Thủ tướng Đức và người đồng cấp Israel trong một cuộc họp nội các của quốc gia Do Thái tại Tel Aviv, ngày 10/10. (Nguồn: AP) |
Ngày 10/10, phát biểu trong một cuộc họp đặc biệt với nội các Israel, Thủ tướng Merkel khẳng định: “Vấn đề an ninh của Israel sẽ luôn có tầm quan trọng trung tâm và là chủ đề trung tâm của mọi chính phủ ở Đức”.
Bà Merkel khẳng định, quan hệ giữa Đức và Israel không chỉ liên quan những vấn đề trong quá khứ, mà tới cả tầm nhìn hướng tới tương lai giữa hai nước.
Trong cuộc họp báo chung với người đồng cấp nước chủ nhà Naftali Bennett, hai nhà lãnh đạo đã đề cập nhiều vấn đề, trong đó có chương trình hạt nhân Iran và Palestine.
Về giải pháp chấm dứt xung đột Israel-Palestine, Thủ tướng Merkel nhấn mạnh, Đức không thay đổi quan điểm rằng, biện pháp tốt nhất là giải pháp hai nhà nước.
Nhà lãnh đạo Đức nêu rõ: "Tôi cho rằng ở thời điểm hiện nay, ngay cả khi tình hình có vẻ vô vọng, ý tưởng về một giải pháp hai nhà nước không nên bị gạt khỏi chương trình nghị sự và người Palestine cần được sống an toàn trong một nhà nước".
Cũng theo bà Merkel, hoạt động xây dựng khu định cư của Israel tại các vùng lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng không mang lại sự trợ giúp nào cho vấn đề này.
Tuy nhiên, Thủ tướng Israel đã phản bác ý kiến trên: "Theo kinh nghiệm của chúng tôi, một nhà nước Palestine rất có thể dẫn tới việc thiết lập một nhà nước khủng bố" ngay bên cạnh Israel.
Liên quan chương trình hạt nhân Iran, cả hai nhà lãnh đạo Đức và Israel đều cam kết ngăn chặn nước này phát triển vũ khí hạt nhân, nhưng có cách tiếp cận khác nhau.
Bà Merkel cho biết, Berlin vẫn giữ cam kết khôi phục Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA - tên gọi chính thức của thỏa thuận hạt nhân Iran), bước đi vấp phải sự phản đối của Israel.
Theo nhà lãnh đạo Đức, dù chưa bao giờ coi JCPOA là lý tưởng, nhưng theo bà, có còn hơn là không có thỏa thuận nào, cho rằng tình hình hiện nay là hết sức khó khăn trong bối cảnh Iran tiếp tục làm giàu uranium.
Cho rằng những tuần tới có ý nghĩa quyết định đối với tương lai của JCPOA, Thủ tướng Merkel cảnh báo, mỗi ngày trôi qua mà Iran không có phản hồi với đề nghị của Mỹ sẽ khiến Tehran làm giàu thêm uranium.
Bên cạnh đó, người đứng đầu chính phủ Đức cũng cho rằng, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có trách nhiệm hối thúc Iran trở lại bàn đàm phán, "bởi nếu JCPOA không còn được thực hiện theo đúng nghĩa thì điều đó rất khó khăn".
Trong khi đó, Thủ tướng Israel cáo buộc Tehran đang cố gắng phát triển vũ khí hạt nhân và cho rằng, một đất nước Iran sở hữu vũ khí hạt nhân là mối đe dọa hiện hữu đối với Israel.
Ban đầu, kế hoạch thăm Israel của bà Merkel dự kiến diễn ra hồi tháng 8, song bị hoãn sau vụ đánh bom sân bay ở Afghanistan. Chuyến thăm Israel gần đây nhất của Thủ tướng Merkel là vào năm 2018.
Dự kiến, bà Merkel sẽ tới thăm khu tưởng niệm các nạn nhân nạn diệt chủng người Do Thái và có các cuộc làm việc với lãnh đạo doanh nghiệp Israel.
| Thăm Israel một tuần trước khi rời vị trí Thủ tướng Đức, bà Merkel muốn gửi thông điệp gì? Ngày 4/10, Thủ tướng Israel Naftali Bennett cho hay, người đồng cấp Đức Angela Merkel dự kiến thăm Israel vào tuần tới, trước khi rời ... |
| Bị Iran ám ảnh, Israel đòi Mỹ vũ khí tiên tiến, Thủ tướng Israel sẽ tới Washington Ngày 14/7, trang Breaking Defense đưa tin, Israel được cho là đang yêu cầu Mỹ cung cấp “các hệ thống tiên tiến”, trong đó có ... |