6 tháng đầu năm, mặc dù gặp nhiều khó khăn do khủng hoảng kinh tế, nhưng xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam sang Hàn Quốc vẫn đạt trên 77 triệu USD, tăng 43% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, theo số liệu thống kê của Hải quan Mỹ, thị phần hàng dệt may của Việt Nam trong quý I/2009 chiếm 4,74% tổng kim ngạch nhập khẩu hàng dệt may vào Mỹ (tăng 3,4% so với quý I/2008). Thị trường Mỹ đang tiếp tục đặt hàng dệt may từ Việt Nam. Tuy nhiên, một áp lực cạnh tranh mới với hàng dệt may Việt Nam vừa xuất hiện, đó là hàng dệt may Philippines được miễn thuế nhập khẩu vào Mỹ nếu sợi vải của sản phẩm đó có xuất xứ từ Mỹ hoặc Philippines.
So với Mỹ, xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam sang EU vẫn đang thuận lợi. Theo Trung tâm thông tin công nghiệp, sau nhiều kỳ (mỗi kỳ 15 ngày) duy trì mức kim ngạch khá trên 50 triệu USD, kim ngạch kỳ này (15 ngày đầu tháng 7/2009) là 83,5 triệu USD, tăng 61% so với kỳ liền trước. Tuy nhiên, thị phần hàng dệt may Việt Nam nhập khẩu vào EU đang ở mức thấp so với các nước khác.
Tại các thị trường mới như Trung Đông và châu Phi, hàng dệt may Việt Nam đang gặp nhiều thuận lợi. Kỳ cuối tháng 6/2009 (15/6 - 3/7/2009), kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Trung Đông đạt khoảng 26,22 triệu USD, tăng 35% so với kỳ cuối tháng 6/2009. Hiện Trung Đông tiêu thụ nhiều nhất là các loại quần áo cotton của Việt Nam. Các sản phẩm may mặc ở tầm trung vẫn có nhu cầu lớn ở thị trường này. Trong khi đó, Sudan chiếm tới 55% tổng kim ngạch dệt may Việt Nam xuất khẩu sang châu Phi. Nước này nhập khẩu duy nhất sản phẩm màn tuyn có tẩm thuốc chống muỗi. Lượng tiêu thụ đã tăng mạnh trong kỳ qua với 1,5 triệu chiếc. Loại hàng này cũng được tiêu thụ mạnh tại Angola với 425.000 chiếc, giá 2,12 USD/chiếc.
Theo đánh giá của cơ quan nghiên cứu thị trường quốc tế, mặc dù Việt Nam vẫn chỉ là nước sản xuất hàng dệt may loại trung bình, nhưng tốc độ tăng trưởng đã có tín hiệu “của mùa bội thu” và đứng thứ 36 trong bảng xếp hạng thế giới về giá trị gia tăng.
Cát Phương