Phát biểu tại buổi lễ sáng 18/10, Thủ tướng đánh giá, trong 58 năm thành lập và phát triển, Học viện Hành chính Quốc gia (Bộ Nội vụ) đã đạt nhiều thành tích, đã bồi dưỡng, đào tạo hệ thống cán bộ hành chính nhà nước với số lượng lớn và liên tục, qua đó, đóng góp vào công cuộc cải cách hành chính ở Việt Nam. Nhiều học viên của Học viện đã trưởng thành, có bước phát triển. Học viện đã bước đầu khẳng định uy tín, vai trò của một trung tâm đào tạo về hành chính nhà nước hàng đầu của nước ta hiện nay.
Thủ tướng đánh trống khai giảng năm học mới tại Học viện Hành chính Quốc gia. |
Đề cao vai trò của Học viện, Thủ tướng bày tỏ trăn trở về một bộ phận đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức hiện nay khi số lượng rất đông là cử nhân, kỹ sư chuyên ngành, có học hàm, học vị các loại nhưng ít hiểu hay chưa hiểu hết về hành chính, về bộ máy hành chính, về thể chế hành chính. Vì vậy, chưa nói đến việc quản lý một nền hành chính hiện đại, hiệu lực, hiệu quả mà ngay văn bản hành chính thế nào cho đúng còn là vấn đề rất lớn.
“Thế nào là khẩn, là phê, là duyệt… Anh đem một giấy của gia đình công dân tới Ủy ban xã rồi ông Chủ tịch phê: Cháu Nguyễn Văn A tình trạng thế này, thế khác… Tại sao anh phê trong một hồ sơ công mà lại gọi là cháu, con”, Thủ tướng lấy ví dụ và cho rằng, số lượng cán bộ, công chức, viên chức đông như vậy mà không được đào tạo, bồi dưỡng thì sẽ hẫng hụt.
Thủ tướng cho rằng, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã mang đến các quốc gia nhiều cơ hội, thách thức, tạo ra thay đổi căn bản trong quản lý, trong đời sống xã hội. Trong bối cảnh đó, phải có những thay đổi trong quản trị quốc gia để tận dụng thời cơ, không bỏ mất cơ hội, không nằm ngoài tiến trình phát triển của thế giới. Quản trị quốc gia phải tạo được động lực khởi nguồn cho những ước mơ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, xây dựng nên những thế hệ doanh nhân, nhà kỹ nghệ, nhà văn hóa, nhà khoa học, nhà quản lý xuất sắc, góp phần đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững.
Vì thế, nền hành chính thời đại 4.0 phải là nền hành chính số. Việc đưa công nghệ thông tin vào quản lý hành chính là yêu cầu tất yếu của mọi cấp hành chính, trong đó có Học viện Hành chính Quốc gia. “Nếu chúng ta không bám vào xu hướng thời đại, xa rời thời đại, thì chúng ta lạc hậu trong sự phát triển của Học viện”, Thủ tướng nói.
Trên nền tảng đường lối cải cách, đổi mới của đất nước, Học viện phải thay đổi về đào tạo, bồi dưỡng quản lý hành chính.
Thủ tướng trò chuyện cùng các sinh viên nước ngoài của Học viện. |
Học viện Hành chính phải làm gương về tinh gọn bộ máy
Thủ tướng khẳng định một trong những trụ cột quan trọng nhất của nền hành chính hiệu lực, hiệu quả là đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Để thực hiện việc đổi mới sáng tạo khởi nghiệp thì trước hết đội ngũ cán bộ công chức viên chức phải có tinh thần kiến tạo, liêm chính, trách nhiệm. Vì thế, Học viện phải có nghiên cứu giảng dạy để phổ cập một nền hành chính đạt mức độ trong sạch như một số nước đã làm.
Cán bộ học ở Học viện Hành chính Quốc gia phải là cán bộ không những giỏi chuyên môn mà còn trong sạch, liêm chính, phục vụ nhân dân, vấn đề này phải đặt ra trong quá trình đào tạo. “Đi lòng vòng, phải phong bì phong bao mới giải quyết công việc hành chính, người dân kêu ca cái này rất lớn”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Với tinh thần cải cách, đổi mới hội nhập, trước yêu cầu một lớp cán bộ liêm chính phục vụ đất nước, nhân dân, với vai trò, vị trí của Học viện, Thủ tướng đề nghị Học viện cần tích cực, chủ động đồng hành cùng Chính phủ, cùng các bộ, ngành và địa phương trong việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước với một số nhiệm vụ trọng tâm.
Đó là tiếp tục đổi mới mô hình, cơ cấu, tổ chức của Học viện, phù hợp với nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao về hành chính công, chính sách công, quản trị công. Cần có tầm nhìn xa, lộ trình 10 năm, 20 năm và xa hơn nữa để định hình con đường phát triển của Học viện và phấn đấu xây dựng Học viện thành một trung tâm đào tạo bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo quản lý ngang tầm khu vực.
Mục tiêu đào tạo bồi dưỡng nhằm tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, xây dựng đội ngũ công chức, viên chức trung thành với Đảng, Nhà nước, tận tụy phục vụ nhân dân, trong sạch, không tham nhũng, lãng phí, đáp ứng yêu cầu của nền hành chính hiện đại, hội nhập và khởi nghiệp.
Học viện cần phát huy truyền thống, tạo ra thế hệ nhà lãnh đạo quản lý có tính tiên phong, có tầm nhìn chiến lược cho đất nước, cho cơ quan đơn vị và các cấp hành chính.
Học viện cần quán triệt sâu sắc nguyên tắc lấy người học là trung tâm, chất lượng giáo dục là trọng yếu. Vì vậy, sau một khóa đào tạo bồi dưỡng tại Học viện, phải tạo được sự phát triển mới về tri thức, năng lực, trình độ, đặc biệt kỹ năng, động lực cho cán bộ, công chức, viên chức.
Cán bộ giảng viên của Học viện không chỉ là người thầy giỏi về lý thuyết mà còn nắm chắc thực tiễn quản lý nhà nước, có bản lĩnh chính trị vững vàng. Nhân dịp này, Thủ tướng giao nhiệm vụ cho Bộ Nội vụ, Bộ Giáo dục và Đào tạo quan tâm hỗ trợ Học viện, nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên đồng thời tạo cơ chế thu hút tốt hơn những trí thức, kể cả trí thức ở nước ngoài tham gia giảng dạy trong các lĩnh vực chính sách công, quản trị công, hành chính công tại Học viện.
Học viện cần tiếp tục đổi mới chương trình, phương pháp dạy và học, đặt vấn đề đào tạo bồi dưỡng phải gắn kết với nhu cầu thực tiễn và đặc biệt là những thiếu hụt kiến thức cho đội ngũ cán bộ công chức trong Học viện, nhất là nền tảng tri thức, nghiên cứu gắn liền với công tác quản lý nhà nước.
Việc xác định chuẩn đầu ra, xây dựng các cấp độ năng lực cho mỗi chương trình đào tạo cụ thể có sự lượng hóa cần thiết, có thể so sánh, kiểm tra và đánh giá. Phát triển kỹ năng thực hành, phân tích, đánh giá, dự báo và xử lý tình huống thực tiễn, đặc biệt chú ý cán bộ cơ sở, cán bộ trẻ trong quá trình đào tạo.
Thủ tướng lưu ý Học viện phải có lộ trình, bước đi để có bộ máy, đội ngũ tinh gọn, hiệu quả. Học viện phải đi đầu trong việc thực hiện Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị (về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ công chức, viên chức), phải làm gương về cải cách bên trong, nhất là số đầu mối. Học viện Hành chính mà bộ máy cồng kềnh, phân công công việc không khoa học "thì làm sao gọi là cải cách hành chính được", Thủ tướng nói.
Nhấn mạnh yêu cầu về đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, Thủ tướng cho rằng, “Thủ tướng và các Bộ trưởng phải nhận được các đề tài nghiên cứu của các đồng chí về khoa học hành chính, đổi mới sáng tạo chứ không phải chỉ có giáo trình bình thường hàng ngày các đồng chí lên lớp”.
Học viện cần quan tâm, tạo điều kiện cho học viên, sinh viên nghiên cứu khoa học nhằm khuyến khích tinh thần đổi mới, sáng tạo, đồng thời gắn với công tác nghiên cứu của Học viện với các nhiệm vụ của Bộ Nội vụ. Vì thế, Thủ tướng đề nghị Bộ trưởng Bộ Nội vụ tăng cường sử dụng, giao nhiệm vụ cho Học viện tham gia các đề tài của Chính phủ, của Thủ tướng và một số bộ có liên quan về cải cách hành chính.
Học viện cần tăng cường hợp tác, liên kết đào tạo quốc tế, nghiên cứu những mô hình, cơ sở đào tạo hành chính công hiện đại, uy tín trong khu vực và thế giới phù hợp với điều kiện của Việt Nam.
Đối với các học viên, Thủ tướng nhắn nhủ, đây là môi trường tốt nhất để học tập, nghiên cứu về khoa học hành chính và mong các học viên tiếp tục rèn luyện tốt hơn, học tập chăm chỉ hơn, có kiến thức sâu rộng, góp phần xây dựng nền hành chính quốc gia Việt Nam tại nơi mình làm việc, địa bàn, cơ sở mình làm việc.
Sau lễ khai giảng, Thủ tướng có cuộc làm việc với lãnh đạo Học viện Hành chính Quốc gia. Cổng TTĐT Chính phủ sẽ tiếp tục thông tin về cuộc làm việc này.