Thủ tướng Anh Boris Johnson chưa thể tìm ra giải pháp khả thi để đưa Anh rời EU. (Nguồn: Reuters) |
“Ta sống trong vũng lầy; Một ngày vùi dần, còn vùi sâu, còn vùi sâu; Trong ngao ngán không dứt hết cơn, cơn ê chề… Trong ngao ngán không dứt hết một, một lần đau.”
Từng lời, từng lời văng vẳng trong bài hát “Vũng lầy của chúng ta” của nhạc sỹ Lê Uyên Phương lại đang ứng nghiệm một cách lạ kỳ với tình cảnh rối bời của Vương quốc Anh thời Brexit.
Cơn ê chề còn đó
Hy vọng còn sót lại về thay đổi tích cực sau sự ra đi của bà Theresa May đã tan biến khi Thủ tướng Boris Johnson cho thấy ông chưa tìm ra bất cứ đối sách nào nhằm đưa London “ly hôn” với Brussels đúng thời hạn 31/10/2019. “Cơn ê chề” của cựu Ngoại trưởng nói riêng và nước Anh nói chung tiếp tục kéo dài, khi mọi phương án được đưa ra đều không thể thuyết phục được Quốc hội.
Tuần trước, Hạ viện Anh, trong đó có nhiều thành viên đảng Bảo thủ, đã thông qua dự luật buộc Thủ tướng phải đề nghị EU gia hạn tư cách thành viên của Anh tại EU thêm ba tháng nếu không thể thông qua thoả thuận Brexit hoặc đồng ý rời Brexit không thoả thuận. Điều này đã khiến ông Johnson nóng mặt và khai trừ 21 Nghị sỹ “chống đối”, trong đó có cả cựu Bộ trưởng Tài chính Philip Hammond và Nghị sỹ Nicholas Soames, cháu của cố Thủ tướng Anh Winston Churchill. Bộ trưởng Nội vụ Amber Rudd và em trai ông Boris Johnson cũng từ chức ít lâu sau đó.
Sáng ngày 10/9, cuộc bỏ phiếu ở Hạ viện Anh về đề xuất của ông Johnson nhằm tiến hành bầu cử sớm vào ngày 15/10, qua đó tiến hành kết nạp những thành viên ủng hộ Brexit chỉ nhận được 293/650 phiếu, không đủ 2/3 Hạ viện để có hiệu lực. Đáng chú ý, nó diễn ra ngay trước khi Quốc hội Anh bắt đầu tạm ngừng hoạt động tới ngày 14/10 theo yêu cầu của Thủ tướng Boris Johnson, nhằm chuẩn bị cho chương trình nghị sự trong nước.
Không khó để nhận thấy việc tạm dừng Quốc hội là động thái có tính toán của ông Johnson nhằm gây áp lực, bởi khi hoạt động trở lại, Hạ viện sẽ chỉ còn hơn hai tuần để phê chuẩn dự thảo Brexit và có thể phải nhượng bộ nhằm đưa Anh rời EU đúng thời hạn. Tuy nhiên, đây là chiêu bài cũng đã được người tiền nhiệm của ông Johnson, bà Theresa May áp dụng, song không gặt hái được kết quả.
Trước đó, nhà lãnh đạo này cũng khẳng định sẽ không yêu cầu gia hạn thời điểm Brexit và khẳng định sẽ để đàm phán thoả thuận Brexit với EU, nhưng cũng chuẩn bị cho Brexit “cứng”.
Niềm đau chưa dứt
Trong bối cảnh bị “trói buộc đôi tay” như ông từng thừa nhận, Thủ tướng Boris Johnson rõ ràng không có quá nhiều lựa chọn.
Thứ nhất, đó chính là việc đẩy lùi thời hạn Brexit. Đây là điều mà nhà lãnh đạo này từng khẳng định sẽ “thà chết” chứ không làm. Tuy nhiên, hiện chỉ còn một tháng rưỡi là tới thời hạn Brexit và chưa có dấu hiệu gì cho thấy ông Boris Johnson có thể khiến các thành viên đảng Bảo thủ đổi ý, thuận theo dự thảo Brexit đã có hay Brexit cứng, sau khi ông tiến hành khai trừ nhiều Nghị sỹ có tiếng nói vì bày tỏ khác biệt quan điểm.Thứ hai, Chính phủ Anh sẽ là thương thảo một thoả thuận mới về Brexit với EU, nhằm thoả mãn yêu cầu và giành sự ủng hộ của các Nghị sỹ Bảo thủ tại Hạ viện. Thủ tướng Boris Johnson cũng khẳng định ông sẽ tới Hội nghị Thượng đỉnh EU ngày 17 và 18/10 và quyết đem về thoả thuận vì lợi ích quốc gia. Tuy nhiên, thời gian không còn nhiều và với một nội các hỗn loạn và nhân tố chống đối, phương án này khó có thể thành công. Cần nhớ rằng ngay cả với ba năm, cựu Thủ tướng Anh Theresa May đã không thể mang lại cho nước Anh một thoả thuận Brexit, trong khi người kế nhiệm bà giờ đây chỉ có chưa đầy hai tháng. Thông tin cho biết ông Johnson đang tích cực tham khảo bản dự thảo trước đó của bà May, trong đó có đề xuất thiết lập chốt chặn duy nhất tại Bắc Ireland, điều khoản từng được phía EU nhiều lần ủng hộ.
Thứ ba, trong trường hợp London và Brussels không thể đạt được một thoả thuận, xứ sở sương mù chỉ còn cách tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân mới về Brexit, lấy kết quả thuận lợi làm tiền đề cho việc tiếp tục Brexit. Tuy nhiên, thống kê của YouGov ngày 4/9 cho thấy chỉ có 43% số người được hỏi cho rằng Anh nên tiếp tục Brexit, trong khi tỷ lệ ủng hộ London tiếp tục ở lại trong EU lên tới 46%. Như vậy, một khi tiến hành trưng cầu ý dân, nhiều khả năng Brexit sẽ bị huỷ bỏ và khi ấy, sự hiện diện của một Thủ tướng được bầu để thực hiện tiến trình này là không còn cần thiết. Đây rõ ràng là kịch bản ông Boris Johnson không hề mong muốn.
Song bản thân nhà lãnh đạo này cũng đang dần “ngao ngán” trước sự phản đối mạnh mẽ đến từ trong đảng Bảo thủ nói riêng và Quốc hội Anh nói chung. Niềm đau của London khi ấy sẽ tiếp tục kéo dài và nhiều khả năng sẽ không dừng lại, ít nhất là trước ngày 31/10.
Minh Quân