơ đối nội tương đối nhạy cảm.
Những người Mỹ gốc Ấn tham gia cuộc tuần hành tại thành phố Houston, Texas - bang có vị trí quan trọng đối với cả hai nhà lãnh đạo Washington và New Delhi. (Nguồn: Bloomberg) |
Tuy vậy, quan hệ hai nước dẫu đã nồng ấm trở lại sau hàng loạt cử chỉ phá băng, song giới phân tích cho rằng, điều này là chưa đủ để hoàn tất thỏa thuận thương mại Mỹ - Ấn trong khuôn khổ chuyến thăm: các sản phẩm công nghệ thông tin và truyền thông vẫn là “tảng đá” ngáng đường tiến tới thỏa thuận thương mại toàn diện với Mỹ.
Thứ hai, “Đại sứ thương hiệu tốt nhất Ấn Độ” - như người ta thường gọi ông Modi - đã tranh thủ chuyến thăm Mỹ để tiếp xúc với các doanh nghiệp, biến quốc gia này trở thành điểm đến thương mại và đầu tư hấp dẫn, trong bối cảnh nền kinh tế của quốc gia đông dân thứ hai thế giới bước vào giai đoạn suy thoái. Ông Modi cho rằng, dân chủ, dân số, kích cầu và sự quyết đoán không chỉ là những tham tố quan trọng trong bài toán tăng trưởng của Ấn Độ, mà còn là yếu tố được các nhà đầu tư toàn cầu cần khai thác và tận dụng lợi thế.
Trong lịch trình dày đặc, tại Houston, chính trị gia Nam Á đã tiếp xúc với khối doanh nghiệp Mỹ trong cuộc thảo luận với CEO các công ty năng lượng. Còn tại New York, Thủ tướng Ấn Độ đã tham dự Diễn đàn kinh doanh toàn cầu Bloomberg cùng Hội nghị bàn tròn với CEO của 40 Tập đoàn hàng đầu thế giới như Mastercard, Visa và Walmart. Tại đây, Thủ tướng Ấn Độ đã nhấn mạnh sức hấp dẫn của New Delhi, thậm chí, tuyên bố sẵn sàng can thiệp cá nhân để tháo gỡ khó khắn cho nhà đầu tư nước ngoài.
Thứ ba, Thủ tướng Modi có dịp thể hiện sự tín nhiệm của cộng đồng quốc tế về vai trò toàn cầu của Ấn Độ. Tại cuộc họp Đại hội đồng Liên hợp quốc ngày 27/9, bài phát biểu của nhà lãnh đạo Nam Á đã thu hút sự chú ý khi đề cập cách thức liên kết sự thay đổi của Ấn Độ với những kỳ vọng lớn lao mà thế giới đã đạt được từ New Delhi. Quan trọng hơn, ông Modi đã đại diện cho Ấn Độ phát biểu với tư cách là một người chơi toàn cầu, qua đó nhấn mạnh vai trò thiết yếu của trật tự đa phương nhằm mở rộng không gian cho sự trỗi dậy của Ấn Độ. Không chỉ phớt lờ quốc gia láng giềng Pakistan tại diễn đàn Liên hợp quốc, ông Modi còn thách thức trực tiếp tuyên bố của Tổng thống Trump về việc chấm dứt chủ nghĩa đa phương thông qua việc khẳng định, New Delhi coi chủ nghĩa đa phương là điều cần thiết để duy trì trật tự toàn cầu.
Thủ tướng Modi phát biểu tại phiên họp thứ 74, Đại hội đồng Liên hợp quốc ngày 27/9. (Nguồn: Reuters) |
Cuối cùng, Thủ tướng Modi, nhân chuyến thăm, đã phần nào tranh thủ đạt được sự ủng hộ của cộng đồng trong nước và quốc tế sau khi bãi bỏ Điều 370 trong Hiến pháp. Cùng với việc trình bày câu chuyện về Ấn Độ và Kashmir tại Liên hợp quốc, ông Modi đã lên án chiến dịch thông tin sai lệch do Pakistan phát động trong một thời gian dài.
Thông qua cuộc mít tinh ở Houston với sự hiện diện của Tổng thống Trump, Thủ tướng Modi đã “nhất cử lưỡng tiện” khi tận dụng cơ hội này lý giải sự cần thiết phải thay đổi chính sách Kashmir của New Delhi, cũng như đề cao nỗ lực đưa ra quyết định của Ấn Độ thông qua quy trình minh bạch và dân chủ. Việc ông Modi nhận được sự hẫu thuẫn từ 50.000 người trong cộng đồng người Mỹ gốc Ấn hôm 22/9 là minh chứng nữa, củng cố niềm tin của vị Thủ tướng Ấn Độ về quyết định liên quan Điều 370 về Kashmir.
Đánh giá về chuyến công du của Thủ tướng Modi đến Mỹ vừa qua, Học giả Harsh V Pant, Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Chiến lược tại Quỹ Nghiên cứu các nhà quan sát (ORF) nhận định chuyến thăm đạt thành quả bao quát trên nhiều phương diện và xứng đáng với những nỗ lực của ông. Căng thẳng thương mại với Washington vẫn tiếp diễn, Tổng thống Trump vẫn là một nhân vật khó đoán trên bàn thương thảo, còn Pakistan vẫn có lực lượng “chống lưng” ở Mỹ, chuyến thăm ngắn ngủi của ông Modi chưa thể giải quyết mọi việc “mười phân vẹn mười”.
Dù vậy, vẫn có cơ sở lạc quan rằng, chuyến thăm đã mở đường cho cho một cách tiếp cận ngoại giao mới của Ấn Độ, trên con đường khẳng định một chỗ đứng xứng đáng với tầm vóc của đất nước sông Hằng trên bản đồ chính trị thế giới.