Nhỏ Bình thường Lớn

Thủ tướng Australia: Nguy cơ xung đột ngày càng lớn ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương; sẵn sàng đối thoại với Trung Quốc

Ngày 9/6, Thủ tướng Australia Scott Morrison cảnh báo, cạnh tranh đang ngày càng gia tăng ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hợp tác giữa các quốc gia trong khuôn khổ trật tự dựa trên luật lệ toàn cầu.
Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương: Nguy cơ xung đột ngày càng lớn, Thủ tướng Australia sẵn sàng đối thoại với Trung Quốc. (Nguồn: Japan Times)
Thủ tướng Australia Scott Morrison cảnh báo, cạnh tranh đang ngày càng gia tăng trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. (Nguồn: Japan Times)

Cảnh báo trên được nhà lãnh đạo Australia đưa ra trong bài phát biểu về chính sách đối ngoại trước thềm chuyến công du đến Anh để tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) với tư cách khách mời.

Ông Morrison nói rõ: "Chúng ta đang phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng cao trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Những rủi ro về tính toán sai lầm và xung đột ngày càng lớn”.

Trong khi cho rằng cạnh tranh trong khu vực không nhất thiết phải dẫn đến xung đột, nhà lãnh đạo Australia kêu gọi tất cả các quốc gia tham gia vào hệ thống toàn cầu theo những cách thức thúc đẩy sự phát triển và hợp tác, thay vì áp dụng các biện pháp gây sức ép.

Ông Morrison khẳng định: "Australia sẵn sàng tham gia đối thoại với tất cả các quốc gia về những thách thức chung, bao gồm cả Trung Quốc khi nước này sẵn sàng".

Theo Thủ tướng Morrison, các nước G7 và Australia cần đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp các nguồn tài chính thay thế cho các quốc gia nghèo hơn trong khu vực, giúp các nước này thực hiện các dự án đáp ứng nhu cầu thực sự, mang lại lợi ích kinh tế bền vững, không tạo ra gánh nặng nợ nần cũng như ảnh hưởng đến chủ quyền quốc gia của mỗi nước.

Liên quan đến thương mại quốc tế, ông Morrison cam kết ủng hộ việc sửa đổi quy trình giải quyết tranh chấp của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), cho rằng, cách thiết thực nhất để giải quyết tình trạng cưỡng chế kinh tế là khôi phục hệ thống giải quyết tranh chấp ràng buộc của cơ quan thương mại toàn cầu.

Bày tỏ sự ủng hộ nỗ lực của Tổng thống Mỹ Joe Biden nhằm đẩy nhanh quá trình xác định nguồn gốc của đại dịch Covid-19, nhà lãnh đạo Australia khẳng định, Canberra giữ quan điểm vững chắc rằng, hiểu được nguyên nhân của đại dịch này là điều cần thiết để ngăn chặn một đại dịch khác, vì lợi ích của tất cả mọi người.

TIN LIÊN QUAN
Tin thế giới 8/6: Mỹ liên tục chọc giận, sắp lập 'lực lượng tấn công' ứng phó Trung Quốc; loạt trang web toàn cầu 'sập mạng'; Trung Quốc bảo vệ Nga
EU: Nếu Nga ngừng 'gây rối', xu hướng đi xuống trong quan hệ Nga-EU có thể thay đổi
TIN LIÊN QUAN
Thượng viện Mỹ nhất trí dự luật đầy tham vọng, quyết 'phong tỏa' mọi ảnh hưởng từ Trung Quốc
Mỹ cảnh báo các cuộc cạnh tranh không công bằng, bóng gió về hành động với Trung Quốc
Nga-Trung Quốc 'tăng thân' khiến NATO bất an: Những nguy cơ mới đang trỗi dậy

(theo News.com)

Tin cũ hơn