Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2019 do Chính phủ và Ban Kinh tế Trung ương đồng chủ trì với chủ đề “Phát triển kinh tế tư nhân Việt Nam trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa theo Nghị quyết 10-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 5 khóa XII và Nghị quyết 98-NQ/CP của Chính phủ”.
Thủ tướng dự Diễn đàn Kinh tế tư nhân năm 2019. |
Phiên toàn thể, khai mạc 14h là phiên đối thoại lớn với sự tham gia của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển và nhiều đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng là Bộ trưởng, Thứ trưởng và lãnh đạo các địa phương.
Khoảng 2.500 doanh nhân tư nhân sẽ tham dự phiên toàn thể, đối thoại với Chính phủ, các địa phương theo tinh thần công - tư, để góp phần tháo gỡ các rào cản, nút thắt để phát triển kinh tế tư nhân thực sự trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế.
Cùng với đó, Diễn đàn có 6 hội thảo chuyên đề, tập trung vào các chủ đề quan trọng, tập trung vào các lĩnh vực nổi cộm như du lịch, nông nghiệp, kinh tế số, khơi thông dòng vốn trung - dài hạn cho phát triển kinh tế.
Khu vực kinh tế tư nhân ở Việt Nam, nhất là sau 2 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 10-NQ/TW đã có bước phát triển mới cả về số lượng, chất lượng và có những đóng góp ngày càng tăng đối với sự phát triển của nền kinh tế và xã hội. Theo đó, số lượng doanh nghiệp tư nhân tăng mạnh từ 655.000 năm 2017 lên 730.000 năm 2018 và đạt hơn 743.000 doanh nghiệp vào cuối quý I/2019. Quy mô của nhiều doanh nghiệp ngày càng mở rộng, một số doanh nghiệp đạt tổng tài sản đến hàng trăm ngàn tỉ đồng và sử dụng hàng chục ngàn lao động. Khu vực kinh tế tư nhân hiện chiếm khoảng 40% GDP cả nước.
Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp tư nhân thành lập nhiều nhưng khả năng trụ vững và phát triển hiệu quả còn thấp. Phần lớn (97%) doanh nghiệp tư nhân là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, với khoảng 70% doanh nghiệp đăng ký có quy mô dưới 10 lao động và vốn đăng ký dưới 5 tỉ đồng. Cùng với đó là vốn ít, công nghệ sản xuất lạc hậu, trình độ quản lý yếu kém, hiệu quả và sức cạnh tranh yếu, ít đầu tư vào lĩnh vực sản xuất…
Tại Diễn đàn hôm nay, hàng loạt những khó khăn, vướng mắc trên từng lĩnh vực kinh tế sẽ được mổ xẻ, nhằm đưa ra hướng giải quyết cho từng vấn đề nóng, như xây dựng chiến lược quốc gia về phát triển du lịch, chuẩn hóa chuỗi nông, lâm, thủy sản, phát triển ngành công nghiệp phụ trợ hay cân bằng giữa định chế ngân hàng và phi ngân hàng.
Trên cơ sở ghi nhận những kiến nghị, đề xuất từ khu vực tư nhân, lãnh đạo Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương sẽ cùng thảo luận, phản hồi về từng hiến kế.