Chủ tịch Liên đoàn các Phòng Thương mại Saudi Arabia (FSC) Hassan Al Hwaizyi đón Thủ tướng Phạm Minh Chính đến dự Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam-Saudi Arabia. (Nguồn: TTXVN) |
Nhân dịp dự Hội nghị cấp cao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) - Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) và thăm Saudi Arabia, sáng 19/10 (giờ địa phương), tại thủ đô Riyadh của Saudi Arabia, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam-Saudi Arabia do Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Đại sứ quán Việt Nam tại Saudi Arabia, Liên đoàn các Phòng Thương mại Saudi Arabia (FSC) tổ chức.
Cùng dự có Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên; Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung; Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Việt Nam và Saudi Arabia.
Thời gian qua, hợp tác kinh tế - đầu tư - thương mại đóng vai trò quan trọng trong quan hệ giữa Việt Nam-Saudi Arabia và luôn được quan tâm thúc đẩy phát triển.
Đến tháng 9/2023, Saudi Arabia có 7 dự án đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn đăng ký đạt 8,27 triệu USD, đứng thứ 79/144 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư vào Việt Nam.
Kim ngạch thương mại song phương 9 tháng đầu năm 2023 đạt trên 2 tỷ USD. Việt Nam và Quỹ Saudi Arabia đã ký hơn 10 dự án với tổng vốn ODA khoảng trên 165 triệu USD.
Các đại biểu tham dự diễn đàn đã giới thiệu và thảo luận về tiềm năng hợp tác thương mại, công nghiệp và năng lượng giữa Việt Nam và Saudi Arabia; chính sách thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam; tình hình thương mại, đầu tư giữa hai nước; đưa ra các đề xuất thúc đẩy hợp tác đầu tư, bổ trợ cho nhau cùng phát triển giữa hai nước, doanh nghiệp hai nước, nhất là trong các lĩnh vực bên này có nhu cầu, bên kia có thế mạnh.
Đánh giá cao môi trường đầu tư tại Việt Nam, Chủ tịch Liên đoàn Phòng Thương mại Saudi Arabia Hassan Al Hwaiziy cho biết các doanh nghiệp Saudi Arabia mong muốn đầu tư vào Việt Nam trong các lĩnh vực phát triển đô thị, công nghiệp hóa dầu, khoáng sản, du lịch, giải trí, sản xuất thép, năng lượng tái tạo, công nghiệp thực phẩm, công nghệ thông tin, dệt may… nhằm tăng gấp đôi quy mô hợp tác đầu tư so với hiện nay.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam-Saudi Arabia. (Nguồn: TTXVN) |
Phát biểu tại diễn đàn, thông tin về tình hình Việt Nam sau gần 40 năm đổi mới, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết Việt Nam đã trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 trong ASEAN; 1 trong 20 nền kinh tế có quy mô thương mại lớn nhất thế giới; là nước xuất khẩu gạo và nhiều nông sản hàng đầu thế giới; tham gia 16 hiệp định thương mại tự do (FTA) với hầu hết các quốc gia, nền kinh tế lớn của thế giới.
Theo Thủ tướng, từ đầu năm 2023 đến nay, trước tình hình lạm phát neo ở mức cao và tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt, lãi suất cao ở nhiều nước, Việt Nam đã nỗ lực giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Việt Nam tiếp tục được cộng đồng quốc tế, nhà đầu tư đánh giá tích cực về triển vọng tăng trưởng và môi trường đầu tư kinh doanh. Nhiều tổ chức quốc tế uy tín dự báo Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì mức tăng trưởng thuộc nhóm cao nhất của khu vực và thế giới.
Thủ tướng khẳng định: “Những kết quả nêu trên là nhờ sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ của người dân, doanh nghiệp trên nền tảng phát huy tối đa nội lực, khả năng bứt phá và thích ứng linh hoạt của nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt là sự ủng hộ, hỗ trợ hiệu quả của cộng đồng quốc tế, trong đó có Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp Saudi Arabia”.
Thông tin tới diễn đàn về các định hướng lớn của Việt Nam trong công cuộc đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, đường lối đối ngoại, chính sách quốc phòng “4 không” và xây dựng Đảng cầm quyền trong sạch, vững mạnh, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh xuyên suốt quá trình này, Việt Nam lấy con người làm trung tâm, chủ thể, động lực, nguồn lực và là mục tiêu của sự phát triển; không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội, an sinh xã hội, không hy sinh bảo vệ môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần. “Đây là những nền tảng quan trọng để các doanh nghiệp yên tâm đầu tư ổn định, lâu dài, hiệu quả tại Việt Nam”, Thủ tướng chỉ rõ.
Toàn cảnh Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam-Saudi Arabia. (Nguồn: TTXVN) |
Về quan hệ Việt Nam-Saudi Arabia, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá quan hệ hữu nghị và hợp tác hai nước thời gian qua đã có những bước phát triển mạnh mẽ, sâu sắc, thực chất, hiệu quả; hướng đến tầm cao mới dựa trên sự tin tưởng chân thành, chia sẻ lợi ích, thành quả hợp tác, tình hữu nghị vững chắc.
Hai bên duy trì các hoạt động tiếp xúc cấp cao và thường xuyên ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương. Hai bên đã xây dựng nhiều khuôn khổ pháp lý, cơ chế hợp tác, tạo nền tảng quan trọng góp phần thúc đẩy hợp tác kinh tế - đầu tư - thương mại giữa hai nước phát triển trên tinh thần cùng có lợi và bổ trợ lẫn nhau.
Thủ tướng khẳng định Saudi Arabia là đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam ở khu vực Trung Đông. Trong khi đó, Việt Nam cũng là đối tác quan trọng, là cầu nối với khu vực ASEAN của Saudi Arabia. Những kết quả hợp tác đã đạt được giữa hai nước là rất đáng trân trọng, tuy nhiên, vẫn chưa thực sự tương xứng với tiềm năng. Hai bên còn nhiều dư địa hợp tác, nhiều tiềm năng, thế mạnh có thể bổ sung, hỗ trợ lẫn nhau.
“Hai nước Việt Nam-Saudi Arabia có nhiều điểm tương đồng, có tiềm năng hợp tác, dư địa hợp tác giữa hai nước còn rất lớn, cần tiếp tục thúc đẩy, nhất là trong lĩnh vực phát triển đô thị, thực phẩm Halal, lao động việc làm, đào tạo nguồn nhân lực, các lĩnh vực mới nổi như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức”, Thủ tướng chia sẻ.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Việt Nam định hướng thu hút đầu tư có chọn lọc, tạo sự kết nối lan tỏa giữa khu vực FDI. Theo đó ưu tiên các lĩnh vực tăng trưởng xanh, cơ sở hạ tầng, năng lượng, công nghiệp công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, hỗ trợ khởi nghiệp... để tạo động lực giúp cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng.
Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, Hiệp hội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Saudi Arabia tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong các hoạt động quảng bá môi trường đầu tư, thúc đẩy hợp tác giữa doanh nghiệp Việt Nam và Saudi Arabia để cùng nhau triển khai các hoạt động kinh doanh hiệu quả, thành công, đem lại lợi ích thiết thực cho hai nước.
Cho rằng với vị thế và vị trí địa lý thuận lợi, Việt Nam và Saudi Arabia có vai trò quan trọng tại khu vực ASEAN và GCC, Thủ tướng mong muốn Việt Nam và Saudi Arabia phối hợp chặt chẽ, cùng nhau trở thành cầu nối để doanh nghiệp hai bên không chỉ cùng tham gia thị trường của nhau mà còn mở rộng ra cả khu vực tiềm năng, rộng lớn ASEAN và GCC.
Thủ tướng nhấn mạnh trên tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”, Việt Nam cam kết bảo đảm quyền lợi hợp pháp, chính đáng của doanh nghiệp; chào đón, luôn lắng nghe, đồng hành, hỗ trợ và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp nước ngoài nói chung và các doanh nghiệp Saudi Arabia nói riêng đầu tư kinh doanh hiệu quả, lâu dài và bền vững tại Việt Nam.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chứng kiến Lễ ký Biên bản ghi nhớ giữa Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) với Liên đoàn các Phòng Thương mại Saudi Arabia (FSC). (Nguồn: TTXVN) |
Nhân dịp này, dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và lãnh đạo các bộ, ngành hai nước, các doanh nghiệp Việt Nam-Saudi Arabia đã ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác gồm: Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Liên đoàn các Phòng Thương mại Saudi Arabia; Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Công ty Đầu tư Công nghiệp Zamil (ZIIC) và Công ty TNHH Việt Nam Thép xây dựng Zamil (ZSV) về dự án mở rộng ZSV tại Việt Nam (giai đoạn 2023-2030); Biên bản ghi nhớ giữa Vietravel và Công ty Du lịch ITL về hợp tác trong lĩnh vực du lịch; Biên bản ghi nhớ giữa Thương vụ, Đại sứ quán Việt Nam tại Saudi Arabia và Công ty Data Management Cooperation về hợp tác thúc đẩy thương mại.