📞

Hội thảo ASEAN và quan hệ Mỹ - Trung

12:49 | 10/03/2016
Sáng 10/3, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo “ASEAN và quan hệ Trung – Mỹ: Những chuyển động mới và tác động tới khu vực”. 
Các đại biểu tại Hội thảo. (Ảnh: Phạm Hằng - TGVN)

Hội thảo do Quỹ Konard Adenaeur Stiftung (KAS) phối hợp với Học viện Ngoại giao tổ chức, với sự tham dự của Quyền Giám đốc Học viện Ngoại giao Nguyễn Vũ Tùng, Giám đốc KAS khu vực châu Á – Thái Bình Dương Rabea Brauer, Đại diện KAS tại Việt Nam Peter Girke, cùng đông đảo học giả trong nước và quốc tế đến từ Australia, Singapore, Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan…

Chiều hướng phát triển của quan hệ Trung - Mỹ là một trong những quan tâm hàng đầu đối với các nhà hoạch định chính sách và các nhà phân tích chiến lược ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Trong bối cảnh quan hệ Trung - Mỹ đang chứng kiến nhiều chuyển động mới mang tính phức tạp, khó lường, hội thảo quốc tế lần này là cơ hội để các học giả chia sẻ thông tin và đánh giá về các diễn biến mới trong mối quan hệ song phương quan trọng này và những hệ lụy của chúng đối với an ninh và phát triển của khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Với 4 phiên thảo luận sôi nổi, tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung phân tích 4 vấn đề chủ yếu là: Những chuyển động mới trong quan hệ Trung - Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương; Tác động của quan hệ Trung - Mỹ đến môi trường an ninh khu vực; Liệu vai trò trung tâm của ASEAN trong các cơ chế an ninh khu vực có bị thách thức? và, Làm thế nào để ASEAN duy trì được sự cân bằng trong quan hệ với Trung Quốc và Mỹ trong bối cảnh mới?

Chia sẻ trong phiên thảo luận đầu tiên của Hội thảo với chủ đề “Những chuyển động mới trong quan hệ Trung – Mỹ tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương”, Giáo sư Carlyle Thayer (Đại học New South Wales, Học viện Quốc phòng Australia) cho rằng, sẽ có những rủi ro lớn giữa Mỹ - Trung trong năm nay.

Cụ thể, Giáo sư Thayer nhận định: “Tới đây, Trung Quốc có thể thiết lập khu vực nhận diện phòng không (ADIZ) trên Biển Đông mà thực ra nó đã xuất hiện rồi, nhưng Bắc Kinh sẽ thực hiện ráo riết hơn để kiểm soát các chuyến bay đi lại trên Biển Đông”. Do vậy, Bắc Kinh và Washington có thể bị cuốn vào những xung đột cả trên biển lẫn trên không, từ đó tạo ra những căng thẳng mới trong quan hệ song phương.

Đồng tình với Giáo sư Thayer rằng, trong quan hệ Trung – Mỹ có những mâu thuẫn nhất định, nhưng Giáo sư Su Hao (Đại học Ngoại giao Trung Quốc) khẳng định sẽ không có xung đột trực diện Trung – Mỹ bởi xu hướng quan hệ giữa Mỹ, Trung Quốc và các nước khác trên thế giới là hợp tác và phối hợp hơn. Mối quan hệ của Mỹ và Trung Quốc ở châu Á – Thái Bình Dương “bề ngoài có sự cạnh tranh nhưng sâu hơn là sự tùy thuộc”. Theo Giáo sư Su Hao, các nước sẽ hợp tác theo mô hình “quả ô liu”, thay vì “quả tạ” như trong quá khứ. Các nước cần giảm căng thẳng để đẩy mạnh thịnh vượng.

Theo Giáo sư Thayer, có 4 nhân tố chính thôi thúc hành động mạnh mẽ hơn của Trung Quốc trên Biển Đông trong thời gian tới, bao gồm việc Toà án Trọng tài Quốc tế (PCA) sẽ ra phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc liên quan tới tranh chấp Biển Đông; Cuộc bầu cử vào tháng Năm tới của Phillipines; Mỹ ngày càng cứng rắn hơn trong vấn đề Biển Đông và Cuộc bầu cử ở Mỹ vào tháng 11 tới.

Trong bối cảnh đó, ông Thayer cho rằng, ASEAN phải cùng nhau làm rõ nội hàm của thuật ngữ “quân sự hoá”, từ đó xác định xem những lời biện minh mà Trung Quốc đưa ra có phù hợp hay không. Hiện nay, cả ASEAN và Mỹ đều chưa có khái niệm về thuật ngữ này. Bên cạnh đó, ASEAN phải tiếp tục thực hiện đầy đủ Tuyên bố các bên về ứng xử trên Biển Đông (DOC), và tiến tới Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC).  Giáo sư tỏ ra lạc quan với triển vọng trong năm 2016 các bên sẽ đạt được COC.

Quan hệ Trung – Mỹ có nhiều biến động theo chiều hướng gia tăng cạnh tranh sẽ đẩy ASEAN và “thế lưỡng nan” bởi bản thân ASEAN không muốn phải lựa chọn. Cạnh tranh càng tăng thì ASEAN càng khó trong mục tiêu cân bằng quan hệ với hai nước lớn này.