Back to E-magazine
e magazine
17:06 | 12/09/2023
Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ: Kỳ tích từ những bước chân không mỏi

17:06 | 12/09/2023

Phải qua thời gian thử thách với bao thăng trầm, những bước chân mạnh mẽ vượt qua bao rào cản… cuối cùng, quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ đã có một cái "kết đẹp".

Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Hoa Kỳ:  Kỳ tích từ những bước chân không mỏi

Đại sứ Nguyễn Quốc Cường, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ (2011-2014) cho rằng, nếu như những đề nghị của Chủ tịch Hồ Chí Minh cách đây gần 80 năm được Chính quyền Hoa Kỳ lúc đó quan tâm đáp ứng thì lịch sử hai nước có thể đã khác hẳn. Phải qua thời gian thử thách với bao thăng trầm, những bước chân mạnh mẽ vượt qua bao rào cản… cuối cùng, quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ đã có một cái “kết đẹp”.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đón Tổng thống Joe Biden.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hội đàm với Tổng thống Joe Biden.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hội đàm với Tổng thống Joe Biden.Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hội đàm với Tổng thống Joe Biden.

“Tôi và Ngài Tổng thống Joe Biden đã thay mặt hai nước thông qua Tuyên bố chung, thiết lập Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình, hợp tác, phát triển bền vững”, câu nói của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong cuộc họp báo sau hội đàm được phát trên các phương tiện truyền thông báo chí vào chiều muộn 10/9 mang lại bầu không khí hân hoan tới nhiều gia đình Việt Nam, từ mọi thế hệ, mọi tầng lớp, ngành nghề… Với Đại sứ, một người “trong cuộc thầm lặng” với nhiều năm tháng sự nghiệp gắn liền với quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ, khoảnh khắc ấy được “gọi tên” như nào?

Vâng, như mọi người, tôi cũng rất vui và xúc động khi nghe cả Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Joe Biden cùng thông báo quyết định thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Hoa kỳ.

Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Hoa Kỳ:  Kỳ tích từ những bước chân không mỏi

Với những người mà bạn gọi là “trong cuộc thầm lặng” của cả hai bên, khi tôi được gặp họ trong tiệc chiêu đãi của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng dành cho Tổng thống Biden và đoàn trưa 11/9, chúng tôi chỉ bắt tay và tự chúc mừng nhau bằng một câu: “We made it!”

Tổng thống Biden đã mô tả khoảnh khắc này bằng hai câu thơ trong Truyện Kiều của Nguyễn Du: “Vinh hoa bõ lúc phong trần. Chữ tình ngày lại thêm Xuân một ngày”. Chắc ngày mai tôi sẽ đi mua một cuốn Truyện Kiều mới để đọc và suy ngẫm thêm mất thôi!

Còn nhớ câu thơ trong Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du mà Tổng thống Joe Biden từng trích dẫn khi tiếp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Mỹ tháng 7/2015: "Trời còn để có hôm nay/Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời". Dường như “hôm nay” mà Tổng thống Joe Biden muốn nhắc tới đã thực sự rõ ràng, thưa Đại sứ?

Đúng như kỳ vọng, chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden theo lời mời của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng trong hai ngày 10-11/9 đã mở ra một chương mới trong quan hệ giữa Việt Nam và Hoa kỳ với việc lãnh đạo hai nước tuyên bố thiết lập “Đối tác chiến lược toàn diện vì hoà bình, hợp tác và phát triển bền vững” và nhiều thoả thuận hợp tác có tính đột phá, xứng tầm với việc nâng cấp quan hệ.

Chuyến thăm mang ý nghĩa đặc biệt và được cả hai bên đánh giá là “lịch sử” này được thực hiện đúng vào thời điểm kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện (2013-2023) và cũng là dịp kỷ niệm 50 năm ngày ký kết Hiệp định Paris chấm dứt chiến tranh và lập lại hoà bình ở Việt Nam (1973-2023).

Nửa thế kỷ đã trôi qua và từ cựu thù, giờ đây hai nước đã trở thành Đối tác chiến lược toàn diện của nhau. Đó thực sự là một kỳ tích mà ít ai có thể hình dung được vào thời điểm 50 năm trước đây.

Xa hơn nữa, cách đây gần 80 năm, với tầm nhìn xa trông rộng của mình, ngay những ngày đầu mới lập lên Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (2/9/1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rất quan tâm đến việc xây dựng và phát triển quan hệ hợp tác toàn diện với Hoa kỳ.

Theo Hồ sơ Lầu Năm Góc đã được giải mật năm 2011 thì chỉ trong vòng nửa năm, từ tháng 9/1945-2/1946, Người đã có 10 lần viết thư cho Tổng thống Hoa Kỳ Harry Truman và Ngoại trưởng James Byrnes đề nghị Hoa Kỳ ủng hộ nền độc lập của Việt Nam (Thư gửi Ngoại trưởng Hoa Kỳ 26/11/1945) và nêu rõ mục tiêu của Việt Nam là “độc lập hoàn toàn và hợp tác đầy đủ với Hoa kỳ” (Thư gửi Tổng thống Truman 16/2/1946), đồng thời đề nghị một số lĩnh vực hợp tác cụ thể về kinh tế, văn hoá, giáo dục và quân sự.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Joe Biden phát biểu trước báo chí sau hội đàm.Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Joe Biden phát biểu trước báo chí sau hội đàm.

Tại Hà Nội, Tổng thống Joe Biden khẳng định rõ ràng “Việt Nam là quốc gia quan trọng trên thế giới và trong khu vực”. Thưa Đại sứ, vai trò, vị thế quốc tế của Việt Nam đã được khẳng định và đánh giá cao?

Nếu như những đề nghị của Chủ tịch Hồ Chí Minh cách đây gần 80 năm được Chính quyền Hoa Kỳ lúc đó quan tâm đáp ứng thì lịch sử hai nước có thể đã khác hẳn.

Nhưng rất tiếc Chính quyền Hoa Kỳ lúc đó đã bỏ qua. Lần này, chính phía Hoa Kỳ lại chủ động đặt vấn đề nâng cấp quan hệ với Việt Nam lên tầm cao mới. Bản thân điều này cho thấy Hoa Kỳ nay đã thực sự coi trọng chính sách đối nội, đối ngoại của Việt Nam, cũng như vai trò chủ động, tích cực và có trách nhiệm của Việt Nam ở cả tầm khu vực và trên thế giới. Tại Hà Nội, Tổng thống Joe Biden khẳng định rõ ràng “Việt Nam là quốc gia quan trọng trên thế giới và trong khu vực”.

Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Hoa Kỳ:  Kỳ tích từ những bước chân không mỏi

Với việc nâng tầm quan hệ với Hoa Kỳ lên Đối tác chiến lược toàn diện, lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam đã có quan hệ Đối tác chiến lược với tất cả các đối tác quan trọng hàng đầu, trong đó có cả 5 nước Uỷ viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Hơn thế nữa, Việt Nam là nước duy nhất trên thế giới có thể xác lập và duy trì quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện cùng lúc với cả 3 cường quốc hàng đầu trên thế giới là Trung Quốc, Nga và Hoa Kỳ.

Điều đó vừa khẳng định tính đúng đắn của chính sách đối ngoại độc lập tự chủ, đa dạng hoá, đa phương hoá quan hệ của Việt Nam, vừa là minh chứng rõ ràng của vai trò và vị thế quốc tế của Việt Nam đều được các nước đánh giá cao.

Trong một thế giới đầy biến động, cạnh tranh chiến lược ngày càng gay gắt giữa các nước lớn, Việt Nam vẫn lựa chọn con đường của chính mình, không đi với bên này chống bên kia.

Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy, là thành viên tích cực và có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, tất cả vì lợi ích quốc gia-dân tộc, vì hoà bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển của khu vực và thế giới. Và các cường quốc hàng đầu trên thế giới đều tôn trọng đường lối đối ngoại đó của Việt Nam với việc họ đều muốn duy trì và phát triển hơn nữa quan hệ với Việt Nam.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng hội kiến Tổng thống Joe BidenThủ tướng Phạm Minh Chính hội kiến Tổng thống Joe BidenChủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ hội kiến Tổng thống Joe Biden

Theo Đại sứ, đâu là điểm nhấn quan trọng nhất trong “Tuyên bố chung của các nhà Lãnh đạo: Nâng cấp quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ lên Đối tác chiến lược toàn diện”?

Tuyên bố chung thiết lập Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước tái khẳng định các nguyên tắc cơ bản đã được hai bên thống nhất khi xác lập Đối tác toàn diện cách đây 10 năm, đó là tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, tôn trọng độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, và thể chế chính trị của nhau.

Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Hoa Kỳ:  Kỳ tích từ những bước chân không mỏi

Bản thân chuyến thăm lần này của Tổng thống Hoa Kỳ theo lời mời của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam là sự khẳng định Hoa Kỳ đã tuân thủ cam kết tôn trọng thể chế chính trị của Việt Nam. Đây chính là tiền đề rất quan trọng để hai nước củng cố lòng tin, tăng cường hợp tác ở tầm vóc mới trong khi tiếp tục xử lý những khác biệt trên tinh thần tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau.

Sau gần 40 năm đổi mới, thế và lực của Việt Nam giờ đã khác trước rất nhiều. Việt Nam ngày nay là một đất nước với 100 triệu dân, một nền kinh tế phát triển năng động có quy mô xếp thứ 36 trên thế giới, hội nhập quốc tế sâu rộng và toàn diện với 16 hiệp định thương mại tự do (FTA) với hầu hết các nền kinh tế lớn trên thế giới.

Việt Nam ngày nay đã ở vị thế tốt hơn để có thể tăng cường hợp tác trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi với Mỹ và các quốc gia khác. Việt Nam cũng có khả năng tham gia sâu hơn vào các chuỗi cung ứng toàn cầu.

Những nội dung cơ bản làm nền tảng cho một kỷ nguyên mới trong quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ đều được nhấn mạnh rất rõ ràng, thưa Đại sứ?

Đúng như vậy, Tuyên bố chung khẳng định hợp tác kinh tế thương mại và đầu tư theo hướng đổi mới sáng tạo được hai bên xác định là lĩnh vực hợp tác trọng tâm, nền tảng và động lực của quan hệ hai nước.

Hợp tác kinh tế thương mại trong bối cảnh mới sẽ mang những nội dung mới, rất quan trọng cho sự phát triển của cả hai nước, đó là hợp tác trong nỗ lực đa dạng hoá chuỗi cung ứng, phát triển cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, kinh tế số, kinh tế xanh và công nghệ cao.

Tăng cường hợp tác khoa học công nghệ được xác định là lĩnh vực mang tính đột phá mới. Hai nước sẽ tập trung vào việc tạo nền tảng công nghệ số, hệ sinh thái bán dẫn và ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Đồng thời, chuyển đổi năng lượng, công nghệ sinh học, y tế, dược phẩm cũng sẽ được chú trọng.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Tổng thống Joe Biden cùng dự Hội nghị cấp cao Việt Nam-Hoa Kỳ về đầu tư và đổi mới sáng tạo

Giáo dục đào tạo là một lĩnh vực hợp tác quan trọng, mang tầm chiến lược bởi lẽ con người luôn là yếu tố quyết định. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến hợp tác với Hoa Kỳ trong lĩnh vực này. Chỉ hai tháng sau ngày tuyên bố độc lập, Người đã nêu đề nghị cử 50 tri thức Việt Nam sang học tập ở Hoa Kỳ (Thư gửi Ngoại trưởng Mỹ ngày 1/11/1945). Ngày nay số sinh viên, nghiên cứu sinh Việt Nam ở Mỹ đã là 30.000 người. Lãnh đạo hai nước bày tỏ quyết tâm tăng cường hợp tác trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao này, coi đây là một lĩnh vực trọng yếu và lâu dài.

Khắc phục hậu quả chiến tranh tiếp tục được hai bên xác định là một lĩnh vực hợp tác ưu tiên. Tổng thống Biden khẳng định Hoa Kỳ sẽ tiếp tục hợp tác với Việt Nam trong việc rà vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh, tẩy rửa ô nhiễm môi trường do chất độc dioxin gây ra, mở rộng chương trình giúp đỡ người khuyết tật, việc quy tập hài cốt của những quân nhân của cả hai bên còn mất tích trong chiến tranh. Đây không chỉ là công việc có tính chất nhân đạo. Đây còn là lương tâm, là trách nhiệm. Việc giải quyết tốt những vấn đề này cũng sẽ tạo điều kiện để hai bên tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực khác.

Theo Đại sứ, việc nâng tầm Đối tác chiến lược toàn diện với Hoa Kỳ đã thể hiện như thế nào về đường hướng đối ngoại của Việt Nam, theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng?

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam xác định mục tiêu đầy tham vọng, phấn đấu tới 2030 Việt Nam là một nước đang phát triển, có thu nhập trung bình cao, và năm 2045 là nước phát triển có thu nhập cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Hoa Kỳ:  Kỳ tích từ những bước chân không mỏi

Đại hội cũng xác định mục tiêu trong công tác đối ngoại là “bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc”, bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng.

Nâng tầm Đối tác chiến lược toàn diện với Hoa Kỳ, cùng với việc tiếp tục làm sâu sắc hơn nữa quan hệ với các đối tác quan trọng khác nhằm tận dụng mọi nguồn lực cả bên trong và bên ngoài chính là sự triển khai có hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh việc lãnh đạo hai nước nhất trí xác lập Đối tác chiến lược toàn diện là có ý nghĩa rất quan trọng, nhưng cũng chỉ mới là bước khởi đầu. Quan trọng hơn đó chính là việc các bộ ngành và nhân dân hai nước sẽ triển khai, hiện thực hoá những thoả thuận của lãnh đạo cấp cao trong thời gian tới như thế nào.

Ngạn ngữ tiếng Anh có câu “where there is a will, there’s a way”. Miễn là hai bên cùng có ý chí, quyết tâm vượt qua mọi rào cản, tôn trọng các cam kết, đổi mới và sáng tạo trong hợp tác, tôi tin tưởng rằng quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện vì hoà bình, hợp tác và phát triển bền vững giữa Việt Nam và Hoa Kỳ sẽ có những đột phá mới, đưa quan hệ hai nước ngày càng phát triển một cách thực chất và hiệu quả hơn nữa, vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hoà bình, hợp tác và phát triển của khu vực và thế giới.

Thực hiện: Phương Hằng | Thiết kế: Lim Dim | Ảnh: Baoquocte.vn, TTXVN…

Đọc thêm

'Việt Nam thực chất đã vận hành như một nền kinh tế thị trường'

'Việt Nam thực chất đã vận hành như một nền kinh tế thị trường'

Việc Mỹ sớm công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường sẽ nhất quán, phù hợp với việc tăng cường quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, cụ thể hóa các cam kết để mang lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp và người tiêu dùng của cả hai nước. Chính việc công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường sẽ giúp đẩy nhanh việc chuyển dịch chuỗi cung ứng, phù hợp với chiến lược friend-shoring của Mỹ để sắp xếp lại chuỗi cung ứng đến các quốc gia an toàn và đáng tin cậy.
Nước Nga - Những ký ức không xa và 'bản tình ca' theo năm tháng

Nước Nga - Những ký ức không xa và 'bản tình ca' theo năm tháng

Với Đại sứ Việt Nam tại Nga Ngô Đức Mạnh (nhiệm kỳ 2018-2021), bạn bè ông hay nhiều thế hệ người Việt từng đi qua những tháng năm chiến tranh rồi bỡ ngỡ bước chân vào hòa bình, Liên Xô, nước Nga, lý tưởng của người Nga đẹp đẽ vô cùng… “Tình yêu” ấy đến nay vẫn bỏng cháy và thiêng liêng.
OECD 2024: Nơi kết nối và giao lưu - Mở cơ hội phát triển

OECD 2024: Nơi kết nối và giao lưu - Mở cơ hội phát triển

Nhận lời mời của Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio và Tổng thư ký Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) Mathias Cormann, từ ngày 2-3/5, tại thủ đô Paris, Pháp, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã tham dự Hội nghị Hội đồng Bộ trưởng OECD năm 2024 (MCM 2024).
Một ngày hoạt động đầy năng lượng của Chủ tịch Đại hội đồng UNESCO tại Ninh Bình

Một ngày hoạt động đầy năng lượng của Chủ tịch Đại hội đồng UNESCO tại Ninh Bình

Trong chuyến thăm chính thức Việt Nam từ ngày 24-27/4, Chủ tịch Đại hội đồng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) Simona-Mirela Miculescu dành trọn một ngày tham gia nhiều hoạt động ở Ninh Bình.
Diễn đàn Tương lai ASEAN: Mở đầu cho những kế hoạch mới

Diễn đàn Tương lai ASEAN: Mở đầu cho những kế hoạch mới

ASEAN không phải dấu cộng của các cuộc họp, ASEAN là một hành trình. Diễn đàn Tương lai ASEAN (AFF) cũng không phải là tổng các phiên thảo luận, tiếp xúc mà là những ý tưởng vô tận với ý nghĩa đặc biệt “dành riêng cho ASEAN, của ASEAN, vì ASEAN và vì người dân ASEAN”.
Câu chuyện của người xây dựng AWEN - 'Ngôi nhà chung' cho nữ doanh nhân ASEAN

Câu chuyện của người xây dựng AWEN - 'Ngôi nhà chung' cho nữ doanh nhân ASEAN

AWEN - “ngôi nhà chung” cho doanh nhân nữ ASEAN, là dấu ấn đẹp của Việt Nam trong việc tạo dựng một mạng lưới hỗ trợ các doanh nhân nữ trong khu vực, đồng thời khơi dậy tiềm năng của họ cho sự tiến bộ và phát triển toàn diện trong ASEAN.