📞

Thủ tướng dự WEF Davos: Cơ hội tiếp tục khẳng định mạnh mẽ các cam kết và giải pháp của Việt Nam

Chu Văn 10:34 | 14/01/2024
Việc Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự WEF lần thứ 54 có ý nghĩa quan trọng, khẳng định Việt Nam luôn là đối tác tin cậy, thành viên trách nhiệm, tích cực đóng góp, phối hợp với các đối tác quốc tế giải quyết những vấn đề toàn cầu nhằm duy trì và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế khu vực và thế giới.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chứng kiến ký kết MOU Việt Nam-WEF giai đoạn 2023-2026 tại WEF Thiên Tân, ngày 26/6/2023. (Nguồn: VGP)

Diễn đàn toàn cầu uy tín về kinh tế

WEF (World Economic Forum) là một trong những diễn đàn toàn cầu uy tín và hoạt động hiệu quả, thu hút sự quan tâm và tham dự của hầu hết lãnh đạo các nước lớn, các tổ chức quốc tế cũng như các tập đoàn, công ty hàng đầu thế giới.

Hàng năm, WEF tổ chức nhiều diễn đàn cấp toàn cầu và khu vực, quy tụ các nhà lãnh đạo chính phủ, lãnh đạo doanh nghiệp, các tổ chức xã hội, tôn giáo, các học giả từ khắp thế giới để bàn luận về những vấn đề nổi cộm và thời sự toàn cầu.

Diễn đàn Kinh tế thế giới được biết đến lần đầu tiên vào tháng 1/1971 với tên gọi Diễn đàn Quản trị toàn cầu (EMF), khi một nhóm các doanh nghiệp hàng đầu châu Âu gặp nhau dưới sự bảo trợ của Ủy ban châu Âu và Hiệp hội Công nghiệp châu Âu.

Mục đích tổ chức ban đầu của EMF là để thảo luận về các khái niệm quản lý hiện đại. Người đứng đầu là ông Klaus Schwab, Giáo sư về Chính sách kinh doanh thuộc Đại học Geneva, đã chủ trì cuộc họp được tổ chức tại Davos, Thụy Sỹ.

Từ năm 1987, EMF đã đổi tên thành Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF). Diễn đàn đặt trụ sở tại Geneva, Thụy Sỹ. WEF hiện có khoảng 700 đối tác là lãnh đạo của các tập đoàn hàng đầu thế giới trong các lĩnh vực khác nhau. Các chính trị gia mới chỉ tham gia cuộc họp của WEF từ năm 1994 và WEF chính thức có tư cách là một tổ chức quốc tế độc lập từ năm 2015.

Đặc biệt, WEF là một trong những diễn đàn đầu tiên thảo luận về Cách mạng công nghiệp 4.0 và hiện đang thực thi một số sáng kiến cụ thể và thực chất liên quan như Trung tâm Cách mạng công nghiệp 4.0 tại Hoa Kỳ, Ấn Độ và Nhật Bản và Trung tâm an ninh mạng với sự tham gia của 92 đối tác.

Diễn đàn quan trọng nhất của WEF là Hội nghị thường niên được tổ chức vào tháng 1 hàng năm tại Davos, Thụy Sỹ. Bên cạnh Hội nghị Davos, hàng năm WEF cũng tổ chức các diễn đàn khu vực, tiêu biểu là Hội nghị WEF về Đông Á (nay là WEF ASEAN), Hội nghị thường niên các nhà tiên phong WEF - “Diễn đàn Davos mùa Hè” (tổ chức tại Thiên Tân hoặc Đại Liên, Trung Quốc), Hội nghị WEF về Ấn Độ, Hội nghị WEF về Mỹ Latinh, Hội nghị WEF về Trung Đông…

Các sự kiện của WEF thu hút sự tham gia của các nhà lãnh đạo chính trị, kinh doanh, văn hóa, xã hội, nghiên cứu-học thuật… hàng đầu thế giới để định hình các chương trình nghị sự ở cấp độ khu vực và toàn cầu.

Dấu ấn hợp tác Việt Nam-WEF

Mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và WEF được khởi đầu từ năm 1989, đúng vào thời điểm quá trình đổi mới kinh tế bắt đầu. Đây là diễn đàn đối thoại quan trọng của lãnh đạo Chính phủ Việt Nam với các tập đoàn hàng đầu thế giới, giúp gợi mở các ý tưởng về cải cách kinh tế, đồng thời mang lại cho Việt Nam các cơ hội đầu tư và phát triển kinh tế trong nước.

Nhận lời mời của Giáo sư Klaus Schwab - Nhà sáng lập, Chủ tịch điều hành Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao của Chính phủ Việt Nam tham dự Hội nghị thường niên WEF lần thứ 54, từ ngày 15-19/1 tại Davos (Thụy Sỹ).

Trong 35 năm qua, lãnh đạo cấp cao của Việt Nam thường xuyên tham dự các Hội nghị thường niên của WEF tại Davos, Thụy Sỹ và Đông Á. Trong đó, Việt Nam đã 4 lần tham dự Hội nghị WEF Davos ở cấp Thủ tướng chính phủ (vào các năm 2007, 2010, 2017 và 2019) và thường tham dự ở cấp Phó Thủ tướng; 5 lần tham dự Hội nghị WEF ASEAN (trước năm 2016 là WEF Đông Á) ở cấp Thủ tướng Chính phủ (vào các năm 2012, 2013, 2014, 2017 và 2018) và các năm khác thường tham dự ở cấp Phó Thủ tướng Chính phủ…

Gần đây nhất có các hoạt động như: Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đồng chủ trì Đối thoại chiến lược quốc gia Việt Nam và WEF lần thứ nhất bằng hình thức trực tuyến (ngày 29/10/2021); Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị thường niên lần thứ 14 các nhà tiên phong của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), còn được gọi là "Diễn đàn Davos mùa Hè" tại thành phố Thiên Tân, Trung Quốc (tháng 6/2023); Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đồng chủ trì Đối thoại chiến lược quốc gia lần thứ 2 (ngày 26/6/2023) tại Hội nghị WEF Thiên Tân 2023…

Các lần tham dự WEF góp phần quan trọng nâng cao hình ảnh, vai trò, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế thông qua việc đóng góp các đề xuất, sáng kiến tích cực, hiệu quả tại hội nghị. Đặc biệt, hoạt động gặp gỡ, trao đổi giữa Việt Nam với các tập đoàn hàng đầu thế giới cũng góp phần gợi mở những ý tưởng về cải cách kinh tế, đồng thời mang lại cho Việt Nam các cơ hội đầu tư và phát triển kinh tế trong nước.

Theo Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Geneva, kể từ khi thiết lập quan hệ hợp tác với WEF vào năm 1989, Việt Nam luôn coi đây là diễn đàn đối thoại quan trọng của lãnh đạo chính phủ với các tập đoàn hàng đầu thế giới; trân trọng và đánh giá cao việc WEF luôn quan tâm đề xuất và triển khai nhiều sáng kiến hợp tác trên các lĩnh vực phát triển bền vững, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, và mong muốn trong thời gian tới Diễn đàn tiếp tục hỗ trợ Việt Nam tiếp cận tri thức và nguồn lực tiên tiến nhằm phục vụ các mục tiêu phát triển bền vững và tận dụng hiệu quả các động lực tăng trưởng mới.

Chủ tịch sáng lập WEF, Giáo sư Klaus Schwab nhiều lần khẳng định vai trò, uy tín của Việt Nam và hợp tác giữa Việt Nam và WEF luôn được lãnh đạo hai bên quan tâm thúc đẩy và phát triển.

Mới đây nhất, nhân dịp tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 43 và các hội nghị liên quan tại Jakarta, Indonesia (tháng 9/2023), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có cuộc gặp Chủ tịch WEF Klaus Schwab để thảo luận tăng cường hợp tác giữa Việt Nam với WEF.

Tại đây, Chủ tịch WEF Klaus Schwab tiếp tục đánh giá cao những thành tựu phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam thời gian qua, nhất là cách tiếp cận toàn diện về quản lý kinh tế vĩ mô, giúp đưa nền kinh tế vượt qua các thách thức của bối cảnh quốc tế và khu vực hiện nay; đánh giá Việt Nam là điểm sáng của tăng trưởng kinh tế sau đại dịch Covid-19.

Về phần mình, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam sẽ phối hợp để triển khai hiệu quả Bản ghi nhớ về hợp tác giữa Việt Nam và WEF giai đoạn 2023-2026; tiếp tục tham gia, đóng góp tích cực cho các sáng kiến, hoạt động của WEF, đồng thời bày tỏ mong muốn WEF sẽ phối hợp cùng Việt Nam đăng cai tổ chức nhiều hoạt động hội tụ các chuyên gia, các nhà chính sách kinh tế hàng đầu thế giới và khu vực để cùng thảo luận những vấn đề quan tâm chung, góp phần tạo các động lực mới, trong đó có việc ứng dụng các tiến bộ của khoa học công nghệ để thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Geneva.

Tái thiết lòng tin

Tiếp tục truyền thống hơn 4 thập kỷ qua kể từ năm 1971, năm nay, Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) thường niên lần thứ 54 (hay WEF Davos 2024) diễn ra từ ngày 15 đến 19/1/2024 tại Davos, Thụy Sỹ, quy tụ sự tham dự của nhiều lãnh đạo các nước, các tổ chức quốc tế lớn, các công ty đa quốc gia và giới học giả, với tinh thần xuyên suốt cởi mở và hợp tác.

Hội nghị năm nay tiếp tục phát huy vai trò của WEF là kênh quan trọng thúc đẩy hợp tác công tư, tăng cường đối thoại và nâng cao nhận thức về các vấn đề và thách thức toàn cầu, đồng thời cũng nhằm duy trì vị trí tiên phong của WEF trong việc thu hút các nhà lãnh đạo hàng đầu thế giới thảo luận về các vấn đề lớn và giải pháp tiềm năng, thúc đẩy hợp tác định hình các chương trình nghị sự kinh tế toàn cầu và khu vực.

Theo Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Geneva, điểm đặc biệt năm nay thể hiện rõ ở chủ đề hội nghị là “Tái thiết lòng tin” nhằm đáp ứng đòi hỏi của tình hình thế giới có nhiều yếu tố biến động, sự gia tăng phân mảnh, phân cực, đối đầu giữa các cường quốc, xung đột quân sự tại các khu vực, cùng với các thách thức cấp bách toàn cầu như biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng, ứng dụng trí tuệ nhân tạo vì lợi ích chung…

Để khôi phục và thúc đẩy các hoạt động hợp tác tập thể ứng phó hiệu quả với các thách thức toàn cầu hiện nay, Hội nghị xác định yêu cầu cấp thiết là phải củng cố các nguyên tắc cơ bản xây dựng niềm tin giữa các nhà lãnh đạo, bao gồm tính minh bạch, nhất quán và trách nhiệm quản lý.

Nhằm đáp ứng yêu cầu cấp bách của cộng đồng quốc tế, chương trình hội nghị WEF Davos 2024 tập trung trao đổi và đề xuất các giải pháp đối với 4 nhóm vấn đề, gồm: Thúc đẩy an ninh và hợp tác cùng có lợi trong một thế giới phân mảnh; Xây dựng chính sách kinh tế phù hợp với kỷ nguyên mới; Chiến lược dài hạn đối với khí hậu, tự nhiên và năng lượng; Trí tuệ nhân tạo là động lực cho phát triển kinh tế và xã hội.

Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai thông tin: "Hội nghị WEF lần thứ 54 tới đây cũng là cơ hội để các bên cùng nhìn nhận những thách thức chính mà thế giới phải đối mặt, cũng như những xu hướng chính trong tương lai, đồng thời xác định cách thức phục hồi kinh tế trong bối cảnh kinh tế toàn cầu còn gặp nhiều khó khăn, trong đó, nhấn mạnh vai trò quan trọng của đổi mới sáng tạo công nghệ là động lực của nền kinh tế và xã hội có thể được tận dụng hiệu quả thông qua thúc đẩy hợp tác quốc tế giữa khu vực công và khu vực tư nhân, vì lợi ích của tất cả mọi người".

Trong bối cảnh đó, việc Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự WEF Davos 2024 tại Thụy Sỹ tiếp tục là cơ hội để lãnh đạo Chính phủ Việt Nam trực tiếp truyền tải tới các lãnh đạo các quốc gia, các tổ chức quốc tế, các công ty đa quốc gia về ý tưởng, cam kết mạnh mẽ và giải pháp của Việt Nam về thực hiện chiến lược phát triển kinh tế-xã hội bền vững và hội nhập quốc tế của mình, trong đó bao gồm tiếp tục đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, phát triển nền kinh tế xanh, giảm phát thải khí nhà kính, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trên nguyên tắc bình đẳng, bao trùm, nâng cao năng lực chống chịu, ứng phó với biến đổi khí hậu, thể hiện quyết tâm và nỗ lực của Việt Nam thực hiện cam kết tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050.

Đồng thời, sự tham gia của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đoàn đại biểu cấp cao của Việt Nam tại WEF Davos 2024 cũng khẳng định vai trò, vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Với các thành tựu đã đạt được, môi trường kinh doanh và đầu tư cũng như chiến lược phát triển kinh tế-xã hội hiện nay, Việt Nam tiếp tục là điểm đến được lãnh đạo các doanh nghiệp toàn cầu, các tổ chức quốc tế đánh giá cao trong phát triển kinh doanh, hợp tác quốc tế.

Dự kiến trong khuôn khổ của WEF Davos 2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ tham dự và phát biểu, chia sẻ tầm nhìn của Việt Nam tại các phiên trọng tâm của Hội nghị, bao gồm: Phiên Đối thoại chiến lược quốc gia Việt Nam-WEF với các tập đoàn hàng đầu về chủ đề "Chân trời tiếp theo: Thúc đẩy chuyển đổi, mở ra các động lực tăng trưởng mới tại Việt Nam"; Phiên Đối thoại chính sách "Việt Nam: Định hướng tầm nhìn toàn cầu” và Phiên thảo luận với một số lãnh đạo ASEAN về “Thúc đẩy vai trò hợp tác toàn cầu trong ASEAN”; tham dự phiên làm việc của các nhà lãnh đạo về "Khôi phục niềm tin vào hệ thống toàn cầu".

Thủ tướng cũng sẽ phát biểu tại một số cuộc thảo luận như tọa đàm thu hút đầu tư lĩnh vực bán dẫn, tọa đàm về kinh nghiệm và mô hình phát triển trung tâm tài chính quốc tế với sự tham gia của các tập đoàn tài chính hàng đầu Thụy Sỹ; tiếp xúc song phương với lãnh đạo một số quốc gia và tổ chức quốc tế để trao đổi sâu thêm về các vấn đề toàn cầu và khu vực cùng quan tâm, chia sẻ về chính sách và kinh nghiệm, cũng như tăng cường các hoạt động kết nối, mở rộng quan hệ đối tác…

(theo TTXVN)