Thủ tướng đến sân bay quân sự Palam, bắt đầu chuyến thăm cấp Nhà nước Ấn Độ. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam bắt đầu chuyến thăm cấp Nhà nước Ấn Độ theo lời mời của Thủ tướng Narendra Modi, từ ngày 30/7-1/8.
Đón Thủ tướng Chính phủ tại sân bay phía Ấn Độ có Quốc vụ khanh Ngoại giao Pabitra Margherita, Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam Sandeep Arya, Vụ trưởng Vụ Lễ tân, Bộ Ngoại giao Ấn Độ. Phía Việt Nam có Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Nguyễn Thanh Hải, Tổng lãnh sự Việt Nam tại Mumbai Lê Quang Biên và cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ.
Đây là chuyến thăm đầu tiên của Thủ tướng hai bên sau khi xác lập khuôn khổ quan hệ mới. Thủ tướng Chính phủ ta là một trong những nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên được mời thăm Ấn Độ sau khi Ấn Độ bầu cử Hạ viện và có Chính phủ nhiệm kỳ mới.
Chuyến thăm cũng diễn ra đúng vào thời điểm kỷ niệm 70 năm ký Hiệp định Geneva, trong đó Ấn Độ đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc hỗ trợ thúc đẩy đàm phán và ký Hiệp định này.
Quốc vụ khanh Ngoại giao Pabitra Margherita đón Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đoàn đại biểu. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Dự kiến, trong chuyến thăm, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ dự lễ đón chính thức do Thủ tướng Narendra Modi chủ trì. Hai Thủ tướng sau đó sẽ có cuộc hội đàm, chứng kiến lễ trao các văn kiện hợp tác và gặp gỡ báo chí thông báo kết quả hội đàm. Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ hội kiến Tổng thống Droupadi Murmu; gặp Chủ tịch Thượng viện, Phó Tổng thống Jagdeep Dhankhar; tiếp Chủ tịch Hạ viện Om Birla, Bộ trưởng Ngoại giao S. Jaishankar.
Người đứng đầu Chính phủ sẽ có bài phát biểu chính sách quan trọng tại Hội đồng các vấn đề thế giới Ấn Độ; dự và phát biểu tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam-Ấn Độ, công bố đường bay Đà Nẵng-Ahmedabad và đón hành khách thứ 200 triệu của Vietjet; tiếp một số đại diện các đảng, các tập đoàn doanh nghiệp lớn của đất nước sông Hằng.
Thủ tướng cũng sẽ dâng hoa tại tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh, đặt vòng hoa tại Khu tưởng niệm Mahatma Gandhi, thăm và nói chuyện với cán bộ nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ.
Ấn Độ chào đón Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam bằng điệu múa truyền thống. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Chuyến thăm chính thức Ấn Độ của Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam sẽ góp phần củng cố tin cậy chính trị, làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác nhiều mặt, đưa quan hệ song phương đi vào thực chất, hiệu quả hơn.
Thời gian qua, quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Ấn Độ tiếp tục phát triển tốt đẹp. Tin cậy chính trị giữa hai nước không ngừng củng cố thông qua việc duy trì đều đặn các chuyến thăm, tiếp xúc cấp cao và các cấp, trên các kênh Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội, địa phương và giao lưu nhân dân. Hai bên duy trì và phát huy hiệu quả các cơ chế hợp tác song phương giữa hai nước.
Hợp tác quốc phòng - an ninh tiếp tục là lĩnh vực hợp tác trụ cột, quan trọng và chiến lược. Hợp tác kinh tế - thương mại phục hồi và phát triển tích cực sau đại dịch Covid-10, kim ngạch thương mại hai chiều năm 2023 đạt gần 15 tỷ USD.
Cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ đón Thủ tướng Phạm Minh Chính. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Tính đến tháng 5/2024, kim ngạch thương mại giữa hai nước đạt gần 5,94 tỷ USD. Ấn Độ hiện có 380 dự án đầu tư còn hiệu lực với tổng số vốn 1,067 tỷ USD, đứng thứ 24/144 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam; một số tập đoàn lớn của Ấn Độ đang quan tâm đầu tư vào Việt Nam trên lĩnh vực hạ tầng, năng lượng tái tạo, trong đó có Tập đoàn Adani. Hợp tác trong lĩnh vực văn hóa, du lịch và giao lưu nhân dân tiếp tục được tăng cường và mở rộng.
Hiện nay, giữa hai nước có hơn 50 chuyến bay thẳng mỗi tuần; Ấn Độ nằm trong top 3 nước có tốc độ tăng trưởng khách du lịch vào Việt Nam cao nhất, lượng khách du lịch Ấn Độ sang Việt Nam trong 4 năm qua gấp 2,5 lần (từ 170.000 năm 2019 lên 400.000 năm 2023).
Trong 10 năm qua, Ấn Độ đã cấp cho Việt Nam gần 3.000 suất học bổng ngắn hạn và dài hạn trong các chương trình khác nhau. Ngoài ra, Chính phủ Ấn Độ đã hỗ trợ thực hiện dự án tu bổ, tôn tạo, phục hồi các nhóm tháp tại Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn, tỉnh Quảng Nam.
Hai bên phối hợp chặt chẽ và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương, nhất là trong khuôn khổ Liên hợp quốc.