Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm và nói chuyện tại Đại học tổng hợp San Francisco (USF). (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Chia sẻ với các giảng viên và sinh viên tại đây, Thủ tướng cho biết, chuyến công tác lần này, đoàn Việt Nam đến với Hoa Kỳ trong tâm thế rất vui và càng có ý nghĩa hơn khi hai nước vừa nâng cấp lên khuôn khổ Đối tác chiến lược toàn diện.
Người đứng đầu Chính phủ cho hay, tuyên bố chung của lãnh đạo hai nước đã nhấn mạnh hợp tác giáo dục - đào tạo là một trong những trọng tâm của quan hệ song phương, nhất là trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, giúp Việt Nam đạt được các mục tiêu phát triển.
Thủ tướng đánh giá cao những thành tựu giáo dục đào tạo của trường Đại học tổng hợp San Francisco, trường đại học đầu tiên ở California, có bề dày lịch sử, không chỉ đào tạo cho Hoa Kỳ mà còn cho hơn 100 nước trên thế giới. “Chúng tôi rất nể phục về điều này”, Thủ tướng nói.
Theo người đứng đầu Chính phủ Việt Nam, Mỹ là một trong những quốc gia có nền giáo dục hiện đại, trong đó có Đại học tổng hợp San Francisco. Trong nền giáo dục hiện đại chung của trường, Việt Nam tự hào là nước có số nghiên cứu sinh đứng thứ 3 sau Trung Quốc, Ấn Độ, trong khi Việt Nam có 100 triệu dân còn Trung Quốc và Ấn độ có hơn 1 tỷ dân.
Thủ tướng cho biết, chuyến công tác lần này, đoàn Việt Nam đến với Hoa Kỳ trong tâm thế rất vui và càng có ý nghĩa hơn khi hai nước vừa nâng cấp lên khuôn khổ Đối tác chiến lược toàn diện. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Cho rằng các trường đại học tại Hoa Kỳ nói chung và Đại học tổng hợp San Francisco nói riêng đã góp phần nâng cao nguồn nhân lực của Việt Nam thời gian qua, Thủ tướng hy vọng trong tương lai, trường sẽ đào tạo nguồn nhân lực nhiều và hiệu quả hơn cho Việt Nam.
Thủ tướng mong các cơ sở đào tạo giáo dục đào tạo của Hoa Kỳ tiếp tục mở rộng, nâng cao chất lượng cũng như số lượng sinh viên đến Hoa Kỳ đào tạo ngày càng nhiều hơn.
“Đề nghị Hoa Kỳ cung cấp cho Việt Nam nhiều suất học bổng trên nhiều lĩnh vực, trong đó tập trung vào ngành phục vụ chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ… là những lĩnh vực hiện Việt Nam đang rất cần”, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh.
Thủ tướng cho biết, trong đường lối chung của Việt Nam, giáo dục là quốc sách hàng đầu. Việc đào tạo thế hệ trẻ, học tập suốt đời là chủ trương của Việt Nam, đồng thời nhấn mạnh, đột phá về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong ba đột phá chiến lược của Việt Nam.
Chính vì vậy, trụ cột hợp tác Việt Nam-Hoa Kỳ về đào tạo giáo dục là phù hợp với đường hướng của Việt Nam và xu thế của thời đại, cũng như chính sách của Hoa Kỳ.
“Trong một xu thế chung như vậy, chúng tôi mong muốn Trường Đại học tổng hợp San Francisco đi đầu trong việc đón nhận, nâng số học bổng cũng như tạo điều kiện cho sinh viên Việt Nam đến đây học tập”, Thủ tướng đề nghị.
Tham dự còn có nhiều sinh viên Việt Nam đang theo học tại trường. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
“Một năm bắt đầu từ mùa Xuân, cuộc đời bắt đầu từ tuổi trẻ. Vì vậy, các bạn trẻ đến đây học tập cần phát huy tối đa năng lực của mình, cạnh tranh, tương tác để luôn nằm trong top đầu các ngành nghề mà thế giới và Việt Nam đang cần”, Thủ tướng nhắn nhủ.
Thủ tướng mong rằng, các bạn trẻ cần phát huy tối đa tinh thần tự hào dân tộc, sự hiếu học, yêu nước, nỗ lực học tập, rèn luyện, chứng minh rằng dân tộc ta không thua bất cứ dân tộc nào trong bất cứ lĩnh vực nào; mong các thầy cô trong tình cảm chung của quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ, luôn dành tình cảm riêng cho sinh viên Việt Nam.
Liên quan tới chia sẻ của Hiệu trưởng trường - cha Paul J. Fitzgerald, S.J. về những đóng góp của các tôn giáo trong lịch sử Việt Nam, trong đó có quá trình hình thành chữ Quốc ngữ, Thủ tướng tán thành và chia sẻ rằng, các tôn giáo đã có đóng góp to lớn trong quá trình hình thành văn hóa Việt Nam, cũng như sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.
Thủ tướng nhắc lại, ngay trong bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trích dẫn Tuyên ngôn Độc lập của nước Mỹ, khẳng định quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc của mỗi người.
Là một quốc gia đa dân tộc và đa tôn giáo với đời sống tín ngưỡng tôn giáo phong phú, Thủ tướng khẳng định, Nhà nước Việt Nam luôn thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, quyền theo và không theo tôn giáo của người dân. Việt Nam bảo đảm sự bình đẳng, không phân biệt đối xử vì lý do tôn giáo, tín ngưỡng; bảo hộ hoạt động của các tổ chức tôn giáo bằng pháp luật.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Chính phủ luôn khuyến khích sinh viên trở về nước. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
"Nếu có ai đó chưa hiểu về Việt Nam, về chính sách dân tộc và tôn giáo của Việt Nam thì nhân đây, tôi cũng nhờ các giáo viên và sinh viên của Đại học tổng hợp San Francisco nói cho họ rõ. Chúng tôi cũng sẵn sàng mời mọi người đến thăm Việt Nam để tận mắt chứng kiến thực tế thực hiện chính sách dân tộc, chính sách tôn giáo tại Việt Nam”, Thủ tướng nói.
Dẫn lại câu nói của người Việt "trăm nghe không bằng một thấy", nhắc lại câu ca dao Bầu ơi thương lấy bí cùng/Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn, Thủ tướng nhấn mạnh chủ trương đại đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo của Việt Nam.
Tại sự kiện, sinh viên đặt câu hỏi với Thủ tướng về chính sách của Việt Nam để các sinh viên sống học tập nước ngoài trở về đóng góp xây dựng đất nước, tạo môi trường hỗ trợ họ lập nghiệp.
Trả lời, Thủ tướng cho biết, đây là câu hỏi mà nhiều kiều bào nhắn nhủ đến ông trong những chuyến công du tại nhiều nước. Việc kêu gọi sinh viên đang học tập nước ngoài trở về đất nước cống hiến nằm trong chính sách chung của Việt Nam.
“Chính phủ luôn khuyến khích sinh viên trở về nước nhưng tôn trọng sự lựa chọn của các bạn, khuyến khích các bạn tiếp tục nâng cao năng lực, trình độ của mình, khi nào thấy mình về cống hiến tốt hơn thì chúng tôi sẵn sàng đón nhận”, Thủ tướng nói.
Hiện Việt Nam thu hút các sinh viên trẻ có tài năng bằng nhiều chính sách, trong đó có nghị định 140/2017 của Chính phủ về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ.
| Tầm vóc mới của quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ Với việc nâng tầm quan hệ với Hoa Kỳ lên Đối tác chiến lược toàn diện, lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam có ... |
| Quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ lên tầng nấc mới, tầm vóc quốc tế và những thông điệp ý nghĩa Truyền thông quốc tế và các hãng thông tấn lớn trên thế giới dành nhiều thời lượng đăng tải thông tin, thông điệp về sự ... |
| Thủ tướng Phạm Minh Chính lên đường dự Đại hội đồng Liên hợp quốc, hoạt động song phương tại Hoa Kỳ, thăm chính thức Brazil Chiều nay, ngày 17/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam lên đường bắt đầu chuyến tham dự Phiên ... |
| Thủ tướng Phạm Minh Chính đến San Francisco, bắt đầu chuyến tham dự Đại hội đồng Liên hợp quốc, làm việc tại Hoa Kỳ Sáng nay 18/9, theo giờ Hà Nội (khoảng 16h45, ngày 17/9 theo giờ địa phương), chuyên cơ chở Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn ... |
| Chuyện nhỏ về một chân dung lớn, nhà chiến lược nhà ngoại giao quốc phòng xuất sắc, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh Thượng tướng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh từng đảm nhiệm nhiều cương vị, lĩnh vực khác nhau. Ở cương vị, lĩnh ... |