Thủ tướng Israel Naftali Bennett sẽ đề nghị Tổng thống Joe Biden không khôi phục lại Thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015 trong cuộc gặp với nhà lãnh đạo Mỹ sắp tới. (Nguồn: AFP) |
Ông Bennett nhận định: “Iran đang đẩy nhanh hoạt động làm giàu uranium và đã rút ngắn đáng kể thời gian tích lũy nguyên liệu cần thiết cho một quả bom hạt nhân”.
Thủ tướng Israel cho biết sẽ trao đổi với Tổng thống Biden rằng: “Đây là thời điểm để ngăn chặn Iran, không cho họ một sợi dây cứu sinh dưới hình thức tái khởi động một thỏa thuận hạt nhân đã hết hiệu lực”.
Trong cuộc họp Nội các, ông Bennett thông báo sẽ trao đổi với ông Biden về một kế hoạch có trật tự được xây dựng trong 2 tháng qua nhằm kiềm chế Iran, cả trong lĩnh vực hạt nhân và “sự xâm lược” ở khu vực, song không nêu rõ chi tiết cụ thể.
Một quan chức Mỹ cho biết, người đứng đầu chính phủ Israel mong muốn chính quyền Washington từ bỏ nỗ lực khôi phục thỏa thuận mà dường như không có kết quả.
Trong khi đó, liên quan thỏa thuận hạt nhân Iran, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova tuyên bố, việc Iran sản xuất uranium làm giàu lên 20% và nâng công suất làm giàu lên 60% không phù hợp với các điều khoản trong thỏa thuận hạt nhân.
Trang web của Bộ Ngoại giao Nga nêu rõ: "Các hành động của Iran là một bước nữa xa rời các thỏa thuận được nêu trong Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA) nhằm giải quyết vấn đề xung quanh chương trình hạt nhân Iran".
Theo bà Zakharova, nguyên nhân dẫn đến các hành động của Tehran là do thiếu kết quả thực tế cụ thể cho thấy nỗ lực khôi phục việc thực hiện đầy đủ JCPOA, đồng thời, các biện pháp trừng phạt đơn phương của Mỹ chống Iran và các nước thứ ba hợp tác với nước này vẫn tiếp tục có hiệu lực.
Moscow cũng lo ngại rằng, tình hình đang khiến các bên tham gia thỏa thuận xa rời mục tiêu và nhiệm vụ càng trở nên khó khăn hơn.
Người phát ngôn Zakharova lưu ý: "Chúng tôi tin rằng, cách duy nhất để thoát khỏi tình huống này là nối lại tiến trình đàm phán trong thời gian sớm nhất để hồi sinh JCPOA”.
Đại diện Bộ Ngoại giao Nga cũng kêu gọi các đối tác trong thỏa thuận hạt nhân và Mỹ từ bỏ các bước đi vội vàng có thể tạo ra những rào cản mới.