Nhà Trắng khẳng định thông tin về chuyến thăm của người đứng đầu chính phủ Anh trong tuyên bố ngày 6/9. Như vậy, đây sẽ là lần thứ hai ông Keir Starmer đến Mỹ kể từ khi đắc cử Thủ tướng vào tháng 7 vừa qua. Chuyến thăm lần đầu tiên diễn ra chỉ vài ngày sau khi nhậm chức, nhân dịp tham dự Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại Washington D.C.
Thủ tướng Anh Keir Starmer và Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Nhà Trắng ngày 10/7. (Nguồn: AP) |
Không lâu sau đó, ông Joe Biden đã rời cuộc đua vào Nhà Trắng, dọn đường cho “phó tướng” là bà Kamala Harris trở thành người phụ nữ da màu đầu tiên trong lịch sử tranh cử tổng thống của đảng Dân chủ.
Hiện chưa có thông tin về cuộc gặp giữa ông Starmer và bà Harris trong chuyến đi này, mặc dù có khả năng bà sẽ tham dự cuộc gặp song phương giữa vị khách quý từ nước Anh với ông Biden, theo Guardian.
Tương tự, cũng chưa có khẳng định về khả năng ông Starmer gặp ứng cử viên của Đảng Cộng hòa, cựu Tổng thống Donald Trump. Xét về tiền lệ, ông David Cameron khi là Thủ tướng đã gặp ứng cử viên của Đảng Cộng hòa, ông Mitt Romney trong chuyến thăm vào tháng 3/2012.
Trong cuộc gặp với lãnh đạo Công đảng Anh tại Phòng Bầu dục ngày 10/7, Tổng thống Joe Biden đã ca ngợi Anh là “đồng minh tốt nhất”. Trên thực tế, Mỹ và Anh hợp tác chặt chẽ trong hầu hết các vấn đề toàn cầu và đảng Dân chủ của ông Joe Biden trước nay được coi là gần gũi với Công đảng hơn là đảng Bảo thủ.
Cuộc gặp dự kiến vào ngày 13/9 tới, bên cạnh việc nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiếp tục củng cố mối quan hệ đặc biệt Mỹ-Anh, hai nhà lãnh đạo sẽ tập trung vào các cuộc xung đột ở Dải Gaza và Ukraine.
Tuyên bố của Nhà Trắng nêu rõ, các nhà lãnh đạo “sẽ có một cuộc thảo luận sâu rộng” về việc việc tiếp tục hỗ trợ mạnh mẽ cho Ukraine, đảm bảo thỏa thuận thả con tin và ngừng bắn để chấm dứt xung đột tại Dải Gaza, bảo vệ hoạt động vận chuyển quốc tế ở Biển Đỏ khỏi các mối đe dọa từ lực lượng Houthi và thúc đẩy một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở. |
Cả London và Washington kỳ vọng đạt được tiến triển chung về các thách thức khác nhau với chính quyền ông Joe Biden sắp mãn nhiệm. Tuy nhiên, không có nghĩa là bất đồng không phủ bóng quan hệ song phương, có thể xuất phát từ vấn đề Gaza.
Tuần trước, Anh tuyên bố sẽ đình chỉ một số hoạt động xuất khẩu vũ khí sang Israel, với lý do thiết bị này có thể được sử dụng để vi phạm nghiêm trọng luật nhân đạo quốc tế.
Trong khi các luật sư của chính phủ Mỹ chưa đưa ra kết luận tương tự về cách Israel sử dụng vũ khí ở Dải Gaza, tuần này, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, đây là quyết định có chủ quyền mà London hoàn toàn được phép đưa ra.
Tuy nhiên, đáng chú ý là một cố vấn chính sách đối ngoại của ứng cử viên Tổng thống đảng Cộng hòa lại có giọng điệu khác. Theo ông Robert O'Brien, người có khả năng sẽ tham gia Nhà Trắng nếu ông Donald Trump thắng cử vào tháng 11 tới, mối quan hệ đặc biệt Mỹ-Anh sẽ trở nên căng thẳng nếu Anh hạn chế bán vũ khí cho Israel.
Về diễn biến này, ngày 8/9, Thủ tướng Keir Starmer cho biết, Washington "hiểu quyết định mà chúng tôi đã đưa ra" và đã được thông báo trước về động thái này.
"Chúng tôi đã nói chuyện với Mỹ trước và sau đó... họ hiểu quyết định mà chúng tôi đã đưa ra". (Thủ tướng Keir Starmer) |
Liên quan đến chuyến thăm sắp tới, nhà lãnh đạo Anh khẳng định, việc ông đến Washington D.C không liên quan đến việc London đình chỉ bán vũ khí cho Tel Aviv, mà vì "tình hình ở Ukraine đang ngày càng trở nên cấp bách, cũng như tình hình ở Trung Đông".
Cho nên, đây chính là "cơ hội" cho "cuộc thảo luận mang tính chiến lược hơn về vài tháng tới" liên quan đến hai cuộc xung đột đang tác động mạnh mẽ và sâu sắc đến toàn bộ đời sống quốc tế đương đại.
"Vì vậy, cuộc thảo luận mang tính chiến lược hơn về vài tháng tới liên quan đến Ukraine và Trung Đông sẽ là trọng tâm của chuyến thăm". (Thủ tướng Keir Starmer) |
Như vậy, chuyến công du Mỹ lần thứ hai của ông Keir Starmer sau hơn hai tháng trên cương vị ông chủ số 10 phố Downing sẽ không còn mang tính “chào hỏi” nữa mà đi vào trọng tâm hơn. Ông Joe Biden tìm cách tăng cường sự tham gia trên trường quốc tế trong những tháng cuối cùng tại nhiệm. Các đồng minh và đối thủ của Mỹ theo dõi sát sao cuộc đua vào Nhà Trắng giữa bà Kamala Harris và ông Donald Trump.
Trong bối cảnh đó, dư luận quốc tế chú ý tới cuộc gặp sắp tới giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ và Anh. Liệu hai “ông lớn” này sẽ tiếp tục thúc đẩy vị thế “đồng minh tốt nhất” như thế nào, trước khi Nhà Trắng có chủ nhân mới và liệu có kết quả mang "tính chiến lược hơn" liên quan đến hai cuộc xung đột lớn ở Ukraine và Dải Gaza.
Theo thông cáo ngày 7/9 của Bộ Ngoại giao Mỹ, Ngoại trưởng Antony Blinken sẽ đến thủ đô London vào ngày 9-10/9, khai mạc Đối thoại chiến lược Mỹ-Anh. Ông Blinken cũng sẽ gặp gỡ các quan chức chính phủ cấp cao, thảo luận về một loạt vấn đề quan trọng, trong đó có Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, AUKUS, tình hình Trung Đông và Ukraine. |
| Thủ tướng Anh Keir Starmer chuẩn bị thăm Mỹ, tập trung vào 'mối quan hệ song phương đặc biệt' Nhà Trắng thông báo, Tổng thống Joe Biden sẽ tiếp đón và hội đàm với Thủ tướng Anh Keir Starmer vào ngày 13/9, trong đó ... |
| Anh khởi động 'tái thiết' quan hệ với Ireland hậu Brexit, lên kế hoạch cho thượng đỉnh đầu tiên Anh và Ireland mong muốn cùng nhau 'đi xa hơn nữa'. Hội nghị thượng đỉnh Anh-Ireland đầu tiên dự kiến diễn ra vào tháng 3 ... |
| Hai vụ sát hại trong nửa ngày và nguy cơ đẩy Trung Đông đến bờ vực Hai vụ sát hại nhân vật cấp cao của Hamas và Hezbollah trong vòng 12 giờ bộc lộ nhiều vấn đề lớn. |
| Dấu ấn sâu đậm, ý nghĩa đặc biệt chuyến thăm Ấn Độ của Thủ tướng Phạm Minh Chính đối với hai nước và khu vực, thế giới Chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tới Ấn Độ thực sự đặc biệt cả về nội dung, hình thức, có ý ... |
| Thủ tướng Kishida Fumio sẽ thăm Mỹ, hội đàm với Tổng thống Joe Biden trước khi cả hai mãn nhiệm? Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio đang hoàn tất kế hoạch thăm Mỹ vào cuối tháng 9, tham dự cuộc họp Đại hội đồng Liên ... |