TIN LIÊN QUAN | |
Thủ tướng thăm Czech: Thúc đẩy sớm đưa EVFTA vào hiệu lực | |
Thủ tướng nêu 3 câu hỏi lớn đối với ngành Du lịch |
Cuộc làm việc gần đây nhất của Thủ tướng với Thành phố cách đây đúng 3 tháng về kết quả thực hiện các cơ chế đặc thù đối với thành phố 10 triệu dân.
Tại cuộc làm việc hôm nay, lãnh đạo TPHCM cho biết về tình hình kinh tế-xã hội quý I/2019, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 7,64%, tương đương cùng kỳ 2018. Thu ngân sách ước đạt 98.365 tỷ đồng, tăng 7,18%. Lượng khách quốc tế đến Thành phố đạt hơn 2,2 triệu lượt, tăng hơn 14%. Đến nay, TPHCM đã ngăn chặn được dịch tả lợn châu Phi lây lan vào địa bàn.
Thủ tướng phát biểu tại cuộc làm việc. |
Về cơ chế, quy trình đặc thù để rút ngắn thời gian bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bàn giao mặt bằng, Thành phố kiến nghị được chủ động ban hành hệ số điều chỉnh giá đất bồi thường, hỗ trợ, tái định cư hằng năm để làm cơ sở lấy ý kiến người dân về phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và ban hành quyết định thu hồi đất, quyết định bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho những người dân đồng thuận theo quy định Khoản 2, Điều 67 Luật Đất đai 2013. Thành phố vẫn khảo sát, điều tra về giá đất cụ thể tại thời điểm thu hồi đất để tính bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho những trường hợp chưa đồng thuận.
TPHCM cũng kiến nghị về tạm ứng vốn cho dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị (metro) số 1 Bến Thành-Suối Tiên.
Theo kế hoạch vốn trung hạn 2016-2020, dự án được bố trí 7.500 tỷ đồng so với nhu cầu đăng ký là 20.500 tỷ đồng, số còn lại đã được bố trí trong năm 2016 và 2017 là 2.709 tỷ đồng. Riêng năm 2018 và 2019, do vướng mắc trong việc điều chỉnh tổng mức đầu tư nên số vốn còn lại trong kế hoạch vốn trung hạn đã không được bố trí là 4.791 tỷ đồng.
Thành phố kiến nghị chấp thuận cho tạm ứng từ ngân sách Trung ương với số tiền 2.158,5 tỷ đồng và nếu Trung ương không thể tạm ứng, kiến nghị Thủ tướng xem xét, chấp thuận cho UBND Thành phố được thực hiện tạm ứng từ ngân sách Thành phố số tiền này.
Thành phố kiến nghị Chính phủ chấp thuận chủ trương cho triển khai dự án đường vành đai 3, đoạn qua địa bàn, đồng thời cho phép Thành phố tạm ứng ngân sách để bồi thường giải phóng mặt bằng trong khi chờ Trung ương triển khai thủ tục và phương thức đầu tư để đẩy nhanh tiến độ dự án.
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân bày tỏ cảm ơn sự quan tâm của Thủ tướng khi có 2 cuộc làm việc với Thành phố trong vòng 3 tháng.
Ông Nguyễn Thiện Nhân khẳng định Thành phố sẽ tiếp tục tiên phong trong một số lĩnh vực như xây dựng đô thị thông minh, khai thác cơ hội và ứng dụng thành quả cách mạng 4.0, năng suất lao động và thu ngân sách cao nhất cả nước…
Thủ tướng bày tỏ vui mừng về kết quả mà TPHCM đạt được như GDP của TPHCM tăng cao hơn mức bình quân chung của cả nước. Đầu tư nước ngoài tiếp tục đứng thứ 2 cả nước với nhiều dự án có chất lượng hơn. Năng suất lao động bình quân cao gấp 3 lần của cả nước. Tinh thần tiên phong, tính dẫn đầu của Thành phố vẫn được khẳng định trong hành động, trong chỉ đạo và những công việc liên quan, Thủ tướng nêu rõ.
Tuy nhiên, Thành phố còn một số vấn đề tồn tại, bất cập. Dịch vụ là ngành kinh tế quan trọng nhưng 6/9 ngành dịch vụ tăng thấp hơn cùng kỳ. Thu hút đầu tư nước ngoài có tăng nhưng chưa tương xứng với vị thế, nhu cầu, nhất là các lĩnh vực công nghệ cao. Đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực chế biến, chế tạo rất khiêm tốn, chỉ chiếm 8% trong tổng số vốn đầu tư nước ngoài. Cải cách hành chính chưa đạt kết quả cao. Sức bật mới của Thành phố trong phát triển, vai trò trung tâm với miền Tây, miền Đông, các vành đai kết nối còn nhiều bất cập, phải tiếp tục tháo gỡ.
Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần tiên phong, dẫn đầu của TPHCM trong phát triển đối với cả nước. Đây không chỉ là yêu cầu của Đảng bộ, nhân dân Thành phố, là trách nhiệm của Thành phố đối với Đảng, Nhà nước, nhân dân cả nước mà còn là yêu cầu của cuộc sống, của sự phát triển. Phải tìm cách tháo gỡ các điểm nghẽn để phát triển, để có thể so sánh với các thành phố khác ở châu Á.
Vì thế, TPHCM phải là địa phương đi trước trong cuộc cách mạng 4.0, xây dựng thành phố thông minh, đô thị sáng tạo, cải cách hành chính hiệu quả, nâng cao năng lực cạnh tranh so với các thành phố khác. Phải tiếp tục là một trong những đầu tàu quan trọng của cả nước, trung tâm lớn và hiện đại về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học công nghệ của đất nước và khu vực ASEAN.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ủng hộ đề xuất của TP Hồ Chí Minh về cơ chế, quy trình đặc thù |
Thủ tướng đề nghị TPHCM triển khai quyết liệt, hiệu quả Nghị quyết 54 của Quốc hội, Nghị quyết 48 của Chính phủ, các kết luận của Trung ương để tiếp tục bứt phá, đóng góp 23-25% GDP và 27-28% tổng thu ngân sách cả nước.
Vì vậy, Thành phố cần phân công cụ thể, tăng cường giám sát, đôn đốc việc thực hiện 7 chương trình đột phá, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Tiếp tục khơi dậy và phát huy hơn nữa truyền thống, tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo của Đảng bộ, nhân dân Thành phố trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội.
Trong công tác chỉ đạo, cùng với kinh tế, quốc phòng, an ninh, TPHCM cần đi đầu trong một số vấn đề về xã hội, môi trường. Giải quyết nhà ở chính sách của Thành phố đã đạt 98%, cần triển khai tiếp 2% còn lại, đồng thời nên có chương trình quyết liệt hơn về nhà ở xã hội.
Giải quyết các kiến nghị cụ thể của TPHCM, Thủ tướng thể hiện sự ủng hộ việc có cơ chế đặc thù để xây dựng quy trình thí điểm rút ngắn thời gian thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Thủ tướng giao Bộ TN&MT tổng hợp các ý kiến, cùng TPHCM trình Thủ tướng để đưa ra phiên họp Chính phủ, từ đó có Nghị quyết của Chính phủ về vấn đề này.
Về dự án đường vành đai 3, Thủ tướng giao Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư, trình phê duyệt theo quy định. Trên cơ sở đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định và báo cáo Thủ tướng.
Nhân dịp này, Thủ tướng đã đến tham quan Trung tâm điều hành đô thị thông minh TPHCM.
| Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thị sát tuyến Metro Bến Thành - Suối Tiên Sáng 12/4, trong chuyến công tác tại thành phố Hồ Chí Minh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thị sát công trình xây dựng tuyến ... |
| Việt Nam luôn là đối tác quan trọng của Romania Việt Nam là một đối tác quan trọng và truyền thống của Romania ở Đông Nam Á. Hai nước đang có nhiều dự án hợp ... |
| Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Đoàn chuyên gia môi trường Nhật Bản Chiều 11/4, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Đoàn chuyên gia Nhật Bản về môi trường do Tiến sĩ Tadashi ... |