Trại David - nơi diễn ra Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Nhật-Hàn vào ngày 18/8. (Nguồn: Getty) |
Theo báo Sankei, đây là lần đầu tiên lãnh đạo nước ngoài được mời đến Trại David - khu nghỉ dưỡng của Tổng thống Mỹ gần thủ đô Washington D.C kể từ khi ông Joe Biden nhậm chức vào năm 2021. Điều đó thể hiện sự trọng thị của Mỹ đối với lãnh đạo hai nước Nhật Bản và Hàn Quốc.
Đáng chú ý, đây là lần đầu tiên lãnh đạo ba nước này tiến hành hội nghị thượng đỉnh ba bên mà không nhân dịp tham dự một sự kiện đa phương nào.
Tại Hội nghị, việc tăng cường khả năng răn đe và phản ứng của Mỹ, bao gồm cả vũ khí hạt nhân để đối phó với năng lực của Triều Tiên trong phát triển hạt nhân và tên lửa sẽ là một chủ đề thảo luận chính. Nhật Bản, Mỹ và Hàn Quốc đã nhất trí phương châm thực hiện chia sẻ toàn diện dữ liệu cảnh báo tên lửa trong năm nay. Tại cuộc họp thượng đỉnh, các bên sẽ thống nhất quan điểm sớm khởi động hoạt động này.
Ngoài việc củng cố khuôn khổ hợp tác ba bên, Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Nhật-Hàn cũng là cơ hội để nhanh chóng cải thiện và tăng cường quan hệ giữa Nhật Bản với Hàn Quốc sau lễ nhậm chức của chính quyền ông Yoon Suk Yeol.
Hội đàm cấp cao Nhật-Mỹ được tổ chức dịp này dự kiến sẽ đạt thỏa thuận phát triển chung tên lửa đánh chặn thế hệ mới đối phó với vũ khí siêu thanh mà Triều Tiên và Trung Quốc đang phát triển. Đây là lần phát triển chung thứ hai của tên lửa đánh chặn giữa Nhật Bản và Mỹ kể từ khi SM3 Block 2A được lắp đặt trên tàu Aegis của cả hai nước.
Tại cuộc họp báo hôm 15/8, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã gọi Nhật Bản và Hàn Quốc là “những đồng minh cốt lõi” của Mỹ, không chỉ ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương “mà còn trên toàn thế giới”.
Người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ cho biết, Washington tin tưởng Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Nhật-Hàn sẽ đánh dấu “thời đại mới” trong quan hệ hợp tác ba bên.