Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị. (Nguồn: TTXVN) |
Dự Hội nghị có Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh; Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên; Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng; lãnh đạo một số bộ, ngành liên quan.
Phát biểu mở đầu Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, chúng ta đang sống trong kỷ nguyên toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế với những cơ hội, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen; nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn.
Tình hình thế giới diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, ảnh hưởng mạnh đến kinh tế toàn cầu cũng như từng quốc gia, nhất là đại dịch Covid-19, xung đột Nga-Ukraine dẫn đến chuỗi cung ứng, lao động, sản xuất đứt gãy cục bộ; giá cả nguyên vật liệu đầu vào và nông sản ở mức cao, lạm phát ở nhiều nước tăng cao; an ninh năng lượng, an ninh lương thực ở mức đáng báo động, an ninh phi truyền thống, thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp; nhiều quốc gia, trong đó có những đối tác lớn của ta thay đổi chính sách theo hướng tăng lãi suất, thắt chặt tiền tệ, tài khóa... dẫn đến tổng cầu sẽ suy giảm.
Theo Thủ tướng, với nền kinh tế có độ mở lớn, sức chống chịu có hạn, chúng ta chịu tác động lớn bởi các yếu tố nêu trên. Trong bối cảnh đó, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, cùng các quyết sách quan trọng của Nhà nước, các Nghị quyết của Quốc hội; sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, mạnh mẽ, có trọng tâm, trọng điểm của Chính phủ, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị cùng cộng đồng doanh nghiệp, sự đồng lòng, ủng hộ của nhân dân cả nước và sự hỗ trợ của bạn bè quốc tế, tình hình kinh tế-xã hội 7 tháng đầu năm của nước ta tiếp tục khởi sắc, đạt kết quả tích cực trên hầu hết các lĩnh vực, được bạn bè quốc tế đánh giá cao, củng cố niềm tin cho người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Thủ tướng khẳng định, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được đảm bảo; thị trường tiền tệ cơ bản ổn định. Sản xuất nông nghiệp, công nghiệp tiếp tục phục hồi, phát triển. Hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa tiếp tục tăng trưởng cao: kim ngạch xuất nhập khẩu 7 tháng đầu năm 2022 đạt trên 433 tỷ USD, tăng 15,3% so với cùng kỳ và dự báo cả năm 2022 đạt khoảng 800 tỷ USD.
An sinh xã hội được quan tâm; trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; quốc phòng, an ninh được giữ vững; đối ngoại và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh. "Trong các thành tích nổi bật đó có sự đóng góp quan trọng của hoạt động ngoại thương, mà trực tiếp là của ngành Công Thương với hệ thống Thương vụ ở nước ngoài", Thủ tướng khẳng định.
Cũng theo Thủ tướng, dự báo tình hình thế giới, khu vực thời gian tới tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, có thể dẫn tới nhiều hệ luỵ cho hoạt động xuất nhập khẩu và kinh tế trong nước do chúng ta có độ mở lớn. Trong khi đó, các thị trường lớn của Việt Nam sẽ chịu nhiều tác động của lạm phát, đồng tiền mất giá, thị trường xuất nhập khẩu thu hẹp…
Bối cảnh đó đòi hỏi ngành Công Thương nói chung và hệ thống Thương vụ ở nước ngoài nói riêng phải tích cực, chủ động hơn nữa công tác nghiên cứu thị trường, tham mưu chính sách và nâng cao hiệu quả hỗ trợ doanh nghiệp trong nước xây dựng, điều chỉnh chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh phù hợp, tận dụng các cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà nước ta là thành viên.
Thủ tướng Chính phủ cho rằng, hội nghị này có ý nghĩa quan trọng để thảo luận, phân tích tình hình, xác định những khó khăn, vướng mắc và trao đổi, đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác Thương vụ, phát triển và đa dạng hóa thị trường, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Do đó, Thủ tướng đề nghị lãnh đạo các bộ, ngành, các cơ quan thương mại Việt Nam ở nước ngoài, với tinh thần thẳng thắn, cởi mở, xây dựng, cầu thị, phát biểu ngắn gọn, đi thẳng vào vấn đề. Trong đó tập trung trao đổi, phân tích tình hình, chính sách của nước sở tại; khuyến nghị các biện pháp cụ thể giúp các địa phương, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp trong nước tận dụng cơ hội để phát triển, đa dạng hóa thị trường, mở rộng thị trường xuất khẩu, đa dạng hóa các chuỗi cung ứng.
Thủ tướng đề nghị các đại biểu nêu những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai nhiệm vụ, trong công tác phối hợp với nước sở tại, với các bộ, ngành, cơ quan, địa phương, doanh nghiệp trong nước; đề xuất giải pháp cụ thể tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; đồng thời chia sẻ những tâm tư, nguyện vọng về chế độ, chính sách, điều kiện sống và làm việc để tạo điều kiện cho hệ thống Thương vụ tại nước ngoài hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao.