📞

Thủ tướng: Đừng “nói trước quên sau” với doanh nghiệp

21:19 | 27/08/2016
Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư của tỉnh Ninh Thuận, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, chúng ta không chỉ mở cửa để doanh nghiệp và người dân khi có việc thì tìm đến mà cần có tinh thần thực sự cầu thị, lắng nghe, cảm thông và giải quyết triệt để. Phải tránh tình trạng tiếp dân và doanh nghiệp một cách hình thức, nói hôm trước thì hôm sau lại quên.

Ngày 27/8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo một số bộ, ngành, địa phương và khoảng 450 đại biểu là đại diện các hiệp hội ngành nghề, các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước dự Hội nghị xúc tiến đầu tư có quy mô lớn nhất mà tỉnh Ninh Thuận tổ chức tại địa phương này.

Phát huy vẻ đẹp “Tây Á thu nhỏ của Việt Nam”

Thủ tướng cho rằng Ninh Thuận sở hữu một tài sản, lợi thế so sánh của Việt Nam, mang vẻ đẹp Việt nhưng lại được xem như “Tây Á thu nhỏ ở Việt Nam”. Tỉnh có điều kiện về phát triển du lịch, năng lượng tái tạo, nông nghiệp hữu cơ công nghệ cao mà ít nơi có được, có cộng đồng dân cư với các nền văn hóa đặc sắc.

Kỳ vọng và tin tưởng Ninh Thuận có thể phát huy tốt lợi thế, tiềm năng của mình, Thủ tướng cho rằng cấp ủy, chính quyền tỉnh cần có tư duy quản lý mới, chủ động hơn nữa trong việc tạo ra không gian, điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế-xã hội. Bộ máy hành chính kiến tạo phát triển, liêm chính, phục vụ người dân, DN một cách hiệu quả thực sự.

“Không được để tình trạng trì trệ mà phải năng động trong phát triển; không chờ đợi, ỷ lại vào cấp trên mà phải tự vươn lên. Đặc biệt là không được chậm trễ, cần năng động, quyết liệt hơn, vươn lên mạnh mẽ hơn”, Thủ tướng yêu cầu khi cho rằng tỉnh mới tự trang trải được 30% ngân sách còn 70% vẫn dựa vào trợ cấp từ ngân sách Trung ương.

Càng khó khăn thì càng phải vươn lên, nổi bật hơn trong mắt cộng đồng DN, các nhà đầu tư tiềm năng về cơ hội đầu tư, thuận lợi trong môi trường, ưu đãi đầu tư.

Để thu hút các nhà đầu tư tới làm ăn lâu dài, theo Thủ tướng, phải có cam kết chính sách rõ ràng từ phía lãnh đạo tỉnh, có cam kết cụ thể đối với các nhà đầu tư như một số địa phương khác đã làm vì điều này tạo niềm tin, khích lệ rất lớn cho nhà đầu tư.

Do đó, cùng với Chính phủ, các địa phương cam kết xây dựng khung pháp lý minh bạch, môi trường cạnh tranh lành mạnh, công bằng, bảo đảm quyền tài sản của DN, không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự, đặc biệt cần có hình thức phù hợp để tôn vinh DN, phát triển kinh tế gắn liền với bảo vệ môi trường. Tập trung tăng nhanh số lượng, nâng cao chất lượng DN, phải đặt DN vào vị trí trung tâm mà các chính sách của Chính phủ, chính quyền Ninh Thuận hướng tới để hỗ trợ.

Thủ tướng mong Ninh Thuận càng khó khăn thì càng phải vươn lên, nổi bật hơn trong mắt cộng đồng DN, các nhà đầu tư tiềm năng về cơ hội đầu tư, thuận lợi trong môi trường, ưu đãi đầu tư.

“Ninh Thuận có 2.200 DN và như vậy cứ 275 người dân thì có một DN đang hoạt động, thấp hơn nhiều so với bình quân cả nước, hiện cũng đã thấp rồi. Trong khi các nước phát triển như Đan Mạch, Na Uy thì 3-4 người dân đã có một DN”, Thủ tướng nói.

Chính quyền đối thoại, giữ chữ tín

Thủ tướng mong muốn chính quyền mọi cấp cần phấn đấu trở thành chính quyền đối thoại, tích cực, chủ động hơn trong trao đổi, lắng nghe ý kiến nhà đầu tư về những khó khăn mà họ gặp phải để cùng họ tháo gỡ, đồng hành với DN, dẹp bỏ những rào cản phát triển, khơi thông vốn, công nghệ, thị trường, nhất là với DN khởi nghiệp, DN mới.

“Có vị tổng giám đốc nói với tôi rằng, để nhận được mảnh đất phải mất vài năm, rất nhiều khó khăn về đền bù, tái định cư. Chúng ta có khắc phục được tình trạng này không? Hoàn toàn có thể nếu chính quyền chúng ta mạnh, sát dân, cùng đối thoại với dân và DN để xử lý các vấn đề cụ thể. Để vài năm thì cơ hội kinh doanh với nhà đầu tư còn đâu nữa”, Thủ tướng nêu vấn đề.

Điều này có nghĩa chúng ta không chỉ mở cửa để DN và người dân khi có việc thì tìm đến mà cần có tinh thần thực sự cầu thị, lắng nghe, cảm thông và giải quyết triệt để. Tránh tình trạng tiếp dân, DN một cách hình thức, nói hôm trước thì hôm sau lại quên, “nói trước quên sau”.

Thủ tướng trao đổi với các nhà đầu tư dự Hội nghị.

Phải ràng buộc trách nhiệm hành động với lời nói, tạo ra chữ tín của người phục vụ nhân dân. “Kinh nghiệm cho thấy ở đâu có chính quyền quản trị tốt thì ở đó DN tự tìm đến làm ăn, phát triển, gắn bó với địa phương mà không nhất thiết cần có những ưu đãi nặng tính kỹ thuật như ưu đãi về thuế”, Thủ tướng nêu rõ và nhấn mạnh “đừng để họ bức xúc, kêu ca rồi mới chạy theo giải quyết”.

Do đó, việc tiếp tục cải cách thể chế, pháp luật, cơ chế chính sách, tạo thuận lợi nhất về môi trường đầu tư là yêu cầu quan trọng. Những vấn đề gì cấp thiết thì phải tập trung giải quyết ngay để đáp ứng yêu cầu của DN. Đối với những vấn đề mang tính dài hạn, các bộ, ngành và tỉnh phải đưa vào các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển, có lộ trình, phân công cụ thể và có kiểm tra, giám sát thực hiện.

Thủ tướng cho rằng tỉnh Ninh Thuận cần xây dựng website thu nhận ý kiến đánh giá, khuyến nghị của DN như Văn phòng Chính phủ đã làm.

Không để tình trạng “băm nát bãi biển, chia lô bán nền”

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương làm chính sách một cách khoa học, tổng thể, không mâu thuẫn, chồng chéo, mang định hướng thị trường, “tầm chính sách phải cao, phải xa, không thể có tầm nhìn trước mắt”.

“Đặt nhà máy này ở đây thì xem có phá vỡ cái chung không? Đừng để xảy ra tình trạng băm nát bãi biển rồi chia lô bán nền, không có tầm nhìn xa hơn để phát triển đất nước chúng ta”, Thủ tướng nói. Quy hoạch rõ ràng, thống nhất sẽ làm nhà đầu tư yên tâm, tối ưu hóa giá trị đất đai và phân bổ tài nguyên.

Tỉnh cần tiếp tục đổi mới trong cách làm quy hoạch để tiếp cận tư duy mới trong phát triển, theo mô hình kinh tế “xanh và sạch”, phát triển bền vững.

Các nhà máy ven biển, các khu công nghiệp, cảng biển tổng hợp cần đặc biệt chú ý kiểm soát, bảo vệ môi trường. Trong phát triển, không phá hỏng lợi thế về du lịch, kinh tế biển.

Tại Hội nghị, Thủ tướng hoan nghênh cam kết của Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoa Sen Lê Phước Vũ khi đầu tư vào Ninh Thuận là nếu để xảy ra vi phạm môi trường thì sẽ đóng cửa nhà máy, nộp toàn bộ tài sản cho Nhà nước và cho rằng, các nhà đầu tư cần chủ động quán triệt tinh thần này.

Thủ tướng chứng kiến lễ ký kết thoả thuận hợp tác chiến lược giữa UBND tỉnh Ninh Thuận và Tập đoàn Hoa Sen.

Bên cạnh xây dựng hệ thống hành chính phục vụ DN như nêu trên, Thủ tướng nhấn mạnh vấn đề cốt lõi là xây dựng, nâng cao năng lực hệ thống bộ máy chính quyền các cấp. Cần tạo động lực để từng cán bộ, đơn vị làm việc tốt hơn nữa. Phát triển DN, số việc làm mới tạo ra là chỉ tiêu chủ yếu để đánh giá thành tích chỉ đạo, điều hành của tỉnh. Phải có cơ chế đánh giá cán bộ, công chức trên tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, có kỷ luật, kỷ cương, trình độ chuyên môn giỏi, nhất là những người làm việc trực tiếp với nhà đầu tư, DN nước ngoài. Đây là đánh giá quan trọng trong tư duy quản lý cán bộ.

Ninh Thuận cần tăng cường hợp tác liên kết vùng, mở rộng không gian phát triển để thể hiện vai trò, vị trí chiến lược của mình.

Thủ tướng khẳng định Chính phủ sẽ chỉ đạo các bộ, ngành dành cơ chế ưu đãi đặc thù với tinh thần cho phép Ninh Thuận được hưởng ở khung cao nhất trong tất cả các chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư theo quy định của pháp luật.

Trước các nhà đầu tư, Thủ tướng nhấn mạnh: “Thành công của các DN, nhà đầu tư là thành công của Chính phủ”. Thủ tướng cũng gợi mở một thông điệp cho tỉnh Ninh Thuận là “vị trí của chúng tôi khó khăn gấp đôi, nên chúng tôi cố gắng gấp 3, để trở thành điểm đến hấp dẫn nhất với các nhà đầu tư trong và ngoài nước”.

Rút ngắn 30% thời gian làm thủ tục

Giới thiệu về tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Thuận Nguyễn Đức Thanh cho biết, Ninh Thuận là tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ, nằm ở giao điểm 3 trục giao thông chiến lược (Quốc lộ 1A, đường sắt Bắc-Nam, Quốc lộ 27 lên Nam Tây Nguyên), là cửa ngõ nối vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ với các tỉnh Tây Nguyên và Nam Trung Bộ.

Với thời tiết nắng ấm quanh năm, nguồn tài nguyên gió và năng lượng mặt trời lớn nhất cả nước, rất thích hợp cho Ninh Thuận trở thành một trong những trung tâm về phát triển năng lượng sạch, sản xuất muối công nghiệp, giống thủy sản, sản xuất những sản phẩm đặc thù có quy mô lớn như nho, táo, chăn nuôi bò, dê, cừu… Tỉnh có bờ biển dài hơn 105 km, với nhiều vịnh biển đẹp như Vĩnh Hy, Bình Tiên, Ninh Chữ…

“Các nhà đầu tư sẽ tìm thấy ở Ninh Thuận những cơ hội đầu tư mới, hết sức hấp dẫn và tốt đẹp”, ông Nguyễn Đức Thanh nói và bày tỏ tin tưởng Ninh Thuận sẽ sớm hiện thực hóa khát vọng trở thành “Điểm đến của Việt Nam trong tương lai”.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Lưu Xuân Vĩnh, nhà đầu tư đến Ninh Thuận chỉ cần tiếp xúc với một đầu mối là Văn phòng Phát triển kinh tế (EDO) để thực hiện các thủ tục về đầu tư trên địa bàn. Đây là mô hình mới, thực hiện cơ chế “một cửa liên thông”. Theo đó, thời gian giải quyết các thủ tục hành chính rút ngắn khoảng 30% so với quy định theo tinh thần Nghị quyết 19, 35 của Chính phủ.

“Hãy đến với Ninh Thuận, đến với quyết định đầu tư đúng đắn “Thủ tục nhanh gọn - kinh doanh an toàn - đầu tư hiệu quả - phát triển bền vững”, ông Lưu Xuân Vĩnh cam kết.