TIN LIÊN QUAN | |
Thủ tướng Lào lần đầu tiên đối thoại với doanh nghiệp Việt Nam | |
Tân Thủ tướng quyết gỡ khó cho cộng đồng doanh nghiệp |
Tham dự Hội nghị có 2.000 đại biểu, gấp 4 lần năm ngoái, trong đó khối doanh nghiệp tư nhân khoảng 1.500 đại biểu, cùng khoảng 200 đại biểu từ khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), một số đại sứ quán và các định chế tài chính lớn, 100 đại biểu từ các doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp đã cổ phần hóa, cùng đại diện các cơ quan nhà nước…
Tham dự qua hình thức trực tuyến còn có lãnh đạo 63 tỉnh, thành phố cùng các đại biểu doanh nghiệp, với số lượng 50-100 người mỗi điểm cầu, gần 7.000 doanh nghiệp đại diện cho các doanh nghiệp địa phương.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các Phó Thủ tướng: Trương Hòa Bình, Vương Đình Huệ, Vũ Đức Đam, Trịnh Đình Dũng tại Hội nghị. (Nguồn: VGP) |
Quyết tâm xây dựng Chính phủ hành động
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ, đứng trước cộng đồng doanh nghiệp hôm nay làm ông bồi hồi nhớ lại không khí cách đây hơn một năm tại Hội nghị “Doanh nghiệp Việt Nam: Động lực phát triển kinh tế của đất nước", tổ chức tại Hội trường Thống Nhất, TP.Hồ Chí Minh. Hội nghị đó không chỉ tiếp thêm sức mạnh cho doanh nghiệp mà cho cả Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương khi Chính phủ mới bước vào một nhiệm kỳ mới trong bối cảnh có nhiều thuận lợi và thách thức.
“Chí sỹ Lương Văn Can đã nói, việc buôn bán có liên quan đến thịnh suy. Chúng ta đã có những chí sỹ, nhà yêu nước mang trong mình khao khát… là niềm cảm hứng cho các doanh nghiệp hôm nay...Tôi tin rằng các bạn đã nhìn thấy nỗ lực và quyết tâm của chúng tôi trong việc xây dựng một Chính phủ hành động, luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển bình đẳng và thịnh vượng”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu khai mạc Hội nghị. (Nguồn: Tuổi Trẻ) |
Tuy nhiên, Thủ tướng Chính phủ cũng cho hay, đó chỉ là những bước đi đầu tiên với những kết quả hết sức khiêm tốn và còn rất nhiều việc phải làm phía trước bởi còn rất nhiều rào cản cho sự phát triển của doanh nghiệp.
Tại Hội nghị, Chính phủ đề nghị trước hết, sau 1 năm thực hiện Nghị quyết 35, bàn kế hoạch thời gian tới để có bước đột phá trong phát triển doanh nghiệp
“Chính phủ cần nhận được những ý kiến thẳng thắn của doanh nghiệp, những người hằng ngày trải nghiệm và hiểu rõ môi trường cạnh tranh này”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng khẳng định, ngay sau Hội nghị, chiều nay Thủ tướng, các Phó Thủ tướng sẽ họp với các Bộ trưởng để thông qua một chỉ thị quan trọng, sau khi tiếp thu ý kiến của các đại biểu, để tiếp tục có chỉ thị ban hành.
Vẫn còn nhiều rào cản với doanh nghiệp
Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc cho biết, Nghị quyết 35 là nghị quyết đầu tiên đưa ba thông điệp căn bản: Doanh nghiệp là động lực của sự phát triển, chính phủ vai trò kiến tạo, khởi nghiệp là sự nghiệp của nhân dân. Tinh thần đột phá của nghị quyết đã đem lại nhiều hứng khởi cho cộng đồng doanh nghiệp thời gian qua.
Ông Lộc cho hay, kể từ Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp được tổ chức vào ngày 29/4/2016, đến hết tháng 1/2017, VCCI đã nhận được 421 kiến nghị của các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp trên cả nước. Trong đó 320 kiến nghị được VCCI tập hợp và gửi tới các bộ, ngành trả lời trước và sau hội nghị. Điều đáng mừng là hơn 90% kiến nghị đã được các bộ, ngành địa phương chủ động xử lý.
“Lãnh đạo Chính phủ, nhiều bộ ngành địa phương đã vào cuộc quyết liệt với tinh thần trong Chính phủ 'không có chỗ để bàn lùi',... 'Thủ tướng đã làm được những việc ấm lòng thực sự tiếp sức cho doanh nghiệp', ông Lộc khẳng định.
Ông Vũ Tiến Lộc phát biểu tại Hội nghị. (Nguồn: Tuổi Trẻ) |
Tuy nhiên, theo ông Lộc, những kết quả đạt được mới chỉ là bước đầu, thực tế vẫn còn không ít khó khăn do tích tụ từ thời gian trước để lại. Việt Nam đang là một nền kinh tế có chi phí kinh doanh lớn nhất trong khu vực cả về chính thức và không chính thức.
Bên cạnh đó, sự thay đổi chính sách đột ngột, sự hồi tố trong kinh doanh; nhiều địa phương vẫn lạm dụng thanh tra, kiểm tra với nội dung trùng lặp, nhiều điều kiện sản xuất kinh doanh không phù hợp, nhiều bộ ngành địa phương chỉ giải thích, không giải quyết kiến nghị của doanh nghiệp... vẫn là những thách thức, rào cản cần giải quyết, gỡ bỏ trong thời gian tới.
Báo cáo của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã chỉ rõ nhiều tồn tại, hạn chế trong công tác hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp. Nhiều quy định pháp luật, cơ chế chính sách chưa thực sự tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, làm phát sinh những thủ tục không cần thiết, không hợp lý, tiếp tục gây khó khăn cho việc thực hiện như: thủ tục thỏa thuận ký quỹ đảm bảo thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất; việc không hình sự hóa quan hệ kinh tế còn chưa được cụ thể dẫn đến nhiều địa phương chưa triển khai. Bên cạnh đó, một số cán bộ, công chức còn nhũng nhiễu tiêu cực, chưa có cơ chế thực hiện hiệu quả để kiểm tra, giám sát; công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán còn chồng chéo, kéo dài gây khó khăn cho doanh nghiệp.
“Điển hình có doanh nghiệp ở Đồng Nai trong 1 tháng bị thanh kiểm tra 3 lần, có doanh nghiệp ở địa phương khác bị thanh tra 12 lần/năm”, ông Dũng nêu ví dụ.
Báo cáo cũng chỉ rõ, việc tiếp cận các nguồn lực của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ còn hạn chế, trong đó thủ tục cho vay phức tạp, khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng; thủ tục hành chính về đất đai còn rườm rà; việc tiếp nhận, xử lý kiến nghị của doanh nghiệp ở một số bộ ngành, địa phương còn chậm, chưa thực sự cầu thị, chưa đáp ứng yêu cầu kiến tạo phát triển theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; vai trò của Hiệp hội doanh nghiệp còn hạn chế...
Gia tăng cả chi phí chính thức và không chính thức
Ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam đã nêu lên thực trạng có nhiều doanh nghiệp đang chịu gánh nặng những chi phí chính thức và cả không chính thức. Doanh nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn, gian khổ, trong đó bức xúc nhất là gánh nặng chi phí.
Về chi phí chính thức, chi phí tuân thủ pháp luật trong một số lĩnh vực còn cao, một số quy định chồng chéo, phức tạp làm tăng thời gian và chi phí cho doanh nghiệp. Chi phí tiếp cận một số dịch vụ công như cấp chứng chỉ hành nghề, trong lĩnh vực đất đai, xây dựng, tiếp cận tín dụng… chưa có sự cải thiện.
Trong các lĩnh vực doanh nghiệp thường xuyên bị kiểm tra như thuế, hải quan, đánh giá tác động môi trường, phòng cháy chữa cháy…, còn phải chi các khoản không chính thức.
Đại diện doanh nghiệp tham dự Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp ngày 17/5. (Nguồn: Thanh Niên) |
“Dù chi phí này đã giảm xuống từ 25% năm 2015 xuống còn 18,8% trong năm 2016 nhưng điều này đã ảnh hưởng đến giá thành sản xuất của doanh nghiệp, vô tình đẩy giá sản phẩm lên cao, ảnh hưởng đến lợi ích của người tiêu dùng”, ông Thân bức xúc.
Các nguyên nhân được ông Thân chỉ ra, trước tiên là khâu thực thi vẫn là khâu yếu nhất khi một bộ phận cán bộ, công chức vẫn thể hiện sự thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm, không hướng dẫn hoặc hướng dẫn không hết mà tìm cách bắt lỗi doanh nghiệp, không coi doanh nghiệp là đối tượng phục vụ, dẫn đến việc doanh nghiệp phải “đi đêm”, “chung chi”, theo tinh thần “của công chia ba, của nhà chia đôi”.
50% cán bộ đi chơi, ngồi “bói chữ” nhiều hơn làm
Trên tinh thần không nói thành tích và đi thẳng vào vấn đề, những ý kiến thẳng thắn của ông Nguyễn Hữu Đệ, Chủ tịch Công ty CP Hợp Lực, Chủ tịch Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam đã nhận được sự tán thưởng của rất nhiều đại biểu có mặt tại Hội nghị. Ông Đệ chỉ rõ, nếu muốn có hiệu quả từ Nghị quyết 35, cần tăng cường đội ngũ cán bộ công chức viên chức mà trước hết là công tác tổ chức cán bộ.
“Có thể nói là bây giờ chúng ta đang thừa, theo doanh nhân phải có đến 50% cán bộ đi chơi, ngồi ‘bói chữ’ nhiều hơn là làm. Do vậy tôi đề nghị tránh việc ‘mua quan bán chức’, mới chọn được người tài, người có năng lực theo tinh thần của Thủ tướng đã nêu”, ông Đệ thẳng thắn.
Toàn cảnh Hội nghị. (Nguồn: Dân Trí) |
Ông Đệ cũng đề xuất Chính phủ không nên cho phép xây bệnh viện tư trong khuôn viên bệnh viện công, vì hậu quả trong tương lai đây chính là vấn đề tham nhũng, chia chác, gây thất thoát cho nguồn lực của Nhà nước. Đại diện Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam cũng đề nghị Chính phủ nên sửa đổi và nên có chính sách khuyến khích nhiều doanh nhân đầu tư vào lĩnh vực này để chia sẻ quá tải cho bệnh viện Nhà nước.
“Tôi thống nhất cao quan điểm trong Nghị quyết Trung ương 5. Khi Nhà nước khó khăn, cái gì doanh nghiệp đầu tư được thì Nhà nước thôi. Cứ lấy tiền Nhà nước ra làm thì thất thoát càng cao, lợi ích nhóm càng lớn. Tôi lấy ví dụ, có nhiều bệnh viện của tư nhân đăng ký làm nhưng cấp tỉnh không cho làm. Chính phủ nên chỉ đạo sát sao vấn đề này và bây giờ đang ‘nở như hoa’ ở rất nhiều tỉnh, thành phố. Đây là ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp”, ông Đệ cho hay
Ông Đệ cũng đề xuất Chính phủ cần tạo môi trường bình đẳng cho các bệnh viện tư, tránh tình trạng “không thuận thì để cho bệnh viện công, khó thì đẩy cho bệnh viện tư”.
17/5: Thủ tướng Chính phủ sẽ đối thoại với doanh nghiệp Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp năm 2017 với chủ đề “Đồng hành ... |
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp 2016 Ngày 29/4, tại Hội trường Thống Nhất TP.HCM, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp ... |
Thủ tướng đối thoại với cộng đồng Doanh nghiệp Hàn Quốc Trong khuôn khổ chuyến Tham dự Hội nghị cấp cao Kỷ niệm 25 năm quan hệ Đối thoại ASEAN - Hàn Quốc và thăm làm ... |