Trong thời gian qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, công tác nhân đạo và hoạt động chữ thập đỏ do Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tổ chức thực hiện đã có những chuyển biến tích cực, đạt nhiều kết quả quan trọng, mang ý nghĩa chính trị, xã hội và nhân văn sâu sắc, thu hút sự tham gia và quan tâm ủng hộ to lớn về nguồn lực của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, bạn bè quốc tế và các tầng lớp nhân dân trợ giúp kịp thời, thiết thực người nghèo, nạn nhân chiến tranh, thiên tai, thảm họa, những người dễ bị tổn thương khắc phục khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.
Hệ thống tổ chức Hội được củng cố và phát triển, hoạt động ngày càng chuyên nghiệp, hiệu quả, góp phần tích cực tuyên truyền các giá trị nhân đạo, giáo dục truyền thống nhân ái của dân tộc và thực hiện chính sách an sinh xã hội, đóng góp tích cực cho Phong trào Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế.
Tuy nhiên, công tác nhân đạo và hoạt động chữ thập đỏ vẫn còn có mặt hạn chế, chưa phát huy được tiềm năng, thế mạnh của hệ thống Hội Chữ thập đỏ. Cơ chế chính sách trong thực hiện công tác nhân đạo và hoạt động chữ thập đỏ nhất là về thu hút nguồn lực, kinh phí, cơ sở vật chất còn nhiều khó khăn, bất cập. Chất lượng, hiệu quả hoạt động Hội ở một số nơi chưa cao. Sự phối hợp giữa các cấp, các ngành, địa phương có mặt chưa đồng bộ, nhiều hoạt động nhân đạo, từ thiện nhỏ lẻ diễn ra tự phát, trùng lặp.
Công tác nhân đạo và hoạt động chữ thập đỏ đã có những chuyển biến tích cực. (Nguồn: Hội chữ thập đỏ Hà Nội) |
Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác nhân đạo và hoạt động chữ thập đỏ, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, phát huy hơn nữa vai trò của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam và tạo điều kiện cho Hội hoàn thành nhiệm vụ trong tình hình mới, Thủ tướng Chính phủ đề nghị Hội Chữ thập đỏ Việt Nam chủ động rà soát, nghiên cứu đề xuất cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định hiện hành về công tác nhân đạo và hoạt động chữ thập đỏ phù hợp với đặc thù hoạt động của Hội, với tình hình, yêu cầu thực tiễn và thông lệ quốc tế; thực hiện nghiên túc và nhất quán nguyên tắc tự nguyện, tự quản, tự bảo đảm kinh phí hoạt động theo đúng tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.
Trong các năm 2018, 2019, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam chủ trì, phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Nội vụ và các cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng và trình Ban Bí thư Trung ương Đảng Đề án về xây dựng Hội là tổ chức nòng cốt trong thực hiện các hoạt động nhân đạo và phong trào chữ thập đỏ; chủ trì cùng các bộ, ngành liên quan đề xuất cơ quan có thẩm quyền xem xét, ban hành các cơ chế chính sách đặc thù, trước hết là về chế độ, chính sách cán bộ chuyên trách của Hội, cơ chế huy động, thu hút nguồn lực cho công tác nhân đạo và hoạt động chữ thập đỏ, xã hội hóa việc đầu tư xây dựng các cơ sở hoạt động chữ thập đỏ; xây dựng đề án thành lập Quỹ hoạt động chữ thập đỏ và các quỹ thành phần, cơ chế hoạt động của quỹ theo quy định của pháp luật; đề xuất danh mục các nhiệm vụ nhân đạo và xây dựng các đề án Nhà nước giao Hội Chữ thập đỏ thực hiện trình Thủ tướng phê duyệt.
Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tập trung xây dựng tổ chức, bảo đảm tinh gọn, hiệu quả, đủ khả năng thực hiện đầy đủ các hoạt động theo Luật hoạt động chữ thập đỏ; quan tâm củng cố và phát triển tổ chức Hội ở cơ sở, trong cơ quan, trường học, doanh nghiệp; nhân rộng các mô hình hiệu quả; chú trọng nâng cao tính chuyên nghiệp của cán bộ Hội; phát triển và sử dụng hiệu quả lực lượng hội viên, tình nguyện viên, thanh thiếu niên chữ thập đỏ.
Đồng thời chủ động tham mưu cấp ủy đảng, chính quyền chủ trương, biện pháp triển khai các hoạt động xã hội nhân đạo, hiến máu, hiến mô tạng nhân đạo, chăm sóc sức khỏe dựa vào cộng đồng, phòng ngừa, ứng phó thảm họa và xây dựng cộng đồng an toàn. Hằng năm tập trung tổ chức tốt “Tháng nhân đạo” (cao điểm trong tháng 5) và Phong trào “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam” (tháng 11 đến Tết âm lịch), đề xuất cơ quan có thẩm quyền khen thưởng các tổ chức, cá nhân có thành tích trong công tác nhân đạo và hoạt động chữ thập đỏ.
Bên cạnh đó tiếp tục đổi mới hoạt động Hội theo hướng dựa vào cộng đồng, gắn bó với người dân, thực chất, hiệu quả nắm chắc đối tượng khó khăn và ứng dụng công nghệ thông tin để xây dựng và cập nhật thường xuyên ngân hàng “địa chỉ nhân đạo”; phối hợp chặt chẽ với các ngành, đoàn thể, đặc biệt là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên thực hiện hiệu quả Cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”, cùng các cấp ủy đảng, chính quyền định hướng và tổ chức các hoạt động nhân đạo đúng mục đích, đối tượng, theo hướng phát triển bền vững, với sự nêu gương của người đứng đầu cơ quan, tổ chức.
Lãnh đạo T.Ư và TP Hà Nội cùng hô khẩu hiệu hưởng ứng Tháng Nhân đạo. (Nguồn: Hội Chữ thập đỏ Việt Nam) |
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính cấp đủ kinh phí để Hội Chữ thập đỏ Việt Nam triển khai các nhiệm vụ, đề án do Nhà nước giao, quy định cụ thể mức kinh phí hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho 7 hoạt động chữ thập đỏ quy định tại Luật hoạt động chữ thập đỏ; cấp kinh phí đối ứng cho các dự án do quốc tế tài trợ và đề nghị đối ứng theo quy định; phối hợp với Hội Chữ thập đỏ nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách, giải pháp thu hút nguồn lực để triển khai các hoạt động nhân đạo và đề xuất Chính phủ sớm sửa đổi, bổ sung Nghị định số 64/2008/NĐ-CP ngày 14/5/2008 của Chính phủ, tránh trùng chéo, tạo thuận lợi trong tổ chức quyên góp, huy động hỗ trợ nhân dân khắc phục thiên tai, thảm họa.
Bộ Y tế, Bộ Giao thông vận tải tiếp tục phối hợp với Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đẩy mạnh truyền thông về phòng chống tai nạn thương tích, nhất là tai nạn giao thông, đuối nước; đào tạo, huấn luyện và nâng cao năng lực sơ cấp cứu cho đội ngũ lái xe và nhân viên làm việc ở các trạm, điểm sơ cấp cứu và cộng đồng; truyền thông phòng, chống dịch bệnh; chăm sóc sức khỏe người cao tuổi và các đối tượng dễ bị tổn thương; phát triển các điểm hiến máu cố định và Trung tâm máu chữ thập đỏ, lồng ghép các hoạt động tuyên truyền, vận động hiến máu và hiến mô tạng nhân đạo.
Căn cứ đề xuất của Hội Chữ thập đỏ, các Bộ: Lao động, Thương binh và Xã hội, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Giáo dục và Đào tạo, Kế hoạch và Đầu tư xem xét, xử lý cụ thể trên tinh thần tạo điều kiện cho Hội tham gia các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, phát triển các cơ sở bảo trợ xã hội nhân đạo, cộng đồng an toàn, trường học an toàn thích ứng với biến đổi khí hậu, các hoạt động truyền thông, tập huấn, đào tạo, diễn tập và hỗ trợ các đối tượng dễ bị tổn thương tại cộng đồng, chuyển giao, nhân rộng các mô hình thành công.
Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ căn cứ vào nhiệm vụ và thẩm quyền được giao phối hợp, tạo điều kiện để Hội Chữ thập đỏ tham gia xây dựng các chính sách an sinh xã hội liên quan đến hoạt động nhân đạo và tham gia thực hiện các chương trình, đề tài, dự án vì mục tiêu nhân đạo trong các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và khả năng của Hội.
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phối hợp, tạo điều kiện và hỗ trợ cơ sở vật chất, phương tiện hoạt động cho các cấp Hội Chữ thập đỏ triển khai nhiệm vụ công tác, phát triển các cơ sở hoạt động chữ thập đỏ và các dịch vụ vì mục tiêu nhân đạo trên địa bàn theo quy định; phối hợp Hội Chữ thập đỏ cùng cấp định kỳ rà soát, xác định các “địa chỉ nhân đạo” cần trợ giúp; hằng năm cấp kinh phí hoạt động và kinh phí để các cấp Hội tại địa phương triển khai các nhiệm vụ đặc thù do Nhà nước giao, cấp kinh phí đối ứng để Hội triển khai các hoạt động từ các nguồn vận động được theo quy định của pháp luật.
Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tăng cường giám sát việc thực thi pháp luật về công tác nhân đạo và hoạt động chữ thập đỏ; rà soát, hoàn thiện chương trình, quy chế phối hợp với Hội Chữ thập đỏ trong triển khai các hoạt động nhân đạo; động viên các tổ chức thành viên phối hợp với Hội trong hoạt động nhân đạo.