Thủ tướng Đức tại phiên chất vấn tại Quốc hội ngày 6/7. (Nguồn: Reutes) |
Phát biểu trước Quốc hội ngày 6/7, Thủ tướng Scholz nhận định, cuộc khủng hoảng tại Ukraine đã tạo ra một bước ngoặt đối với thế giới và là thách thức lớn đối với hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực.
Đức và các đồng minh phương Tây cam kết đoàn kết với Kiev và sẽ đảm bảo an ninh lâu dài cho Ukraine, nhưng không phải sự hỗ trợ quân sự tự động như quy định trong Điều 5 của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) do Ukraine không phải thành viên liên minh quân sự này.
Về yêu cầu chuyển giao sớm các loại vũ khí hạng nặng cho Ukraine như xe vận tải bọc thép Fuchs và xe chiến đấu bộ binh Marder, Thủ tướng Scholz Scholz cho biết, Berlin đã chuyển giao một số loại vũ khí hạng nặng và chính phủ Đức sẽ tiếp tục thực hiện điều này theo các quyết định tập thể của NATO cũng như phối hợp chặt với các đồng minh.
Đối với lời kêu gọi kéo dài thời gian hoạt động của 3 nhà máy điện hạt nhân còn lại ở Đức để đảm bảo nguồn cung năng lượng, người đứng đầu chính phủ Đức từ chối và cho biết, các bộ liên quan và các cơ quan chuyên môn đã phản đối việc tiếp tục sử dụng năng lượng hạt nhân; các nhà máy này sẽ đóng cửa vào cuối năm nay theo kế hoạch.
Theo nhà lãnh đạo, điều quan trọng hiện nay là 3 nhà máy điện hạt nhân này sản xuất càng nhiều điện càng tốt cho tới khi chính thức đóng cửa, để có thể giảm công suất phát điện từ các nhà máy điện khí.
Trước đó, Ủy viên Thị trường nội khối Liên minh châu Âu (EU) Thierry Breton kêu gọi Đức duy trì vận hành các nhà máy điện hạt nhân của nước này thêm một thời gian nữa, trong bối cảnh khó khăn về nguồn cung năng lượng hiện nay.
Trước tình hình căng thẳng nguồn cung năng lượng trong mùa Thu và mùa Đông tới, ông Scholz nêu rõ, các công tác chuẩn bị cần thiết đang được thực hiện để đảm bảo nhu cầu năng lượng mà không cần nguồn cung từ Nga.
Theo Thủ tướng Scholz, Luật An ninh năng lượng của Đức sẽ được điều chỉnh cho phù hợp, hệ thống bồn chứa khí đốt dự trữ sẽ được lấp đầy, các nhà máy điện than sẽ tiếp tục vận hành và chính phủ Đức sẽ tiếp tục thực hiện nhiều biện pháp đồng bộ khác trong thời gian tới.
Liên quan vấn đề giá cả tăng cao, nhà lãnh đạo Đức cho hay chính phủ nước này đã thảo luận và thống nhất hành động, qua đó cung cấp các gói hỗ trợ cần thiết cho người dân và doanh nghiệp.
Ông Scholz khẳng định, các gói hỗ trợ như giảm giá xăng dầu, cung cấp vé tháng cho phương tiện công cộng với giá 9 Euro (9,17 USD), giảm phụ phí điện... đang phát huy tác dụng tốt. Bên cạnh đó, từ đầu tháng 10 tới, mức lương tối thiểu sẽ được nâng lên thành 12 Euro/giờ (12,2 USD/giờ).
Tất cả những biện pháp này đang và sẽ góp phần giúp người dân và doanh nghiệp giảm bớt áp lực giá cả hiện nay.
| Tin thế giới 5/7: NATO trải qua 'thời khắc lịch sử'; EU như ngồi trên đống lửa; tàu Trung Quốc lại khiến Nhật Bản 'nóng mặt' NATO đi bước lịch sử liên quan mở rộng thành viên, khủng hoảng năng lượng ở EU, quan hệ Nga với Ukraine và Nhật Bản, ... |
| Kinh tế Mỹ: Rủi ro suy thoái treo lơ lửng trên đầu, rất có thật và sẽ xảy ra, khi nào 'hạ cánh'? Trong nhiều tháng, các chuyên gia và các nhà lãnh đạo doanh nghiệp cùng tham gia một trò chơi: Cố gắng đoán xem khả năng ... |