TIN LIÊN QUAN | |
Mỹ, Anh cân nhắc các lệnh trừng phạt mới đối với Nga và Syria | |
Máy bay Nga, Syria không kích dữ dội thành phố Aleppo |
Giải pháp hiệu quả duy nhất?
Trang tin National Interest (Mỹ) mới đây có bài phân tích "Mỹ chuẩn bị tham chiến trực tiếp tại Syria?" của chuyên gia phân tích độc lập Daniel DePetris. Theo tác giả, Chính quyền Tổng thống Barack Obama đang tranh luận về chủ đề được lặp đi lặp lại nhiều lần: Đã đến lúc Mỹ cần can thiệp quân sự để chống lại Chính quyền Bashar al-Assad, qua đó trợ giúp phe đối lập tại Syria hay chưa?
DePetris cho biết, Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ đã tranh luận và xem xét vấn đề nhạy cảm này và đưa ra nhiều phương án khác nhau, từ việc trừng phạt kinh tế bổ sung Nga đến việc không kích nhằm vào các căn cứ quân sự của Chính quyền Syria.
Khói bốc lên sau một đợt không kích của quân đội Mỹ ở Aleppo, miền Bắc Syria. (Nguồn: Reuters) |
Nhiều quan chức Chính phủ và các nghị sĩ, bao gồm nhiều đồng minh ủng hộ chính sách ngoại giao của Tổng thống Obama như Tim Kaine, Jeanne Shaheen và Ben Cardin cũng đang kêu gọi Chính quyền Mỹ cần có hành động kiên quyết hơn trong vấn đề Syria. Tuy nhiên, câu hỏi nói trên vẫn chưa được trả lời, dù cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ đều đưa ra những lời lẽ ngày càng cứng rắn hơn nhằm vào Syria. Liệu Quốc hội Mỹ có chấp nhận để Tổng thống Obama tiến hành các hoạt động quân sự như những lời kêu gọi này, hay sẽ lại tiếp tục khoanh tay đứng nhìn?
Theo các chuyên gia pháp luật Mỹ, Tổng Tư lệnh - đồng thời là Tổng thống Mỹ có quyền quyết định các vấn đề liên quan tới lợi ích an ninh quốc gia và triển khai quân đội tới vùng chiến sự theo Đạo luật quyền tiến hành chiến tranh của Mỹ, mà không cần sự chấp thuận của Quốc hội trong 60 ngày (có thể mở rộng thêm 30 ngày). Nếu sau khoảng thời gian này Nhà Trắng không nhận được sự ủy quyền của Quốc hội thì quân đội Mỹ mới ngừng hoạt động và rút lui khỏi vùng chiến sự.
Tuy nhiên, Syria không phải là một cuộc chiến thông thường mà là một cuộc xung đột sắc tộc và mỗi dân tộc được hỗ trợ, hậu thuẫn bởi nhiều thế lực trong và ngoài khu vực để tối đa hóa ảnh hưởng của họ. Đó là lý do tại sao ông Obama muốn Quốc hội Mỹ cho phép sử dụng vũ lực khi có đủ kết luận rằng, kế hoạch không kích và đưa quân vào Syria là giải pháp hiệu quả duy nhất để thuyết phục chế độ cầm quyền tại Syria trở lại bàn đàm phán với các phe đối lập, hướng tới một thỏa thuận chia sẻ quyền lực đầy khó khăn nhưng vô cùng quan trọng đối với quốc gia Trung Đông này.
Nhân tố Nga - Thổ
Ngày 14/10, Tổng thống Obama đã nói với Lầu Năm Góc và giới tướng lĩnh nước này rằng, thay vì vũ trang cho các nhóm nổi dậy chống Tổng thống Bashar al-Assad ở Syria, Washington sẽ quay lại bàn đàm phán với Moscow để hợp tác nhằm chấm dứt sự thù địch ở Syria. Do đó, ngày 15/10, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã gặp người đồng cấp Nga Sergey Lavrov tại Lausanne (Thụy Sỹ), với sự tham gia của các Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ, Iran và Saudi Arabia.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (trái) gặp người đồng cấp Nga Sergei Lavrov tại Lausanne, Thụy Sỹ ngày 15/10. (Nguồn: RT) |
Theo đánh giá của mạng tin Debka, trên thực tế, Tổng thống Obama chưa từng xem xét một cách nghiêm túc việc cung cấp vũ khí phòng không cho lực lượng nổi dậy Syria để bắn hạ các máy bay chiến đấu của Nga và Chính phủ Syria. Debka cho rằng, những lựa chọn của Mỹ trong việc can thiệp vào cuộc chiến Syria đang nhanh chóng bị thu hẹp vì nhiều lý do.
Thứ nhất, Mỹ không có cách nào để đưa tên lửa tới tay các nhóm nổi dậy Syria, nhất là những nhóm đang chiến đấu ở Aleppo. Cả Nga và Thổ Nhĩ Kỳ (đang kiểm soát 5.000 km2 phía Bắc Syria) sẽ không để cho những vũ khí này đến được đích.
Thứ hai, nếu đồng ý với giải pháp này, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan chỉ cần ra lệnh cho quân đội của ông mở một tuyến đường để cung cấp tên lửa cho phe nổi dậy đang bị bao vây ở Aleppo bởi các lực lượng Nga, Syria, Iran và Hezbollah. Tuy nhiên, Tổng thống Erdogan từ chối đưa ra mệnh lệnh đó vì những thỏa thuận quân sự mà ông vừa đạt được với người đồng cấp Nga Vladimir Putin hồi tuần trước ở Istanbul, qua đó gạt bỏ mọi mối lo ngại liên quan tới số phận những nhóm nổi dậy ở Aleppo.
Các tay súng nổi dậy ở Aleppo. (Nguồn: FSA) |
Thứ ba, “vùng an ninh” Thổ Nhĩ Kỳ ở miền Bắc Syria tiếp nhận lực lượng nổi dậy Syria đang rút khỏi nhiều vùng chiến sự, trong đó có Aleppo. Vì vậy, ông Erdogan sẽ trở thành nhà bảo trợ cao cấp cho các phong trào nổi dậy ở Syria, trừ Mặt trận Nusra và những nhóm cực đoan Hồi giáo khác. Điều này cũng sẽ cho phép ông Erdogan lấy đi vai trò bảo trợ của Mỹ, Saudi Arabia, Jordan và Qatar và ảnh hưởng của những nước này đối với phong trào nổi dậy chống ông Assad.
Thứ tư, hợp tác quân sự Ankara - Moscow đang nhanh chóng làm xói mòn quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Sự việc đi xa tới mức Ankara và Moscow đã bàn trước về khả năng cung cấp các hệ thống phòng không của Nga cho quân đội Thổ Nhĩ Kỳ. Các nguồn tin tình báo của Debka tiết lộ rằng, hai bên đang thảo luận việc lắp đặt hệ thống tên lửa hiện đại của Nga ở Thổ Nhĩ Kỳ, liên kết với lá chắn tên lửa phòng không đang được Nga xây dựng ở Syria.
Có thể thấy, khi nhiệm kỳ Tổng thống sắp kết thúc, ngay cả khi ông Obama có được cái gật đầu của Quốc hội, thỏa thuận hợp tác quân sự Thổ Nhĩ Kỳ - Nga mới đây cùng tham vọng của hai quốc gia này sẽ khiến Mỹ khó tiến hành can thiệp quân sự tại Syria.
Nga sẽ triển khai lực lượng không quân thường trực tại Syria Ngày 14/10, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký phê chuẩn đạo luật liên quan đến thỏa thuận triển khai một lực lượng thường trực ... |
Tân Tổng Thư ký LHQ: Phải đoàn kết để chấm dứt cuộc chiến Syria "Điều quan trọng hơn cả là phải đoàn kết bất luận đang tồn tại những khác biệt như thế nào. Đã tới lúc cần phải ... |
Tổng thống Nga chỉ trích Mỹ trong vấn đề Syria Ngày 12/10, trả lời phỏng vấn kênh truyền hình TF1 của Pháp, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đề cập tình hình xung đột tại ... |